Thực hiện kế hoạch sưu tầm năm 2024, từ ngày 20/5 đến ngày 23/5, tại Cao Bằng, Đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức sưu tầm, bổ sung thông tin hiện vật do bà Lâm Thị Đầu (con gái cụ Lâm Văn Sản) và gia đình trao tặng.
Đoàn công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh trao đổi thông tin với bà Lâm Thị Đầu (con gái ông Lâm Văn Sản). Ảnh: BTHCM
Cụ Lâm Văn Sản (1909-1963), bí danh Quang Nhật, nguyên quán xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Trùng Khánh, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cụ Lâm Văn Sản đã tham gia hoạt động cách mạng liên tục từ thời kỳ hoạt động bí mật cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, đóng góp cho cách mạng, bảo vệ chính quyền về tay nhân dân.
Theo thông tin từ bà Lâm Thị Đầu (con gái cụ Lâm Văn Sản) và gia đình cung cấp, 02 kỷ vật gồm: Thanh kiếm Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cụ Lâm Văn Sản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với mục đích để bảo vệ thành quả cách mạng cho đến khi đất nước được độc lập, chính quyền về tay nhân dân. Điều này đã được cụ Lâm Thị Chức (vợ của cụ Lâm Văn Sản, mẹ đẻ của bà Lâm Thị Đầu) viết trong Tờ khai Thành tích giúp đỡ cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp có chữ ký xác nhận của đồng chí Bí thư Đảng ủy Nông Văn Quản và con dấu của Đảng ủy xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, ngày 27/7/2004. Trước khi mất, cụ Lâm Văn Sản đã giao lại thanh kiếm cho con gái là bà Lâm Thị Đầu lưu giữ. Thanh kiếm dài, khá mảnh, lưỡi kiếm nhỏ, tay cầm có chuôi bọc gỗ và kim loại màu vàng đồng, chạm khắc hoa văn. Kích thước thanh kiếm dài khoảng 90cm, vỏ kiếm dài khoảng 79,2cm, rộng 4,7cm. Vỏ kiếm có móc treo hình tròn.
Kỷ vật Thanh kiếm. Ảnh: BTHCM
Cùng với thanh kiếm, bà Lâm Thị Đầu và gia đình còn trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh Huân chương Kháng chiến hạng Ba của cụ Lâm Văn Sản (trên giấy ghi bí danh Quang Nhật tức Lâm Văn San) được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Huân chương có chữ ký Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký ngày 28/11/1961 theo Lệnh số 63/LCT.
Kỷ vật Huân chương Kháng chiến hạng Ba của cụ Lâm Văn Sản được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng. Ảnh: BTHCM
Tại buổi làm việc, bà Lâm Thị Đầu chia sẻ: “Xuất phát từ tấm lòng kính yêu và sự biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tôi đây là kỷ vật thiêng liêng và có ý nghĩa của gia đình. Tôi đã lưu giữ rất cẩn thận trong thời gian vừa qua, nay tôi xin giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để giữ gìn, bảo quản lâu dài và phát huy giá trị hiện vật, bởi đó là tình cảm và sự quan tâm của Người đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng...”
Bà Lâm Thị Đầu (con gái cụ Lâm Văn Sản) ký biên bản giao, nhận hiện vật. Ảnh: BTHCM
Đồng chí Hoa Đình Nghĩa, Phó Trưởng phòng Sưu tầm, đại diện Đoàn công tác trao Thư cảm ơn
... và quà tặng của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho bà Lâm Thị Đầu và gia đình. Ảnh: BTHCM
Trong thời gian công tác tại Cao Bằng, Đoàn đã làm việc với Huyện ủy Trùng Khánh và UBND xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh; gặp gỡ ông Bế Cao Lạng, con trai bà Ma Thị Mùi (người đã có quá trình hoạt động cách mạng cùng cụ Lâm Văn Sản) để làm rõ thêm về quá trình hoạt động cách mạng của cụ Lâm Văn Sản tại địa phương.
Đoàn công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh làm việc với Huyện uỷ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: BTHCM
Đoàn công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh làm việc với UBND xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: BTHCM
Đoàn công tác Bảo tàng Hồ Chí Minh gặp gỡ ông Bế Cao Lạng, con trai bà Ma Thị Mùi (người đã có quá trình hoạt động cách mạng cùng cụ Lâm Văn Sản). Ảnh: BTHCM
Bảo tàng Hồ Chí Minh rất trân trọng sự đóng góp của bà Lâm Thị Đầu và gia đình đã trao tặng những kỷ vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng. Những kỷ vật mà gia đình bà Lâm Thị Đầu trao tặng, Bảo tàng sẽ lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất, đồng thời tiến hành làm hồ sơ khoa học, phát huy giá trị và giới thiệu đến đông đảo công chúng trong thời gian tới.
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh