Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Lược sử tranh cổ động Việt Nam
Ngày đăng: 01:01 08/05/2019
Lượt xem: 11.247

Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật đồ họa. Ngôn ngữ đồ họa trong tranh cổ động được kết hợp với ngôn ngữ chữ viết một cách rất cô đọng, súc tích, tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác của người xem, chuyển đến mọi người những thông điệp bằng trực quan sinh động, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người.

Tranh cổ động Việt Nam xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Trong bức thư gửi các họa sĩ, Bác hồ đã viết “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, tranh cổ động trở thành loại hình nghệ thuật được hầu hết các họa sĩ tham gia sáng tác. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động luôn bám sát các chiến dịch của bộ đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nổi bật nhất là những tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ danh tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến…. Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. 
 

Tranh cổ động Tiến lên toàn thắng ắt về ta, tác giả Thái Sơn. Ảnh: BTHCM

 

Năm 1966, Bộ Văn hóa thành lập Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin, tập hợp được nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động như Thục Phi, Trần Anh Vinh, Nguyễn Phương Liên, Minh Phương, Dương Ánh… Xưởng tranh cổ động đã tổ chức sáng tác, in ấn, phát hành tranh cổ động trên toàn miền Bắc. Năm 1971, Tổng cục Thông tin thành lập Xưởng tranh in lưới do các họa sĩ Cu Ba sang hướng dẫn kỹ thuật, góp phần tích cực nhân bản tranh cổ động một cách kịp thời với số lượng và các nội dung tranh phong phú, đa dạng hơn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Năm 1970, triển lãm tranh cổ động kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với 108 tác phẩm được trưng bày. Có thể kể tới một số tác phẩm xuất sắc như: “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” của Huỳnh Văn Gấm, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh và Nguyễn Thụ, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của Vũ Viết Quang, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Huỳnh Văn Thuận, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Thục Phi ...
Năm 1973, Triển lãm tranh cổ động trưng bày 126 tác phẩm của các tác giả như Nguyễn Bích, Trần Gia Bích, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Tiến Chung, Đỗ Xuân Doãn, Phạm Văn Đôn, Đào Đức, Vũ Hiền, Thế Hùng, Lê Quốc Lộc, Phạm Lung, Tuyết Mai, Thục Phi, Quang Phòng, Trịnh Phòng, Phạm Đức Phong, Huỳnh Văn Thuận…
Hàng trăm tranh cổ động thời kỳ kháng chiến đã ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhiều tác phẩm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các bảo tàng trong cả nước.
Sau năm 1975, tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển và lan tỏa đến tất cả các địa phương, với lực lượng sáng tác từ cơ sở, tiếp tục làm công tác cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng địa phương.
Năm 2010, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Triển lãm tranh cổ động toàn quốc với chủ đề “Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam”. 275 tác phẩm đã được lựa chọn trưng bày triển lãm.
Hai mươi năm trở lại đây, Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng tác, triển lãm, in ấn và phát hành tranh cổ động trên toàn quốc trong các sự kiện thời sự, chính trị. Đội ngũ họa sĩ tranh cổ động ngày một đông đảo hơn, cộng nghệ, kỹ thuật mới được áp dụng đem đến những sắc thái mới cho nghệ thuật tranh cổ động. Nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác liên tục được tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9, ngày thành lập Đảng 3-2 và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của các Bộ, Ngành. 
Có thể nói tranh cổ động đã trở thành một thể loại tranh đồ họa đặc sắc, độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam. Các họa sĩ tranh cổ động Việt Nam nhiều thế hệ kế tiếp đã liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu.Tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng của Việt Nam, tồn tại và phát triển lâu dài cho đến hôm nay là hiếm có và độc đáo trên thế giới.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019). Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 – 2011). Lễ khai mạc sẽ diễn ra 9h30, ngày 10 tháng 5 năm 2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Vi Kiến Thành  

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi