Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Theo đó, Việt Nam tạm bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến tạm thời. Sau hai năm, hai miền Nam, Bắc sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử để đi đến thống nhất đất nước. Trong những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ không nói đến lực lượng tập kết là thiếu nhi, học sinh nhưng với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ta đã lựa chọn một số con em cán bộ, gia đình chính sách... đưa ra miền Bắc để bảo vệ, nuôi dạy.
Đây là những “hạt giống đỏ” của miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp của đất nước sau này. Việc thu nhận con em miền Nam ra miền Bắc nuôi dạy, đào tạo cũng là cách thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng miền Nam, không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn là tình cảm và trách nhiệm của miền Bắc đã được hòa bình, tự do đối với miền Nam còn đang phải chịu đàn áp, khổ đau, hy sinh mất mát dưới chế độ Mỹ - Diệm. Lo cho học sinh miền Nam là lo cho con em cán bộ, chiến sĩ, các đối tượng chính sách, những người trụ bám địa bàn miền Nam, chiến đấu quyết liệt với quân thù. Họ gửi gắm con cháu ra miền Bắc cho Bác Hồ, cho hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa với hoài bão lớn lao và lòng tin tuyệt đối.
Nhiều đồng chí còn kể lại: Khi đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam để nắm tình hình chuyển quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn đồng chí Hoàng Quốc Việt phải nhắc nhở các cấp, các ngành quân - dân - chính ở miền Nam thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết theo đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và bảo đảm an toàn. Bác dặn đi dặn lại đồng chí Hoàng Quốc Việt phải thi hành triệt để quyết định của Trung ương và của Bác1. Biết được tình hình và số lượng học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Bác trách: Súng đạn ta thiếu, có thể mua sắm được, sao các chú không dành tàu chở nhiều cháu miền Nam ra đây để các cháu được học hành.
Cuối năm 1954, những “đoàn chim non” miền Nam lần lượt rời tổ ấm theo những ngả đường khác nhau tập kết an toàn lên biển Cửa Hội (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong vòng tay chào đón của đồng bào miền Bắc. “Chúng tôi không bao giờ quên được hình ảnh khi con tàu cập bến, cả rừng người áo nâu đứng đợi như chào đón những đứa con xa quê trở về nhà”, một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cuối năm 1954 nhớ lại. Thời kỳ ấy, miền Bắc vừa được giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đời sống khó khăn nhưng các cấp, ngành và đồng bào đã nhiệt thành đón tiếp, chăm sóc tận tình học sinh miền Nam như con em ruột thịt. Nhân dân nhiều nơi còn phải ăn độn bằng bất cứ loại lương thực nào có thể ăn được, vậy mà bà con sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” nhường cơm trắng cho những “hạt giống đỏ” miền Nam.
Ngày 18/01/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng họp bàn về công tác giáo dục và đưa ra chủ trương thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam, gọi chung là trường Học sinh miền Nam. Thế là hệ thống trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc được ra đời tại Hà Nội và những địa phương theo tiêu chí “thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ”; bao gồm ba cấp học I, II, III, trong đó có các trường dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số, con em người Hoa và một số lớp cấp III ở các trường công tại Hà Nội. Từ đây, hệ thống trường lớp này đã trở thành một bộ phận đặc biệt trong nền giáo dục quốc dân, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành Trung ương, các địa phương và sự quan tâm hết mực của Bác Hồ.
Tiêu chuẩn thu nhận học sinh các trường học sinh miền Nam như sau: Là con em cán bộ miền Nam theo cha mẹ tập kết, học sinh có thành tích cao, con liệt sĩ. Ngoài ra còn có học sinh vượt tuyến, học sinh miền Nam (Bình Trị Thiên, liên khu V) được ra Bắc học trong kháng chiến, nhưng không có cha mẹ ở miền Bắc và không liên lạc được với gia đình để có tiền tiếp tục ăn học. Một số cán bộ, bộ đội dưới 18 tuổi cũng được cho đi học văn hóa. Bên cạnh trường Học sinh miền Nam có Trại nhi đồng miền Nam do bà Trương Thị Sáu (tức bà Nguyễn An Ninh) phụ trách. Trại gần 300 cháu từ 3 đến 6 tuổi, đều là con em cán bộ miền Nam tập kết, trong đó có những cháu “đặc biệt” có ba má đang trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.
Đặc biệt, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn kéo dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tiếp tục đưa con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra hậu phương lớn miền Bắc đào tạo thành người tài cho đất nước. Hàng chục nghìn con em cán bộ và đồng bào miền Nam từ chín đến mười tuổi không vượt tuyến bằng đường bộ hay vượt biển bằng tàu thủy Liên Xô, Ba Lan như hồi tập kết nữa mà lội bộ vượt Trường Sơn đầy máu lửa ra miền Bắc, ngược đường với các đoàn quân của miền Bắc nườm nượp chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong gần 21 năm, từ 1954-1975, 28 trường Học sinh miền Nam đã được thành lập ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ)..., sang cả Khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (Trung Quốc) và nước CHDC Đức. Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã chọn cả “một thế hệ vàng” những thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên đầy tâm huyết, với trình độ chuyên môn cao phục vụ việc nuôi - dạy - đào tạo con em miền Nam cùng quyết tâm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Tuy miền Bắc thiếu giáo viên nhưng giáo viên được phân công về các trường học sinh miền Nam đều được tuyển chọn với tiêu chuẩn cao từ các trường sư phạm chính quy ở miền Bắc, về sau có bổ sung thêm giáo viên ngoại ngữ, nhạc, họa được đào tạo ở Trung Quốc, ưu tiên cho những giáo viên người miền Nam. Bên cạnh việc dạy chính khóa, giáo viên còn lo phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học, lao động, văn nghệ, thể dục, thể thao, đi tham quan, cắm trại... Trường nội trú có hai bộ phận: Các thầy cô giáo dạy học và bộ phận nuôi gồm các anh chị tiếp liệu, tiếp phẩm và các anh chị lo việc nấu nướng. Ngoài ra, còn có bộ phận hành chính, quản trị, y tế. Các thầy cô cũng phải tạm xa gia đình, cùng ăn cùng ở, vừa giảng dạy vừa thay người thân chăm lo cho học sinh miền Nam. Sau này, có cô giáo đã bộc bạch khi gặp lại những học sinh miền Nam của mình năm xưa: “Ngày ấy cô đã biết làm mẹ trước khi lấy chồng”. Nhiều cô “vì học sinh miền Nam thân yêu”, vì sự nghiệp trồng người mà không lo được hạnh phúc cho riêng mình. Theo thống kê, trong 21 năm, có hơn 5.000 giáo viên được tuyển để phục vụ công tác đào tạo hơn 32.000 học sinh miền Nam.
Theo định hướng của Đảng và Chính phủ, mà trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trường học sinh miền Nam đã nhận trọng trách nuôi và dạy học sinh một cách toàn diện theo mục tiêu giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người”, đào tạo nhân lực cho cách mạng miền Nam nói riêng và cho cả nước nói chung sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các trường thực hiện giảng dạy và học tập đầy đủ các mặt: Đức, trí, thể, mỹ và lao động sản xuất... Ngoài những môn học chính, ở cấp II học sinh còn được học ngoại ngữ (thời kỳ đầu học Trung văn), học vẽ, học nhạc, học gò, hàn, mộc. Trong đó, các trường đặt lên hàng đầu việc chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng cho các em học sinh miền Nam. Thực tế, lịch sử 21 năm trường học sinh miền Nam đã chứng minh thành công trong việc đưa các vấn đề chính trị, kiến thức chính trị vào tất cả các hoạt động của nhà trường. Ý nghĩa của “hạt giống đỏ” bắt nguồn từ thành tựu giáo dục đặc biệt này. “Nhuộm đỏ dần”, “từng bước nhuộm đỏ phẩm chất, năng lực, thể chất và tâm hồn các em”, đó là ý thức, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình nuôi và dạy, giáo dục và đào tạo của nhà trường. Chính nhờ được nuôi dưỡng, đào tạo trong môi trường giáo dục toàn diện, đầy đủ trí - đức - thể - mỹ, với trách nhiệm và tình thương cao cả của các thầy cô giáo, cô chú phục vụ, cùng ý thức tập thể, tự lực cánh sinh, vươn lên, mà tất cả học sinh miền Nam đều chung sức, đồng lòng rèn luyện bản thân "vừa hồng, vừa chuyên", đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Những năm đầu hòa bình được lập lại ở miền Bắc, mặc dù bộn bề nhiều công việc nhưng có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến cán bộ, bộ đội và thiếu nhi, học sinh miền Nam. Các đoàn đại biểu Trung ương từ Hà Nội vào thăm các nơi điều dưỡng, an dưỡng miền Nam đều chuyển quà bánh và lời thăm hỏi ân cần của Bác, nhất là đối với thiếu nhi, học sinh miền Nam lần đầu tiên xa gia đình. Ngày 01/6/1955, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức ở nước ta sau hòa bình lập lại, Bác gửi thư cho “Các cháu và các cán bộ các trường miền Nam”. Bác viết rất thân mật, đầy tình nghĩa yêu thương: “Bác muốn đi thăm các cháu và các cô, các chú, nhưng vì bận nhiều việc quá chưa đi được”. Trong thư, Bác ân cần căn dặn các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, đoàn kết chặt chẽ, yêu lao động, giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng, tự lực cánh sinh trong sinh hoạt hằng ngày, và thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến, có lực lượng. Bác cũng không quên nhắc nhở các cô, chú cán bộ phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Bác nhấn mạnh: “Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy. Sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở lại quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như về mọi mặt khác”2.
Học sinh miền Nam ngày càng trưởng thành, sự quan tâm của Bác ngày càng lớn. Mỗi khi nghe tin một số em ở các trường học sinh miền Nam chưa ngoan, chưa chăm học, còn gây mất đoàn kết, hay đánh nhau, làm ảnh hưởng không tốt đến địa phương, Bác đều trực tiếp chỉ thị cho Ban Thống nhất và Phòng Giáo dục Học sinh miền Nam của Bộ Giáo dục đến tận nơi bàn biện pháp giải quyết “thấu tình đạt lý”. Bác dặn Bộ Giáo dục giải quyết mọi việc ở các trường Học sinh miền Nam đều phải báo cáo với Bác. Trong việc giải quyết tiêu chuẩn, chính sách và chế độ cấp phát ở các trường Học sinh miền Nam, Bộ Giáo dục và Ban Thống nhất Trung ương đều xin ý kiến của Bác. Từ việc cung cấp cơ sở vật chất, tuyển lựa giáo viên, công nhân viên vào các trường học sinh miền Nam đều có ý kiến của Bác.
Sự quan tâm lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học sinh miền Nam không chỉ thể hiện ở thư từ, công văn, chỉ thị mà còn biểu hiện qua từng việc làm cụ thể, chu đáo, gây xúc động sâu sắc. Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán (ngay cả Tết 1969, trước khi Bác qua đời hơn nửa năm), Bác thường gọi điện sang Bộ Giáo dục, Ban Thống nhất hỏi han việc lo Tết cho các cháu về vật chất, về tinh thần ra sao. Các đồng chí văn phòng Bác kể lại, trong lịch trình chúc Tết các địa phương, đơn vị, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường học sinh miền Nam. Bác nói: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”. Vậy là Bác đi, khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng... Bác còn gợi ý bà con miền Bắc đón các cháu về ăn Tết với gia đình cho các cháu đỡ nhớ nhà, nhớ quê. Mỗi khi đến thăm các trường học sinh miền Nam, Bác thường đi thẳng xuống bếp, nhà ở, nhà vệ sinh để xem việc ăn ở của các cháu ra sao. Bác thường hỏi rất tỉ mỉ, rất ân cần, Bác dặn các cháu đang ở tuổi ăn tuổi ngủ phải lo cho các cháu đầy đủ; thấy mặt các cháu gái xanh xao, Bác lưu ý phải có chế độ cho các cháu gái đang ở tuổi dậy thì, cố gắng đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cho các cháu.
Dịp Tết năm 1956, sau khi đến thăm Trại nhi đồng miền Nam, Bác gửi biếu Trại 300 đồng tiền nhuận bút một bài báo của Bác. Cụ bà Nguyễn An Ninh quyết định dùng 150 đồng để ăn Tết còn 150 đồng để tăng gia. Nghe tin Trại đang chuẩn bị ao thả cá, Bác liền gửi thùng cá rô phi giống của Bác đang nuôi để biếu cho cô giáo và các cháu. Từ đó trở đi, Tết nào, dù đi thăm và chúc Tết ở đâu, Bác cũng đều không quên đến thăm, chúc Tết hoặc gửi quà bánh tặng cho Trại nhi đồng miền Nam. Lần thứ 2 đến thăm trại, khi Bác vào thăm phòng học của các cháu có một câu chuyện làm cho cô và cháu của Trại nhớ mãi. Đó là trước khi vào phòng mọi người phải bước qua một cái mương nhỏ mới đào. Khi ra về, Bác gọi các cô phụ trách Trại lại và căn dặn: Các cô nên sửa lại cái mương, phải đào lại cho thật thẳng, thật ngay. Nuôi dạy các cháu, phải chú ý đến những việc như thế!
Với thành phố Hải Phòng, được coi là “thủ đô của học sinh miền Nam” khi có tới 10 trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Bác luôn dành thời gian đến thăm các trường trong những lần Bác về thăm thành phố. Ngày 30/5/1957, Bác đến thăm trường Học sinh miền Nam số 24 và trường Nhi đồng miền Nam tại Hải Phòng. Khi đến trường Nhi đồng miền Nam, Bác đề nghị các giáo viên, phụ trách cho các cháu xếp ghế ngồi xung quanh Bác. Bác ân cần thăm hỏi tình hình học tập, sức khỏe của các cháu, chụp ảnh chung và cùng liên hoan với các cháu. Đặc biệt cảm động khi ra về Bác dặn các cán bộ, giáo viên: “Bác để ý thấy có hai ba cháu còn đau mắt, các cô, các chú phải tra thuốc cho các cháu mau lành nhé”. Ngày 01/4/1959, Bác về thăm trường Học sinh miền Nam số 7. Bác thăm khu vực nhà bếp, nhà ở và nói chuyện với hơn 500 cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Người căn dặn thầy trò phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, học tập giỏi, lao động giỏi và luôn tiến bộ. Ngày 18/01/1960, nhân ngày đầu xuân, Bác về thăm trường Học sinh miền Nam số 12. Bác bảo các cháu gái ngồi lên trước để cho được gần Bác, còn các cháu trai ngồi ở phía sau. Bằng cử chỉ thân mật như ông cháu, Bác căn dặn các cháu học sinh trong trường phải đoàn kết, giữ gìn trật tự, vệ sinh, phải thực sự yêu lao động, giữ gìn trường lớp đẹp và sạch như công viên. Cuối cùng, Bác chúc các thầy, cô giáo và học sinh phải thi đua, lập nhiều thành tích và báo cáo lên Bác để Bác khen thưởng và lần sau Bác lại về thăm. Lần cuối cùng Bác về thăm Hải Phòng (lần thứ chín, ngày 23/01/1963), Bác đi cùng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Tiệp Khắc nhưng Bác vẫn không quên bố trí thời gian trong lịch trình dày đặc của mình để đến thăm trường Học sinh miền Nam số 4. Bác vào thăm từ nhà ăn của nhà trường, xem nhà bếp, kho gạo, nhắc nhở các cô chú cấp dưỡng chú ý giữ gìn vệ sinh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn ăn cho các cháu. Buổi đón tiếp Bác và các vị khách quý Tiệp Khắc tổ chức đơn giản nhưng thân mật như trong gia đình. Bác dặn các nữ sinh phải đoàn kết, đừng mặc cảm và tự ái, phải thi đua học giỏi để sau này về xây dựng miền Nam. Bác chúc các em sang năm mới học tập tốt, thực hiện đúng 5 điều Người dạy để thi đua với thiếu nhi Tiệp Khắc.
Với học sinh miền Nam học tại nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chăm lo, quan tâm, không chỉ qua những bức điện, bức thư thăm hỏi mà còn cả trong những chuyến thăm trường khi Bác sang nước ngoài công tác. Năm 1957, trên đường đi dự Đại hội 81 Đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Mátxcơva và dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, Bác ghé vào khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để thăm cán bộ và học sinh Việt Nam đang học tập. Trong buổi họp mặt đón Bác, câu đầu tiên Bác hỏi đồng chí giám đốc là về số lượng học sinh nữ và học sinh miền Nam hiện đang theo học ở đây. Đồng chí giám đốc không nắm được số lượng cụ thể, Bác liền phê bình. Bác căn dặn cán bộ, nhân viên, các thầy cô giáo Việt Nam và chuyên gia nước ngoài cần nỗ lực và cố gắng hơn nữa trong việc nuôi dạy các cháu học sinh miền Nam - vốn quý của đồng bào miền Nam và của cách mạng miền Nam. Những năm về sau, vấn đề đoàn kết, bảo vệ của công trong các khu nội trú của học sinh Việt Nam ở nước ngoài không được tốt, Bác đã nhiều lần cử đồng chí Hà Huy Giáp (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Giáo dục) sang động viên và chỉ bảo cụ thể.
Bác căn dặn đồng chí Hà Huy Giáp phải có thái độ đúng mực trong cách đối xử và giải quyết vấn đề chính sách đối với các học sinh miền Nam. Đối với các trường Nguyễn Văn Bé và Nguyễn Văn Trỗi đóng ở nước ngoài sau này, Bác đều luôn luôn quan tâm, khi thì đến thăm, khi thì cử người đến thăm hỏi và chăm sóc mọi mặt. Vì lý do nào đó không thể đến thăm các trường học sinh miền Nam, Bác thường cử Bác Tôn và các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Lựu, Hồ Thị B1... đến. Năm 1959, Bác Tôn thay mặt Bác Hồ đến thăm trường Học sinh miền Nam 28 ở Hà Nam và tặng nhà trường một số áo bông để cấp phát cho học sinh.
Từ năm 1960, số học sinh miền Nam vào các trường đại học ngày càng nhiều và số lượng các trường học sinh miền Nam càng giảm. Thêm vào đó là thế hệ mới học sinh miền Nam ở chiến trường ra học tập ở miền Bắc. Được Bộ Giáo dục báo cáo số lượng học sinh miền Nam ở các trường đại học trong và ngoài nước ngày một đông, Bác rất vui mừng. Bác nhắc nhở các cấp, các ngành, các Bộ và các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải dành sự ưu tiên để đào tạo cán bộ khoa học, đặc biệt là hai ngành y tế và sư phạm, cho miền Nam. Ngày 21/10/1964, Bác cùng với Tổng thống Mali Môđibô Caayta thăm trường Đại học sư phạm Hà Nội. Trước khi nói chuyện, Bác đề nghị đồng chí giáo sư Hiệu trưởng Phạm Huy Thông báo cáo cho Bác về số lượng sinh viên nữ và học sinh miền Nam hiện đang học ở trường, Bác tỏ vẻ hài lòng và nói: “Có 800 các cháu miền Nam, như vậy là rất tốt, dần dần phải thêm nữa. Bởi vì chúng ta phải gắn liền nhiệm vụ ủng hộ miền Nam với công việc xây dựng miền Bắc... Ở đây, cũng như các ngành khác, phải đào tạo cán bộ cho miền Nam, để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu”3. Trong hồi ký của mình, chị Nguyễn Thị Hai (Giáo viên trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) học sinh miền Nam đã được gặp Bác trong chuyến thăm này kể lại: Bác xoa đầu chúng tôi và nói: “các cháu phải gắng học cho thật giỏi nghe. Ở miền Nam nhiều bạn cùng lứa tuổi như các cháu đã bị thất học. Quê hương đang rất cần những giáo viên tương lai như các cháu”4.
Ngày 14/6/1969, chỉ gần 3 tháng trước khi đi xa về với “thế giới người hiền”, Bác cho mời anh Nguyễn Phú Soại và chị Nguyễn Khánh Phương, hai cán bộ của Cơ quan đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hà Nội để hỏi về tình hình các cháu học sinh miền Nam vì Bác được báo cáo có một số cháu tiến bộ chậm. Bác không chỉ biết rõ về tình hình ăn học của các cháu mà còn nêu tên cụ thể những cháu ngoan và một số cháu chưa ngoan. Bác dặn hai anh chị rằng: Nếu để tình hình này kéo dài thì ba má và gia đình các cháu đang chiến đấu ở miền Nam sẽ kém yên tâm. Bác nêu rõ trách nhiệm phải nuôi dạy các cháu tiến bộ vì bản chất của các cháu rất tốt, các cháu đều là những mầm non của đất nước. Việc dạy dỗ, nuôi dưỡng đòi hỏi phải có lòng thật sự thương yêu các cháu.
Như cảm nhận của chị Nguyễn Khánh Phương sau lần gặp Bác hôm ấy: “Khi ra về, qua vườn nhà Bác, tôi nhìn thấy cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Bác ngày ngày tự tay vun xới đã lớn lên, cao quá mái nhà đơn sơ của Bác. Tôi nhìn cây vú sữa mà nghĩ đến người Ông trồng cây cho con cháu ăn quả đời đời. Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và Bác cũng không quên nhắc mọi người: “Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa”. Bác nhắc: “Trồng cây nào tốt cây ấy”. Bác dặn các cụ già và các tỉnh chú ý “nhân giống cho miền Nam, trồng nhiều cây miền Nam trong vườn kết nghĩa”. Bác luôn nghĩ đến việc ươm hạt giống cách mạng cho miền Nam. Miền Nam trân trọng những hạt mầm của Bác”5. Hơn 60 năm trước, Bác Hồ đã nghĩ đến việc bồi dưỡng và đào tạo một thế hệ cán bộ cách mạng cho miền Nam từ lúc còn ấu thơ. Hơn 50 năm trước, Bác Hồ ước mong “phải đào tạo cán bộ cho miền Nam” “để đến ngày nước nhà thống nhất, các cháu ấy về góp phần xây dựng miền Nam thân yêu”. Tất cả ước muốn đó của Bác đến nay đã trở thành hiện thực. Có ai ngờ, mới ngày nào một thế hệ học sinh miền Nam tuổi lên chín, lên mười, quần soọc, áo cánh, với chiếc ba lô, đôi dép cao su từ các vùng Khu 5, Nam Bộ, Tây Nguyên theo các chú bộ đội xuống tàu tập kết, hoặc còn bỡ ngỡ trong bộ quần xanh áo trắng, chiếc nón lá và bộ đồ bà ba ngang vai, sau quá trình được Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc nuôi dạy, đã trưởng thành và góp sức không nhỏ vào công cuộc giải phóng quê nhà miền Nam, thống nhất đất nước. Một số không nhỏ trong số các em đã trực tiếp trở lại miền Nam tham gia chiến đấu giải phóng quê hương. Thống kê bước đầu, có 107 học sinh miền Nam đã anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng vùng giải phóng, căn cứ địa ở miền Nam. Rất nhiều học sinh miền Nam đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; giữ vai trò lãnh đạo, quản lý chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt, hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình...
Thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng. Sự thành công của trường học này trong việc đào tạo lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” gắn bó với vận mệnh của đất nước là thành tựu to lớn, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục. Hơn tất cả, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu hiện đẹp đẽ của tinh cảm Bắc - Nam ruột thịt. Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó”. Công lao đào tạo “vốn quý”, “hạt giống đỏ” đó cho miền Nam chính là do Đảng, Bác Hồ, nhân dân miền Bắc, nhưng phải nói người tâm huyết, dày công vun xới, chăm lo là Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta. Bác không còn nữa, nhưng hôm nay, các cháu học sinh miền Nam tập kết của Bác đã trưởng thành và đang độ sung sức, đã và đang mang hết tài năng và trí tuệ để xây dựng miền Nam, góp phần xây dựng đất nước như Bác hằng mong muốn.
---------------------------------
1. Ban liên lạc học sinh miền Nam trung ương: Truyền thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr64
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr498
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr403
4. Ban Khoa học xã hội thành ủy thành phố Hồ Chí Minh: Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tập 2, tr145
5. Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh, Tạ Hữu Yên, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2002
ThS. Vũ Thị Kim Yến
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch