Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

“Chỉnh đốn lại Đảng” theo lời dặn của người sáng lập Đảng
Ngày đăng: 04:17 30/01/2020
Lượt xem: 1.502

Mục đích của việc chỉnh đốn Đảng theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

1. Chín mươi Xuân trước, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì này - Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc tại nhà của một công nhân ở Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Sau khi nghe Người nêu rõ lý do, chương trình nghị sự của Hội nghị và trách nhiệm của những người cộng sản Việt Nam là phải thống nhất hành động nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng và cho phong trào cách mạng, sau gần một tháng thảo luận, các đại biểu dự Hội nghị đều tán thành xóa bỏ mọi thành kiến cũ, hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.

Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sự ra đời của Đảng giữa những ngày đầu xuân năm ấy như phát pháo hiệu báo Xuân về. Cũng từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc ta đã cùng đoàn kết phấn đấu, đem lại những mùa xuân tươi đẹp cho đất nước: tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng “long trời, lở đất” tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa dân tộc ta vào thời kỳ phát triển mới…

Những kỳ tích ấy là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là sự hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ đảng viên của Đảng đã không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng và tự đổi mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, để tìm đường và mở đường đưa dân tộc phát triển cùng thời đại trong suốt 80 năm qua.

2. Là người sáng lập Đảng ta, Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng. Người luôn coi đây là nền tảng gốc rễ của mỗi con người và của toàn xã hội, là cội nguồn sức mạnh của Đảng, bảo đảm cho thắng lợi của mọi sự nghiệp cách mạng và sự phát triển vững bền của quốc gia, dân tộc.

Vì tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, bài học đầu tiên Người dạy trong các lớp huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1927, là bài học về Tư cách một người cách mệnh. Trong bài học ấy, Người nêu 23 điều về tư cách của một người cách mạng chân chính, tập trung vào ba mối quan hệ chính, đó là: đối với mình, đối với người và đối với việc. Từ đó, 23 điều về Tư cách một người cách mệnh đã đặt nền tảng cơ sở cho việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng...

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Làm thế nào để đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là những “công bộc” của dân, là điều Bác Hồ đặc biệt trăn trở, quan tâm. Vì thế, một ngày sau khi nước nhà giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Người đề nghị cần phải giải quyết ngay lúc bấy giờ là thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người giải thích rõ: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Để thực hiện điều đó, Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”(1).

Cũng ngay trong những ngày đầu lập nước ấy, Bác Hồ đã sớm nhận thấy những biểu hiện thoái hóa, biến chất trong một số đảng viên, cán bộ trong bộ máy chính quyền cách mạng. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà ngày 17/9/1945, sau khi khẳng định những thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta, Người nói rõ những khó khăn của việc xây dựng chế độ mới và những khuyết điểm của cán bộ địa phương, như: lạm dụng hình phạt; kỷ luật không nghiêm; ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy của dân; lên mặt quan cách mạng, độc hành, độc đoán, “dĩ công dinh tư” (lấy của chung làm của riêng); dùng pháp luật để báo thù tư... Những khuyết điểm đó, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, oán đến Chính phủ và Đoàn thể, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Vì vậy:

“Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,

Chúng ta không sợ có khuyết điểm,

Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi…”(2).

Và một tháng sau, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Người căn dặn cán bộ các cấp: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”(3). Người thẳng thắn vạch rõ “những lầm lỗi rất nặng nề” trong một số cán bộ có chức, có quyền. Đó là các căn bệnh như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... và tỏ thái độ nghiêm khắc: “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(4).

Từ đó, với tinh thần cách mạng ấy, dù trong kháng chiến gian khổ hay trong hòa bình xây dựng đất nước, Bác Hồ luôn đặt lên hàng đầu việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Những lời dạy tâm huyết của Người về vấn đề này được đề cập trong hầu hết các tác phẩm, bài viết, trong các bài nói chuyện, các cuộc gặp gỡ, trong các lớp chỉnh huấn, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên mới… Đặc biệt là trong bộ ba tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, “Đạo đức cách mạng” và “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”... Người đã bàn rất sâu về việc học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu lên những giải pháp phòng chống chủ nghĩa cá nhân và phân tích sâu sắc vai trò gương mẫu của người cán bộ đảng viên…

Ngày 5/1/1960, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/1960). Ảnh: Tư liệu

3. Vào những ngày tháng 5/1965, giữa lúc đang còn khỏe mạnh và minh mẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động viết bản Di chúc lịch sử, để lại những lời dặn dò có tính định hướng lâu dài cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Toàn văn bút tích Di chúc của Người do Đảng ta công bố năm 1989, cho thấy rõ, tháng 5/1968, Người đã sửa và bổ sung nhiều nhất. Đặc biệt lần sửa này, Người đề cập tương đối toàn diện tới những công việc Đảng ta phải làm sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất.

Trong bề bộn các công việc phải dự liệu, trù tính và tổ chức thực hiện ấy, Người đặc biệt quan tâm tới công việc có tính chất quyết định: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Rõ ràng, trong quan niệm của Người, công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cốt tử trong việc bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa, vì Đảng là nhân tố quyết định đưa cách mạng giải phóng dân tộc lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm triệt để thực hiện sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Bài giảng đầu tiên của Người trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu, đã đề cập tới việc giáo dục “Tư cách người cách mạng”. Trong 23 điều răn ấy, Người xoay quanh ba mối quan hệ chính của người cán bộ, đối với bản thân, đối với mọi người và đối với công việc. Trong Di chúc, Người lại lần nữa nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải chú ý ba mối quan hệ này.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định niềm tin của Người vào bản lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền đã trải qua thử thách, cho nên không thấy Người dặn nhiều về việc kiên định đường lối, hay nói như cách của Người là “giữ chủ nghĩa cho vững”, nhưng lại thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Người trong việc xử trí các mối quan hệ trong nội bộ Đảng. Chính vì vậy, Người đã dặn dò kỹ: phải giữ gìn sự đoàn kết, phải thực hiện dân chủ, phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, mỗi đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Tháng 5/1966, theo đồng chí Vũ Kỳ kể lại, Người rà lại rất lâu, dừng lại trước nhiều ý, song chỉ bổ sung một câu ở       phần nói về Đảng”. Năm 1965, Người đã viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê và phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Năm 1966, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải chăng đây là mục đích, là cơ sở xuất phát, là động cơ của công việc phê bình trong nội bộ Đảng ta.

4. Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của mỗi Đảng chính trị, nhất là ở những giai đoạn chuyển tiếp của cách mạng, trước những tình hình mới, đặc điểm mới và yêu cầu công việc mới. Song đối với một Đảng cầm quyền, một căn bệnh của đảng viên xuất hiện khi chuyển từ giai đoạn chiến tranh sang xây dựng hòa bình, là tư tưởng xả hơi, hưởng thụ. Đây là lúc mà “cái tôi” thường được dịp lấn át cái chung trong mỗi con người.

Năm 1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải trau dồi phẩm chất chính trị, tránh bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường”. Tới những ngày cuối đời, khi hình dung sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mối lo lớn của Người lại cũng vẫn là đạo đức, phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên. Tháng 6/1968, khi làm việc với các cán bộ có trách nhiệm của Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách Người tốt việc tốt, Người đã cảnh báo nguy cơ dễ mắc phải sau chiến thắng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(5).

Chính vì vậy, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức phải làm thường xuyên, liên tục. Trong thời bình, nội dung quan trọng hơn cả là giáo dục đạo đức, phẩm chất lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên, để làm sao cho mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải xác định là người lãnh đạo, người phục vụ, người đầy tớ của nhân dân.

Một trong những biện pháp tổ chức có hiệu quả để giáo dục đảng viên là thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình. Việc Người đặt cụm từ “tự phê bình” trước “phê bình” là hoàn toàn có ý. Theo Người, muốn giúp đỡ đồng chí, thì trước hết mình phải tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Nếu cả một Đảng, cả một xã hội ai ai cũng xác định trước là tự sửa mình, sau mới đến sửa người như mong muốn của Người, thì sẽ xây dựng được một xã hội và những con người tốt đẹp.

Nhắc nhở đảng viên phải giúp đỡ, phê bình đồng chí, song Người đặc biệt lưu tâm động cơ và phương pháp của sự phê bình. Theo Người, phê bình xuất phát từ tình thương yêu đồng chí, mục đích mong đồng chí tiến bộ thì nhất định cách phê bình cũng dễ được chấp nhận và đồng chí dễ tiếp thu: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”(6).

Đối với nhân dân, Người đã dặn mỗi người phải có lòng nhân ái; còn đối với đồng chí, đương nhiên sự đồng cảm, đồng tình, của những người cùng chí hướng chắc hẳn phải nhân lên gấp bội.

5. Từ bài học khai tâm về Tư cách một người cách mệnh những ngày đầu cách mạng đến những lời dặn của Người về xây dựng Đảng trong Di chúc, đến cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng nhiều năm sau đó... những lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng và tấm gương mẫu mực của Người về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… đã trở thành mục tiêu, phương hướng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của các thế hệ cán bộ đảng viên của Đảng. 90 năm qua, hầu hết đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng luôn luôn gương mẫu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đi đầu trong chiến đấu, trong lao động sản xuất và học tập, họ luôn xứng đáng là những người con yêu của Tổ quốc, của nhân dân...

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số không ít cán bộ đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền vẫn chưa thấm nhuần và làm theo những lời dạy của Bác Hồ, không chịu tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng. Họ tự cho mình là “quan cách mạng”. Mỗi việc làm của họ đều mang nặng “chủ nghĩa cá nhân”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, và đang trở thành một thách thức đối với sự phát triển vững bền của Đảng và dân tộc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu và chỉ rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là: Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới, chưa nhận thức đầy đủ về những tác động phức tạp và nhiều mặt của cơ chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần trong hội nhập để phát triển; Sự chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tốt, đặc biệt là chưa chú ý đúng mức đến vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên; Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không chịu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, vừa yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiên phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ… Trước tình hình đó, Từ Đại hội X, đến các đại hôi XI, XII, Đảng liên tục đề ra chủ trương, dành nhiều công sức để tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng và các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, và coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta...

Với tinh thần ấy, tiếp theo Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/3/2003, về việc “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, trong đó xác định “việc tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ mấu chốt của công tác tư tưởng của Đảng, cần được toàn Đảng thực hiện chặt chẽ, có chất lượng, hiệu quả”(7), ngày 27/11/2006, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp đến ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị nêu rõ:

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được kết quả bước đầu... Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

“Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(8).

Thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, hơn hai năm qua, cuộc vận động Học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ở nhiều nơi, cuộc vận động đã trở thành phong trào thi đua trong từng việc làm cụ thể, vừa thiết thực, vừa hiệu quả. Và không chỉ các cán bộ, đảng viên của Đảng, nhiều tầng lớp nhân dân đã trở thành những tấm gương sáng về Học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Đọc lại Di chúc Bác Hồ - Di chúc của người sáng lập, rèn luyện Đảng ta - càng nhớ những lời dạy của Người và sự mẫu mực của Người trong việc thực hành đạo đức cách mạng, bởi đó chính là lối sống, là đạo đức, là văn hóa làm người. Càng nhớ Bác Hồ, thiết nghĩ mỗi cán bộ đảng viên của Đảng và mỗi người chúng ta, bằng những việc làm cụ thể, cùng ra sức thi đua làm nhiều việc tốt, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh. Đó chính là thiết thực chúc mừng 90 năm ngày thành lập Đảng và thiết thực kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, xứng đáng với lòng tin yêu và hy vọng của Bác Hồ kính yêu: “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch… xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(9)./.

------------------------------------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 20

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 65.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 66.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.672.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.672.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622.

7. Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003, về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”.

8. Bộ Chính trị: Chỉ thị 05, ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh”.

TS. Đinh Quang Hà

Học viện Cảnh sát nhân dân

 

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi