Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho phong trào thi đua yêu nước
Ngày đăng: 03:32 11/06/2019
Lượt xem: 3.139

Cách mạng Tháng Tám thành công - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, để đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, đó là: chống đói; chống dốt; Tổ chức Tổng tuyển cử; Xoá bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng; Xóa bỏ những thứ thuế bóc lột vô nhân đạo; Thực hiện tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết.

Công việc đầu tiên có tính chất cấp bách và quan trọng đối với chính quyền cách mạng là phải đưa lại những quyền lợi thiết thực, chăm lo đến đời sống của nhân dân… để quần chúng gắn bó mật thiết với Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt giặc dốt, “mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần dân chúng bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính (1) và sau đó tổ chức phong trào “Tuần lễ vàng”, phong trào “Nam tiến” chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống Pháp xâm lược...

Trong bối cảnh lịch sử lúc này, việc phát động toàn dân tham gia thực hiện các chiến dịch và phong trào giúp nhanh chóng giải quyết được nạn đói, nạn dốt, tăng cường chi viện cho kháng chiến ở miền Nam, nâng cao nhận thức chính trị và khẳng định quyền làm chủ thực sự của nhân dân đối với đất nước mới giành được độc lập. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thực hành “Đời sống mới” như “một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc” trên tinh thần “người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác”(2) và yêu cầu “các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm”(3). Trong thời gian này, Người cũng đề nghị “những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau”(4) .

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, trước yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến toàn diện đi đến thắng lợi hoàn toàn, đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, những tàn dư của chế độ cũ vẫn còn ảnh hướng rất lớn trong xã hội, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm vẫn còn là một vấn nạn đối với đất nước... Để động viên toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Chỉ thị nêu rõ: “Mục đích của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”(5).

Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1948(6)

Ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, Người viết: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, chúng ta phải đi mau. Vì vậy,… phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước”(7).

Để tổ chức thực hiện và phát triển phong trào, ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, các cấp và quy định thành phần của Ban Vận động thi đua ái quốc các cấp; Sắc lệnh số 196-SL về việc đề cử những cán bộ có uy tín trong Chính phủ, Quốc hội, Đoàn thể vào Ban Vận động thi đua ái quốc (quyết định nhân sự của Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương). Người chỉ đạo Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương phải xây dựng chương trình huấn luyện thiết thực, có ban huấn luyện và có cán bộ được huấn luyện chuyên nghiệp làm nòng cốt cho phong trào thi đua ở các cấp từ địa phương đến Trung ương.

Sắc lệnh số 195-SL (8) và Sắc lệnh số 196-SL (9) ngày 1/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau đó, ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc có tổ chức ở nước ta. Trong Lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “… bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”(10). Từ đây, phong trào thi đua ái quốc, còn được gọi là phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện đã gắn liền với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và lịch sử dân tộc.

Trong suốt quá trình phong trào thi đua ái quốc được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Để thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, Người nhấn mạnh: “… phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng các cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực…”(11). Phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng...

Trong Thư gửi Hội nghị thi đua ái quốc tháng 6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một số ý kiến đối với phong trào: “Phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái. Nhiều đơn vị đã có kết quả khá. Nhưng: Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng; Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm”(12).

Trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công gửi đồng bào cả nước ngày 1/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiện nay, kháng chiến đã đến thời kỳ đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, thì phong trào Thi đua ái quốc cũng phải nhằm vào mục đích ấy. Vì vậy, chương trình thi đua trong giai đoạn này vẫn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng tiến lên một bước mạnh hơn”(13), đáp ứng những nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng những tấm gương điển hình.

Để tổng kết phong trào thi đua chiến đấu và sản xuất phát động từ năm 1948, Chính phủ quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu. Đại hội họp từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 với 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các lực lượng công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc. Đại hội tuyên dương 7 anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Đại hội là sự động viên kịp thời với cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong giai đoạn mới - giai đoạn tổng phản công và đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là giành thắng lợi trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo có từ những nǎm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được tiếp tục duy trì, phát huy trong những nǎm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II diễn ra từ ngày 7 đến ngày 8/7/1958 tại Hà Nội, có trên 450 đại biểu cá nhân tham dự. Ngoài ra, còn có đại biểu của 75 đơn vị xuất sắc tại các xí nghiệp, công trường, tổ đổi công, hợp tác xã và bộ đội, 18 tập đoàn sản xuất xuất sắc của đồng bào miền Nam, đại diện cho các anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1952, 10 đại biểu công nhân các xí nghiệp thuộc khu vực tư doanh. Đại hội đã tuyên dương 26 Anh hùng lao động và đề nghị Nhà nước tặng 618 Huân chương Lao động các hạng, 38 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước. Đại hội đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa ...

Những nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã góp phần cổ vũ và tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, thi đua yêu nước thực sự trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn cả dân tộc, mọi lứa tuổi, mọi ngành, mọi lĩnh vực tham gia, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Thi đua yêu nước thực sự là một động lực và là một tiềm nǎng to lớn. Việc nghiên cứu tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng. Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

----------------------------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 7.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.119.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.128.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 185.

5. Văn kiện Lịch sử Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, t.9, tr. 71.

6. Nguồn: TTLTQG III, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 130, tờ 01.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 513.

8. Nguồn: TTLTQG III, Phông Phủ Thủ tướng, ML 2, Hồ sơ 07, tờ 39.

9. Nguồn: TTLTQG III, Phông Phủ Thủ tướng, ML 2, Hồ sơ 07, tờ 40.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 556. 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 146.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 134.

13. Báo Sự thật, số 116, ngày 1/8/1949.

ThS. Nguyễn Vân

(Đặc san thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 54)

 

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi