Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân Nhân dân Việt Nam và tuyến chi viện chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngày đăng: 10:26 21/10/2021
Lượt xem: 5.053

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người từng tuyên bố trước quốc dân đồng bào:“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”1) . 

Mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ mà oanh liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đi sát chỉ đạo, động viên quân và dân ta đoàn kết, kiên cường, kiên trì chiến đấu quyết tâm thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đánh giá công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc giành thắng lợi. Chính vì vậy, việc mở con đường vận tải trên biển chi viện cho miền Nam đúng thời cơ đã thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân uỷ Trung ương. 
Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và tay sai. Nhân dân ta bước vào cuộc đấu tranh để thống nhất hai miền. Đứng trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt ra vấn đề phải xây dựng một lực lượng hải quân chính quy, làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân trên biển, là tuyến chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
Ngày 26-4-1955, để chuẩn bị cho việc thành lập Cục phòng thủ bờ bể, thực hiện nghị quyết của Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã ra quyết định số 1125/QP-TTL thành lập trường Huấn luyện bờ bể (mang phiên hiệu C45) và Xưởng sửa chữa tàu thuyền (mang phiên hiệu C46). Ngày 07-5-1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ với nhiệm vụ “giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này gọi là quân khu)”2) . Ngày 7-5 đánh dấu Quân đội Việt Nam đã có một lực lượng hải quân chính thức bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. 
Một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị nhận định: "Cách mạng Việt Nam do Ðảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội”3) . Đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ chung của cách mạng đề ra, để lực lượng Hải quân nhanh chóng phát triển theo hướng chính quy, ngày 24-01-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay cho Cục Phòng thủ bờ bể với chức năng, nhiệm vụ “Là cơ quan giúp Bộ Quốc phòng- Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng và chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý các quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc trong thời bình, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang các địa phương chiến đấu trong thời chiến”4) .
Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng Hải quân tiến lên chính quy, hiện đại, bộ đội Hải quân luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn dành thời gian đến thăm các đơn vị Hải quân và chỉ đạo công tác xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển lực lượng hải quân đối với công tác chi viện cho miền Nam trên tuyến vận tải biển sau này. 
Hai tháng sau khi Cục Phòng thủ bờ bể chuyển thành Cục Hải quân, ngày 30, 31-3-1959, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội Hải quân. Người đi thăm Trường Huấn luyện Hải quân và Xưởng 46, hai cơ sở của Hải quân đào tạo về con người và đảm bảo an toàn về vật chất, kỹ thuật. Ngay từ khi thành lập, Trường Huấn luyện Hải quân đã có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo cán bộ, thuỷ binh cho các thuỷ đội và đài quan sát, đồng thời tham gia nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và hoạt động của lực lượng thuỷ binh. Xưởng 46 có nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và vũ khí trang bị kỹ thuật cho các đơn vị hoạt động trên biển. Cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ Hải quân còn có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tổng thanh tra Ban Thanh tra của Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khai, Bí thư Khu uỷ tả ngạn, đồng chí Vũ Kỳ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký của Người và bác sĩ Nhữ Thế Bảo…..
 

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Hải quân, ngày 31-3-1959. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ và bảo quản 24 phim âm bản và ảnh gốc về sự kiện này. Đồng chí Đinh Đăng Định, nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch đã ghi lại các hình ảnh trong chuyến đi: các chiến sĩ Hải quân vui mừng chào đón người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam đến thăm, Người ân cần nói chuyện, thăm hỏi và chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ. Thăm Trường Huấn luyện Hải quân, nói chuyện với giáo viên, học viên nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”5) . Sau này, Trường Huấn luyện Hải quân đã bí mật, khẩn trương đào tạo sỹ quan và thuỷ thủ cho việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là những sĩ quan Hải quân có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Trong số họ, nhiều người đã trở thành những thuyền trưởng, những chính trị viên xuất sắc của “Đoàn tàu không số”. 
Tháng 9-1960, Ðại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng họp và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, xác định nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ của hai miền cũng như mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong diễn văn bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Ðại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Ðảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà"6) . Đây chính là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 20-01-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Sau khi phân tích tình hình chính trị miền Nam, Người chỉ rõ: “Ta phải dự kiến mấy khả năng để tránh bị động”7) . 
Ngay sau đó, tháng 3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội Hải quân. Sự kiện gồm 13 phim âm bản và ảnh gốc do nhà nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch Đinh Đăng Định chụp hiện đang được bảo quản và lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Gặp gỡ các cán bộ và chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”8) ... Lời dặn dò của Người là định hướng chiến lược sáng suốt nhằm xây dựng Hải quân Việt Nam từng bước chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, sẵn sàng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh. Hải quân ta tiến lên hiện đại nhưng cần kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông, có cách đánh phù hợp với con người, vũ khí và điều kiện cụ thể mà mình có. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 
 

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ Hải quân, tháng 3-1961. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam và nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tuyến đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam. Ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên đã rời cảng Hải Phòng, vận chuyển vũ khí đến Cà Mau. Khi nhận được tin chuyến tàu đến nơi an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi điện ngay cho Ban Chỉ huy Đoàn 759. Người biểu dương những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đã đóng góp công sức để lập nên chiến công xuất sắc đó. Người chỉ thị: "Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam, Bắc sớm sum họp một nhà"9) .
Đặc biệt, quan tâm đến lực lượng hải quân, ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh. Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”10) . Lời căn dặn của Người là nguồn động viên, cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tháng 8-1963, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định chuyển giao Đoàn 759 từ Bộ Tổng Tham mưu về trực thuộc Cục Hải quân; giao cho Hải quân thêm nhiệm vụ trực tiếp chi viện chiến trường miền Nam. Ngày 29-01-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 30/QĐ đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhiệm vụ của Đoàn 125 chủ yếu vẫn là chở vũ khí vào các tỉnh Nam Bộ với phương châm vận chuyển là nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật và an toàn. 
Ngày 27 và 28 tháng 3 năm 1964, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Tại Hội nghị, Người kêu gọi quân và dân miền Bắc phải nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động khiêu khích, phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai, hết lòng chi viện cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Lời kêu gọi của Bác Hồ đã cổ vũ mạnh mẽ quân dân trên cả hai miền Nam - Bắc phấn khởi, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp cách mạng của cả nước tiến lên bước mới. Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2 và 5-8-1964, Hải quân nhân dân cùng lực lượng phòng không kiên cường chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, nối tiếp truyền thống “đã ra quân là lập chiến công” của Quân đội ta. Sau chiến thắng hào hùng, ngày 7-8-1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, khen ngợi các chiến sĩ đã lập chiến công và căn dặn: “Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”11) . (Bản thảo Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị này gồm 02 bản: bản thảo viết tay có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản đánh máy, hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh). 
Lời căn dặn của Bác cùng với chiến thắng vẻ vang là nguồn cổ vũ, khích lệ cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng cũng như Đoàn 125 quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. Từ cuối năm 1962 đến cuối năm 1964, lực lượng tàu thuyền của Đoàn đã đi 81 chuyến, đưa được 4.400.292 tấn hàng hóa, vũ khí chi viện cho quân dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đánh địch12) . Các chuyến vận chuyển trên biển này không chỉ chi viện vật chất, trang bị kỹ thuật, vũ khí cho miền Nam mà còn mang đến cho đồng bào niềm tin vào Đảng, Bác Hồ và niềm tin vào chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần quan trọng cùng quân dân miền Nam làm thất bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy.
Động viên các chiến công của chiến sĩ Hải quân, ngày 11-8-1965, nhân dịp Hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân đăng trên báo Nhân dân số 4147, ngày 11-8-1965. Trong thư, Người khen ngợi thành tích của Hải quân: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta.”13) . Đồng thời, Người cũng nhắc nhở: “Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”14) .
Hiện nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ bản thảo lá thư này. Theo hồ sơ lưu tại Bảo tàng, tài liệu bản thảo thư do Văn phòng Phủ Chủ tịch lưu giữ từ lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Người qua đời, Văn phòng giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bản thảo gồm 02 bản:
Bản thảo 1 gồm 01 trang đánh máy trên giấy pơ luya trắng. Kích thước 21x27cm. Trên bản thảo có nhiều nét gạch sửa, câu chữ bổ sung, viết bằng mực đỏ, là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản thảo 2 gồm 01 trang đánh máy, chữ mực đen trên giấy có kích thước 21x27cm. Bản 2 đánh máy lại nội dung bản 1 đã sửa chữa.
 

Ảnh: Bản thảo Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, tháng 8-1965. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Bản thảo thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ Hải quân là tài liệu quý thể hiện sự yêu thương, quan tâm chỉ bảo và động viên kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người lính hải quân. Tình cảm của Bác Hồ kính yêu giúp các chiến sĩ quyết tâm chiến đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, cùng phấn đấu cho ngày mai thống nhất nước nhà. 
Thấm nhuần những lời dạy quý báu của Người, các chiến sĩ quân chủng Hải quân tiếp tục nỗ lực vừa xây dựng vừa chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giành nhiều chiến công vang dội. Suốt 14 năm (1961-1975) kiên trì, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc thực hiện vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện miền Nam, làm nên con đường huyền thoại trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trên tuyến đường chi viện cho tiền tuyến lớn, Quân chủng Hải quân đã vận chuyển được nhiều chuyến vũ khí vào chiến trường miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, những “Đoàn tàu không số” đã bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù cùng muôn vàn khó khăn gian khổ đã chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí trang bị và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Chiến công to lớn này của Hải quân nhân dân Việt Nam góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thoả lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích lớn lao của của quân và dân ta, mãi mãi là niềm tự hào của Đoàn 125 Hải quân và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Là lực lượng nòng cốt trong tuyến chi viện chiến lược trên biển, Hải quân luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội Hải quân, bức thư Người gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân cùng tài liệu bản thảo bài nói chuyện hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là nguồn sử liệu quý không chỉ cho thấy tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Hải quân mà còn thấy được tầm nhìn chiến lược của Người trong việc xây dựng lực lượng tác chiến trên biển để mở tuyến chi viện “huyền thoại”. 
Khắc sâu tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Hải quân không ngừng phát huy truyền thống, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia. Những lời căn dặn, nhắc nhở, động viên của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành lý tưởng, mục tiêu để Hải quân Nhân dân Việt Nam “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên biển, xây dựng và phát triển đất nước./.
---------------
1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.470
2) Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.36
3)  Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 20, tr.62
4)  Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.51
5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 7, tr.202
6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.680
7)  Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 8, tr.8
8)  Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 8, tr.36
9) Dẫn theo Quân chủng Hải quân: Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.95
10)  Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 8, tr.241
11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.367
12)  Quân chủng Hải quân: Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011), Sđd, tr.1172
13) Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, tập 14, tr.597
14)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.597
 

Ths. Nguyễn Hương Giang

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi