Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 04:18 11/01/2022
Lượt xem: 4.006

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, giữ gìn bí mật của tổ chức, của cách mạng. Người khẳng định cách mạng muốn thành công thì nhất thiết phải giữ gìn được bí mật, vì vậy, nhiều lần Người căn dặn cán bộ, chiến sỹ phải nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật của cơ quan, tổ chức và của Đảng, Nhà nước để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của cách mạng. Người viết trong bài “Phải giữ bí mật của nhà nước” trên Báo Nhân Dân ngày 01/02/1956: “Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khóa, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn”1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết về "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa" vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Thời điểm Người căn dặn, bối cảnh miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị đế quốc Mỹ và tay sai xâm lược, chúng đang điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, không chịu tiến hành tổng tuyển cử để hai miền Nam Bắc thống nhất. Do đó, tại thời điểm lịch sử này, Người đặt vấn đề theo cách ví von để từ việc nhà, Người nói đến việc nước “Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định, những bí mật nhà nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng… là tài sản quan trọng, có liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến sự mất còn của dân tộc và bảo vệ bí mật Nhà nước là trách nhiệm của mọi công dân. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người phải cẩn thận trong tất cả các công việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, đặc biệt là những việc liên quan đến bí mật của Nhà nước. Có như vậy, mới làm địch không thể đánh cắp được các văn kiện bí mật của ta và đó cũng là một cách để bảo vệ thành quả cách mạng, để giữ nước.
 
Người cũng cho rằng cán bộ ta được những năm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cán bộ vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và xem nhẹ việc giữ gìn bí mật của Nhà nước. Điều đó thể hiện trong một số việc như: Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật. Mang văn kiện bí mật về nhà xem. Xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình. Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn... Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói. Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật…Những khuyết điểm, sai lầm trên dù chủ quan hay khách quan cũng đều làm hại cho cách mạng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
 
Bác cũng chỉ ra một số đối tượng do bản lĩnh không vững vàng nên cũng đã tiết lộ bí mật cho địch. Người viết: “Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ăn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch”. Từ đó, Bác đã nghiêm khắc chỉ ra nguyên nhân, phân tích lý do và khẳng định: “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch” và nhấn mạnh đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Vì vậy, Người yêu cầu: Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này.Người cho rằng: “Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này” vì “Chống bọn phá hoại cũng như chống mật thám Mỹ, cách tốt nhất là tổ chức và giáo dục nhân dân đến nơi đến chốn. Lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần cảnh giác của nhân dân là cái lưới (thiên la địa võng), bất kỳ bọn phá hoại nào, bọn mật thám nào cũng không lọt được cái lưới ấy của nhân dân”2.
 
Trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, nguy cơ bị lộ, lọt hoặc bị đánh cắp bí mật quân sự, bí mật quốc gia càng trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Với tính chất siêu kết nối, tốc độ lan tỏa thông tin siêu nhanh, bất cứ thông tin nào xuất hiện trên mạng xã hội cũng có thể đến với mọi người có mặt ở khắp nơi trên thế giới trong thời gian ngắn. Nếu đó là những thông tin tích cực, lành mạnh, nhân văn sẽ góp phần nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong xã hội. Ngược lại, nếu đó là những thông tin tiêu cực, độc hại sẽ như thứ “đại dịch” lây lan, gây ra những tác hại không nhỏ đối với môi trường thông tin, môi trường văn hóa xã hội.
 
Thời gian qua, trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn có ý thức phòng gian bảo mật, đề cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ bí mật nhà nước, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ quan, lơ là, khinh suất, thiếu cảnh giác, làm rò rỉ, lộ, lọt thông tin nội bộ cơ quan, đơn vị và những thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, gây bất lợi cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng. Thống kê cho thấy trong khoảng 10 năm qua đã phát hiện hơn 1.000 vụ làm lộ bí mật nhà nước. Bên cạnh những trường hợp cố tình làm lộ bí mật nhà nước phải xử lý nghiêm minh, vẫn còn nhiều trường hợp làm rò rỉ thông tin nội bộ, thông tin nhạy cảm của cơ quan, đơn vị xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ sự vô tư đến mức vô tâm của chính những người sử dụng mạng xã hội.
 
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 không chỉ quy định những vấn đề liên quan đến các chiến lược an ninh chính trị, an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân sự, đối ngoại… nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn quy định những nội dung không được phép để rò rỉ, tán phát, như: Thông tin về quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; đề thi, đáp án thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức; đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia… 
 
Để xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động mặt trái của thời đại công nghệ số và mạng xã hội không dễ quản lý, kiểm soát còn xuất phát từ một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các quy trình, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước còn sơ hở, thiếu sót, nhất là khi trao đổi, cung cấp thông tin có nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Chưa nắm vững quy trình soạn thảo, đề xuất, xác định độ mật cho văn bản nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Công tác thống kê, phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật còn chưa bảo đảm theo quy định. Chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoại vi (như USB, ổ cứng di động, điện thoại di động thông minh...) để quản lý chặt chẽ bảo đảm đúng quy định trong lưu trữ tài liệu chứa bí mật nhà nướchoặc làm trung gian truyền đưa dữ liệu kết nối giữa máy vi tính có nối mạng Internet và máy tính dùng soạn thảo văn bản bí mật nhà nước.
 
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong in ấn, gửi nhận văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số trở nên phổ biến trong khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm vững, chưa xác định được nội dung thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước của đơn vị nên nguy cơ làm lộ, lọt bí mật Nhà nước trước sự tấn công trên không gian mạng ngày càng gia tăng.
 
Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ bí mật nhà nước cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc rằng, bảo vệ bí mật nhà nước nói chung, bảo vệ những thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị nói riêng là thiết thực góp phần xây dựng môi trường thông tin an toàn, môi trường văn hóa lành mạnh; đồng thời góp phần phòng, chống, ngăn chặn âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch.
 
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kịp thời triển khai và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước để tổ chức thực hiện; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước để chủ động phát hiện và khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
 
Thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; nâng cao nghiệp vụ bảo vệ bí mật nhà nước đối với những cán bộ thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với bí mật nhà nước. Phân công cán bộ thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và có chế độ, chính sách bảo đảm theo quy định bí mật nhà nước.
 
Chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên văn thư, bảo mật, cơ yếu và những người làm việc trong các cơ quan tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, nội chính, tư pháp, xuất nhập cảnh… Đây là lực lượng cốt yếu trong việc lưu giữ những thông tin nội bộ, thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước. Nếu đội ngũ này không được kiểm soát, quản lý sâu sát về mọi phương diện, nhất là về các mối quan hệ xã hội, thì có thể làm rò rỉ thông tin gây bất lợi cho việc bảo vệ bí mật nhà nước.
 
Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để làm tốt công tác bảo mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị, tạo dựng các “tường lửa” để phòng, chống hiệu quả tin tặc tấn công, lấy cắp thông tin nội bộ, thông tin thuộc bí mật nhà nước trên mạng máy tính.
 
Tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt khác, cần xử lý nghiêm mọi hành vi vì lợi ích cá nhân mà cố tình cung cấp bí mật nhà nước cho đối phương.
 
Bảo vệ bí mật Nhà nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Lời dạy của Người là lời huấn thị, nhắc nhở nghiêm khắc mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên phải nhận thức hết sức sâu sắc, đầy đủ và nghiêm túc việc giữ bí mật của Đảng, Nhà nước, của ngành và từng cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Mỗi người Việt Nam yêu nước phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và sự ngăn nắp trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Dù làm việc gì cũng phải chu đáo cẩn thận, những việc liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc thì càng phải kín kẽ, tỉ mỉ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo mật thông tin, ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng mọi lúc, mọi nơi, không để cho kẻ địch có cơ hội lấy cắp những thông tin của cá nhân, của đơn vị và Nhà nước.
 
----------------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 10, tr.262.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 10, tr.263.
 

Kim Anh

Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi