Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Góp phần tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa qua tài liệu bản thảo lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 04:26 26/07/2019
Lượt xem: 2.922

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Những quan điểm, tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người đã được thể hiện một cách đầy đủ và sinh động qua những việc làm cụ thể, những bài nói, bài viết, những bức thư tràn đầy tình cảm mà Người dành cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Hiện nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 20 tài liệu bản thảo có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ và công tác đền ơn đáp nghĩa. Phần lớn những tài liệu đó do Văn phòng Phủ Chủ tịch lưu giữ từ lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến năm 1970, những tài liệu này được chuyển giao cho Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh). Số lượng bản thảo không nhiều, song thông qua những tài liệu ấy, chúng ta có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt Người dành cho thương bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ cũng như một số quan điểm của Người về công tác đền ơn đáp nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, ngày 2/9/1955

Luôn quan tâm, chăm sóc, động viên thương, bệnh binh

Ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 4/12/1945, Người viết Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và nam phần Trung Bộ (1) . Với tình cảm chân thành, Người bày tỏ sự cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu Tổ quốc. Và tin tưởng chắc chắn rằng, với một đất nước có nhiều người anh hùng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn như thế thì nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi thư thăm hỏi các chiến sĩ bị thương ở các mặt trận và các gia đình tử sĩ. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc mít tinh lớn tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và đến năm 1955 đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ”. Ý nghĩa của ngày này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Thư gửi Ban thường trực tổ chức ngày thương binh toàn quốc đầu tiên: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(2) .

Từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, đúng như mong muốn Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta…”(3) .

Từ năm 1947 cho đến những năm cuối đời, cứ đến dịp tháng 7, dù bận nhiều công việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên gửi thư thăm hỏi thương binh, bệnh binh. Qua những bức thư đầy ân tình đó, Người khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, chia sẻ đau thương, mất mát với gia đình họ. Người còn vui mừng, cảm động trước những thành quả mà thương binh đã làm được như: tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc và còn may được áo gửi biếu Người(4), động viên họ phát huy tối đa khả năng, sức lực của mình. Trong Thư gửi anh em thương binh trại dệt chiếu Tuyên Quang (tháng 9/1951), Người hỏi thăm cụ thể, tỉ mỉ:

“Học dệt được chiếu cần bao nhiêu ngày tháng? Trung bình, dệt được một chiếc chiếu thường cần mấy giờ, và cần bao nhiêu vốn?

Bán một chiếc chiếu được bao nhiêu lời?

Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn đủ mặc không?”(5).

Bên cạnh việc động viên, khen ngợi họ: đã cố gắng tăng gia sản xuất, chăm học văn hóa, chính trị… Người còn khuyên nhủ các thương, bệnh binh: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận…”(6), “cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quân đội cách mạng...”(7), đoàn kết thương yêu nhau, đoàn kết với nhân dân… và đặc biệt các thương, bệnh binh phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào… chớ nên công thần…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chia sẻ niềm vui chiến thắng với các thương binh. Sau chiến thắng Đông Khê, ngày 20/9/1950, Người viết Thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê(8) khen ngợi các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, giết được nhiều giặc, có công trong việc giải phóng Đông Khê, chúc các chiến sĩ mau lành bệnh; khẳng định chính phủ, đồng bào biết ơn các thương binh.

Trong Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ (9) đăng trên báo Cứu quốc, ngày 26/10/1950, Người xúc động, thành kính: “Nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh vì nước” và an ủi anh em thương binh, đồng thời chỉ đạo mau chóng khen thưởng kịp thời, cụ thể cho các đơn vị, cá nhân, đồng bào đã lập nhiều chiến công, giúp đỡ bộ đội giành thắng lợi trong các trận đánh Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng.

Ngày 11/2/1951, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam, Người ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng, “trung với nước hiếu với dân”, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng, sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho nhân dân của: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết… đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc…”(10).

Hàng năm, nhân các ngày lễ của dân tộc, như ngày Quốc khánh, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày thành lập Đảng, hay dịp Tết Nguyên đán, những người đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến là các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Tết Nguyên đán năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống, công việc, Người khen ngợi tinh thần khắc phục khó khăn, bệnh tật, luôn cố gắng phấn đấu vươn lên của các thương binh. Vui mừng khi được biết số tiền Người tặng đã được dùng vào việc trồng rau, nuôi lợn, cải thiện bữa ăn cho anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần động viên: các chú được học chữ, học nghề sau này phục vụ nhân dân được tốt hơn, như vậy các chú “tàn mà không phế”. Lời động viên của Người đã trở thành khẩu hiệu, niềm tin, phương châm sống, chiến đấu của những thế hệ thương binh, bệnh binh. Lời căn dặn đó cũng là nguồn cổ vũ quan trọng, động viên mạnh mẽ anh em thương binh: “tiếp tục phát triển truyền thống anh dũng trong kháng chiến… góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(11). Nhiều trại an dưỡng thương binh đã tích cực lao động sản xuất, làm ra của cải đóng góp cho xã hội. Nhiều thương, bệnh binh còn được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhiều trại thương binh còn gửi những vật dụng, thành quả mà họ đã tự tay làm ra biếu Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở trường Thương binh
hỏng mắt, ngày 11/2/1956 . Ảnh: BTHCM 

Sự quan tâm cũng như những lời khuyên chân thành, động viên của Người đã giúp thương binh, bệnh binh gia đình liệt sĩ có thêm động lực tinh thần vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho quê hương.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng giống như bất kỳ một cuộc chiến nào, sự thương vong là tất yếu cho cả hai bên. Đó là điều rất đau lòng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người có tình thương yêu vô bờ bến đối với đồng loại. Không chỉ thương xót sự hy sinh một phần xương máu của những người con đất Việt vì sự nghiệp chính nghĩa, Người còn tiếc thương và quan tâm cả những người ở bên kia chiến tuyến, những người sang Việt Nam thực hiện mưu đồ của tầng lớp thống trị. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn tên địch bị bắt sống, trong đó có hàng ngàn thương binh và bệnh binh. Mặc dù điều kiện kháng chiến vô cùng thiếu thốn, nhưng Người luôn căn dặn phải chăm sóc và điều trị tận tình các tù binh bị thương. Mấy ngày sau, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tù binh bị thương nặng được trao trả cho chính phủ Pháp. Số còn lại tiếp tục được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa. Chỉ trong một thời gian ngắn, sức khỏe các tù thương đã dần dần hồi phục. Chính sự quan tâm, săn sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa hàng ngàn tù binh, giúp cho họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam.

Biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng cảm, chia sẻ với thân nhân các liệt sĩ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xót xa khi chứng kiến nhiều thanh niên đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, nhiều gia đình đã mất đi những người con thân yêu của mình. Tháng 1/1947, nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư riêng cho ông với những lời hết sức cảm động:

“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam…

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng…”(12).

Những lời an ủi động viên của Người dành cho gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng cũng là lời động viên tinh thần cho tất cả các gia đình liệt sĩ trong cả nước, giúp họ vơi đi nỗi đau mất mát và cảm thấy tự hào với những gì mà người thân của họ đã đóng góp cho Tổ quốc, giúp họ có thêm ý chí vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Trước khi qua đời, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trao lại bức thư cho con trai cả Vũ Đình Tuân với lời nhắn nhủ: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc…”. Với mong muốn “vật quý” này có điều kiện được bảo quản tốt, đồng thời giúp cho đông đảo người dân biết rõ hơn tình cảm bao la của Bác, ngày 13/6/1985, anh Vũ Đình Tuân đã tặng lại bức thư cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đến nay, bức thư Bác Hồ gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng không chỉ là kỷ vật thiêng liêng của riêng gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng mà còn là vật báu của cả dân tộc.

Tháng 5/1948, khi biết tin cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp bắt, tra tấn và hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng thương tiếc viết Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Trong lời điếu, Người ca ngợi học vấn cao sâu, đạo đức trong sáng, tinh thần bất khuất, gương hy sinh anh dũng, sự cống hiến to lớn cho cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố. Người viết: “Nhớ cụ xưa, Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu. Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết. Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng”(13).

Ngày 31/12/1954, sau chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ Hà Nội. Trong lời điếu, Người xúc động viết: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Một nén hương thành, vài lời an ủi. Anh linh của các liệt sĩ bất diệt!”(14).

Để “tưởng nhớ mãi mãi những người con ưu tú đã phấn đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc…”(15) và để giáo dục tinh thần yêu nước của các liệt sĩ, thương binh cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Người đã viết bài tuyên truyền, ca ngợi chiến công của các liệt sĩ, như bài Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng với bút danh Chiến sĩ đăng báo Nhân dân, số 3649, ngày 26/3/1964(16). Bài báo giới thiệu khái quát cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương hy sinh của người thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao sự hy sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi, Người đã trực tiếp viết lời đề đầy xúc động trong bức ảnh chụp liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường trước lúc hy sinh: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là 1 tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập! Bác Hồ”(17).

Không chỉ đau xót trước sự hy sinh của những người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vô cùng xót xa trước những người lính Pháp, lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh, bởi “trước lòng bác ái, thì máu người Pháp hay máu người Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”.

Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân cần làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” với thương binh và gia đình liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trách nhiệm ấy theo Người là sự trân trọng, biết ơn chứ không phải là sự gia ơn, làm phúc: “... bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”(18). Đặc biệt, những cán bộ nhân viên trong ngành thương binh, cựu binh thì có trách nhiệm: “là phải hết lòng quý mến, thương yêu, săn sóc anh em thương binh, bệnh binh. Ra sức làm cho họ vui vẻ, lành mạnh, tiến bộ…”(19).

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Người viết: “…Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi…”(20).

Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm thiết thực để đưa công tác đền ơn, đáp nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ trở thành một phong trào rộng lớn, huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Ngày 16/2/1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên về chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 19/7/1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh, cựu binh (nay là Bộ Lao động, thương binh và xã hội). Ngày 3/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 101/SL về thành lập Sở, Ty Thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh. Ngày 16/12/1952, Người ký Sắc lệnh số 129/SL đặt ra Bằng Bảng vàng danh dự và Bằng gia đình vẻ vang thưởng cho các gia đình chiến sĩ có nhiều người tòng quân hoặc hy sinh… Ngoài ra, Người còn ký nhiều Lệnh để tặng, truy tặng các danh hiệu anh hùng, huân chương, Huy chương tôn vinh các liệt sĩ, thương binh đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhằm thắt chặt thêm tình quân dân như “cá với nước”, để thương bệnh binh bớt hiu quạnh, năm 1948, Người yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập các “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”. Chị em phụ nữ đã có những hoạt động cụ thể, ấm áp, thắt chặt tình quân, dân với tình cảm chân thành các hội viên đã giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ với tấm lòng nhân ái đem lại cho họ tình cảm nồng ấm như những người thân trong gia đình.

Để giáo dục thiếu nhi tinh thần yêu nước, biết ơn những người đã hy sinh cho dân tộc, ngày 1/6/1951, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng toàn quốc, trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cháu phải: “thi đua giúp đỡ gia đình, thương binh, tử sĩ…”(21) , Người khuyên các cháu thiếu nhi tích cực tham gia phong trào “Trần Quốc Toản”: Giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh… tùy theo sức của mình làm được việc gì thì giúp việc ấy…

 Tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với cách làm cụ thể: Mỗi xã trích một phần ruộng công hoặc mướn của những người có hằng tâm, hằng sản hay vỡ hoang để tổ chức cầy cấy, chăm nom gặt hái, thu hoa lợi để nuôi thương binh. Tùy theo số lượng tích trữ được, mượn hoặc khai thác được mà đón nhiều hay ít anh em thương binh về xã. Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng… Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa lòng ước ao, báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội… Tháng 7/1954, Người viết Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ thương binh(22) khen ngợi những địa phương đã giúp đỡ thương binh, quan tâm chu đáo gia đình liệt sĩ và nhắn nhủ việc giúp đỡ cần thiết thực, có tổ chức, mọi người tùy theo khả năng mà tham gia.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ, ngày 27/7/1953

Khẳng định nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân đối với công tác thương binh, liệt sĩ, trong Bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam tối ngày 5 tháng 1 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “- Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ..”(23). Người đánh giá cao sự cống hiến của thương binh: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm tròn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”(24). Người yêu cầu Chính phủ và quân dân ta phải quan tâm giúp đỡ thương binh: “… đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cũng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ…”(25) và đề nghị: “phải chấp hành thật tốt các chính sách đối với anh em thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với kháng chiến…”(26). Không chỉ đề nghị quan tâm, Người luôn kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng, lập được thành tích trong việc cứu chữa thương binh, bệnh binh…

Dù bận rất nhiều việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tới thăm và tặng quà cho thương binh đang điều trị ở các trại an dưỡng, đến thăm các cơ sở sản xuất của thương binh và tiếp đón họ tại nơi ở và làm việc của Người trong Phủ Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gửi những món quà ý nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ, khi thì trích một tháng lương, khi thì gửi những bộ quần áo, khăn tay, các vật dụng khác do các đoàn thể, cá nhân tặng Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tặng huy hiệu cho những tấm gương người tốt, việc tốt trong lao động, sản xuất, chiến đấu. Mỗi khi đọc báo, thấy những tấm gương anh hùng trong lao động, chiến đấu, Người thường đánh dấu bằng bút chì đỏ, rồi đề nghị khẩn trương xác minh những tấm gương người tốt, việc tốt để kịp thời thưởng huy hiệu, động viên, khuyến khích họ phấn đấu lao động, sản xuất... Trong những gương người tốt, việc tốt đó có những tấm gương là thương binh, bệnh binh đã dũng cảm cứu người, hăng hái lao động sản xuất, chăn nuôi, học tập… Ngày 31/7/1969, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng khi biết tin về 10 thương binh gương mẫu trong lao động sản xuất, Người đã gửi tặng 10 huy hiệu cho họ, đây là lần tặng huy hiệu cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thương binh.

Trước lúc đi xa, trong bản thảo Di chúc, viết năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, Người đã đề ra những chính sách cụ thể với từng đối tượng; những đối tượng Người quan tâm trước tiên là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ: “Đối với những người anh dũng hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích và thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng những vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để cho họ bị đói rét…”(27).

Sự quan tâm, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể cũng như những bức thư, bài nói, bài viết của Người đã đem đến cho những thương binh, bệnh binh niềm tin ở tương lai, tạo động lực tinh thần khích lệ hàng triệu thương binh, bệnh binh nỗ lực vươn lên hòa nhập với đời sống cộng đồng, đem tinh thần, sức lực cải thiện đời sống cho bản thân, góp phần cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước.

Hơn 70 năm qua, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng. Những việc làm đó không chỉ có ý nghĩa về đạo lý, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

---------------------------------------

1. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bức thư do ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh xã hội trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tháng 7/1985.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 204.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.415.

4. Thư gửi anh em thương binh Liên khu III, tháng 12/1949. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

5. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.584.

7. Thư cảm ơn anh em thương binh, bệnh binh trại an dưỡng Hà Nam, 6/1957. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

8. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

9. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

10. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

11. Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2, ngày 8/7/1958,.

12. Thư Gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, ngày 7/1/1947. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

13. Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Tài liệu đánh máy lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 223.

15. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

16. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

17. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.372.

19. Thư gửi Hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh (tháng 1/1954), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 397.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.486.

21. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu nhi đồng toàn quốc, ngày 1/6/1951. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

22. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

23. Bài nói tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Tối ngày 5/1/ 1960.

24. Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, ngày 26/7/1951. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.135.

25. Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa (Hà Đông) về Nghị quyết Trung ương V của Đảng, ngày 7/10/1961.

26. Bài nói chuyện với Đoàn đại biểu cán bộ cao cấp toàn quân, ngày 11/5/1969. Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

(Đặc san Thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 54)

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi