Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Tầm nhìn Hồ Chí Minh về giá trị Xô Viết
Ngày đăng: 08:54 20/03/2018
Lượt xem: 1.971
Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại của một chính sách đối ngoại mới, chính sách hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Sắc lệnh hòa bình là cơ sở chính sách đối ngoại của Nhà nước Xôviết. Từ đó Liên Xô trước sau như một, luôn luôn chủ trương chung sống hòa bình giữa các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội. Chính sách hòa bình kiên quyết của Liên Xô là chỗ dựa cho tất cả các dân tộc chống lại những lực lượng chiến tranh. Liên Xô không chỉ tuyên bố chính sách hòa bình mà còn thực sự hành động ủng hộ các dân tộc đấu tranh cho độc lập của họ, chống sự nô dịch và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.
 
1. Sức lôi cuốn kỳ diệu của Cách mạng Tháng Mười Nga
 
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, muốn Tổ quốc được độc lập, đồng bào được tự do, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp biến tinh hoa văn hóa thế giới, hòa mình vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động nhiều nước, bằng bản lĩnh và trí tuệ thiên tài, Hồ Chí Minh thấy chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga mới là “thanh kiếm mầu nhiệm” giúp các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thực hiện được sự nghiệp giải phóng và phát triển. Người quyết định dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
 
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại có sức lôi cuốn Hồ Chí Minh một cách kỳ diệu vì “không người nào đem lại cho chúng tôi một sự giúp đỡ thiết thực để thoát khỏi chế độ nô lệ mà những “người đi gieo rắc văn minh” đang giam hãm chúng tôi... Nhiều người đã hiểu tình trạng kém cỏi của chúng tôi nhưng chưa có ai, trừ những người làm cách mạng Nga, chỉ cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng”(1). Hồ Chí Minh tìm ra con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(2).
 
Qua nhiều nguồn tin, Hồ Chí Minh biết rằng có một dân tộc đã lật đổ bọn bóc lột mình và tự quản lấy công việc của họ, không có bọn chủ và bọn toàn quyền. Đó là sự kiện vĩ đại ở nước Nga và đứng đầu những con người dũng cảm ấy là Lênin. Lênin không những đã giải phóng dân tộc mình, mà còn muốn giải phóng các dân tộc khác, cả người da vàng, da đen cũng như da trắng. Lênin có một cương lĩnh để đạt mục đích ấy. Hồ Chí Minh đã biết về Quốc tế thứ ba đấu tranh cho tất cả những người bị bóc lột, không trừ ai và người đứng đầu Quốc tế III là Lênin.
 
Với khát vọng đòi quyền tự do thật sự cho dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa, khi Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp thành lập nhằm mục đích vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga bị các chính phủ tư sản (kể cả Chính phủ Clêmăngxô (Clémanceau) của Pháp), tiến công dữ dội, Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga như: quyên góp tiền trong các phố Pari để giúp cách mạng Nga vượt qua nạn đói; tham gia phân phát các truyền đơn của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, nói chuyện và hoan nghênh Cách mạng Tháng mười Nga...
 
Sau này, khi chỉ ra con đường cách mạng cho thanh niên Việt Nam, đúc kết những nhận thức trong quá trình đến với Cách mạng Tháng Mười Nga, Người chỉ rõ, tuy có nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa nhưng chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức giúp đỡ công nông các nước và nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(3).
 
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hồ Chí Minh chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng lịch sử của cuộc Cách mạng Nga. Người “biết rất ít các vấn đề chính trị, chưa biết đảng là gì, công đoàn là gì, càng không rõ chủ nghĩa xã hội khác chủ nghĩa cộng sản ở chỗ nào?(4), chỉ với ý chí, quyết tâm sắt đá “muốn Tổ quốc tôi được giải phóng, các dân tộc thuộc địa được giải phóng”. Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Người đến với Cách mạng Tháng Mười chính từ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc.
 
2. Hồ Chí Minh và những giá trị Xôviết
 
Sau sự kiện Liên Xô tan rã, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười(5). Họ cho rằng, “Cách mạng Tháng Mười là một lỗi lầm bi thảm của lịch sử” (!?); rằng “Cách mạng Tháng Mười say mê bạo lực; là một cuộc thể nghiệm sai lầm, là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng, kéo lùi sự phát triển của xã hội loài người” (!?); rằng “Cách mạng Tháng Mười đã bị lịch sử loại bỏ” (!?); ... Có thật như vậy không?
 
Thực tiễn 100 năm qua, đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới vẫn coi Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện và bước ngoặt vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với vận mệnh toàn thế giới. Lý giải sự chống phá điên cuồng của giai cấp tư sản đối với Cách mạng Tháng Mười, chiến sĩ cộng sản Tôgliati (Italia) cho rằng: “Cách mạng Tháng Mười đã phá bỏ cái trật tự quái gở mà theo đó, chỉ có những kẻ giàu mới có quyền được thống trị toàn thế giới, và chứng minh rằng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột có thể giành được chính quyền, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình là làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn so với cuộc sống trong các xã hội của giai cấp bóc lột”(6).
 
Các số liệu thống kê cho thấy, hiện tại ở Liên bang Nga có hơn 50% dân số vẫn đánh giá tích cực những thành quả của cách mạng XHCN như trước đây. Trong ký ức lịch sử của nhân dân Nga vừa có những mất mát đau thương, vừa lưu giữ những tươi sáng và tiến bộ, thành quả mà nhân dân Liên Xô đã giành được trong những năm tháng của chính quyền Xôviết; họ vẫn tự hào về những đóng góp tích cực mà Cách mạng Tháng Mười mang lại cho nước Nga và toàn thể nhân loại.
 
Tầm nhìn của Hồ Chí Minh về giá trị Xôviết được nhìn nhận từ nguyên nhân bùng nổ của cách mạng. Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười nổ ra từ sự chín muồi của mâu thuẫn nội bộ xã hội Nga giữa kẻ áp bức và những người bị áp bức; giữa đế quốc Nga hoàng với nhân dân lao động khi nước Nga được ví như “nhà tù của các dân tộc”. Ách áp bức tàn bạo của địa chủ và tư bản đã đưa nước Nga đi đến thảm họa, đẩy trên 100 triệu quần chúng vô sản, nửa vô sản, nông dân Nga vào tình cảnh khốn cùng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường cách mạng. Nước Nga chuyên chế phải được thay thế bằng nước Nga dân chủ và cách mạng, đem lại hòa bình và quyền tự quyết cho các dân tộc, ruộng đất về tay dân cày, chính quyền về tay công nông. Thứ hai, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, CNTB đã phát triển đến giai đoạn cao là chủ nghĩa đế quốc, xuất hiện mâu thuẫn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga có nguyên nhân sâu xa từ trong quy luật phát triển của xã hội và trực tiếp từ một tình thế cách mạng đã chín muồi. Do vậy, nó có tính tất yếu lịch sử. Cách mạng Tháng Mười nổ ra đã lật đổ chính quyền của tư bản và địa chủ. Với thắng lợi của cuộc cách mạng, một hệ thống chính trị mới ra đời, đối lập với hệ thống chính trị cũ, và quá trình giải quyết mâu thuẫn đó đã đưa tiến trình lịch sử thế giới tiến lên phía trước.
 
Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước Xôviết đem đến cho nhân dân nền dân chủ thật sự, đã tỏ rõ sức sống không gì phá nổi. Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi của bạo lực cách mạng được tạo nên bởi quần chúng lao động, tỏ rõ sức mạnh của quần chúng lao động.
 
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các dân tộc trước kia bị áp bức đã trở thành những người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội, có cơ hội phát triển hài hòa cả về trí tuệ và thể chất. Đó là giá trị nhân bản lớn nhất, đích thực của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Với Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự quyết của các dân tộc đã được thực hiện. Cách mạng Tháng Mười đem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, làm cho người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường. Đó là tấm gương cổ vũ nhân dân lao động toàn thế giới, đặc biệt là đối với các dân tộc phương Đông.
 
Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại của một chính sách đối ngoại mới, chính sách hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Sắc lệnh hòa bình(7) là cơ sở chính sách đối ngoại của Nhà nước Xôviết. Từ đó Liên Xô trước sau như một, luôn luôn chủ trương chung sống hòa bình giữa các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội. Chính sách hòa bình kiên quyết của Liên Xô là chỗ dựa cho tất cả các dân tộc chống lại những lực lượng chiến tranh. Liên Xô không chỉ tuyên bố chính sách hòa bình mà còn thực sự hành động ủng hộ các dân tộc đấu tranh cho độc lập của họ, chống sự nô dịch và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.
 
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, với Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Xôviết đã được giáo dục đầy đủ và sâu sắc chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm, nghị lực cách mạng phi thường, tình yêu Tổ quốc và lòng trung thành với đất nước. Những người con của Cách mạng Tháng Mười được tôi luyện và  bồi đắp những giá trị Xôviết, trở thành trụ cột trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bảo đảm thắng lợi của nhân dân, giúp nhân loại nhận thức rõ hơn giá trị và khả năng của mình. Liên Xô với sức mạnh phi thường đã đập tan được bọn phản cách mạng trong nước, đánh thắng cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc; chưa đầy 30 năm sau lại đánh thắng chủ nghĩa phát xít, chẳng những bảo vệ được Nhà nước Xôviết mà còn góp phần to lớn giải phóng các nước khác, giải phóng nhân loại khỏi thảm hoạ của chủ nghĩa phát xít. Vai trò mở đường của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga dẫn tới sự kiện lớn thứ hai trong thế kỷ XX là hình thành một dòng thác các dân tộc bị áp bức vùng lên tự giải phóng, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
 
Giá trị của Cách mạng Tháng Mười còn được tỏa sáng bởi nhân cách của vị lãnh tụ vĩ đại của cuộc cách mạng. Khi viết về Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không phải chỉ thiên tài của Người (Lênin) mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.
 
Giá trị của cuộc cách mạng được lan tỏa ra toàn thế giới bởi vai trò của tổ chức cách mạng quốc tế - Quốc tế III. Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt sau Cách mạng Tháng Mười, nếu không có Quốc tế III thì cũng không có một đạo quân những nhà cách mạng khắp thế giới để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, vì Quốc tế đó đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức. Quốc tế III và Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đã làm cho Hồ Chí Minh “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng. Người vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(8).
 
Giá trị Xô viết được Hồ Chí Minh đề cập trong di sản của mình bằng hình ảnh của một chế độ tốt đẹp mà chưa có một chế độ xã hội nào trước đó có được. Đó là việc chính quyền Xôviết bảo đảm cho nhân dân cuộc sống no ấm, có nền giáo dục, y tế chất lượng, có nhà ở, công ăn việc làm,... Đúc kết giá trị Xôviết, Người viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(9). Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(10). Đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng mặc dù thực dân Pháp tìm mọi cách bưng bít sự thật về Liên Xô, đồng thời lại tung ra những tin tức dối trá về Liên Xô, nhưng những người cách mạng Việt Nam đã kiên trì đi tìm và tìm thấy sự thật. Dần dần họ đã biết rõ ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Đối với nhân dân và đặc biệt là đối với những người cách mạng, Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc. Có thể nói rằng nếu không có Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thì nhân dân Việt Nam không thể hoàn thành được cuộc Cách mạng Tháng Tám của mình”(11). Điều đó chứng tỏ tầm nhìn trí tuệ, thiên tài của Hồ Chí Minh về giá trị Xôviết của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam.
 
Những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt ở Liên bang Nga vẫn tiếp tục nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười, để làm sâu sắc thêm giá trị bền vững của sự kiện có ý nghĩa nhất trong thế kỷ XX.
 
Nhà nghiên cứu Stephan Lapkovsky cho rằng “không thể xóa Tháng Mười khỏi ký ức nhân dân, vì cách mạng tuyên cáo tư tưởng chung về giải phóng và công bằng xã hội; làm biến đổi xã hội ở phương Đông cũng như ở phương Tây, thành xã hội hiện đại như hôm nay với những thành tựu xã hội và tiến bộ kỳ vĩ”. E.Côbêlép khẳng định, Cách mạng Tháng Mười là “cuộc cách mạng vĩ đại và đa diện. Xã hội Xôviết, không còn nghi  ngờ gì nữa, đã là một xã hội nhân đạo, xã hội của công bằng xã hội”. Thượng tướng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Anatoly Khyupenen đánh giá “trong số những nhân tố chủ yếu bảo đảm chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước chống phát xít, quan trọng nhất là hệ tư tưởng cách mạng, tiến bộ; chế độ xã hội chủ nghĩa đầy ưu việt được xây dựng trên đất nước Xôviết trong hơn 20 năm sau Cách mạng Tháng Mười, và vai trò lãnh đạo đoàn kết toàn dân của Đảng Cộng sản”. “Một trong những thành quả vĩ đại nhất của Cách mạng Tháng Mười là tạo dựng một chế độ mới với các chính sách, biện pháp bảo đảm xã hội cho mọi người dân rất hiệu quả”. Những thành quả của một chế độ mới do Cách mạng Tháng Mười đem lại vẫn đọng mãi trong tâm khảm hàng triệu người Nga.
________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.466.
(2), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.173, 12.
(3)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.304.
(4), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.583, 387, 390.
(5) Trong thế kỷ XX, người ta tính được giai cấp tư sản ba lần “phán xét lại” Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là: 1- Lúc cuộc cách mạng vừa bùng nổ và thắng lợi làm rung chuyển thế giới; 2- Sau Thế chiến thứ II; 3- Những năm 1980.
(6) P.Tôgliati: Cách mạng Tháng Mười và phong trào công nhân quốc tế, 1988, tr.247.
(7) Ngày 26-10-1917 lịch Nga, tức 08-11-1917, một ngày sau khi thiết lập chính quyền công nông, Đại hội Xôviết lần thứ hai đã thông qua Sắc lệnh hòa bình.
(8) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.562.
 
PGS,TS Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi