Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Diễn văn của Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng (25/11/1970 – 25/11/2020)
Ngày đăng: 11:04 25/11/2020
Lượt xem: 2.572

Ngày 24/11/2020, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng đã có bài diễn văn quan trọng đánh giá quá trình xây dựng và trưởng thành của Bảo tàng Hồ Chí Minh suốt 50 năm qua. Website Bảo tàng Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này. 

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (25/11/1970-25/11/2020), ngày 24/11/2020.

 

Kính thưa đồng chí Tạ Quang Đông, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa các đồng chí và các bạn đồng nghiệp!
 
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đi xa. Trong niềm tiếc thương vô hạn, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 25-11-1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) ra Nghị quyết số 206-NQ/TW thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. 
Sau 20 năm chuẩn bị và xây dựng, ngày 19-5-1990, lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức trong niềm hân hoan của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Từ đó đến nay, trải qua 50 năm, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: Nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Hôm nay, trong niềm vui chung của nhân dân cả nước tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh long trọng kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng (1970-2020). Thay mặt các cán bộ, đảng viên của Bảo tàng, tôi xin báo cáo tóm tắt những nét nổi bật của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã làm trong suốt 50 năm qua. 

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh với việc nghiên cứu, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh

Từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan ngày 19-5-1990, cùng với Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội. Với thế mạnh là nơi giữ gìn, nghiên cứu và giới thiệu di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, góp phần tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tập trung tổ chức thực hiện nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả.

1.1. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục về giá trị di sản Hồ Chí Minh

Để nâng cao chất lượng thuyết minh, tăng tính hấp dẫn, tính khoa học, tính thời sự, trong 50 năm qua, các cán bộ thuyết minh của Bảo tàng đã luôn cập nhật thông tin, kết quả sưu tầm, kết quả nghiên cứu của các cơ quan, các nhà khoa học bên ngoài bổ sung cho phần trưng bày của Bảo tàng. Đồng thời, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng luôn cố gắng làm tốt công tác tìm hiểu, phân tích khách tham quan theo từng nhóm đối tượng để xây dựng các chuyên đề, nội dung thuyết minh cũng như lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp như: phối hợp với một số cơ quan chức năng xây dựng các chuyên đề về Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nói chuyện về Hồ Chí Minh trong các trường học, các cơ quan, đơn vị … 
Trong đó, xác định, khách tham quan trẻ (học sinh, sinh viên) là đối tượng tiềm năng mà Bảo tàng hướng tới, vì vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực để thực sự trở thành địa điểm lý tưởng trong giảng dạy, học tập tư tưởng của Người. Trong thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và các chương trình trải nghiệm với mục tiêu: Bảo tàng là môi trường giáo dục phù hợp, đầy đủ điều kiện với mọi đối tượng, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh để việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người diễn ra một cách tự nhiên, không áp đặt khô cứng, tạo dấu ấn cảm xúc và có sức lan tỏa lớn. Các chương trình trải nghiệm và phương pháp học tập thực tế được các trường học cũng như bản thân học sinh, sinh viên đánh giá cao tính hiệu quả, góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hiểu rõ sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời đưa bảo tàng tiếp cận gần hơn với công chúng và trường học. 
Bên cạnh đó, để hỗ trợ công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh qua tài liệu, hiện vật, Bảo tàng đã và đang nghiên cứu đầu tư các thiết bị công nghệ vào phần trưng bày chính; Xây dựng nội dung thuyết minh tự động hệ thống trưng bày (audio guide), quét mã vạch cho tài liệu, hiện vật (QR code),… phục vụ nhu cầu tự tìm hiểu, tự nghiên cứu của khách tham quan trong và ngoài nước.
Những nỗ lực phấn đấu của Bảo tàng, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ thuyết minh được thể hiện qua những con số biết nói: Trong 50 năm qua, Bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có gần 7 triệu khách nước ngoài. Những dòng lưu niệm của khách còn lưu lại trong các cuốn sổ ghi cảm tưởng không chỉ nói lên lòng kính yêu và cảm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là sự ghi nhận công tác tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

1.2. Đổi mới về nội dung và phương pháp trưng bày, triển lãm

Qua gần 30 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn được đánh giá cao về nội dung, chất lượng và giải pháp trưng bày hiện đại, vừa có tính hàn lâm bác học vừa có tính đại chúng. Tuy nhiên, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn, Bảo tàng vẫn thường xuyên tìm hiểu, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách tham quan, tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, tiến hành nghiên cứu, chỉnh lý và bổ sung sau một thời gian mở cửa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng cũng đã và đang áp dụng các thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mỹ thuật vào công tác trưng bày để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng hiện nay.
Ngoài việc tổ chức phát huy tác dụng hệ thống trưng bày cố định, hàng năm Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội, ở các địa phương và ở một số nước trên thế giới. Các triển lãm không chỉ bổ sung, làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều vấn đề, làm rõ một số giai đoạn trong thời kỳ hoạt động bí mật của Người mà còn kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc... 
Đồng thời với việc thường xuyên nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung trưng bày, Bảo tàng đã chủ động hơn trong thực hiện các trưng bày chuyên đề theo một cách tiếp cận mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng và khẳng định vị trí của Bảo tàng trong nước và khu vực. Ngoài ra, Bảo tàng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các trưng bày online hướng tới những đối tượng khách tham quan không có điều kiện đến với Bảo tàng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp và kéo dài như hiện nay.

1.3. Tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và xuất bản

Trong 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức, phối hợp tổ chức hàng trăm hội thảo, tọa đàm khoa học, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở. Sản phẩm thu được từ các hoạt động khoa học này có ý nghĩa thực tiễn, góp phần bổ sung, làm rõ những tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng cũng đã tiến hành xuất bản nhiều đầu sách và Đặc san Thông tin tư liệu với nội dung phong phú, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh cả trong và ngoài nước. Các ấn phẩm đã phát hành rộng rãi, được bạn đọc, các nhà nghiên cứu đánh giá cao và đón nhận nhiệt tình, trong đó có những cuốn sách tiêu biểu như: Bác Hồ ở Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc; Tiểu sử Hồ Chí Minh (Bản tiếng Anh, Pháp, Trung…); đặc biệt, cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị đại sứ Việt Nam trên khắp toàn cầu bản song ngữ được xuất bản và tặng cho tất cả đại sứ của các nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến và cuốn Hồ Chí Minh tiểu sử được tái bản nhiều lần, được lựa chọn đưa vào “Tủ sách xã, phường, thị trấn”… 

1.4. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, khẳng định hình ảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh

Với mục tiêu chiến lược là quảng bá hình ảnh và các giá trị mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ đến với công chúng, trong những năm gần đây, công tác truyền thông của bảo tàng không ngừng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trước hết là sự ra đời của các sản phẩm nhận diện văn phòng gồm: Logo bảo tàng mới, hệ thống biển chỉ dẫn, website mới và đồng phục cơ quan. Logo của Bảo tàng Hồ Chí Minh được lựa chọn đơn giản nhưng hiện đại, giản dị mà trang nghiêm, vừa ẩn chứa tính dân tộc vừa có tính quốc tế. Hệ thống biển chỉ dẫn trong và ngoài Bảo tàng được thiết kế với sự tư vấn của các chuyên gia Pháp, vừa có tính đặc thù Bảo tàng vừa đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc hướng dẫn, phục vụ khách tham quan trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, bộ đồng phục cơ quan với Logo Bảo tàng màu trắng trên ngực áo, khiến cho mỗi người khi mặc đều cảm nhận được niềm tự hào, gắn bó hơn với cơ quan và đồng nghiệp. Website Bảo tàng chính thức trở lại hoạt động từ tháng 11-2018 sau một thời gian nâng cấp toàn diện về cả nội dung và hình thức, đây là một kênh thông tin chính thống và đầy đủ nhất của Bảo tàng. Tiếp đó, là sự ra đời của Cửa hàng lưu niệm bảo tàng với mục tiêu tạo dựng hình ảnh, thương hiệu của Bảo tàng thông qua các sản phẩm lưu niệm. Và mới đây nhất, sau thời gian nghiên cứu với sự tư vấn của các chuyên gia Pháp, tờ gấp mới giới thiệu Bảo tàng với thiết kế hiện đại, ấn tượng đã chính thức được ra mắt khách tham quan. 

2. Làm tốt công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản di sản Hồ Chí Minh

2.1. Đẩy mạnh công tác sưu tầm với nhiều hình thức sưu tầm mới

Ngay từ khi mới được thành lập năm 1970, các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng đã luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tạo điều kiện để công tác sưu tầm đi đúng hướng, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Định hướng tổ chức sưu tầm của Bảo tàng là đẩy mạnh việc phát hiện, thu thập tài liệu, hiện vật để bổ sung, nâng cao chất lượng trưng bày, góp phần kiện toàn Kho Cơ sở nhằm đáp ứng tốt hơn các chức năng nghiên cứu, tuyên truyền và là trung tâm thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, việc tổ chức sưu tầm, tiếp nhận tài liệu, hiện vật ở cả trong và ngoài nước đã được Bảo tàng chủ động xây dựng và tiến hành đều đặn, đạt hiệu quả cao. Rất nhiều hiện vật được sưu tầm đã góp phần làm rõ những giai đoạn còn chưa rõ trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như giai đoạn 1931-1933, 1934-1938….
Bên cạnh việc tổ chức các đợt sưu tầm, Bảo tàng cũng tiến hành kêu gọi các cá nhân, tổ chức hiến tặng tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã nhận được nhiều hiện vật gốc, quý, hiếm như: Thanh gươm và chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ Vương Chí Thành (Vua Mèo Vương Chí Sình); Đồng tiền bản vị 20 Việt bằng vàng ghi dấu sự độc lập của hệ thống tiền tệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe năm 1948; Bức tượng tạc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sĩ cộng sản lưu giữ tại nhà tù Côn Đảo những năm 40 của thế kỷ trước…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bảo tàng còn chủ động tổ chức mua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bức tranh sơn dầu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Petrov (người Bungari), vẽ năm 1957; Bức tranh sơn dầu Nắm đất tổ quốc của Họa sĩ Văn Giáo, vẽ năm 1965. 
Một hoạt động khác trong công tác sưu tầm cũng được các thế hệ lãnh đạo hết sức quan tâm, tạo điều kiện, đó là công tác ghi âm, ghi hình nhân chứng, bởi thời gian càng trôi xa, thì điều kiện để thực hiện công việc đó sẽ càng trở nên khó khăn. Từ năm 2006 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ghi hình hồi ký, lời kể của gần 150 nhân chứng, chủ hiện vật đã được gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, có kỷ vật liên quan đến Người. Đây là nguồn tài liệu bổ trợ quan trọng giúp tìm hiểu, xác minh, đối chứng tư liệu, sự kiện… về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hàng năm, vào dịp Quốc khánh, Bảo tàng long trọng tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật và gặp mặt, tri ân các nhân chứng, cộng tác viên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hiện vật và đóng góp cho công tác sưu tầm của Bảo tàng.

2.2. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm kê, bảo quản, tư liệu, thư viện

Hiện nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 17 vạn tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kho Cơ sở cũng là nơi lưu giữ ảnh sự kiện ghi lại các hoạt động nghiệp vụ, đối nội và đối ngoại của Bảo tàng. Đây chính là nguồn tư liệu sinh động về lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng gần 50 năm qua.
Nhằm bảo quản lâu dài và quản lý khoa học các tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sắp xếp, phân loại các sưu tập hiện vật theo chuyên đề như: Chuyên đề ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phim hoạt động của Người, băng ghi âm tiếng nói của Người, tài liệu bản thảo bút tích của Người, sách Người đã đọc…đồng thời tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa các sưu tập tài liệu, hiện vật giúp cho công tác quản lý, và phục vụ khai thác các tài liệu, hiện vật một cách hiệu quả nhất. 
Theo thiết kế, ngoài Kho Cơ sở, Bảo tàng Hồ Chí Minh có một kho Thư viện và một Kho Tư liệu lớn, cùng hai phòng đọc. Đây chính là một nét làm nên sự khác biệt và độc đáo của Bảo tàng Hồ Chí Minh so với một số bảo tàng quốc gia khác ở Việt Nam.
Kho Tư liệu với gần 6 nghìn đầu tài liệu, là các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài liệu, báo, tạp chí liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người... Thư viện có khoảng 6 nghìn tên sách và lưu giữ hơn 26.000 bài, tin viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên các báo, tạp chí của trung ương và các địa phương.
Trong những năm qua, cùng với Kho Cơ sở, Kho Tư liệu, Thư viện đã phục vụ nhiệt tình, chu đáo bạn đọc trong và ngoài bảo tàng các sách, báo, tư liệu, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, viết bài, luận văn, triển lãm... Cung cấp, xác minh tư liệu cho công tác trưng bày Bảo tàng; cung cấp tư liệu cho nhiều cơ quan, các đài Truyền hình Trung ương, địa phương, các trường đại học, các cá nhân... giúp các địa phương, các ngành nghiên cứu, xuất bản sách, phim tài liệu… về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tình hình hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ cùng thế giới. Nhưng các thế lực thù địch ở khắp nơi vẫn đang âm mưu chống phá, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, kích động hận thù, gây rối loạn về định hướng giá trị... nhằm phục vụ chiến lược “Diễn biến hòa bình”, một trong những việc làm phổ biến là phát hành những cuốn sách, bộ phim, tài liệu có nội dung chưa đúng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có những báo cáo giúp Ban Tuyên giáo Trung ương đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điệu xuyên tạc về tiểu sử, cuộc đời, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Hồ Chí Minh đến muôn đời sau.

3. Đẩy mạnh công tác phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước

3.1. Thường xuyên kết nối và trao đổi về nghiệp vụ trong Hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị định 375/CP ngày 15-10-1979 của Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó: “Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện Bảo tàng và các nơi lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng, về nghiệp vụ cho các nơi đó”, gần 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giữ vững vai trò của một bảo tàng đầu hệ, luôn hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị thực hiện các khâu công tác nghiệp vụ, và kịp thời cung cấp những thông tin về kết quả nghiên cứu mới, về tài liệu, hiện vật mới sưu tầm, tạo nên sự thống nhất trong toàn hệ thống khi triển khai các nội dung tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức các lớp học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức về Hồ Chí Minh cho cán bộ các đơn vị; phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo để trao đổi về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác nghiên cứu, xác minh tư liệu… Tất cả các công việc trên đã tạo nên sự gắn kết lâu bền thân thiết giữa các đơn vị trong Hệ thống.

3.2. Tích cực mở rộng hoạt động đối ngoại của Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đồng thời với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác phát huy di sản Hồ Chí Minh ở nước ngoài, góp phần thực hiện ngoại giao văn hóa theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với nhiều bảo tàng, tổ chức trên thế giới như  Nga, Trung Quốc, Lào, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Itxaren … để phối hợp nghiên cứu và bảo tồn các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng; giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Người với bạn bè quốc tế. 
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã chủ động phối hợp với Bảo tàng Lịch sử chính trị quốc gia Nga tại Xanh Pêtecbua và Khu lưu niệm Lênin tại Ulianop tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại nước Nga và Việt Nam. Giai đoạn năm 2018-2019 cũng đánh dấu sự kết nối trở lại giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh với các chuyên gia của Liên bang Nga đã giúp đỡ Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước. Dự án chỉnh lý, bổ sung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh đang trong quá trình hoàn thiện và xin phê duyệt. Theo đó, Bảo tàng đang tiếp tục trao đổi với phía công ty đã thiết kế công trình Bảo tàng, chỉnh lý một số nội dung trưng bày, khôi phục các thiết bị kỹ thuật, hệ thống chuyển động, âm thanh, ánh sáng trưng bày, góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao. 
Đặc biệt, trong quá trình triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng các tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài với sự phối hợp tích cực của các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. 

3.3. Nâng cao khả năng tư vấn, ứng dụng trưng bày bảo tàng

Bảo tàng đã chủ trì, giám sát tác giả, thiết kế, thi công, chỉnh lý trưng bày cho nhiều công trình về Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu trưng bày: Thống nhất trong đa dạng, ý tưởng xuyên suốt nhưng cách thể hiện phải độc đáo. Sự gắn bó chặt chẽ giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước đã được thể hiện qua các hoạt động chuyên môn phong phú, đa dạng, hiệu quả.

4. Công tác giữ gìn, bảo quản công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh 

Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là quà tặng của Chính phủ và nhân dân Liên Xô với tình cảm quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là kết quả những đóng góp to lớn của nhân dân ta, của cán bộ, chiến sĩ, các họa sĩ, các kiến trúc sư, các nhà khoa học, kỹ thuật, là công sức, tiền của và cả những sự động viên khích lệ của đồng bào, đồng chí cả nước. 
Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19-5-1990 là một dấu mốc quan trọng trong những chặng đường phát triển của Bảo tàng, đồng thời ghi nhận sự đóng góp và phấn đấu, trưởng thành của tập thể cán bộ nơi đây. Từ những lớp cán bộ đầu tiên được lựa chọn để làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Bảo tàng đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng với 5 Tiến sỹ, 32 Thạc sỹ và 42 cử nhân. Đảng bộ Bảo tàng luôn được công nhận trong sạch, vững mạnh; Công đoàn với nhiều hoạt động sôi nổi, chia sẻ, giúp đỡ và gắn kết các thành viên trong cơ quan, Đoàn Thanh niên sẵn sàng tiên phong trong mọi công việc... Tất cả tạo thành một khối đoàn kết, nhất trí để từ đó tạo ra những thành tựu nổi bật trong việc gìn giữ và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ngày hôm nay. 
Có thể nói, sau 50 năm ra đời, 30 năm chính thức mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một trung tâm lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh lớn nhất trong cả nước, với nhiều thành tích xuất sắc trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ chính của Bảo tàng. Để có được những thành công đó không thể không nhắc tới sự đóng góp to lớn nhưng thầm lặng của các bộ phận Hành chính Tổ chức, Tài vụ, Quản trị, Kỹ thuật và Bảo vệ. Các cán bộ, viên chức thực hiện các nhiệm vụ này đã không ngừng nỗ lực, góp phần quan trọng trong việc ổn định tổ chức, đảm bảo lợi ích cho cán bộ, viên chức trong cơ quan, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tính mạng và tài sản của khách tham quan; vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật của công trình cũng như giữ gìn cảnh quan môi trường vệ sinh, sạch sẽ, thoáng mát.

5. Bảo tàng Hồ Chí Minh quyết tâm “làm theo lời Bác Hồ dặn, cách Bác Hồ làm” 

Bước sang thế kỷ XXI đầy biến động, thay đổi, dân tộc Việt Nam đang cùng nhân loại bước trên con đường hội nhập, toàn cầu hóa vì sự phát triển bền vững. Một trong những hành trang và điểm tựa để dân tộc ta vững bước hội nhập thành công chính là tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh - những giá trị văn hóa đích thực của thời đại, ẩn chứa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - bông sen trắng giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến.
20 năm xây dựng, 30 năm hoạt động, quãng thời gian chưa phải là dài đối với một Bảo tàng danh nhân, nhưng có thể khẳng định, từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức và hành động của Đảng, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với thế mạnh đặc biệt của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục từ di sản Hồ Chí Minh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, khẳng định vai trò, vị trí xã hội của mình đối với cộng đồng như lời đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:
 “Mỗi người chúng ta, càng nhớ Bác Hồ, càng cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn, càng cố gắng làm theo cách Bác Hồ làm”. Đó chính là thông điệp Bảo tàng Hồ Chí Minh muốn gửi đến tất cả mọi người!.
Kính thưa các quý vị đại biểu và các đồng chí!
Trong 50 năm qua, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, Ban, Ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Trung đoàn 375; sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Ba Đình, phường Đội Cấn... sự đoàn kết chung tay của Hệ thống bảo tàng, di tích Hồ Chí Minh trong cả nước, sự giúp đỡ của tất cả các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan, cùng sự nỗ lực hết mình của cán bộ, viên chức, người lao động, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã vượt qua một chặng đường nửa thế kỷ, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các Bộ, Ban, Ngành. Đặc biệt, trong năm 2020, ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong 50 năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã phát hành bộ tem kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lễ phát hành bộ tem được tổ chức trang trọng tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và ký phát hành bộ tem. Sự kiện này đã và sẽ góp phần động viên toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao trong những năm tới. 
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, Ban, Ngành, các bạn đồng nghiệp, Công ty Thanh Pro, Công ty An Phát, Công ty Vietsofpro và tất cả những người bạn của Bảo tàng! Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt! 
Xin trân trọng cảm ơn./.
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi