Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Tìm hiểu phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh trong Di chúc
Ngày đăng: 09:41 06/12/2019
Lượt xem: 2.012

Cách đây tròn nửa thế kỷ, trong lễ tiễn biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đi vào “thế giới người hiền”, tài liệu “Tuyệt đối bí mật” mà Người gửi lại đã được công bố trước toàn Đảng, toàn dân và đông đảo bạn bè quốc tế với tên gọi Di chúc. Kể từ giờ khắc đó, Di chúc không chỉ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản Hồ Chí Minh mà còn lay động mạnh mẽ muôn triệu trái tim.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những di sản tư tưởng cao quý, nổi bật trong đó là phong cách lãnh đạo của Người

Hiển hiện trong Di chúc không chỉ là tư tưởng ngời sáng của bậc “đại trí”, không chỉ là tình yêu con người của bậc hiền nhân mà còn là phong cách đặc sắc của một nhà văn hóa lỗi lạc. “Phong cách chính là người”, nói đến phong cách là nói đến những gì riêng biệt, độc đáo, không thể lẫn với ai khác của chủ thể hành động. Vì thế, cho dù trước và sau Hồ Chí Minh đã có vô vàn người viết di chúc, cho dù nhiều nhân vật lịch sử cũng để lại di nguyện cao quý, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức đặc biệt. Cùng với tư tưởng và đạo đức ngời sáng, sự độc đáo của phong cách đã góp phần làm nên sức sống bất hủ của tác phẩm nay không chỉ là “bảo vật quốc gia” mà còn là “biểu trưng” của văn hóa làm người.

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến một chỉnh thể phong cách độc đáo và Di chúc đã thể hiện chân xác những đặc tính riêng biệt này.

Thứ nhất, Di chúc thể hiện rằng, ngay cả khi đối diện với cái chết, Hồ Chí Minh vẫn hoàn toàn lạc quan và ung dung, chủ động.

Sinh thời, bản lĩnh văn hóa đã giúp Hồ Chí Minh vượt lên bao nghịch cảnh để luôn có một phong thái ung dung, tự tại. Viết sẵn Di chúc đã là sự chủ động nhưng rất độc đáo, hơn nữa là thời điểm Người viết những dòng đầu tiên trong Di chúc: Ngày 10/5/1965 - dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75; vào lúc 9 đến 10 giờ sáng - giờ sáng láng, tinh anh nhất của một ngày. Đồng chí Vũ Kỳ - người “tiểu đồng” của Người kể lại: “Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây… để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế”(1). Các năm sau đó, cứ từ ngày 10 đến 19 /5 và vào khung giờ quen thuộc đó, Người lại tiếp tục viết hoặc chỉnh sửa Di chúc.

Viết di chúc là nghĩ đến cái chết nhưng Người tuyệt nhiên không dùng từ “chết” mà còn mở đầu Di chúc bằng dòng chữ “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Điều đó có nghĩa là Người đã chủ động dùng sự sống để đối diện cái chết, lấy nỗi mừng để át nỗi đau, đem sự thanh thản, an nhiên thay cho tâm lý sợ hãi đời thường. Hết sức lạc quan nên Người đã sửa cụm từ “ngoại 70 tuổi” thành “ngoại 70 xuân”, đã “nhẹ hóa” cái chết bằng câu nói giàu tính tâm linh là “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”(2). Viết di chúc, con người thường hồi tưởng lại quá khứ nhưng Hồ Chí Minh chủ yếu nói đến tương lai: Tương lai thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tương lai xây dựng đất nước “hơn mười ngày nay”… Văn phong trong di chúc thường bi lụy, ngậm ngùi nhưng văn phong trong Di chúc Hồ Chí Minh vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan và có chút hóm hỉnh khi Người an ủi nhân dân về tình trạng sức khỏe của mình. Rõ ràng là, con người sẽ được tự do khi nhận thức được cái tất yếu và hành động như cái tất yếu. Di chúc đã thể hiện năng lực đó của Hồ Chí Minh ngay cả khi đối diện với cái chết. Đó chính là bản lĩnh của một người đặc biệt trải đời và hiểu đời. 

Thứ hai, Di chúc đã kết tinh những đặc trưng nổi bật trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh.

Nắm chắc phép biện chứng và hết sức mẫn cảm, Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn rộng lớn và Di chúc đã chứng minh năng lực dự báo chính xác đến kỳ lạ của Người. Di chúc được viết vào lúc chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt nhất nhưng ở mọi thời điểm (1965, 1968, 1969), Hồ Chí Minh đều khẳng định thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1965, mặc cho đế quốc Mỹ huênh hoang “đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá”, Người còn dự báo cụ thể: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”(3). Bản Di chúc do Đảng ta công bố năm 1969 đã bỏ cụm từ “mấy năm nữa” nhưng việc Mỹ phải rút quân sau Hiệp định Pari năm 1973 đã chứng minh dự báo của Người là hoàn toàn chính xác.

Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ là thời điểm uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đang ở đỉnh cao nhưng ngay lúc đó, Hồ Chí Minh đã tiên lượng được khả năng trỗi dậy của căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, của chủ nghĩa cá nhân khi chiến tranh kết thúc, đất nước chuyển sang thời bình. Vì thế, Người căn dặn “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(4). Người còn cảnh báo những khó khăn, nguy cơ mắc sai lầm ở thời hậu chiến và mọi tiên lượng của Người sau này đều thành sự thật.

Trong Di chúc, tư duy khoa học đã giúp Hồ Chí Minh nhận diện chính xác các vấn đề cấp thiết, trọng yếu nhất của đất nước và tìm ra giải pháp tối ưu cho dù hoàn toàn “không đi sâu vào chi tiết”(5) . Đất nước muốn phát triển, phải có lực lượng lãnh đạo xứng đáng nên chỉnh đốn Đảng là “việc phải làm trước tiên”. Mục đích của cách mạng là mang lại hạnh phúc cho dân nên “đầu tiên là công việc đối với con người”. Tương lai dân tộc tất yếu phụ thuộc vào thế hệ trẻ nên “trồng người” là chiến lược quan trọng. Bình đẳng giới là bước phát triển tất yếu của văn minh nhân loại nên giải phóng phụ nữ cũng là vấn đề được Người nhấn mạnh …

Tư duy Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn nên Di chúc đã được Người liên tục chỉnh sửa sao cho phù hợp với sự biến đổi của tình hình thực tế. Đơn cử như  khi tiên lượng thời gian sống của mình thì mỗi năm, Người lại viết một khác. Lần lượt trong các năm 1965, 1968, 1969, Người đã sửa cụm từ “mấy năm, mấy tháng nữa”, tức thời gian còn tính bằng năm thành “mấy tháng, mấy năm nữa”, tức là thời gian chỉ đo bằng tháng và cuối cùng là “được bao lâu nữa”, tức không còn tháng, còn năm mà chỉ còn ngày, còn phút, còn giây. Người hiểu rõ và thể hiện chính xác một sự thật khách quan là “quỹ thời gian” của Người cứ ngắn dần lại. Khi thời gian còn quá ít thì Người đã không nói tới sự sống của mình nữa mà chỉ hướng đến việc phục vụ nhân dân mà thôi. Cũng căn cứ vào sự thay đổi của tuổi tác, nếu năm 1965, Người gọi nhà thơ Đỗ Phủ là “cụ” thì năm 1969 - lúc Người đã “vào lớp người “trung thọ””, Người sửa thành “ông Đỗ Phủ”. Quan điểm thực tiễn đã được Người thực hành triệt để cả trong những tình tiết nhỏ nhất.

Với bộ óc đầy tính sáng tạo và luôn nhạy cảm với cái mới, Hồ Chí Minh còn phác thảo trong Di chúc một cương lĩnh Đổi mới trên nét lớn mặc dù Người chưa trực tiếp sử dụng khái niệm này. Sự nghiệp Đổi mới do Đại hội Đảng VI đề xướng sau này đã trở lại đúng tinh thần đó của Người. Tất cả những điều đó đã nói lên năng lực tư duy đặc biệt xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô, tối 31/5/1969 tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu.

Thứ ba, Di chúc phản ánh rõ nét phong cách làm việc khoa học, cẩn trọng, kỹ lưỡng và hết sức dân chủ của Người.     

Biểu hiện rõ nhất của lối làm việc khoa học là khả năng lập kế hoạch sát đúng và tuân thủ kế hoạch đề ra. Sau khi hoàn tất bản Di chúc có kết cấu hoàn chỉnh đề ngày 15/5/1965, Hồ Chí Minh đã đưa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” cho đồng chí Vũ Kỳ với lời dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”(6). Các năm sau đó, (chỉ trừ năm 1967, Người đi chữa bệnh bên Trung Quốc từ ngày 14/4 đến 30/6 và tài liệu Tuyệt đối bí mật không thể mang theo), cứ từ ngày 10 đến 19/5, vào lúc 9 đến 10 giờ sáng, dù bận rộn đến đâu thì Người vẫn dành thời gian để viết và chỉnh sửa Di chúc. Đồng chí Vũ Kỳ kể rằng, do mọi việc đã thành “nếp” nên “khi Bác ngồi vào bàn thì chiếc phong bì to đựng tài liệu đã có ở trước mặt”(7). Cách làm việc có kế hoạch không chỉ giúp Người không bỏ sót công việc mà còn tạo ra sự phối hợp “ăn ý” với thuộc cấp của mình.

Hồ Chí Minh là người có cách làm việc tỷ mỉ, cẩn trọng, kỹ lưỡng và Di chúc đã thể hiện rõ đặc điểm này. Mặc dù bản Di chúc viết năm 1965 đã có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhưng Người vẫn tiếp tục suy ngẫm, bổ sung, chỉnh sửa. Vì thế, Di chúc chính là tác phẩm được viết trong thời gian dài nhất và gồm 3 bản thảo độc lập. Dựa vào phương pháp văn bản học cũng như hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, chúng ta có thể “phục dựng” toàn bộ quá trình chỉnh sửa và bổ sung Di chúc hết sức kỳ công của Người.  Năm 1966, sau một năm suy ngẫm, Người chỉ “chèn” vào phần nói về Đảng của bản Di chúc viết năm 1965 cụm từ “phục vụ Tổ quốc” và “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau” để nhấn mạnh chân lý: Đảng không chỉ có nghĩa vụ phục vụ giai cấp mà còn phải phục vụ dân tộc; sự yêu thương giữa những người đồng chí chính là nền tảng của sự đoàn kết.

Đến năm 1968, Người đã viết lại đoạn mở đầu Di chúc và đoạn dặn về việc riêng trong gần 2 mặt giấy. Cả đời mải miết lo cho dân, cho nước, dường như khi đặt bút viết Di chúc, Người mới bắt đầu cân nhắc về việc riêng; cho nên, phần việc riêng viết năm 1968 có nhiều bổ sung, chỉnh sửa so với những gì Người đã viết năm 1965 và Người đã viết thêm 6 trang để dặn dò kỹ lưỡng mọi việc xung quanh kế hoạch tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Đến năm 1969, dù chỉ viết lại phần mở đầu Di chúc trong 1 trang giấy, Người cũng đã nghiền ngẫm và chỉnh sửa trong vòng 10 ngày. Ngày 10/5/1969, Người khẳng định ngay tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Đến ngày 12/5/1969, Người viết thêm cụm từ “dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa”(8) để nhấn mạnh rằng: Con đường đi đến chiến thắng hoàn toàn không dễ dàng; nó đòi hỏi ở nhân dân sự hy sinh to lớn. Người cũng chữa cụm từ “bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” thành “giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta” để khẳng định tính chất nhân dân của chiến tranh giải phóng. Ngày 18/5, Người tiếp tục chữa 2 chữ và thêm 2 chữ vào câu văn mới viết. Cụ thể, từ câu “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sỹ, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng”, Người đã sửa thành một câu văn khoáng đạt hơn: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng…”(9) . Việc thay từ “thăm hỏi” đầu tiên thành từ “chúc mừng” vừa đúng với không khí thắng lợi, vừa tránh được việc lặp từ ở vế sau. Bổ sung thêm từ “anh hùng” cũng hoàn toàn chính xác vì để thắng một “siêu cường”, Việt Nam đã có vô vàn những anh hùng hữu danh và vô danh. Ngày 20/5/1969, “Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi”(10). Đồng chí Vũ Kỳ nói rõ: “Trong khoảng thời gian 4 năm, Bác đã để cả thảy 28 buổi(11)… để viết Di chúc”. 

Hồ Chí Minh nổi tiếng là người có phong cách làm việc dân chủ, không bao giờ “độc tôn chân lý”, áp đặt tư tưởng cho người khác và Di chúc đã thể hiện rõ  đặc tính này. Là lãnh tụ tối cao của dân tộc và của Đảng nhưng trong Di chúc, Người đã dùng một loạt các cụm từ như “theo ý tôi”, “tôi tin chắc rằng”, “tôi mong rằng”, “tôi có ý đề nghị”, “điều mong muốn cuối cùng của tôi là”… để biểu đạt một điều: Đây là ý kiến, nguyện vọng riêng của Người, là sự gợi mở theo tinh thần dân chủ và Người không có ý “áp đặt” chính kiến của mình cho những người ở lại.

Thứ tư, Di chúc đã kết tinh những đặc điểm nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh.

Người nổi tiếng có biệt tài đi thẳng vào vấn đề cốt lõi và có thể khái quát chân lý của thời đại, những vấn đề phức tạp của cách mạng bằng những lời ngắn gọn, hàm súc. Viết Di chúc, Người chủ ý chỉ “để lại mấy lời”, chỉ “tóm tắt vài việc” cho nên, dù được viết dòng dã trong 4 năm nhưng Di chúc chỉ có hơn 10 trang bản thảo với hơn 3.000 từ; bản Di chúc do Đảng ta công bố ngày 9/9/1969 chỉ vẻn vẹn hơn 1.000 từ. Tuy nhiên, đó vừa là cương lĩnh tổng kết thực tiễn, vừa là cương lĩnh đổi mới và phát triển đất nước; vừa là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách, vừa là nơi “thăng hoa” của nhân cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Vũ Kỳ đã nói về tính hàm súc trong ngôn từ của Hồ Chí Minh: “Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ không bao giờ dùng câu thừa, chữ thừa”(12); điệp từ chỉ được dùng khi cần nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng. Trong Di chúc, Người đã 4 lần dùng từ “nhất định” để khẳng định tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, dùng 4 từ “thật” và “thật sự” để cảnh báo nguy cơ đạo đức giả trong đội ngũ đảng viên. 

“Văn chính là người”, ngôn ngữ trong Di chúc hết sức giản dị, trong sáng như  cuộc đời “trong như ánh sáng” của Người, như cái đẹp hồn hậu không cần đến mọi sự tô vẽ. Mặc dù là nhà thơ lớn, nhà báo cách mạng kỳ cựu với “bút lực” tài ba, Người vẫn cẩn trọng chỉnh sửa Di chúc để đạt tới sự toàn vẹn nhất. Sự tinh tế, chính xác của từng câu, từng chữ trong Di chúc đã thể hiện sự minh mẫn đến kỳ lạ của một nhà văn hóa lớn.

Hồ Chí Minh rất đa dạng trong phong cách diễn đạt. Có lúc Người nói “rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4”(13) để đồng bào hiểu rõ và làm đúng; có lúc Người nói một cách ẩn ý, tư tưởng không bộc lộ trên “bề mặt” câu chữ mà ẩn sâu hoặc hiển lộ kín đáo ở bên ngoài câu chữ.

Trong Di chúc, Người không trực tiếp nói về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội chủ nghĩa” chỉ được sử dụng 3 lần trong những cụm từ “các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa”, “người thừa kế, xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội”… nhưng mục tiêu, đặc trưng bản chất, động lực và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn hiển thị rõ nét. Từ ước nguyện cuối cùng của Người, rằng “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(14), Đảng ta đã phát triển thành mục tiêu, đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chỉ bằng một câu ngắn gọn, rằng “đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, Người đã gợi mở chiến lược Đổi mới ở nước ta. Dùng “cái tối thiểu của ngôn từ để truyền tải cái tối đa về ý tưởng” là năng lực vốn có của Người và Di chúc chính là một minh chứng thuyết phục.

Thứ năm, Di chúc đã thể hiện một cách cảm động văn hóa ứng xử của con người luôn “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.

Hồ Chí Minh từng cho rằng, sống ở đời thì mỗi con người đều có 3 mối quan hệ là với mình, với người, với việc và Di chúc đã thể hiện tình cảm mà Người dành cho từng đối tượng cụ thể.

Trong quan hệ với con người, Di chúc thể hiện tình yêu vô hạn mà Người dành cho nhân dân và mọi điều Người viết trong Di chúc đều hướng tới một mục đích duy nhất: Vì dân. Xưa nay, không ít kẻ khi ở “ngôi cao” đã “gây thù, chuốc oán” và lúc qua đời, nơi an nghỉ phải được giấu kín. Hồ Chí Minh hết lòng vì dân và tin dân cho nên, Người căn dặn hãy trao tro cốt của Người cho dân để Người được yên nghỉ trong lòng dân và được nhân dân bảo vệ. Với các đồng chí của mình, Người tha thiết nhắn nhủ hãy giữ gìn sự đoàn kết và đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Với bạn bè quốc tế, Người thể hiện sự chu đáo, thủy chung và tấm lòng ơn nghĩa khi bày tỏ ước muốn “đến ngày chiến thắng sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(15).

Trong con người Hồ Chí Minh, “nỗi đau dân nước, nỗi năm châu” luôn hòa làm một; trách nhiệm với dân tộc và nhân loại luôn thống nhất làm một. Trước khi ra đi, Người không chỉ day dứt vì miền Nam chưa được giải phóng mà còn đau lòng vì sự bất hòa giữa các đảng anh em. Không thể tiếp tục làm “thiên sứ” đoàn kết, Người ký thác lại cho Đảng nhiệm vụ “góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết”(16) giữa những người cộng sản. Đó thực sự là phép xử thế đầy trách nhiệm của một bậc vĩ nhân. Tấm lòng của Người dành cho dân tộc và nhân loại bao la như thế nên sự ra đi của Người đã “gây ra nỗi đau buồn khắp năm châu”(17).

Với công việc, Hồ Chí Minh một lòng “Dĩ công vi thượng” và luôn khao khát hiến dâng. Đã sống một cuộc đời trọn vẹn hy sinh, trong Di chúc, Người nói rõ rằng Người không có điều gì phải hối hận nhưng tiếc thì vẫn có. Nó tuyệt nhiên không liên quan đến giấc mộng trường sinh hay sự hưởng thụ cá nhân mà là tiếc nuối vì không thể cống hiến lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là nỗi khát khao của con người tự nguyện “Sự dân nguyện tận hiếu, sự quốc nguyện tận trung”.

Với bản thân mình, Hồ Chí Minh luôn khiêm tốn, quên mình. Thực ra, Di chúc Hồ Chí Minh là cách gọi trân trọng của chúng ta, còn bản thân Người thì khiêm nhường gọi đó là “mấy lời”, là “bức thư” gửi lại. Rất đỗi khiêm nhường nên Người muốn được “hóa thân” vào đất mẹ, gần gũi với nhân dân như mọi con người bình dị khác. Người tuyệt nhiên không sa vào “tệ sùng bái cá nhân” bởi với Người, đối tượng duy nhất cần tôn sùng và biết ơn chính là nhân dân vĩ đại.

Thứ sáu, Di chúc còn khắc họa phong cách sinh hoạt giản dị, tiết kiệm và hòa đồng cùng thiên nhiên của một con người có tâm hồn thanh khiết.

Thương dân và đồng cảm cùng dân nên dù ở đỉnh cao của quyền lực, Người vẫn giữ lối sống tối giản. Tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất nên năm 1969, Người đã viết Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969 của Thông tấn xã Việt Nam. Người dặn chuyện hậu sự cũng với tinh thần tiết kiệm tối đa, không tổ chức điếu phúng linh đình…

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc họa lên phong cách của một con người toàn vẹn trên mọi phương diện với tất cả những gì độc đáo và cao quý nhất. Không chỉ vậy, Di chúc vừa là văn kiện lịch sử đặc biệt, vừa là tác phẩm nghệ thuật. Sau khi được hoàn tất, Di chúc có “cuộc đời” riêng của mình - một cuộc đời cũng hết sức đặc biệt. Nó đã trải qua 2 lần công bố. Lần đầu tiên tại Lễ truy điệu Người vào ngày 9/9/1069 do đích thân Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc. Thật trùng hợp khi 79 chữ viết về việc riêng trong bản Di chúc công bố năm 1969 đã hoàn toàn tương ứng với cuộc đời 79 mùa xuân của Người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số nội dung trong Di chúc chưa được công khai. Đúng tròn 20 năm sau, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Thông báo số 151- TB/TW ngày 19/8/1989 Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký. Lúc này, các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được công bố đầy đủ. Từ đây, tài liệu “Tuyệt đối bí mật” đã trở thành văn kiện được phổ biến rộng rãi nhất, được tổ chức kỷ niệm, học tập và nghiên cứu nhiều nhất. Cho dù Hồ Chí Minh có hàng vạn tác phẩm nhưng Di chúc vẫn là tác phẩm mang lại cảm xúc mãnh liệt nhất cho triệu triệu con người. Không chỉ là nỗi đau vô tận và niềm kiêu hãnh tuyệt vời, Di chúc còn để lại trong mỗi người sự day dứt, cảm giác “mắc nợ” và đánh thức trong họ khát vọng tự hoàn thiện.

Không kém phần đặc biệt là cách ra đi của con người đã viết lên bản Di chúc bất hủ. Người đã ra đi đúng vào khung giờ mà Người thường viết Di chúc, đúng vào ngày Quốc khánh của dân tộc. Quảng trường Ba Đình - nơi năm xưa Người đọc Tuyên ngôn độc lập lại trở thành nơi tiễn biệt và công bố Di chúc của Người.

 50 năm trước, Hồ Chí Minh bày tỏ trong Di chúc sự tiếc nuối vì không thể phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu nữa, nhiều hơn nữa nhưng thực chất thì Người luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và vẫn tiếp tục “phục vụ” nhân dân yêu dấu của Người bằng ánh sáng của tư tưởng, sức cảm hóa của đạo đức và sự mẫu mực về phong cách. Cho dù trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, “hào kiệt thời nào cũng có” nhưng Hồ Chí Minh vẫn là một hiện tượng văn hóa độc đáo nhất, nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất. Di chúc - tiếng lòng tha thiết của Người, ánh sáng trí tuệ của Người cũng là một sản phẩm hy hữu của lịch sử. Cùng với thời gian, giá trị của Di chúc ngày càng tỏa sáng và mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho lớp lớp hậu thế hôm nay và mai sau.

PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết

Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

----------------------------------------

1. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.12-13.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.611.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616.

6. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr.60.

7. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr.126.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.618.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.618.

10. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 10,  tr.300.

11. Vũ Kỳ: Tưởng nhớ Bác Hồ viết Di chúc lịch sử, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, số 8-1999, tr.12.

12. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr.24. 

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.283.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.614.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.618.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.613.

17. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tập 3, tr 220.

 

 

 

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi