Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bảo tàng Hồ Chí Minh - những chặng đường xây dựng và phát triển
Ngày đăng: 02:46 27/11/2020
Lượt xem: 6.620

Năm 2020, Bảo tàng Hồ Chí Minh tròn 50 năm tuổi (1970-2020). Nửa thế kỷ không phải là quãng thời gian dài so với sự tồn tại của một bảo tàng, nhưng cũng đủ để Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc giữ gìn và phát huy những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, trở thành một trung tâm nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó là kết quả sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ Ban ngành; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, sự đoàn kết của Hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường hình thành và phát triển của cơ quan, từ đó thêm hiểu và tự hào về một Bảo tàng vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Hồ Chí Minh (1970-1977)

Dấu mốc đầu tiên trong chặng đường 50 năm của Bảo tàng Hồ Chí Minh là sự ra đời Nghị quyết số 206-NQ/TW ngày 25-11-1970 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, gồm các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước trực tiếp phụ trách: Hà Huy Giáp, Hoàng Tùng, Vũ Kỳ.

Nghị quyết đã quy định rõ, Ban Phụ trách có nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh để Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt; bảo quản tốt khu lưu niệm, các  di tích và hiện vật lưu niệm của Hồ Chủ tịch tại Phủ Chủ tịch”. Khi đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh có tên là CQ 41, đó là mật danh của Văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống, tên gọi đó để ghi nhớ sự kiện năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nước ngoài trở về Tổ quốc.

Giai đoạn này kéo dài 7 năm, đó là một giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây chính là thời kỳ đánh dấu sự chuyển đổi từ cơ quan hành chính, phục vụ, giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sang cơ quan có chức năng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này chính là nền móng cho việc xây dựng về cơ cấu tổ chức và các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong tương lai.

Nghị quyết số 206-NQ/TW ngày 25-11-1970 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Những năm 1970, đất nước còn trong chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu nỗ lực của các cán bộ, sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, địa phương trong và ngoài nước, rất nhiều công việc chuẩn bị cho sự ra đời Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được tiến hành một cách khẩn trương, hiệu quả: Từ việc từng bước xây dựng cơ cấu tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ về mọi mặt; Chăm lo xây dựng cơ quan vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cho đến các công việc trọng tâm, cụ thể như: Kiểm kê di tích, tài liệu, hiện vật trong từng di tích, vào sổ sách tài liệu, hiện vật, đạc họa di tích, chụp ảnh di tích, hiện vật tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Từng bước chuẩn bị nội dung trưng bày, xây dựng đề cương nội dung, sưu tầm tài liệu, hiện vật phục vụ cho trưng bày của Bảo tàng trong tương lai; Từng bước xây dựng và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, địa phương trong và ngoài nước.

Những công việc mà Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cơ quan thực hiện trong 7 năm đầu chính là những tiền đề quan trọng để Bảo tàng Hồ Chí Minh vững bước trong các chặng đường tiếp theo.

Chặng đường xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (1977-1990)

Sau 7 năm nỗ lực, những cơ sở ban đầu về con người cũng như vật chất đã được từng bước được hình thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh bước vào chặng đường tiếp theo: Giai đoạn xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chặng đường này kéo dài hơn 10 năm với nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thiện cơ cấu tổ chức, xây dựng tòa nhà bảo tàng, thiết kế và cụ thể hóa trưng bày cố định của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Giai đoạn này được bắt đầu từ sự kiện ngày 12-9-1977, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, “Để tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người, quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, đào tạo con người mới, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người”.

Nghị quyết số 04-NQ/TW nêu rõ, chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh “là trung tâm nghiên cứu những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người và tuyên truyền, giáo dục quần chúng về sự nghiệp tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người thông qua những tư liệu hiện vật và di tích đó”.

                       

Nghị quyết số 206-NQ/TW ngày 25-11-1970 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng mang tên Bác được triển khai một cách khẩn trương. Các cán bộ, nhân viên ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường công tác sưu tầm cả ở trong và ngoài nước, tổ chức ghi âm, ghi hồi ký và lựa chọn các tài liệu, hiện vật phù hợp với nội dung trưng bày của Bảo tàng. Đồng thời, công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được quan tâm. Cơ quan đã lựa chọn những cán bộ trẻ có năng lực gửi đi học ở nước ngoài và đào tạo trên đại học, vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức đã không ngừng được tăng lên, đáp ứng yêu cầu công việc của một bảo tàng chuẩn bị chính thức đi vào hoạt động.

 Ngày 15-10-1979, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 375-CP về việc “Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện Bảo tàng và các nơi lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Từ đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh có thêm trọng trách chỉ đạo và hướng dẫn về nghiệp vụ cho các di tích và địa điểm di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1982, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành phối hợp với các địa phương tổ chức xếp hạng, nâng cấp tu bổ, xây dựng mới một số nhà trưng bày và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính thức quy tụ thành Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh trong cả nước. Đây là một bước phát triển quan trọng, góp phần xây dựng cơ cấu tổ chức, tăng cường và mở rộng công tác nghiên cứu, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một nhiệm vụ đặc biệt, vô cùng quan trọng trong giai đoạn này của Bảo tàng Hồ Chí Minh là phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan trong và ngoài nước tiến hành công tác thiết kế và xây dựng công trình Bảo tàng. Các công việc càng trở nên thuận lợi và khẩn trương hơn khi những năm 1983-1984, Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô đồng ý giúp Việt Nam xây dựng tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như nội dung trưng bày trong nhà bảo tàng. Sau khi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, ngày 31-8-1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được tổ chức long trọng. Cùng với việc thi công xây dựng tòa nhà, việc hoàn thành các nội dung trưng bày cố định cũng được thực hiện một cách hết sức khẩn trương và hiệu quả. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu của các cán bộ, viên chức, trưng bày cố định của Bảo tàng dần được hoàn thiện. Điểm đặc biệt trong nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh đó là không chỉ làm rõ cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp khách tham quan có một cái nhìn tổng quan về hoàn cảnh lịch sử thế giới và Việt Nam thế kỷ XIX và XX.

Sau 5 năm tổ chức thi công công trình, một khối lượng công việc vô cùng lớn trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, nhưng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19-5-1990. Công trình không chỉ là món quà quý giá của Chính phủ và nhân dân Liên Xô với tình cảm trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng yêu mến đất nước Việt Nam, mà còn là một công trình có sự đóng góp to lớn của nhân dân Việt Nam từ mọi miền đất nước. Ngày 19-5-1990 là dấu mốc quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, cơ quan chuyển sang một giai đoạn mới: Chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan đến nghiên cứu và học tập.

Cũng trong năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh thêm một lần nữa có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Theo Thông báo số 189-BT/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sự thay đổi này tạo điều kiện cho Bảo tàng Hồ Chí Minh có thêm điều kiện hòa nhập cùng với ngành bảo tồn, bảo tàng và văn hóa thông tin trong toàn quốc.

Giai đoạn phát triển (1990 đến nay)

 30 năm từ thời điểm chính thức mở cửa đón khách thăm quan năm 1990, đến nay, cùng với Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành một điểm đến thân quen, tin cậy của đồng bào, đồng chí cả nước cũng như của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội, một “địa chỉ đỏ” của hàng triệu khách tham quan.

Trong 30 năm (1990-2020), các thế hệ công chức, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực và cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước tin cậy giao phó là “bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua hiện vật, di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, cả ở trong nước và quốc tế.

Ở trong nước

Ngay sau khi công trình bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động, Ban lãnh đạo Bảo tàng đã dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đón tiếp khách tham quan. Các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, bản thân đang thực hiện vinh dự là người trông nhà, đón khách cho Bác, vì vậy, việc đón tiếp khách tham quan luôn được thực hiện một cách chu đáo, tận tình.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn của tầng trưng bày, các cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục đã không ngừng nỗ lực trau dồi, học hỏi và tiến hành xây dựng các bài thuyết minh phù hợp với từng nhóm đối tượng khách tham quan. Đồng thời, Bảo tàng còn tiến hành chỉnh lý, bổ sung các tài liệu, hiện vật mới, với mong muốn có thể giới thiệu một cách đầy đủ và cập nhật các tài liệu, hiện vật mới sưu tầm tới công chúng. Bên cạnh việc phát huy giá trị của trưng bày cố định, trong 30 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tổ chức hàng trăm trưng bày chuyên đề kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các sự kiện lớn của đất nước. Các trưng bày chuyên đề không chỉ phong phú về nội dung mà còn thường xuyên được đổi mới về hình thức thể hiện, giải pháp trưng bày để những câu chuyện, tài liệu, hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đến gần hơn với công chúng, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu và tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các hình thức giáo dục khác cũng được Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện như: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chương trình giới thiệu về Bảo tàng Hồ Chí Minh và những hoạt động của Bảo tàng; Viết bài đăng báo, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, phối hợp với các trường học tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên,… để có thể giới thiệu ngày càng sâu rộng về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người với khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với những nỗ lực không ngừng đó, cho đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một “giảng đường”, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của các đối tượng khách tham quan có nhu cầu nghiên cứu khái quát và chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng tới việc đảm bảo cảnh quan môi trường vệ sinh, sạch sẽ, thoáng mát; đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho khách tham quan. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng được nâng cao của khách tham quan, đầu năm 2020, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng và khánh thành Cửa hàng lưu niệm của Bảo tàng. Đây là nơi để Bảo tàng giới thiệu các sản phẩm có liên quan tới các hiện vật hay nội dung trưng bày. Bên cạnh các ấn phẩm hiện có: Tượng Bác, các hiện vật mô phỏng đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách, bưu ảnh, băng đĩa phim về thân thế và sự nghiệp của Người… Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang thiết kế và có kế hoạch đưa ra những mẫu đồ lưu niệm mới đáp ứng được các nhu cầu lưu niệm khác nhau của khách tham quan.

Kế thừa và phát huy những kết quả nghiên cứu, sưu tầm từ các giai đoạn trước, làm phong phú thêm những tài liệu, hiện vật và các câu chuyện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã triển khai các đợt nghiên cứu, sưu tầm trong và ngoài nước, đồng thời cũng nhận được nhiều tài liệu, hiện vật quý của các tổ chức và cá nhân trao tặng. Rất nhiều tài liệu mới sưu tầm có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ hơn những giai đoạn hoạt động bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Giai đoạn hoạt động tại Liên Xô năm 1934-1938, những hoạt động ngoại giao của Người thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp…, giúp cho việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được đầy đủ và cụ thể hơn.

Với sự nỗ lực bền bỉ trong việc sưu tầm tài liệu, hiện vật, từ khi được thành lập năm 1970 đến nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hơn 17 vạn hiện vật. Các hiện vật phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, trong đó có nhiều hiện vật là độc bản, có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, Bảo tàng còn có hai kho Tư liệu và kho Thư viện, là nơi lưu giữ gần 6.000 đầu tài liệu, 6.000 đầu sách và hơn 26.000 bài báo, tạp chí về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở khai thác giá trị các tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như:

Nghiên cứu, xuất bản hàng trăm ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuốn sách do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản đều được biên soạn một cách công phu và đã trở thành nguồn tài liệu tin cậy đối với đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tiến hành xuất bản định kỳ Đặc san Thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, đây thực sự đã trở thành một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các bảo tàng, di tích nói trong cả nước nói chung, đặc biệt là các bảo tàng, di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, giới thiệu các tài liệu, hiện vật đặc sắc…

Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác nghiệp vụ bảo tàng, di tích; Thực hiện hơn 50 đề tài khoa học cấp Bộ và đề tài khoa học cấp cơ sở; viết tham luận tham gia hàng trăm Hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, các tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng còn góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng các chương trình truyền hình, các phim tư liệu về những giai đoạn trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Hồ Chí Minh với nước Nga, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc - ẩn số từ nước Pháp…

Với vai trò là bảo tàng đầu hệ của Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, trong 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cùng các đơn vị trong hệ thống không ngừng củng cố và phát triển, đã phát huy tốt giá trị di sản Hồ Chí Minh tới nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giữ vững và làm tròn vai trò hướng dẫn về nghiệp vụ cho các đơn vị trong hệ thống. Hàng năm, Bảo tàng phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ trong nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, xác minh tư liệu, công tác thuyết minh và giải pháp thu hút khách tham quan… Các hoạt động đó đã góp phần không nhỏ tạo sự gắn kết để các đơn vị cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

Ở nước ngoài

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn có đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Rất nhiều các quốc gia, dân tộc trên khắp năm châu, có cả những quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ đặt chân tới nhưng cũng dành cho Người lòng kính yêu vô hạn. Đó chính là điều kiện thuận lợi để Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong việc tuyên truyền, giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.

Tiếp nối những kết quả đã được xây dựng từ thời điểm mới thành lập trong quan hệ hợp tác với với Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin (Nga), Bảo tàng quốc gia Đimitơrốp (Bungari), Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với rất nhiều bảo tàng, tổ chức trên thế giới như: Trung Quốc, Lào, Pháp, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Mêxicô, Cuba, Thái Lan, Ixaren… để phối hợp nghiên cứu và bảo tồn các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng; giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Người tới bạn bè khắp năm châu. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các đơn vị hợp tác tổ chức các hội thảo khoa học, trưng bày, triển lãm về Hồ Chí Minh, góp phần giúp bạn bè khắp năm châu có thể hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của một trong những người con ưu tú của Việt Nam “đã làm nên thế kỷ XX”.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng các tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài với sự phối hợp tích cực của các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Hiện nay, tượng Bác Hồ đã được xây dựng ở rất nhiều quốc gia, trải khắp bốn châu lục trên toàn thế giới như: Nga, Trung Quốc, Lào, Cuba, Hunggari, Mông Cổ, Xinhgapo, Mêxicô, Áchentina, Chilê, Philíppin, Xrilanca, Mađagátxca, Anh, Pháp...

50 năm xây dựng và trưởng thành, những thành quả Bảo tàng Hồ Chí Minh có được hôm nay là kết quả của sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tạo điều kiện của các cơ quan chủ quản, sự hỗ trợ giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ quan, ban ngành có liên quan, đặc biệt là tâm huyết, tình cảm và cả những nỗi lo toan, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người mãi là di sản văn hóa của thời đại, là hành trang và điểm tựa để dân tộc ta vững bước trên con đường phát triển. Với vinh dự và trách nhiệm là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những giá trị vô giá đó, các thế hệ của Bảo tàng đã, đang và sẽ luôn phấn đấu để Bảo tàng Hồ Chí Minh mãi là trường học lớn, là nhịp cầu văn hóa nối quá khứ với hiện tại, là điểm đến của đồng bào, đồng chí và bè bạn quốc tế. Sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng không chỉ nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà đã thực sự góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người lan tỏa đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mọi miền đất nước và bạn bè khắp năm châu. Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh sẽ mãi là ánh sáng dẫn đường, là nguồn cỗ vũ lớn lao, thôi thúc mỗi người dân đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như mong muốn của Người./.

TS. Phạm Thị Thanh Mai

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi