Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Biên niên tiểu sử
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố với phóng viên báo “Pari - Sài Gòn”; Người có hai bài viết “Chiến lược của quân ta và của quân Pháp” và “Động viên kinh tế” cùng ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 434
Thời gian: 13-12-1946
Nội dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố với phóng viên báo “Pari - Sài Gòn”. Bản Tuyên bố nêu rõ: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp.

Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm... dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề Chiến lược của quân ta và của quân Pháp và Động viên kinh tế, cùng ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 434.

Trong bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp, tác giả dựa vào ý đồ cướp nước và phân tích hành động chiến tranh của thực dân phản động Pháp ở Nam Bộ và Hải Phòng, Lạng Sơn đã nhận định: “Chiến lược của chúng(1) là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng” nhằm giải quyết nhanh vấn đề chiếm đóng và tiêu diệt chủ lực của quân ta, buộc ta phải khuất phục. Nhưng chiến lược đó của chúng, vì tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nên chắc chắn sẽ thất bại. Còn phía quân ta, do tương quan lực lượng, xuất phát từ mục đích chiến đấu để tự vệ, vì vậy, “chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến”.

Với chiến lược đó, ta phải kháng chiến lâu dài, mà “kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao”. Song từ bài học nhờ trường kỳ kháng chiến mà quân đội Trung Hoa đã đánh thắng phát xít Nhật có lực lượng mạnh hơn, nhờ chiến tranh du kích mà quân đội Nam Tư đã đánh thắng phát xít Đức. Người khẳng định: “chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta”.

Bài Động viên kinh tế nêu rõ ý nghĩa và mục đích của việc động viên kinh tế đối với cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta. Theo tác giả, việc động viên kinh tế phải được tiến hành trên nhiều phương diện: lao động, giao thông, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, tiết kiệm, có như vậy mới tập trung được hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến.

Kết luận, bài báo viết: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này”.

--------------------------------------

1) Tức quân Pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.527-533.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Lời tuyên bố, phóng viên, báo, Cứu quốc, bài viết, đăng, bút danh, Q.T., Cứu quốc, nhân dân, chiến lược, kinh tế
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khi được đại biểu các nhà báo Việt Nam hỏi ý kiến về lời tuyên bố mới đây của Lêông Blum về vấn đề Việt Nam
Thời gian: 12-12-1946
Nội dung

Được đại biểu các nhà báo Việt Nam hỏi ý kiến về lời tuyên bố mới đây của Lêông Blum về vấn đề Việt Nam(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu:

“... Lời cụ nói rất có giá trị và ảnh hưởng (...). Lời của cụ Lêông Blum chẳng những đại biểu cho tâm lý nhân dân nước Pháp, mà cũng có thể nói đại biểu cho tâm lý nhân dân Việt Nam.

Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hóa, và vật chất của nước Pháp ở đây.

Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực.

Vậy tôi rất tán thành chính sách thân thiện của cụ Blum, và cảm ơn cụ Blum đã hiểu rõ tâm lý của nhân dân Việt Nam. Chính sách đó thay thế cho chính sách thực dân sớm ngày nào thì lợi cho hai dân tộc Việt - Pháp ngày ấy!”.

Cùng ngày, trong văn kiện “Toàn dân kháng chiến” có mục “V. Khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi:

“1. Những khẩu hiệu chính

1- Toàn dân đoàn kết!

Kháng chiến lâu dài!

2- Liên hiệp dân Pháp!

Đánh thực dân Pháp!

3- Bảo toàn lãnh thổ!

Giữ vững chủ quyền!

4- Đánh đổ chính quyền bù nhìn

Củng cố cộng hòa dân chủ!(2)

5- Việt Nam nhất định độc lập!

Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất!”.

-------------------------------------------

1) Trong một bài phát biểu tranh cử chức Thủ tướng Pháp, Lêông Blum đã tuyên bố giải pháp về vấn đề Việt Nam: “Muốn giữ những ảnh hưởng văn minh, chính trị và văn hóa Pháp, muốn giữ gìn lợi ích vật chất của người Pháp ở Việt Nam thì có một phương pháp và chỉ một phương pháp mà thôi. Phương pháp đó tức là hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện”.

2) Chỉ có nơi Pháp lập chính quyền bù nhìn mới nêu khẩu hiệu này ra.

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

-  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.154.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.525.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Lêông Blum, Việt, Pháp, phát biểu, nhà báo, lời tuyên bố, nhân dân
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Công nhân cứu quốc làng Cổ Nhuế
Thời gian: 12-1946
Nội dung

Tháng 12, trước ngày 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Công nhân cứu quốc làng Cổ Nhuế đã may và gửi biếu Người một bộ quần áo. Người đã gửi bộ quần áo đó tới Ủy ban vận động Mùa đông binh sĩ để tặng lại các chiến sĩ ngoài mặt trận.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 431, ngày 10-12-1946.

Từ khóa: Hồ Chí Minh,tặng, thư, cảm ơn, công nhân, cứu quốc, mùa đông binh sĩ, Cổ Nhuế
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông L. A. Môpha; tiếp nhà báo Bécna Đrăngbê; gửi điện mừng ông Vanhxăng Ôriôn nhân dịp ông được tái cử làm Chủ tịch Quốc hội Pháp; ra Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, đăng trên báo Cứu quốc, số 428.
Thời gian: 7-12-1946
Nội dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, đăng trên báo Cứu quốc, số 428.

Sau khi nêu rõ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tố cáo những hành động gây hấn của binh lính Pháp ở Việt Nam, phá hoại Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, Người kêu gọi:

“Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp -  Việt thân thiện và lâu dài”.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông L. A. Môpha (L. A. Moffat), Giám đốc Cục Châu Á - Bộ Ngoại giao Mỹ, mới tới Hà Nội(1).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn có cuộc tiếp nhà báo Bécna Đrăngbê (Bernard Dranber), phóng viên báo Paris - Saigon. Người nói:

“Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp.

Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang chờ đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy.

Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là điều tai hại”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ông Vanhxăng Ôriôn nhân dịp ông được tái cử làm Chủ tịch Quốc hội Pháp.

-----------------------------------------------------------------------------------

1) Theo Philippe Dellivers, phía Pháp không biết gì về cuộc tiếp xúc này. Cùng dự còn có ông Hoàng Minh Giám và Xulivan (Sullivan), lãnh sự Mỹ tại Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 428, ngày 7-12-1946.

-  Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.269, 270, 271, 275.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.518-519.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Vanhxăng Ôriôn, Bécna Đrăngbê, L. A. Môpha,tiếp, gửi, điện mừng, Quốc hội, Chính phủ, Việt, Pháp, đăng, báo, Cứu quốc, Lời kêu gọi
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời tựa cho cuốn Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói chọn lọc theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (Mátxcơva) nhân dịp ấn hành cuốn sách
Thời gian: 1-1959
Nội dung
Tháng 1, trong tháng
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời tựa cho cuốn Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói chọn lọc theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (Mátxcơva) nhân dịp ấn hành cuốn sách.
Trong Lời tựa, Người điểm lại lịch sử phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước và sau khi có Đảng Cộng sản. Từ những bài học lịch sử, tác giả rút ra những chân lý về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”... “trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi”.
Nguồn trích:
-  Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói chọn lọc, Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1959, bản tiếng Nga, tr.3-6.
-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.29-32.
Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viết, Lời tựa, Mátxcơva
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi