Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh(*)
Ngày đăng: 02:50 11/11/2020
Lượt xem: 2.446

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có 50 năm hình thành và phát triển, trong nửa thế kỷ đó Bảo tàng đã đón nhận biết bao tâm huyết, tình cảm, nỗi trăn trở và trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng. Đến nay, phần lớn những người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển Bảo tàng đã đi theo Bác, nhưng những đóng góp và tình cảm của họ đối với Bảo tàng vẫn còn mãi mãi. Để tưởng nhớ và tri ân với các thế hệ đi trước, BBT xin đăng lại bài viết của đồng chí Nguyễn Huy Hoan, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1989 - 1997), viết nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hai quyết định quan trọng: một là giữ gìn lâu dài thi hài của Hồ Chủ tịch, hai là xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Để tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, ngày 25 tháng 11 năm 1970, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 206 về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, đứng đầu là các đồng chí đã tham gia cách mạng lâu năm và có cương vị cao:
1. Đồng chí Hà Huy Giáp 
2. Đồng chí Hoàng Tùng 
3. Đồng chí Vũ Kỳ
Tiếc thay trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng các đồng chí đều không còn nữa, nhưng hình ảnh các đồng chí đã in sâu trong tâm khảm chúng tôi.
 

Đoàn người Mỹ đã làm việc với Hồ Chí Minh đầu năm 1945 tại Tân Trào đến Việt Nam và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Huy Hoan tiếp đoàn, 10/1995. Ảnh: BTHCM

 
Ngoài Ban lãnh đạo, rất nhiều đồng chí phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại Cơ quan 41 (mật danh của Văn phòng Bác) để xây dựng Bảo tàng. Trong số các đồng chí đó, một số đồng chí đã mất nhưng chúng tôi không bao giờ quên: các đồng chí Cù Văn Chước, Đinh Văn Cẩn, Ngô Văn Các, Lưu Quang Lập, Đinh Hữu Tam; một số đồng chí trước đây trong Đội cảnh vệ, hoặc làm vườn, cấp dưỡng cũng tình nguyện ở lại xây dựng Bảo tàng.
Tôi nhớ là cuối năm 1972, có 3 sinh viên tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp về nhận công tác: Nguyễn Xuân Thông, Đỗ Đức Hinh và Trần Đình Phụng.
Từ năm 1973 nhận tiếp một số sinh viên tốt nghiệp đại học và cán bộ từ cơ quan khác về làm việc, trong đó có tôi và mấy đồng chí nữa.
Ngày 23 tháng 4 năm 1973, Lãnh đạo Bộ Giáo dục đã ký Quyết định điều động tôi, lúc ấy là cán bộ giảng dạy khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia) về nhận công tác tại Phủ Thủ tướng, thực tế là về công tác tại Cơ quan Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, vì lúc đó mọi sinh hoạt Đảng, Đoàn thể, ngân sách... đều trực thuộc Phủ Thủ tướng.
Trước khi về nhận việc tôi còn nhớ một việc: anh Vũ Kỳ nhờ anh Phạm Chung, Phó Văn phòng Trung ương Đảng đến nơi ở của tôi lúc bấy giờ (78 Hàng Quạt) để xem cuộc sống của tôi như thế nào, quan hệ với nhân dân ra sao. Có lẽ bước lên phòng ở ọp đẹp chỉ có 14 mét vuông với 4 nhân khẩu mà anh Phạm Chung yên tâm đề nghị lấy tôi về.
Lúc về nhận công việc, anh Vũ Kỳ mới giải thích cho tôi rõ thêm lý do lấy tôi về công tác tại Bảo tàng là vì từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 7 năm 1967, tôi được Thành ủy Hà Nội điều động từ ngành giáo dục biệt phái để phụ trách quản lý 11 lưu học sinh Trung Quốc và 8 học sinh Triều Tiên sang Việt Nam học tiếng Việt theo phương thức vừa học vừa lao động dưới sự chỉ đạo của Bác và Bác tự nhận mình là Hiệu trưởng danh dự, các đại sứ Chu Kỳ Văn (Trung Quốc) và Ma Đông San (Triều Tiên) là hiệu phó danh dự. Anh Vũ Kỳ còn nói thêm là cần một người thạo Trung Văn để giải mã bút tích chữ Hán Bác để lại rất nhiều. Ngày 14 tháng 5 năm 1973, tôi có mặt ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, lần đầu tiên tiếp xúc với các anh lãnh đạo Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, được các anh dẫn đi thăm nhà sàn Bác Hồ và nơi các đồng chí phục vụ Bác làm việc.
Tiếp đó, tôi bàn giao công việc với cơ quan cũ, làm các thủ tục chuyển giấy tờ như sinh hoạt Đảng, Công đoàn... Đầu tháng 6 năm 1973 tôi chính thức làm việc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Từ một giáo viên, nhiệm vụ chính là giảng dạy ngoại ngữ này chuyển sang một lĩnh vực khác, thực sự là tôi rất bỡ ngỡ. 
Nhưng thật may mắn, không riêng cho tôi mà cho cả những anh em khác về công tác cùng năm ấy và về sau này nữa. Các đồng chí lãnh đạo đã chú ý ngay từ đầu là công tác đào tạo cán bộ. Các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm giáo dục đào tạo cán bộ về nhiều mặt. Về tư tưởng, các anh luôn nhắc nhở phải yên tâm công tác, phải thấy rõ công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh là vinh dự và trách nhiệm. Về chuyên môn, các anh đã giữ một loạt cán bộ trước đây công tác ở CQ 41 đi đào tạo chính quy ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp. Còn anh em tốt nghiệp các ngành khác về Bảo tàng thì cơ quan tổ chức Lớp Sử tại chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, mời các giáo sư sử học đến giảng. Sáng thứ năm hàng tuần chúng tôi được lên lớp về sử với các thầy đã giảng dạy lâu năm như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Lệ Mậu Hãn, Vũ Dương Ninh, v.v.. Về bảo tàng học, các anh yêu cầu chúng tôi nghiên cứu tài liệu Bảo tàng học của Liên Xô, đọc tài liệu về Bảo tàng học của một số tác giả Việt Nam. Trong tháng 7 năm 1973, đồng chí Lâm Bình Tường tốt nghiệp Phó tiến sĩ Bảo tàng học ở Liên Xô công tác tại Vụ bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hóa) đến giảng cho chúng tôi nhiều buổi về lý luận Bảo tàng học. Cùng với việc học lý luận, các anh lãnh đạo còn chú ý bố trí cho chúng tôi đi tham quan thực tế tại các Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật... các di tích lưu niệm về Bác và các đồng chí lãnh đạo khác. Về tiểu sử Bác Hồ, ngoài việc nghiên cứu cuốn Tiểu sử do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương biên soạn, các anh còn mời một số chuyên gia am hiểu đến báo cáo các chuyên đề về cuộc đời hoạt động của Bác. 
Về học tập lý luận Mác - Lênin, cơ quan đã mở một lớp học lý luận chính trị do Trường Đảng Hà Nội cử giáo viên đến giảng.
Chúng tôi còn được học tập và rèn luyện, chuyên môn qua công tác thực tế. Thông qua việc chuẩn bị các văn bản để trình Trung ương Đảng và Chính phủ duyệt như Đề cương trưng bày, Cấu tạo đề cương, Kế hoạch trưng bày để anh em từng bước nắm vững hơn, thành thạo hơn trong nghiệp vụ bảo tàng. Thông qua việc góp ý kiến, thậm chí nhận sách do các nhà xuất bản gửi đến yêu cầu xác minh, chúng tôi cũng đã từng bước trưởng thành về mặt phương pháp và ngôn ngữ khi viết về Bác. 
Ngoài việc học tập trong nước với nhiều hình thức, các anh em lãnh đạo còn sắp xếp cho cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đi học phương pháp và kinh nghiệm của Bảo tàng Lênin. Ở những năm đầu xây dựng Bảo tàng, mỗi năm đều có 10 đồng chí đi tham quan học tập ở nước ngoài. Một điều khắc sâu trong tâm trí tôi về những ngày đầu tiên công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã phân công đồng chí Trường Chinh trực tiếp theo dõi chỉ đạo việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Các văn bản Ban phụ trách chuẩn bị báo cáo Trung ương Đảng và Chính phủ đều được đồng chí Trường Chinh xem kỹ và tự tay sửa chữa.
Tôi còn nhớ rõ ngày 7 tháng 8 năm 1973, đồng chí Trường Chinh đã đến làm việc với Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số vấn đề về tiểu sử của Bác và xây dựng Đề cương trưng bày. Ngày 22 tháng 8 năm 1973, đồng chí Trường Chinh góp ý kiến về quy hoạch Quảng trường Ba Đình, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh, và còn nhiều buổi khác nữa.
Gần Tết Âm lịch, đồng chí Trường Chinh sắp xếp thời gian đến thăm và nói chuyện và chụp ảnh với cán bộ công nhân viên Bảo tàng. Những lần được gặp đồng chí Trường Chinh, chúng tôi biết thêm một số tư liệu về Bác và học được rất nhiều kiến thức về các mặt khác.
Đồng chí Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến vấn đề viết tiểu sử của Bác Hồ. Tôi có may mắn được đồng chí Phạm Văn Đồng cho gặp nhiều lần, có lần được lên Nhà nghỉ của Trung ương ở Tam Đảo ở gần đồng chí để làm một số việc về tư liệu phục vụ đồng chí viết về Bác Hồ.
Chúng tôi không bao giờ quên mỗi lần Tết Âm lịch sắp đến, đồng chí Phạm Văn Đồng đều mời tất cả anh em trong cơ quan ăn “bữa cơm cuối năm”. Đồng chí nói rõ, trước đây Bác Hồ có lệ đó, nay Bác đi xa, tôi giữ lệ đó. Từ năm 1977, do thiên tai, đất nước mất mùa, tập thể cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tha thiết đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng bỏ lệ đó để tiết kiệm. Từ Tết Mậu Ngọ (1978) cơ quan tự lo cho anh em thêm một ít gạo nếp, thực phẩm để ăn Tết.
Ngày cuối năm Âm lịch, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng thường vào thăm anh em và chụp ảnh với anh em, kể vài mẩu chuyện về Bác thật ấm lòng lớp con cháu của Bác.
Một hình ảnh nữa mà chúng tôi không quên ở thời kỳ đầu thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh là sản xuất để cải thiện đời sống. Thời kỳ công trình Bảo tàng chưa xây, Khu Di tích Phủ Chủ tịch là nơi làm việc của Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khu đất rộng rãi bên cạnh có ao cá trước Nhà Sàn trước đây vốn là đất trồng rau của anh em CQ 41 thì nay chia cho mỗi người một mảnh nho nhỏ để trồng rau cải thiện bữa ăn cho gia đình. Người thì trồng rau cải, người thì trồng đậu côve, buổi chiều khi hết giờ làm việc, mọi người đều đổ ra vườn rau rất nhộn nhịp, mỗi lần thu hái, mang rau tươi, đậu tươi về nhà, cả nhà đều vui. 
Đầu năm 1974, Ban Tài chính quản trị thuộc Văn phòng Trung ương Đảng cho Bảo tàng một con bò. Vườn cỏ trong Phủ Chủ tịch rộng, anh em được phân công mỗi người một ngày trông coi cho bò lang thang ăn cỏ trong Phủ Chủ tịch. Trong lịch công tác của tôi nay mở ra xem còn ghi rõ tên từng đồng chí được phân công “chăn bò” ngày nào. Thật là vui, Tết đến mổ bò chia cho anh em mỗi người một ít nhưng thật là quý trong thời bao cấp.
Để cải thiện đời sống, chúng tôi còn xin huyện Mê Linh cấp cho mấy sào ruộng để trồng lúa. Thời bao cấp và đặc biệt là những năm 70 thường khó mà mua được gạo mới ở Cửa hàng lương thực. Thu hoạch trồng lúa ở Mê Linh được chia cho anh em cũng góp phần động viên mọi người. 
Qua những hoạt động đó anh em càng gắn bó với nhau giúp nhau trưởng thành về nhiêu mặt. Bốn mươi năm đã qua, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu làm việc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời tôi.

Nguyễn Huy Hoan

Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

(*) Đầu đề do BBT đặt
 
 

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi