Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Chuyến đi nước ngoài chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 09:16 09/11/2020
Lượt xem: 1.031

Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có nhiều Đoàn cán bộ của Ban Phụ trách xây dựng và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ra nước ngoài tranh thủ sự giúp đỡ, học kinh nghiệm của bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh, BBT xin được giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thị Tình, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thời kỳ 1999 - 2007, về chuyến đi đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Liên Xô triển khai thực hiện nhiệm vụ “xây dựng ngay kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh” theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/11/1970.

Đó là chuyến đi của đồng chí Vũ Kỳ với tư cách là Ủy viên Thường trực Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng với bốn cán bộ của Ban tháng 9/1971, sang Liên Xô đặt vấn đề nhờ Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin giúp đỡ kinh nghiệm và đào tạo cán bộ cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 

Đoàn cán bộ của Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan và làm việc với Bảo tàng Trung ương Lênin (Liên Xô), tháng 9/1971

 
Nhớ lại năm đó, một trận lụt rất lớn đã xảy ra ở Hà Nội. Bạn mời sang làm việc trong tháng 8 nhưng mãi đến ngày 30/8 mới có chuyến máy bay. Vì đây là chuyến đi rất quan trọng nên trước khi đi Ban lãnh đạo đã chuẩn bị rất chu đáo bản kế hoạch về mục đích chuyến đi và nội dung làm việc với Bạn. Bản kế hoạch đã được Lãnh đạo Ban thông qua.
 Việc cử đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang đặt vấn đề nhờ giúp đỡ xây dựng Bảo tàng về Người, các đồng chí lãnh đạo đã rất mong đợi và tin vào thắng lợi của chuyến đi này. Hơn nữa, như chúng ta biết, trước đó phía Liên Xô đã chính thức quyết định giúp Việt Nam giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay đề nghị Bạn giúp xây dựng một bảo tàng cùng loại hình bảo tàng lưu niệm là nguyện vọng tha thiết của Việt Nam. Về phía Bạn, trực tiếp lúc đó là Vụ Việt Nam của Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Ban Giám đốc Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin, cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch làm việc rất chu đáo đón Đoàn Việt Nam sang làm việc để có cơ sở báo cáo cấp trên về sự giúp đỡ này.
Trong 2 tuần ở Liên Xô, Đoàn đã được Bạn tổ chức cho học tập kinh nghiệm chủ yếu ở Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin và một số chi nhánh, một số nơi lưu niệm của Lênin ở Mátxcơva, Lêningrad và Ulianốp. Trong Báo cáo của Đoàn gửi lãnh đạo Ban Phụ trách, đồng chí Vũ Kỳ đã nêu rất cụ thể 30 buổi làm việc với Bạn, gồm: 13 buổi với 29 giờ làm việc tại Bảo tàng Trung ương Lênin; 12 buổi với 35 giờ làm việc ở các chi nhánh và địa điểm lưu niệm của V.I. Lênin; 2 buổi đi thăm Bảo tàng Cách mạng Liên Xô và Bảo tàng C.Mác F.Ănghen. 3 buổi gặp mặt Ban khoa học và Viện Mác - Lênin thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và đồng chí Bí thư tỉnh ủy Ulianốp. Trong tất cả các buổi làm việc đó, Đoàn đã rút ra được những bài học rất bổ ích trong quá trình Bạn xây dựng Bảo tàng V.I.Lênin và đưa Bảo tàng vào hoạt động. Đó là những công việc: Nghiên cứu cuộc đời và hoạt động của V.I. Lênin; Sưu tầm và bảo vệ các di tích của V.I. Lênin; Bảo vệ và sửa sang các nơi lưu niệm về V.I. Lênin; Kiểm kê, bảo quản, kho bảo quản cơ sở và công tác bảo vệ; Đặc biệt, ngay trong chuyến đi đầu tiên này, Đoàn đã học kinh nghiệm công tác trưng bày cũng như ý thức của cán bộ chuyên môn trong việc phục vụ quần chúng…
Những bài học thực tế nêu trên đã là cơ sở để Ban Lãnh đạo báo cáo Trung ương hình thành nên cơ cấu tổ chức của cơ quan đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện một Viện Bảo tàng về Bác. Như trong báo cáo kết quả đợt làm việc, đồng chí Vũ Kỳ viết: “Hiện nay chúng ta chưa có Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng tất cả những công việc chuẩn bị cho việc xây dựng bảo tàng, cho nội dung và hình thức trưng bày, cần phải có kế hoạch toàn diện. Về tổ chức thực hiện có việc làm trước, có việc làm sau, có việc làm ngay được, nhưng cũng có việc cần phải chuẩn bị lâu dài. Có những việc cơ quan có trách nhiệm thực hiện, nhưng cũng có những việc cần nhiều cơ quan, nhiều ngành cùng làm mới được… Nếu không chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu chính trị, thì lúc đó chúng tôi có khuyết điểm rất lớn đối với Đảng, đối với nhân dân, nhất là đối với đồng bào, đồng chí miền Nam và đối với Bác Hồ kính yêu”. Trong tất cả những công việc đó qua kinh nghiệm của Bạn, Ban Lãnh đạo đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất đó là nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ rõ: “Kết quả nghiên cứu đó là cơ sở cần thiết và đầu tiên để chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh”. Và những việc rất cụ thể đã được đề xuất để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là:
- Sưu tầm và bảo vệ các di tích, các hiện vật, tài liệu có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác cả trước và sau khi Người qua đời, cả ở trong nước và ở nước ngoài. Nêu rõ: nếu làm chậm việc này thì càng ngày càng khó khăn hơn và có những trường hợp mất mát, hư hại, khó có cách làm lại được.
- Tiến hành việc bảo vệ và sửa sang các nơi lưu niệm của Bác ở trong và ngoài nước đối với những nơi có điều kiện thực hiện.
- Tranh thủ mọi điều kiện về khoa học, kỹ thuật để bảo quản các tài liệu, hiện tại và lâu dài…
Điều to lớn và quan trọng hơn là trong chuyến đi đầu tiên này, với cương vị và uy tín của mình, đồng chí Vũ Kỳ và Đoàn cán bộ của Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đặt được nền móng cho quan hệ giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin. Và như chúng ta biết, sự giúp đỡ của Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của việc chuẩn bị toàn diện cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhất là chuẩn bị nội dung và kỹ thuật trưng bày. Trong báo cáo gửi Lãnh đạo Ban Phụ trách, đồng chí Vũ Kỳ viết: “Qua làm việc với Bạn ở các nơi và các cấp, chúng tôi thấy rõ nhiệt tình và ý muốn của các Bạn là muốn giúp đỡ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh về mọi mặt. Ban Khoa học và Viện Mác - Lênin thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nhất là Ban Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lênin đều hứa sẵn sàng và rất vinh dự được góp phần giúp đỡ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và đều gợi ý chúng tôi về báo cáo để hai Trung ương đặt vấn đề chính thức”. Và như chúng ta biết Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ban đầu là ngôi nhà và về sau cả trang thiết bị mỹ thuật và kỹ thuật trưng bày.
Riêng về đào tạo cán bộ, trong suốt 20 năm chuẩn bị và xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin luôn kề vai sát cánh với chúng ta. Nhiều cán bộ khoa học có trình độ và kinh nghiệm đã được Bạn cử trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng nội dung trưng bày, nghiên cứu sưu tầm được nhiều tài liệu về Bác Hồ tại Liên Xô mà khi đó phía Việt Nam chưa có điều kiện được tiếp cận. Nhiều lượt cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được cử sang Liên Xô tham quan và nghiên cứu tại Bảo tàng Trung ương và các chi nhánh của Bảo tàng V.I. Lênin. Từ năm 1975 đến năm 1985, mỗi năm Bảo tàng Trung ương V.I. Lênin đã đón 05 cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang thực tập. Từ năm 1986, số lượng thực tập sinh được nâng lên 10 người mỗi năm để chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của Bảo tàng. Như vậy, từ đầu những năm 70 đến năm 1990, hàng trăm lượt cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh được đi thực tập tại Liên Xô, chưa kể đến các đoàn chuyên gia của Việt Nam sang Liên Xô phối hợp xây dựng công trình và thiết kế nội thất trưng bày bảo tàng. Sự phối hợp công tác đó đã giúp cho cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp thu được kinh nghiệm và những tiến bộ của khoa học vào vận hành một bảo tàng hiện đại vào năm 1990.
Trong điều kiện chiến tranh và những khó khăn do trận lụt lịch sử năm 1971 gây ra, nhưng chỉ 10 tháng sau khi Nghị quyết của Trung ương về thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, Bảo tàng đã rất chủ động và tự tin bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trong các giai đoạn tiếp theo, dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban lãnh đạo luôn đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu để đoàn kết, tập trung mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là truyền thống và cũng là bài học để Bảo tàng Hồ Chí Minh xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân giao trong việc gìn giữ và phát huy di sản quý của Bác Hồ để lại cho dân tộc.

TS. Nguyễn Thị Tình

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi