Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nhớ bà Olga Sergeevna Krivosheina, Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin
Ngày đăng: 01:43 05/11/2020
Lượt xem: 1.298

Ngày 9 tháng 5 năm 2008, những hình ảnh về cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm 63 năm chiến thắng phát xít Đức được truyền đi từ Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva, nước Nga lại làm rung động trái tim hàng triệu triệu con người trên toàn thế giới. Trong đoàn quân oai hùng diễu qua lễ đài, chúng ta lại được nhìn thấy những cựu chiến binh Xô viết - những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong đội quân ấy nay lại vắng thêm một người mà tên tuổi và hình ảnh của bà đã khắc sâu trong trái tim của nhiều thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bà Olga Sergeevna Krivosheina, nguyên Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin Mátxcơva. Bà đã từ trần ngày 18 tháng 04 năm 2008 tại Mátxcơva, thọ 86 tuổi.

Bà Olga Kriyoshina sinh năm 1922, Bà thuộc thế hệ những người Xô viết sinh ra sau Cách mạng Tháng Mười. Tuổi trẻ của bà đã trải qua những năm tháng hào hùng trong những năm đầu nhân dân Liên Xô xây dựng CNXH. Năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, như bao thanh niên khác bà Olga đã xung phong ra mặt trận và trở thành nữ du kích chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Liên bang Xô viết, Bà đã được nhận nhiều phần thưởng của Đảng và Nhà nước Liên Xô.
Năm 1962, bà được cử làm Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin, nơi lưu giữ những di sản vật chất và tinh thần của Lênin, lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, người Thầy của giai cấp vô sản thế giới. Bà đã giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin suốt gần 30 năm cho đến khi nghỉ hưu. Bà luôn tự hào về trách nhiệm và vinh dự của mình.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1970, Ban Phụ trách xây đựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập. Ngay từ ngày đầu Ban phụ trách đã đặt quan hệ với Bảo tàng Trung ương Lênin giúp đỡ về kinh nghiệm xây dựng Bảo tàng cũng như đào tạo ngũ cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh tương lai.
 

Đoàn cán bộ của Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan và làm việc với Bảo tàng Trung ương Lênin (Liên Xô), tháng 9/1971

 
Tháng 9 năm 1971, đoàn cán bộ đầu tiên của Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh do đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Ban phụ trách dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với Bảo tàng Trung Lương Lênin. Đoàn đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, những tình cảm nồng hậu, thắm tình đồng chí anh em của Ban Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin, đặc biệt là sự nhiệt tình chu đáo của Bà Giám đốc đối với đoàn. Cũng từ thời điểm này, hai Bảo tàng đã cùng nhau thảo luận và ký kết các văn bản về việc Bảo tàng Trung ương Lênin sẽ giúp đào tạo cán - bộ, truyền đạt những kinh nghiệm về trưng bày Bảo tàng lưu niệm danh nhân và trao đổi các cuộc triển lãm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ đó, hàng năm đều có các đoàn cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang tham quan và học tập tại Bảo tàng Trung ương Lênin. Những cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh từng có dịp tham quan, học tập tại Bảo tàng Trung ương Lênin đều có những ấn tượng tốt đẹp về tấm lòng của những người đồng nghiệp Xô viết, đặc biệt là về bà Giám đốc Olga Krivosheina. 
 

Đoàn đại biểu Bảo tàng Trung ương Lênin (Liên Xô) do bà Giám đốc Olga Krivosheina dẫn đầu sang thăm và làm việc với Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, 20/10/1973

 
Đồng chí Vũ Kỳ, khi sinh thời luôn tự hào về mối quan hệ đẹp đẽ và hiệu quả giữa hai Bảo tàng, trong đó có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa đồng chí và bà Giám đốc. Đồng chí đã nhận kết nghĩa giữa ba Bảo tàng lãnh tụ trong đại gia đình XHCN lúc đó là Bảo tàng Trung ương Lênin ở Liên Xô, Bảo tàng Đimitrốp ở Bungari và Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Mối quan hệ tốt đẹp giữa ba Bảo tàng đã tạo nên nguồn động lực to lớn trong một quá trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhờ sự giúp đỡ của phía bạn và sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cho nên mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế cả ở Việt Nam lẫn Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng tiến độ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Mình về mọi mặt vẫn được thúc đẩy theo đúng kế hoạch. Bà Olga Krivôsheina luôn coi việc giúp đỡ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là trách nhiệm và là tình cảm thiêng liêng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Tất cả những cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được gặp bà đều nhận thấy tình cảm chân thành và sâu sắc đó. Chính bà đã đích thân tìm kiếm và giới thiệu các cơ quan thiết kế nội ngoại thất bảo tàng có uy tín ở Liên Xô như Viện Nghiên cứu thiết kế các công trình văn hoá công cộng toàn Liên bang trực thuộc Uỷ ban Xây dựng Quốc gia Liên Xô, Liên hiệp Mỹ thuật Mátxcơva... và đặc biệt là bà đã lựa chọn các hoạ sĩ mỹ thuật, cán bộ khoa học giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm và nhiệt tình của Bảo tàng Trung ương Lênin, tập hợp thành một nhóm để trực tiếp làm việc với các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bà đã tạo mọi điều kiện có thể để họ phát huy hết khả năng giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam.
Do tuổi cao và còn nhiều trọng trách khác nên bà ít có dịp sang Việt Nam, nhưng mỗi chuyến đi của bà là một niềm vui và hân hạnh cho các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Việc làm và tình cảm của bà đã để lại hình ảnh, người phụ nữ thuần Nga: thông minh nhanh nhẹn với mái tóc màu mây trắng rất gần gũi, thân tình. Bà nói ít mà chăm chú lắng nghe những chia sẻ từ các bạn đồng nghiệp Việt Nam và luôn nở nụ cười thân ái.
Tháng 5 năm 1990, bà có mặt trong Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, hoà cùng không khí vui tươi, tràn ngập niềm tự hào của nhân dân Việt Nam chào đón ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cùng đồng chí Vũ Kỳ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không giấu được sự mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Chính phủ hai nước giao cho. Thật hạnh phúc khi nhìn hai người đồng chí, hai người bạn cao niên đi bên nhau tràn ngập niềm vui. Đó cũng là chuyến sang Việt Nam cuối cùng của bà.
Sau biến cố năm 1991 tại nước Nga, Bảo tàng Trung ương Lênin nhập vào Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga, bà chính thức nghỉ hưu và tham gia Hội Cựu chiến binh chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945, là thành viên tích cực bảo vệ Đảng Cộng sản và Lênin. Bà đã sống một cuộc sống lặng lẽ, bình dị giữa nước Nga sôi động những năm 90 của thế kỷ XX.
Năm 2002, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã trao tặng bà Huân chương Lao động hạng Nhất, ghi nhận những đóng góp to lớn của bà vào việc xây dựng công trình văn hoá tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội và góp phần phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga và Việt Nam ngày nay. Trong dịp này, đồng chí Vũ Kỳ đã gửi tới bà bức thư thể hiện tình cảm sâu đậm. Bức thư có đoạn “... Đồng chí Olga Kriyosheina thân mến! Lâu rồi không gặp nhau... Không gian và thời gian không ngăn cản được tình cảm thân thiết giữa chúng ta! Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành và hoạt động có nhiều kết quả tốt, một phần rất quan trọng là nhờ có đồng chí Olga Krivsheina, Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin, đã đích thân tạo mọi sự giúp đỡ có hiệu quả từ mọi phía, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh học tập thiết thực... Nhớ mãi! Nhớ nhớ mãi! Những ngày vất vả và vinh quang ấy...”. 
Đến hôm nay đồng chí Vũ Kỳ cũng đi xa, nhưng tình cảm cao đẹp của đồng chí với bà Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin Olga Krivôsheina đã, đang và sẽ mãi mãi được các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh kính trọng, như bức điện chia buồn của Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi gia quyến bà Olga Kriyosheina có đoạn “... Bà là người thầy, người bạn, người đồng chí thân thiết của nhiều thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chúng tôi luôn ghi nhớ sự đóng góp to lớn của bà trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh...”. 
Đó cũng là một nén hương thơm tưởng nhớ Lời bà, người phụ nữ tài năng và giàu lòng nhân ái.
 

TS. Nguyễn Thị Tình – Trần Thị Hiền

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi