Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020
Ngày đăng: 08:33 26/12/2019
Lượt xem: 1.402

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đến dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo và đông đảo đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 10 thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 nhằm tổng kết những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Hội nghị tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, để có thể có một đánh giá tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được mở rộng và đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng; đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng-an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Không những vậy, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có nhiều cố gắng trong việc dàn dựng tác phẩm, tiết mục và tổ chức biểu diễn. Tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp. Các ban, nhóm nhạc xã hội hóa hoạt động sôi động, tạo nên đời sống âm nhạc phong phú, đa dạng.

Hoạt động văn học nghệ thuật, thông tin báo chí được mở rộng, có nhiều thành tựu đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng.

Đời sống văn hóa của nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, ở vùng gặp khó khăn như miền núi, hải đảo, biên giới dần được cải thiện. Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa - du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.

Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng và có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc, việc quảng bá hình ảnh dân tộc và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được chú ý.

Tại Hội nghị, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của Chiến lược, đại diện các Cục, Vụ như Vụ Thư viện, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Bản quyền tác giả, Cục Điện ảnh, Cục Di sản văn hóa… và các địa phương đã nêu những kết quả đạt được trong từng lĩnh vực cụ thể cũng như đề xuất những phương hướng, giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 10 năm qua việc thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều lĩnh vực văn hóa đã có thể lượng hóa được bằng số liệu để nhìn nhận rõ sự phát triển, thay đổi chứ không chỉ là những nhận định cảm tính.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trong lĩnh vực điện ảnh, dù còn những tồn tại, nhưng nhìn lại 10 năm qua, khi bắt đầu thực hiện Chiến lược, từ con số 8 phim truyện được sản xuất/năm, có 63 rạp chiếu phim thì đến năm 2019 các hãng phim đã sản xuất có 41 phim truyện, cả nước có 544 rạp chiếu phim.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, đối với nhận định văn hóa đọc đang đi xuống thì trong năm 2019 ngành thư viện ghi nhận hơn 47 triệu lượt người đến các thư viện công cộng (so với 19 triệu người của năm 2009). Ngành xuất bản có bước tiến mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15-20% về số bản sách, từ 8-10% về số đầu sách, 10-15% về trang in. Sự phát triển đa dạng của hệ thống thư viện, phòng đọc tư nhân…

Cũng theo Phó Thủ tướng, từ báo cáo của Bộ VHTTDL cũng cho thấy số người, gia đình tham gia tập thể dục, tham gia vào các hoạt động văn hoá, thể thao cũng tăng lên rất nhiều.

"Ngay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, việc người dân tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cũng là một tiến bộ rất lớn về văn hoá", Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian tới, ngành VHTTDL cần đẩy mạnh chuẩn hóa các tiêu chí, xây dựng phương pháp lượng hóa làm cơ sở để đánh giá, định hướng xã hội trước các vấn đề văn hoá, đạo đức. "Đây là việc khó nhưng không phải không làm được" - Phó Thủ tướng nhận định.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng nhận thức trong xã hội về văn hóa được nâng lên, trước hết là trong hệ thống chính quyền các cấp. Nhận thức về văn hóa trong xã hội đã nâng cao, đi sâu vào ngõ ngách của đời sống từ văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp đến văn hóa gia đình, cộng đồng, làng xã.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét, đó đây trong toàn hệ thống và xã hội, văn hóa vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa dành đủ thời gian chỉ đạo, nguồn lực cho văn hóa mà vẫn chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế. "Nơi nào nói nhận thức đủ rồi nhưng thực hiện chưa tốt có nghĩa là nhận thức chưa thực sự sâu sắc", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, sự thụ hưởng của người dân đối với các loại hình văn học nghệ thuật, tham gia vào sáng tác, phổ biến cũng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân rất tích cực tham gia phát triển các thiết chế văn hóa xã hội hoá.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

Nhiều chỉ số thành phần trong Chỉ số phát triển con người của Việt Nam như giáo dục, khoa học, văn hóa cao hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển. Không chỉ mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đem những giá trị, sản phẩm văn hóa thế giới đến Việt Nam mà hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Việt Nam cũng đã tiếp thu, Việt hóa nhiều điểm mới của thời đại, của các nước với tốc độ nhanh hơn trước.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây của ngành du lịch (năm 2019 ước đạt 18 triệu lượt khách quốc tế), không thể thiếu sự đóng góp của văn hoá, con người Việt Nam với sự thân thiện, mến khách, cùng nhiều di sản đặc sắc, độc đáo đang được gìn giữ, phát huy, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng ngành vẫn còn không ít thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. "Chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản mà không khai thác, phát triển kinh tế hợp lý nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản thì sẽ có lỗi rất lớn", Phó Thủ tướng lưu ý và nêu thực tế ở nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa đang đứng trước nguy cơ "biến dạng" do những doanh nghiệp đầu tư chưa có đủ tiềm lực, kinh nghiệm, hiểu biết.

Trước độ mở và sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, không gian mạng đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến tư duy, suy nghĩ của thế hệ trẻ, đặt ra những yêu cầu rất mới trong phát triển con người, Phó Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa 10 năm tới.

"Phát triển văn hóa phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động phát huy sáng tạo cá nhân, dân chủ nhưng phải đi liền với pháp luật, kỷ cương, nhất là phải làm gương. Trước hết từ bộ máy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, từ cao xuống thấp. Cán bộ phải làm gương trước người dân. Người lớn làm gương cho con trẻ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chiến lược giai đoạn mới cần chú ý các yếu tố phù hợp với thời đại 4.0, với mức độ và tốc độ ảnh hưởng ghê gớm. Bên cạnh đó, cần chú ý đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa với ý nghĩa là ngành làm ra tiền đúng nghĩa. Chúng ta vẫn coi công nghiệp văn hóa là sức mạnh mềm nhưng nhiều năm chưa có đột phá. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần lựa chọn một số ngành cụ thể để tập trung đầu tư, tạo sự đột phá.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo cụ thể, thiết thực của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những ý kiến của Phó Thủ tướng được ngành VHTTDL xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là phương châm, định hướng và quyết tâm chính trị để chuẩn bị cho Chiến lược phát triển văn hóa phù hợp trong thời gian tới./.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi