Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Để Đảng mãi xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”
Ngày đăng: 05:42 06/04/2020
Lượt xem: 1.853

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “… Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”1; và “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”2. Chín mươi năm qua (03/02/1930 - 03/02/2020), Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng với vị thế là đội tiền phong, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để mãi xứng đáng với vị thế, vai trò và trách nhiệm lịch sử mà đất nước và nhân dân giao phó.

 
Cùng với chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta cũng luôn quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức - sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng nền gốc tinh thần của Đảng và sức mạnh nội sinh của dân tộc, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ngang tầm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng với dân tộc, với sự tin cậy và ủy thác của Nhân dân.
 

1. Để Đảng ta xứng đáng là người “đứng mũi chịu sào” trước lịch sử

 
Trước tình hình trong nước và thế giới đang diễn ra nhiều tình huống phức tạp, vấn đề đạo đức trong Đảng đang là nhiệm vụ cấp bách. Những nguy cơ hiện hữu, những tổn thất khôn lường đe dọa vận mệnh đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sức sống của Đảng (tệ tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực, tư duy nhiệm kỳ, tệ lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên); sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước bị giảm sút, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị xâm hại, sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam đang bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt.
 
Mặt khác, trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, cần xây dựng Đảng một cách toàn diện, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nhiệm vụ cơ bản, là một trong những giải pháp chủ yếu và quan trọng để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và đoàn kết quốc tế; trực tiếp xây dựng và nhân lên sức mạnh nội sinh của cách mạng nước ta.
 

2. Để Đảng ta mãi xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” và “chân chính, cách mạng”

 
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển đều phải hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa; mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ… Phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo đúng định hướng chính trị, đồng thời được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa, nhất là đạo đức, văn hóa của Đảng cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững.
Từ trước tới nay, các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn Đảng chỉ tập trung vào ba vấn đề căn bản là: xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì thế, không ít người cho rằng, khi đề cập đến việc xây dựng Đảng về tư tưởng cũng đã bao hàm vấn đề đạo đức. Từ thực tiễn cách mạng có thể khẳng định: lơ là hoặc xem nhẹ xây dựng Đảng về đạo đức, hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với đạo đức là chưa đủ tầm, thậm chí thiên lệch, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phong cách… Bởi vì, sự suy thoái về đạo đức sẽ dẫn đến sự suy thoái về chính trị, lỏng lẻo, thậm chí tan rã về tổ chức. Vấn đề đạo đức của Đảng nổi lên vừa là vấn đề bức xúc nhất, cấp thiết nhất, vừa là vấn đề hệ trọng lâu dài có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
 
Mặt khác, trước yêu cầu phát triển đất nước hùng cường và bền vững thì lợi ích cốt lõi, lợi ích dân tộc phải trở thành tối cao; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc vô cùng thiêng liêng, hệ trọng… càng đòi hỏi sự phát triển về đạo đức trong Đảng và của Đảng. Đó là thước đo sự phát triển không chỉ đạo đức, sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức của Đảng trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.
 
Để hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ hết sức nặng nề đó, sự cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm, đạo đức chung chung, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức phải trở thành lẽ sống và nếp sống của Đảng và mỗi đảng viên.
 

3. Để Đảng xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

 
Thực tiễn cho thấy ngày càng rõ hơn về tầm quan trọng đạo đức của Đảng, đó chính là đạo đức chính trị. Vị thế chính trị của Đảng với tư cách là lực lượng lãnh đạo phụ thuộc vào nhận thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành động đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Đạo đức của Đảng là sự thể hiện bằng hành động đạo đức, nhân cách sống của từng cán bộ, đảng viên, uy tín và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đảng. Đây là vấn đề nền tảng của mọi vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay.
 
Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới những biến dạng về thái độ chính trị, động cơ chính trị và hành động chính trị. Thực tế cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi suy yếu, mất lòng dân; khi sự thoái hóa, suy đồi về đạo đức, lối sống diễn ra trong đảng, nhất là ở những cơ quan quyền lực và một số người lãnh đạo. Sự sụp đổ của Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, ngoài nguyên nhân sai lầm về đường lối và mất phương hướng chính trị, còn có nguyên nhân sâu xa là do tự đánh mất lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân, do sự suy đồi đạo đức, lối sống, nhân cách ở những người cầm quyền. Do đó, trong điều kiện Đảng cầm quyền, chúng ta không thể không tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức.
 

4. Để Đảng luôn xứng đáng “là trí tuệ, là danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”

 
Vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong các tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân đã được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa VIII; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI về “Xây dựng văn hóa trong chính trị. Chú trọng xây dựng trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể”. Tuy nhiên, các nghị quyết nêu trên mới chỉ nhấn mạnh nội dung công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
 
Nếu đồng nhất giản đơn xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức sẽ dẫn đến xem nhẹ vấn đề đạo đức trong Đảng, của Đảng. Đó là hạn chế lớn cần phải khắc phục. Có thể sẽ gây lệch lạc trong lãnh đạo chính trị, làm xáo trộn trong tư tưởng, phương hại tới lãnh đạo tổ chức của Đảng; đồng thời cũng dẫn đến nguy cơ làm phương hại đến việc xây dựng và phát triển đạo đức xã hội.
 
Trên phương diện quốc tế, đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh chính trị, tạo ra sự hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, chắc chắn và vĩ đại. Đặc biệt, đối với một đảng cầm quyền hiện nay, không chỉ là tầm nhìn, trí tuệ, vấn đề đạo đức của Đảng, nhất là việc làm thế nào để Đảng thật sự vững vàng, trong sáng về đạo đức là một vấn đề có tính quy luật. Đó chính là bản chất của một Đảng Cộng sản mang bản chất giai cấp công nhân.
 
Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung độc lập, song hành với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nghĩa là, công tác xây dựng Đảng bao gồm bốn mặt cơ bản: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức - đây là những trụ cột của công tác xây dựng Đảng; là cơ sở, tiền đề và động lực bảo đảm cho Đảng thực sự là đội tiên phong lãnh đạo toàn xã hội. Đây là một quyết sách chính trị chín muồi, là điểm mới, công việc rất quan trọng được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bổ sung và khẳng định: “Tập trung thực hiện mục tiêu: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”3. Đạo đức phải thấm đẫm và chi phối tất cả các mối quan hệ giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân ta, giữa Đảng ta với các đảng và nhân dân thế giới.
 
Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng, của Đảng một cách tự nhiên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa căn bản, mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng hiện nay, cụ thể: 1) Là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên suốt trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; 2) Là cái “gốc” của công việc xây dựng Đảng, là nội dung và môi trường của các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; 3) Là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng. Công cuộc xây dựng Đảng về đạo đức nếu không được nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết và ngang tầm; những biểu hiện về suy thoái về đạo đức… nếu không được chỉnh đốn kịp thời sẽ là thách thức sống còn, nguy cơ đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
 
Trước thực tế và yêu cầu trên, cần nắm chắc những phương châm chỉ đạo xây dựng Đảng về đạo đức, cụ thể như sau:
 
Một là, gắn việc giáo dục nhận thức, tri thức về đạo đức hành động với thực thi hành động đạo đức.
 
Hai là, công tác xây dựng Đảng về đạo đức phải gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng… gương mẫu thực hành đạo đức; mỗi tổ chức đảng phải là môi trường thực hành và cổ vũ đạo đức trong Đảng và làm rường cột lan tỏa, phát triển đạo đức của Đảng.
 
Ba là, Đảng dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng về đạo đức, thông qua phê bình, giám sát, kiểm tra một cách công khai, minh bạch, ở mọi nơi, mọi lúc và đối với mọi cán bộ, đảng viên.
 
Bốn là, gắn chặt việc xây dựng Đảng về đạo đức với chống những biểu hiện suy thoái đạo đức trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị và ngoài xã hội, bằng giáo dục, kỷ luật, pháp luật và sức mạnh dư luận.
 
Thực tiễn và yêu cầu phát triển của Đảng càng đòi hỏi xây dựng Đảng về đạo đức phải được đặt ở vị trí ngang hàng với chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Theo đó, xây dựng Đảng về đạo đức là một yếu tố cấu thành nên nội dung công tác xây dựng Đảng; đồng thời, là cơ sở và động lực bảo đảm cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó chính là sự biểu hiện vị thế quan trọng của đạo đức trong mối quan hệ với chính trị, tư tưởng và tổ chức trong chỉnh thể công tác xây dựng Đảng; là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng và chân chính.
 
Hệ tiêu chí đạo đức của toàn Đảng gồm các nhân tố: trung thành; hy sinh; cầu thị; trọng dân; nghiêm minh; thủy chung. Từ đó, hình thành một hệ tiêu chí về đạo đức của cán bộ, đảng viên, gồm các nhân tố hợp thành chỉnh thể đạo đức cá nhân mà công tác xây dựng Đảng về đạo đức phải nắm vững và thực thi nghiêm túc: tuân thủ; tiền phong; trách nhiệm; trung trực; tín nghĩa; tình thương; tự trọng; tiết kiệm; trong sạch; tề gia. Tổng hòa các nhân tố đó hợp thành nội dung hữu cơ của đạo đức, xuyên suốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức; là sự định hướng, định tính và định lượng về đạo đức của Đảng. Đó là đạo đức hành động để mỗi cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy và tổ chức đảng nhận thức sâu sắc trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức sẽ góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng Đảng cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất, nhằm không ngừng nâng cao sức sống, bảo đảm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng.
 
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đang chuẩn bị tốt nhất những công việc quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, việc rất quan trọng là không ngừng chỉnh đốn, nâng cao đạo đức đảng viên, xem đó là thước đo căn bản đối với mỗi đảng viên, một tiêu chuẩn hàng đầu đối với việc xây dựng nhân sự cho một thời kỳ cách mạng mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài và ngang tầm nhiệm vụ, đưa Việt Nam phát triển vững bước trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, mỗi đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và XII. Trước hết, người đứng đầu cấp ủy phải là một tấm gương về đạo đức. Mỗi tổ chức đảng tự mình trở thành môi trường về đạo đức của Đảng, mẫu mực về đạo đức dân tộc và hòa quyện thống nhất với đạo đức của nhân dân, phát triển đạo đức của toàn xã hội. Chỉ có như vậy, công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mới trở nên hài hòa và thiết thực, để Đảng ngày càng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, ngang tầm vị thế, vai trò và trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng trong công cuộc đổi mới, dẫn dắt đất nước nhịp bước cùng thời đại./.
---------------
 
Ghi chú:
1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.402, tr.403.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.47.
 

TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi