Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” và triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”
Ngày đăng: 11:01 08/05/2020
Lượt xem: 2.947

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” và triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

 
Tham dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ngài Georgios Stilanopoulos, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam cùng phu nhân; ngài Tanee Sangra, Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cùng phu nhân, đại diện Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vụ Ngoại giao Văn hóa và Unesco, Bộ Ngoại giao; Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Hợp tác Quốc tế, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ; các đồng chí lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; đại diện các bảo tàng và di tích tại Hà Nội; các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và thành phố Hà Nội.
 

 

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh. Những nét phác họa chân dung” và triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Ảnh: BTHCM

 
Trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng. Nội dung của trưng bày thể hiện sinh động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Người tiêu biểu cho cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống dân tộc với tinh hoa văn hoá nhân loại.
Nội dung trưng bày gồm 6 phần:

1. Nguyễn Sinh Cung: Cậu bé giàu nghị lực

Nguyễn Sinh Cung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, có truyền thống hiếu học, một vùng đất địa linh nhân kiệt, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống, bất khuất trước kẻ thù. Cậu sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học nên được cha yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng. Ngay từ nhỏ, cậu thường được cha đưa đi theo, khi đi gặp gỡ, đàm đạo với các sĩ phu yêu nước ở trong vùng.
Thủa thiếu thời, Nguyễn Sinh Cung được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông và bước đầu tiếp xúc với văn hoá phương Tây. Tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, cùng cực của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp và thái độ bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, cậu đã miệt mài học tập, hoạt động sôi nổi trong phong trào yêu nước và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước.

2. Nguyễn Tất Thành: Người thanh niên yêu nước tiến bộ

Với ý chí và quyết tâm phải tìm cho được con đường cứu nước cho dân tộc, năm 1909, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định rời Huế vào Phan Thiết, rồi Sài Gòn để sang phương Tây với mục đích “đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. 
Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Nguyễn Tất Thành chùn bước. Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.

3. Nguyễn Ái Quốc: Người Chiến sỹ cộng sản kiên trung

Sau Đại hội Tua năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người chiến sĩ cộng sản hoạt động sôi nổi trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thông qua các hoạt động tại Pháp, Trung Quốc, Liên Xô…, Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Người đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, xứng đáng là người chiến sĩ tiêu biểu của phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. 
 

Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh. Những nét phác họa chân dung”. Ảnh: BTHCM

 
Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao và không ngừng nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản anh em đối với cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Người cũng ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.

4. Hồ Chí Minh: Nhà lãnh đạo thiên tài

Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, năm 1941, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong mỗi bước trưởng thành của Đảng, mỗi bước phát triển đất nước, dân tộc đều in trọn dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nhà lãnh đạo thiên tài và linh hồn của cách mạng Việt Nam.
 

 

Thuyết minh trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh. Những nét phác họa chân dung”. Video: BTHCM

 

Với vai trò của vị lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm nên thành công của cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á; tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 -1954) thắng lợi; lãnh đạo và là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và giành chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 -1975).

5. Hồ Chí Minh: Nhà Văn hóa lớn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, Người không chỉ cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc to, giành lại độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, trọn đời vun đắp hòa bình, bắc nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới mà còn là kiến trúc sư của nền văn hóa mới Việt Nam. Người là nhà văn, nhà thơ, nhà báo vĩ đại với nhiều tên gọi, bút danh, bí danh khác nhau và có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật... Từ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa ra sức hút mạnh mẽ và Người trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời cho mọi thế hệ Việt Nam noi theo.

6. Hồ Chí Minh: Chân dung đời thường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng ngời sáng về tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc mà còn là tấm gương mẫu mực về một đời sống riêng giản dị, thanh bạch, gần dân, trọng dân, chứa chan tình yêu thương con người, yêu lao động, thiên nhiên. 
Là lãnh tụ của cách mạng dân tộc nhưng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lội ruộng cùng nông dân, tăng gia sản xuất hay tập thể dục cùng mọi người đã trở thành hình ảnh giản dị nhưng đầy ý nghĩa đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mỗi khi nhớ về Người. Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cuộc sống đời thường của Người luôn khiến các thế hệ nhân dân cả nước xúc động sâu sắc. Bởi ở đó chúng ta cảm nhận được tình yêu thương dạt dào của một vị lãnh tụ dành cho tất thảy đồng bào.
 
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu đến công chúng 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể và 75 cá nhân được đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn từ hơn 400 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên những hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung Triển lãm gồm 02 phần:

Phần I: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta.

Nội dung khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời với phong trào thi đua Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đạị! Trong các phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
 

Đại biểu tham quan triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Ảnh: BTHCM

Phần II: Những tấm gương bình dị mà cao quý.

Hình ảnh, tài liệu của phần này nhằm giới thiệu tới công chúng câu chuyện về 130 tổ chức và cá nhân tiêu biểu ở tất cả các ngành, các cấp đây là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: Xây dựng và phát triển kinh tế, Văn hóa - xã hội và xây dựng Đảng, quốc phòng và an ninh.
Triển lãm góp phần quan trọng vào việc cổ vũ kịp thời những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 

TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ Khai mạc. Ảnh: BTHCM

 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tâm nguyện của Người: vì một Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn vẫn luôn được các thế hệ người dân Việt Nam ghi nhớ. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đổi mới và chủ động hội nhập Quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.
Trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” và Triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” mở cửa đón khách tham quan từ ngày 07/05/2020; Ngoài ra, Trưng bày chuyên đề và Triển lãm cũng sẽ được tổ chức tại các đơn vị thuộc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số bảo tàng địa phương và trường đại học trên cả nước.
 

Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi