Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia
Ngày đăng: 08:44 20/03/2018
Lượt xem: 9.677
Hợp tác cùng có lợi là nhu cầu khách quan của tất cả các quốc gia, dân tộc vì sự phát triển và tiến bộ. Kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình, hữu nghị của dân tộc, xuất phát từ yêu cầu thực tế của cách mạng Việt Nam và lợi ích của nhân dân các quốc gia trên thế giới, Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra sự cần thiết phải hợp tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (Ảnh: TTXVN)
 
Ngay từ năm 1919, với tinh thần của một người yêu nước nhiệt thành, trong bài viết Vấn đề dân bản xứ, Nguyễn Ái Quốc đã nêu luận điểm độc đáo: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(1).
 
Năm 1924, trong Thư gửi đồng chí Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông là SỰ BIỆT LẬP, “các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”. Người cũng đồng thời chỉ ra rằng sẽ rất có ích cho người dân Việt Nam nếu được tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh chống chế độ thuộc địa, chống chủ nghĩa tư bản của nhân dân Ấn Độ, của giai cấp công nhân Nhật và của nhân dân Ai Cập(2).
 
Như vậy, Hồ Chí Minh quan niệm, sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc là một trong những điều kiện và động lực thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh của nhân loại nói chung và mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng. Đó chính là sự hợp tác cùng có lợi.
 
Đối với dân tộc Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé, trong bối cảnh đang bị chủ nghĩa thực dân thống trị, sự phối hợp đấu tranh cùng các dân tộc khác để giành độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới, nằm trong quỹ đạo của phong trào cách mạng vô sản thế giới và nỗ lực hoạt động không ngừng để hiện thực hóa điều này.
 
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Với vị thế mới của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện toàn thể nhân dân Việt Nam chính thức khẳng định một trong những quan điểm mang tính nguyên tắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quan hệ quốc tế là sẵn sàng hợp tác cùng có lợi: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới”(3).
 
Những điểm đáng chú ý trong quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, dân tộc:
Thứ nhất, xét về bản chất, hợp tác quốc tế là nhu cầu, nguyện vọng khách quan của các dân tộc trên thế giới, vì tiến bộ và văn minh của nhân loại, vì lợi ích của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, sự hợp tác đó phải bảo đảm nguyên tắc cùng có lợi giữa các chủ thể tham gia. Hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia hoàn toàn trái ngược với thứ “hợp tác” mà chủ nghĩa thực dân sử dụng để che đậy bản chất xâm lược và cướp bóc, thống trị các dân tộc khác. Với Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh để thực hiện sự hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trên thế giới gắn liền với cuộc đấu tranh vạch trần bản chất xấu xa và xóa bỏ thứ “hợp tác” giả tạo mà chủ nghĩa thực dân ra sức tô vẽ để lừa bịp nhân dân các nước, trước hết là nhân dân các nước thuộc địa. Tháng 10-1922, trong bài viết Chế độ nô lệ “hiện đại hóa”, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo hành vi lừa đảo và trốn thuế của một viên công sứ người Pháp nhưng lại được chính quyền thực dân dung túng, bao che và đổ hết tội cho những người bản xứ. Từ đó, Người kết luận mỉa mai: “Những người lao động ở thuộc địa được bảo hộ như thế đấy và chính sách hợp tác được thực hiện như thế đấy”(4).
 
Hồ Chí Minh đã vạch trần thực chất của khẩu hiệu “Pháp - An Nam hợp tác”, của việc tổ chức “Viện dân biểu”, khi chỉ rõ: “Sau một thời kỳ nuôi ảo tưởng, người An Nam bây giờ đã biết thế nào là một đại biểu của Quốc tế thứ hai. Họ thấy rằng, sự “hợp tác” được ca tụng nhiều như thế đã thể hiện thành những sự bóc lột bỉ ổi và những cuộc đàn áp thẳng tay đối với bất kỳ một cuộc biểu dương chính trị nào của người bản xứ”(5).
 
Theo Hồ Chí Minh, cơ sở lý luận, thực tiễn và cũng là ví dụ tiêu biểu nhất cho sự hợp tác cùng có lợi giữa các dân tộc trên thế giới là tư tưởng và sự chỉ đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Lênin sau ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 thành công. Hồ Chí Minh khẳng định: “Những nguyên tắc của Lênin về quyền dân tộc tự quyết, về chung sống hòa bình, không can thiệp vào việc nội bộ của các nước khác, về quyền bình đẳng và quan hệ hai bên cùng có lợi giữa tất cả các nước, những nguyên tắc làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của Liên Xô, đang chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường đấu tranh giành thống nhất và độc lập dân tộc”(6).
 
Thứ hai, trong điều kiện một nước thuộc địa như Việt Nam, hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, dân tộc trước hết là việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành quyền độc lập, tự do; là sự ủng hộ, giúp đỡ giữa các dân tộc thuộc địa với nhau và của các quốc gia, các dân tộc tiến bộ đối với các dân tộc thuộc địa, cả về tinh thần và vật chất, theo phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Hồ Chí Minh đã chỉ ra sức mạnh tiềm ẩn to lớn của các nước thuộc địa và nửa thuộc địa ở vùng Cận Đông và Viễn Đông, nhưng một trong những nguyên nhân căn bản khiến các dân tộc ở các vùng này chưa phát huy được sức mạnh của họ chính là bởi họ không có sự đoàn kết, hợp tác với nhau: “mặc dầu dân số của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa bao giờ ra sức tìm tòi thật đến nơi đến chốn con đường tự giải phóng, cho nên họ chưa hiểu được giá trị của sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Họ chưa có những mối liên hệ giữa các lục địa như các dân tộc châu Âu và châu Mỹ”(7).
 
Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nêu tình trạng, vì “không hiểu biết lẫn nhau” nên “nảy ra những thành kiến” giữa giai cấp vô sản ở Đông Dương và giai cấp vô sản Pháp. Người cho rằng: “Chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản không bỏ lỡ dịp lợi dụng sự nghi kỵ lẫn nhau đó và sự phân biệt đẳng hạng giả tạo về nòi giống đó để ngăn cản việc tuyên truyền và để chia rẽ những lực lượng đáng phải đoàn kết lại”(8).
 
Thứ ba, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, sự hợp tác cùng có lợi không chỉ được thực hiện giữa các quốc gia, dân tộc có cùng chế độ chính trị, mà còn có thể và cần phải được thực hiện giữa các quốc gia, các dân tộc có chế độ chính trị khác biệt cả về kinh tế, văn hóa, đến chính trị, quân sự, nhằm mang lại lợi ích cho các bên và toàn thể nhân loại. Điều này xuất phát từ tính tất yếu của mối liên hệ, tác động lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới, nhất là trong những vấn đề mà một quốc gia hay dân tộc riêng lẻ không thể giải quyết được, như gìn giữ hoà bình, chống đói nghèo, chống nạn thất học, chống dịch bệnh v.v.. Do đó, dù các quốc gia, dân tộc có thể khác biệt nhau về chế độ chính trị, nhưng vẫn sẽ có điểm chung khi hợp tác cùng nhau, đó là cùng đạt được lợi ích, cùng phát triển. Sâu xa hơn, điều này còn xuất phát từ tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, luôn luôn mong muốn các quốc gia, các dân tộc trên thế giới hợp tác với nhau, không phân biệt màu da, ý thức hệ, để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh của toàn thể nhân loại.
 
Một trong những minh chứng sinh động cho quan điểm trên của Hồ Chí Minh là sự ủng hộ của Người với Phong trào Không liên kết và sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Người về các vấn đề quốc tế nói chung, hợp tác quốc tế cùng có lợi nói riêng, với những nguyên tắc cơ bản của Phong trào, thường được gọi là Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, đó cũng chính là những nguyên tắc nền tảng trong việc thiết lập và duy trì quan hệ giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Đó là: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; cùng tồn tại hoà bình. Rõ ràng nội dung của những nguyên tắc này tương đồng với tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hồ Chí Minh biểu thị sự ủng hộ nhiệt thành đối với Phong trào Không Liên kết, đồng thời coi Năm nguyên tắc cũng là cách tiếp cận thích hợp để giải quyết vấn đề Đông Dương và Việt Nam: “Năm nguyên tắc trọng yếu đề ra trong bản tuyên bố chung của hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung - Diến (tức Miến Điện, nay là Mianma - TG) là: cùng tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội chính của nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, cùng sống chung trong hoà bình. Những nguyên tắc ấy cũng thích hợp cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh hai bản tuyên bố chung đó. Tôi tin rằng hai bản tuyên bố chung đó nhất định có lợi cho hoà bình châu Á và thế giới”(9).
 
Không chỉ các nhà nghiên cứu mácxít mà ngay cả các học giả tư sản cũng thừa nhận sự cởi mở và thiện chí sẵn sàng hợp tác của Hồ Chí Minh đối với các quốc gia phương Tây - nơi có chế độ chính trị khác biệt với Việt Nam. Như một chính khách thực dân đã nhận xét: Hồ Chí Minh “là người mang tính cách Á đông nhiều nhất trong những người Á đông, nhưng cũng là người cởi mở nhất với tư tưởng phương Tây”(10).
 
Chính trên tinh thần cởi mở và hợp tác với phương Tây mà tháng 12-1946, trong Lời kêu gọi Liên Hợp quốc, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Đó là: đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài; mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc; sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân(11).
 
Đặc biệt hơn, sự cởi mở của Hồ Chí Minh với tư tưởng phương Tây được thể hiện trong những tuyên bố thân thiện với ngay cả các quốc gia đang tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam là Pháp, Mỹ. Cuối tháng 11-1946, dù những chính khách và tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương, cầm đầu là G.T.Đácgiăngliơ ngày càng gia tăng những hành động gây hấn, xâm lược Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực kêu gọi sự hợp tác thân thiện và cùng có lợi giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Pháp: “Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”(12). Thậm chí, ngay cả khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã nổ ra trên toàn quốc, Người vẫn nêu rõ thiện chí của dân tộc Việt Nam: “Chúng tôi mong một ngày gần đây, dân chúng Pháp và dân chúng Việt Nam sẽ có thể cùng hợp tác với nhau trong vòng hòa bình và thân ái để mưu hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”(13).
 
Cũng chính vì cởi mở với tư tưởng phương Tây, dù Mỹ - Diệm gây ra cuộc “chiến tranh không tuyên bố”, khủng bố, tàn sát nhiều người dân, nhiều chiến sĩ cách mạng ở miền Nam và âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, tháng 8-1963, Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố trước báo giới Mỹ và các nước khác: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hoà bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ,... Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”(14).
 
Thứ tư, Hồ Chí Minh chỉ ra những điều kiện để thực hiện và thúc đẩy việc hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, dân tộc. Với Người, độc lập dân tộc vừa là tiền đề quan trọng để thực hiện sự hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới, đồng thời cũng là tiêu chí quan trọng nhất để kiểm chứng giá trị, lợi ích của sự hợp tác đó. Người nêu rõ: “chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế, và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững”(15).
 
Mặt khác, nhằm thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh xác định, cần phải đấu tranh loại bỏ những lực cản sự hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, các dân tộc. Theo Người, đó là chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các tư tưởng kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc. Do vậy, gắn liền với những nỗ lực thiện chí, hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc là cuộc đấu tranh xoá bỏ những lực cản này. Người đã từng phát biểu với nhân dân Pháp: “Chính bọn thực dân phản động Pháp đã làm ô danh nước Pháp, và tìm cách chia rẽ chúng ta bằng cách khiêu chiến. Chừng nào nước Pháp hiểu rõ nền độc lập và thống nhất của chúng tôi, và gọi trở lại những kẻ thực dân hiếu chiến Pháp về, thì tình giao hảo và sự hợp tác (chúng tôi nhấn mạnh - TG) giữa hai dân tộc Pháp - Việt sẽ trở lại ngay”(16).
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và quan điểm của Người về hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trên thế giới nói riêng là nền tảng lý luận soi đường cho cách mạng Việt Nam trong tiến trình giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, nhân dân ta đang đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen nhau. Trong tình hình đó, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia cần phải chú trọng mấy điểm cơ bản sau:
 
Một là, mở rộng hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững, có thể giải quyết được tất cả các vấn đề nếu tách rời khỏi phần còn lại của thế giới. Đối với nước ta, mở rộng hợp tác quốc tế là nhu cầu khách quan để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh, là nhân tố hết sức quan trọng để tranh thủ nguồn ngoại lực, làm gia tăng thêm sức mạnh tổng hợp của đất nước.
 
Hai là, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong hợp tác quốc tế, luôn luôn đặt lợi ích chân chính của dân tộc lên trên hết và trước hết trong quá trình mở rộng hợp tác với các quốc gia khác. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc là nguyên tắc nhất quán và cũng là tiêu chí để đánh giá tính đúng đắn của các hoạt động hợp tác quốc tế.
 
Ba là, trên cơ sở tìm ra những điểm chung, những điểm tương đồng, mở rộng hợp tác với tất cả các quốc gia, các dân tộc theo tinh thần thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
 
Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế phải luôn luôn đi cùng với đấu tranh loại trừ những yếu tố tiêu cực, không phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Hợp tác và đấu tranh là hai mặt luôn luôn gắn liền với nhau trong quan hệ quốc tế, nhất là bối cảnh quốc tế hiện nay. Phải cảnh giác nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, hành động áp đặt, thậm chí can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
_______________________
(1), (2), (4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 14, 284, 135, 81.
(11), (12), (13), (15), (16) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 523, 511, 543, 210, 536.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 12.
(5), (7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 271, 133.
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 410.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 537-538.
(10) Paul Mus: Ho Chi Minh - Vietnam - Asia, Ed Seuil, Paris, 1971, tr. 4.
(14)  Hồ Chí Minh: Sđd, t. 14, tr. 148.
 
TS Lý Việt Quang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi