Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Đôi điều về Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở UNESCO, Paris, năm 1990
Ngày đăng: 02:49 03/11/2020
Lượt xem: 5.505

Năm 1990, theo Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã long trọng tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trang bìa tập Biên bản của Đại hội đồng UNESCO khóa họp 24 tại Paris, Pháp, ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, Quyển 1: Nghị quyết. Ảnh: BTHCM

 

Bằng nhiều hoạt động khác nhau, cả thế giới cùng tưởng niệm và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tuy nhiên, việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trụ sở UNESCO ở Paris không được thuận lợi. Chúng tôi biết được câu chuyện này qua lời kể của đồng chí Lê Kinh Tài, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp.
Tháng 6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử Đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh do đồng chí Giám đốc Chu Đức Tính làm trưởng đoàn, đi công tác tại Cộng hòa Pháp, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức Hội thảo và Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chuyến công tác này, Đoàn đã làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, được nghe Đại sứ Lê Kinh Tài thông báo tình hình có liên quan đến các địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp và việc bảo vệ tượng Bác Hồ trong công viên Montreau. Bảo tàng Hồ Chí Minh và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đề đạt nguyện vọng với Đại sứ quán quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa đến việc tuyên truyền về cuộc đời, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm chống lại những hoạt động phá hoại, xuyên tạc, hạ thấp uy tín và ảnh hưởng của Bác Hồ.
Cũng trong buổi làm việc đó, Đoàn đã được nghe đồng chí Đại sứ Lê Kinh Tài kể về Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trụ sở UNESCO năm 1990, khi đó đồng chí là trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Năm 1987-1990, tình hình chính trị thế giới diễn biến khác thường. Trước đó, năm 1984, Mỹ rút khỏi UNESCO, lấy lý do vì UNESCO đã chính trị hóa tổ chức này. Năm 1987, khi UNESCO xét thông qua lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, tất cả các nước thành viên đã ủng hộ Việt Nam. Năm 1990, thời điểm Việt Nam chuẩn bị tổ chức lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lúc Mỹ đang xem xét tình hình để quyết định có quay lại UNESCO hay không? Tổng Giám đốc UNESCO mong muốn Mỹ tham gia UNESCO để tổ chức này mang tính toàn cầu hơn, do vậy, ông Tổng Giám đốc muốn Việt Nam tổ chức lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác ở một nơi khác và sẵn sàng cấp tiền cho chúng ta thuê địa điểm.
 

 

Nghị quyết số 18.65 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất của nhân loại, năm 1987 (bản tiếng Anh và tiếng Pháp). Ảnh: BTHCM

 

Theo đồng chí Lê Kinh Tài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chỉ thị phải tổ chức lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác tại trụ sở của UNESCO. Chúng tôi đã làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO, ông đã nhượng bộ, đồng ý cho Việt Nam tổ chức lễ Kỷ niệm tại Trụ sở của UNESCO, nhưng yêu cầu lễ Kỷ niệm không được mang tính chính trị.
Gần đến ngày tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày sinh của Bác, phía Việt Nam nhận được nhiều thư từ đe dọa đặt bom của một số kẻ chống đối. Lúc đầu, Việt Nam còn dự định làm triển lãm giới thiệu về tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ông Tổng Giám đốc UNESCO nói không đảm bảo an ninh cho ta được. Vì vậy, Việt Nam chỉ tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày sinh của Bác mà không tổ chức triển lãm. Khách đến dự phải qua cửa kiểm tra an ninh. UNESCO cũng yêu cầu Việt Nam không được trang trí khánh tiết, biểu ngữ... Nhưng phía Việt Nam đã có sáng kiến dùng đèn chiếu lên phông dòng chữ Lễ Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng một số hình ảnh về Người. Khách đến dự lễ rất đông. Buổi lễ khai mạc bị chậm lại 1 giờ, do bọn phản động tổ chức hoạt động chống phá. Chúng chốt chặn ở các bến tàu, bến xe không cho người Việt Nam đến dự lễ. Chúng ta phải nhờ cảnh sát Pháp can thiệp. Sau đó, cảnh sát buộc phải canh gác cửa ga xe điện ngầm, phân thành hai luồng đi hai cửa khác nhau. Một cửa dành cho người Việt Nam. Một cửa dành cho bọn chống đối. Đương nhiên, những người chống đối thì không được vào trụ sở UNESCO.
Tại buổi lễ, chúng ta đã phát biểu ca ngợi Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Tham dự buổi lễ còn có trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO. Ông nói phải học tập Việt Nam trong cách sáng tạo, vì không cho căng biểu ngữ thì dùng đèn chiếu chữ lên phông đã căng sẵn. Buổi lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất diễn ra rất hoành tráng tại trụ sở của UNESCO. Đặc biệt, số lượng khách đến dự đông kỷ lục, các đại biểu ngồi kín hết ghế, còn ngồi cả ra sảnh và lối đi lại(1).
Hai mươi năm sau, tối ngày 14/5/2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010) và 20 năm ngày UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã tới dự và có bài tham luận đặc biệt đánh giá về Hồ Chí Minh.
Trong bài phát biểu, ông Hans D’Orville đặt ra câu hỏi: “Trước hết, cho phép tôi được đặt một câu hỏi hơi đặc biệt “Hồ Chí Minh của năm 2010 này là ai?”. Đối với những người thuộc thế hệ của tôi, ông là một gương mặt mang tính thời sự, là tâm điểm của rất nhiều cuộc tuần hành mà sinh viên trên toàn thế giới tổ chức để ủng hộ Việt Nam, đối với những thế hệ kế tiếp, ông là một gương mặt của lịch sử. Nhưng đối với tất cả chúng ta, ông luôn là biểu tượng mà cho đến nay ta vẫn còn phải suy ngẫm”.
Và tự ông đã có giải đáp: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu”.
“Là con người của sự đối thoại, là danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh phải tiếp tục được vinh danh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên khắp thế giới, và đầu tiên là UNESCO. Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà Người đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa các sự đa dạng mà Người tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”?(2).
Năm 2020, chúng ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thành lập bảo tàng Hồ Chí Minh, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những biến đổi rất to lớn và sâu sắc về nhiều mặt. Nhưng những giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh vẫn trường tồn, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Thế giới sẽ còn đổi thay, những tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”(3). Vì vậy, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam - đất nước Hồ Chí Minh, với lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình, thắm tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chủ động và tích hội nhập, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh cho chính nghĩa, cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng chung của nhân loại./.
--------------------
1. Ông Nguyễn Dy Niên lúc đó là Chủ tịch Ủy ban UNESCO của Việt Nam nhưng không dự buổi lễ kỷ niệm này. 
2. Trích bài phát biểu của Phó Tổng Giám đốc UNESCO Hans D’Orville tại Lễ Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010), tổ chức ngày 14/5/2010, tại Đại sứ quán Việt Nam, Paris, Pháp. 
3. Trích bài phát biểu Thế giới sẽ còn đổi thay, những tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Quốc tế Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới, tổ chứ ngày 14/1/1991, tại thành phố Calcutta (Ấn Độ) nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tị Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Phạm Thị Lai

 

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi