Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng
Ngày đăng: 03:57 27/12/2019
Lượt xem: 3.042

Cán bộ, đảng viên hơn lúc nào hết phải là những chiến sĩ tiên phong, “thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán, thật sự là người đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân”.

 
1. Tầm nhìn chiến lược về cán bộ và tấm gương mẫu mực thực hành tiêu chuẩn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng, Nhà nước, quân đội nhân dân, lực lượng công an cách mạng. Người còn sáng lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và đoàn thể quần chúng. Trong hơn sáu thập kỷ hoạt động cách mạng, Người đã dày công xây dựng tổ chức, lực lượng cách mạng, gây dựng lực lượng đồng thời dành nhiều thời gian, tâm trí và sức lực cho việc giáo dục, đào tạo và huấn luyện cán bộ. Người đã từng chỉ rõ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Muôn sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà ra.
 
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận rõ vai trò và tầm quan trọng quyết định của cán bộ. Chất lượng của từng cán bộ, đảng viên và chất lượng của cả đội ngũ cán bộ được Người thường xuyên quan tâm với tầm nhìn chiến lược của nhà tư tưởng và nhà tổ chức thiên tài. Người xác định rõ ràng tiêu chuẩn cán bộ và công phu tổ chức việc giáo dục, đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng lớp lớp cán bộ sao cho những tiêu chuẩn cán bộ được định ra không dừng lại ở nhận thức, quan niệm mà phải được thực hành trong thực tiễn cách mạng, được định hình thành giá trị, thành chất lượng, tạo thành sức mạnh trong hoạt động, sức sống, sức chiến đấu của Đảng cách mạng chân chính, sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc, nêu gương cho quần chúng noi theo, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, làm cho kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Đề cập tới tiêu chuẩn cán bộ và ra sức thực hiện tốt nhất những tiêu chuẩn đó trong những nhiệm vụ công tác hàng ngày của cán bộ một cách bền bỉ, thường xuyên, liên tục để cán bộ đảng viên thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ, dân bảo vệ - đó chính là bí quyết của thành công.
 
Như vậy, xác định đúng tiêu chuẩn cán bộ là cơ sở để tiến hành mọi hoạt động cần thiết của công tác cán bộ gắn liền mật thiết với công tác tổ chức, nhất là giáo dục, rèn luyện cán bộ, từ đó xem xét, đánh giá, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên giành thắng lợi.
 
Quan hệ giữa cán bộ với phong trào và quan hệ giữa cán bộ với tổ chức, quan hệ giữa cán bộ với dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét, nghiên cứu, tổng kết, rút ra kết luận và những bài học kinh nghiệm xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, từ mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống và quyền làm chủ của dân, coi phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân là phục tùng một chân lý cao nhất, là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất.
 
Người không chỉ nhấn mạnh quan điểm và nguyên tắc, phương châm và phương pháp có ý nghĩa chỉ đạo công tác cán bộ, xác định đường lối và chính sách cán bộ mà còn làm sáng tỏ khoa học và nghệ thuật trong phép dùng người, nhất là trọng dụng nhân tài, trọng đãi hiền tài với những nét đặc sắc, tinh tế thuộc về văn hóa và văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, thuộc về phong cách Hồ Chí Minh - nơi hội tụ, kết tinh tư tưởng, phương pháp và đạo đức của Người. Trong bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa, Người đã căn dặn “đầu tiên là công việc với con người”. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, trong đó có tiêu chuẩn cán bộ mà Người nêu lên từ rất sớm, từ tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927) đến những tác phẩm cuối đời “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (03/02/1969) và “Di chúc” (1965-1969) tỏ rõ tính hệ thống, tính nhất quán, thấm nhuần sâu sắc triết lý và minh triết Hồ Chí Minh về người cách mạng, cán bộ cách mạng và đạo đức cách mạng.
 
Đây thực sự là tài sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta, có giá trị bền vững, luôn mới mẻ và hiện đại về mặt lý luận, có sức thuyết phục to lớn về mặt thực tiễn, bởi đó là “lý luận lãnh đạo thực hành”(1), bởi chính Người đã thực hành mẫu mực tiêu chuẩn cán bộ bằng tất cả những trải nghiệm trực tiếp trong hoạt động đấu tranh cách mạng của mình, “đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”(2).
 
Còn có sự xác tín nào hơn nữa về tiêu chuẩn cán bộ mà chân thực, đầy đủ, sâu sắc, trọn vẹn và toàn vẹn như Chủ tịch Hồ Chí Minh - hiện thân của tận trung với Nước, tận hiếu với Dân, một lòng một dạ, toàn tâm, toàn ý vì Dân vì Nước, tuyệt đối không màng danh lợi, cả đời ở ngoài vòng danh lợi, suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để suốt đời dấn thân, tranh đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
2. Nguyên lý tổng quát trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đức và Tài của cán bộ
 
Nói tới tiêu chuẩn cán bộ là nói tới những giá trị chuẩn mực về đạo đức và năng lực mà cán bộ cần phải có để đáp ứng những yêu cầu mà sự nghiệp cách mạng đặt ra.
 
Đạo đức và năng lực hợp thành những bộ phận cốt yếu, tạo nên cấu trúc Đức - Tài của nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi nhân cách là tư cách hay tính cách. Trong cấu trúc này, Người đặt đạo đức lên hàng đầu, đức là gốc, tài là quan trọng và cần thiết nhưng trước hết phải có đạo đức làm nền tảng. Tài phải gắn liền với Đức. Trong mối quan hệ Đức - Tài thì Đức bảo đảm cho Tài được phát huy, được thể hiện thành kết quả, hiệu quả, chất lượng công tác và tác dụng trong hoạt động thực tiễn. Tài chỉ trở nên hữu ích, hữu dụng một khi những khả năng, những năng lực của con người được định hướng đúng đắn bởi đạo đức, tức là nhằm vào mục đích, động cơ trong sáng được dẫn dắt bởi lý tưởng, mục tiêu cao cả, vì lợi ích chung của xã hội, của sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Mục đích và động cơ, mục tiêu và lý tưởng phản ánh sự định hướng giá trị, thái độ lựa chọn giá trị của con người trong cuộc sống. Quan điểm sống, lẽ sống chi phối hành vi và hoạt động của mỗi người, biểu hiện thành lối sống, nếp sống của mỗi cá nhân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh tới các mối quan hệ và chú trọng sự hài hòa khi giải quyết các mối quan hệ đó. Nổi bật ở các mối quan hệ  “với tự mình”, “với người khác”, “với tổ chức (đoàn thể) và với công việc”. Xem xét các mối quan hệ đó trong tính xã hội và lịch sử của nó, Người thường nhấn mạnh tới những biểu hiện mà chỉ có căn cứ vào những biểu hiện đó mới thấy được cả phẩm chất và năng lực của mỗi người - ở đây là người cán bộ cách mạng.
 
Đó là mối quan hệ giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động, giữa động cơ và hiệu quả, giữa nội dung và hình thức, giữa biểu biết với thái độ và hành vi, ứng xử và tự ứng xử, đánh giá và tự đánh giá… Từ hàng loạt những biểu hiện ấy, con người bộc lộ tất cả đạo đức và năng lực của chính mình.
 
Do đó, đức và tài chẳng những không tách rời nhau mà trái lại luôn gắn liền mật thiết với nhau. Nếu đức và tài là tiêu chuẩn cơ bản, tổng quát của cán bộ thì việc đánh giá cán bộ phải căn cứ vào thực tế công tác của cán bộ đạt được như thế nào, ở mức độ nào, ở hiệu quả đóng góp của người đó ra sao qua thực hiện các công việc được giao, qua đánh giá xã hội về những đóng góp của người đó vào sự nghiệp chung. Người cán bộ có thể tự đánh giá, tự phê phán bản thân mình qua các tiêu chuẩn Đức - Tài, nhưng đánh giá xã hội qua tổ chức, cơ quan, đoàn thể, qua những người xung quanh (các cộng sự, đồng nghiệp, đồng chí của mình), qua dư luận xã hội (đánh giá của công chúng, từ phía người dân) là rất quan trọng bởi tính xã hội, tính khách quan của sự đánh giá này có độ tin cậy lớn hơn nhiều. Tự đánh giá thường mang tính chủ quan. Tự đánh giá chỉ có ý nghĩa khi chủ thể tự đánh giá có phẩm chất trung thực, khiêm tốn, có động cơ, lý tưởng và đạo đức trong sáng và nó phải được kiểm chứng bởi các đánh giá xã hội.
 
Tiêu chuẩn tổng quát Đức - Tài có khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong mối tương quan giữa “Hồng” và “Chuyên”. Hồng được hiểu là đạo đức, đồng thời cũng biểu đạt ý nghĩa về chính trị, song không được đồng nhất giản đơn đạo đức với chính trị. Thái độ, lập trường quan điểm chính trị của cá nhân, trên một mức độ nào đó cũng phản ánh đạo đức, cũng có quan hệ mật thiết với đạo đức, nói lên trình độ đạo đức của người đó nhưng không vì thế mà xem xét phẩm chất đạo đức cá nhân chỉ thông qua chính trị. Thái độ chính trị và hành vi chính trị trong hoạt động chính trị thực tiễn của mỗi người có chịu tác động trực tiếp của đạo đức và trong đời sống đạo đức của cá nhân cũng có nội dung chính trị. Song không vì thế mà đồng nhất chính trị với đạo đức. Đã có lúc khi đánh giá đạo đức cán bộ chúng ta đã tuyệt đối hóa chính trị, xem đó là thước đo đạo đức, dẫn tới “chủ nghĩa thành phần”, “chủ nghĩa lý lịch”. Mặt khác, đánh giá đạo đức có khi chỉ thấy đạo đức mà xem nhẹ chính trị, tách rời chính trị khỏi đạo đức. Cả hai khuynh hướng đó đều dẫn tới những sai lạc, những phiến diện trong đánh giá đạo đức thực sự của mỗi người.
 
Cũng như vậy, xem xét năng lực cán bộ có lúc rơi vào khuynh hướng bằng cấp, chứng chỉ để đo năng lực cán bộ. Tiêu chí bằng cấp có khi bị tuyệt đối hóa trở thành thước đo, thành sự minh chứng cho năng lực. Do đó, nảy sinh tâm lý sính bằng cấp, thực chất năng lực bị lấp khuất và dẫn tới hình thức hóa bằng cấp, hình thức hóa năng lực. Đó là chưa nói đến những tiêu cực và hệ lụy bằng cấp trong điều kiện kinh tế thị trường với sự gia tăng chủ nghĩa thực dụng (bằng giả, mua bằng, mua điểm, gian lận thi cử…), gia tăng chủ nghĩa hình thức, nuôi dưỡng thói hư danh, háo danh, dối trá theo kiểu “học giả” mà bằng thật hoặc không học mà vẫn có bằng cấp, dùng tiền mua bằng, từ bằng giả đến bằng thật.
Cần phải kiên quyết loại khỏi nhận thức và hành vi những biểu hiện tiêu cực, phiến diện đó để xác lập đúng đắn tiêu chuẩn Đức - Tài của cán bộ. Một nhân cách lành mạnh đòi hỏi phải thực đức và thực tài, do đó, đánh giá cán bộ phải đúng thực lực, thực chất. Nó đòi hỏi cán bộ phải thực học để có thực lực, thực tài, phải ra sức rèn luyện, trau dồi cả đạo đức và năng lực để có thực đức và thực tài. Phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm soát để sàng lọc cán bộ, loại bỏ những giả giá trị, không để những giả giá trị đó len lỏi vào thực tiễn đánh giá, sử dụng cán bộ.
 
Trong thực tiễn giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đánh giá, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất công phu, cẩn thận, tỉ mỉ đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng trong xác định tiêu chuẩn cán bộ, trong thực hành tiêu chuẩn Đức - Tài của cán bộ cách mạng.
 
Người đã từng chỉ rõ, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, thậm chí làm hỏng việc. Đã không có tài thì đức khó mà thực hiện được, thành ra người vô dụng. Còn có tài mà không có đức, hoặc đức kém thì nguy hiểm vì hạng người ấy có thể làm điều xấu, điều ác, sai trái một cách có tính toán vì mưu lợi cho cá nhân hoặc phe nhóm, hậu quả gây ra lớn hơn nhiều so với những người khác làm sai vì kém hiểu biết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luận chứng về mối quan hệ Đức - Tài trong cấu trúc nhân cách một cách sâu sắc và nhất quán. Người luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của đạo đức nhưng đó là đạo đức cách mạng, đạo đức hành động hướng tới mục đích cao cả là vì Dân vì Nước nên phải suốt đời tu dưỡng, rèn luyện bốn đức để làm người. Đó là cần kiệm liêm chính để trong mỗi việc làm, mỗi hành vi ứng xử, trong lẽ sống, lối sống hàng ngày phải thể hiện rõ lòng chí công vô tư.
 
Nội dung, chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức đó mà người cán bộ cách mạng phải thực hành thường xuyên, bền bỉ suốt đời lại gắn liền với năng lực, với khả năng và tài năng. Vậy là Đức phải có mặt và được đảm bảo bởi Tài và Tài phải được quy định, được dẫn dắt bởi Đức.
 
Đức nổi bật và nổi trội không chỉ trong nhân cách cá nhân mà còn trong cả tập thể, đội ngũ những người cùng lý tưởng, chí hướng: đồng tâm, đồng ý, đồng chí, đồng hành. Đã có quyết tâm lại phải giữ cho được tín tâm nữa. Nếu trong Đức có Tài và có Tài phải có Đức thì chính trị trong ý nghĩa tích cực, đúng đắn và chân chính nhất của nó - cả lý tưởng chính trị, cả lập trường và quan điểm, thái độ và phương pháp chính trị, cả niềm tin và bản lĩnh chính trị trong hành động để dẫn tới văn hóa chính trị của người cách mạng, rõ ràng là sự chung đúc, thống nhất hữu cơ cả Đức lẫn Tài. Chính trị mà không xuất phát từ mục đích cao quý là vì Nước vì Dân, không được định hướng từ một động cơ trong sáng là toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp chung thì không thể có đủ ý chí, nghị lực và niềm tin để trọn đời tranh đấu, hy sinh, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không thể đủ sức mạnh vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn, nhất là những cám dỗ của danh và lợi, của tham vọng quyền lực, địa vị, tóm lại là chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình dung, sớm cảnh báo về nguy cơ tha hóa quyền lực.
 
Nếu Đức là gốc của nhân cách thì đức cũng là nền tảng, là định hướng nhân văn của chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng trong tiêu chuẩn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Chính trị được đảm bảo bởi Đức và Tài, thực đức và thực tài là chính trị thể hiện sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng, dân chủ và pháp quyền, nhân đạo và nhân văn, trong đó đạo đức trong sạch, lối sống trung thực, giản dị và khiêm tốn, vị tha, nhân ái và khoan dung là điều căn bản, cốt lõi nhất. Đây lại là đòi hỏi rất cao đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nắm giữ quyền lực và thực thi quyền lực do dân ủy thác, do tổ chức, đoàn thể tin cậy giao phó cho.
 
Không có đảm bảo này, chính trị khó tránh khỏi nguy cơ tha hóa và cán bộ rất dễ rơi vào suy thoái, hư hỏng. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói tới chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh hai tiêu chí: Đoàn kết và Thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ tới việc lớn, nghĩa là không quan liêu, tham nhũng, phải “quang minh chính đại”, phải “dĩ công vi thượng”, phải “phụng công thủ pháp” lại phải “tinh thành đoàn kết”.
 
Từ quan niệm tổng quát về Đức và Tài như vậy trong tiêu chuẩn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa thành những yêu cầu, những chuẩn mực giá trị thể hiện trong hoạt động, trong ứng xử giữa các mối quan hệ mà mỗi người phải đáp ứng.
 

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"

 
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, khi Đảng còn chưa ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đề cập tới “tư cách của người cách mạng, của Đảng cách mạng” với một hệ thống chỉnh thể chặt chẽ, rõ ràng các tiêu chí, trong sự thống nhất Đức và Tài, đạo đức đi liền với khoa học và chính trị, lý luận gắn liền với thực tiễn, động cơ, mục đích phải dẫn tới kết quả, hiệu quả.
 
Người viết:
 
- Tự mình phải:
Cần kiệm
Hòa mà không tư
Cả quyết sửa lỗi mình
Cẩn thận mà không nhút nhát
Hay hỏi
Nhẫn nại (chịu khó)
Hay nghiên cứu, xem xét
Vị công vong tư
Không hiếu danh, không kiêu ngạo
Nói thì phải làm
Giữ chủ nghĩa cho vững (tác giả nhấn mạnh)
Hy sinh
Ít lòng tham muốn về vật chất (tác giả nhấn mạnh)
Bí mật
Tất cả được cụ thể thành 14 tiêu chí
 
- Đối người phải:
Với từng người thì khoan thứ
Với đoàn thể thì nghiêm
Có lòng bày vẽ cho người
Trực mà không táo bạo
Hay xem xét người
(5 tiêu chí)
 
- Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng
Quyết đoán
Dũng cảm
Phục tùng đoàn thể
(4 tiêu chí) (3)
 
Hai mươi mốt năm sau “Đường Kách mệnh”, vào năm 1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII thời kháng chiến, gồm 7 tỉnh từ Bắc Giang tới Quảng Yên, nói về tư cách người công an cách mạng, Người chỉ ra 6 điều, gồm 51 chữ mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải ra sức tuân thủ, thực hiện:
 
Đối với tự mình phải cần kiệm liêm chính
Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ
Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân phải kính trọng lễ pháp
Đối với công việc phải tận tụy
Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo(4).
 
Địch nói ở đây là cả địch ngoại xâm, cả địch nội xâm, là thứ giặc ở trong lòng, là chủ nghĩa cá nhân, căn bệnh gốc, bệnh mẹ, sinh ra mọi thói hư tật xấu khác, phải chống suốt đời, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng”.
 
Sáu điều Bác dạy về tư cách người công an cách mạng là bao quát cả Đức và Tài, cả đạo đức - khoa học và chính trị, nói rộng ra là văn hóa. Đó là văn hóa làm người, văn hóa ở đời, nổi bật ở thân dân - Dân chủ và chính tâm - đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
 
Lời Bác dạy quân đội từ chiến sĩ tới sĩ quan và tướng lĩnh cũng vậy, sao cho quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” thì phải sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội,
 
“Trung với Đảng, Hiếu với Dân
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Khó khăn nào cũng vượt qua
Kẻ thù nào cũng đánh thắng”(5).
 
Và với thanh niên, với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Tuổi trẻ phải có chí khí lớn, hoài bão lớn, làm những việc lớn vì Dân vì Nước. Tuổi trẻ chỉ ham học, ham làm, ham tiến bộ. Tuổi trẻ chớ có ham làm quan to. Phải tránh xa cạm bẫy tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực. Nếu không có bản lĩnh vượt qua thì rất dễ rơi vào hư hỏng.
 
Rõ ràng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Đức và Tài là giá trị cốt lõi trong nhân cách, trong tiêu chuẩn cán bộ mà đức là gốc.
 
3. Tiêu chuẩn cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, thực đức, thực tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới
 
Đức và Tài, chính trị và chuyên môn, “Hồng” và “Chuyên” là quan niệm tổng quát về tiêu chuẩn cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ đảng viên phải ra sức rèn luyện, trau dồi trong hoạt động thực tiễn. Người nhấn mạnh tới đạo đức, nêu rõ nội dung của bốn đức cần kiệm liêm chính cũng như những đòi hỏi rất cao về chí công vô tư. Giải thích những nội dung và yêu cầu đạo đức, Người cũng chỉ rõ đạo đức đó phải gắn liền với năng lực, đồng thời trình độ, năng lực lại không bao giờ tách rời khỏi phẩm chất đạo đức. Bất cứ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức nào cũng đều phải đảm bảo đầy đủ cả đức và tài, phải thực chất chứ không hình thức, phải được chứng minh bằng công việc, bằng hành động, phải được kiểm tra, đánh giá, nhất là đánh giá của quần chúng, qua dư luận xã hội.
 
Vấn đề tiêu chuẩn cán bộ, giáo dục đào tạo cán bộ theo đúng tiêu chuẩn Đức - Tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới trong nhiều tác phẩm quan trọng. Trong thời kỳ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, vào năm 1947, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới”. Sau đó, vào năm 1949, Người viết tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” và “Dân vận”, nêu bật yêu cầu đạo đức trong tiêu chuẩn cán bộ. Hơn mười năm sau, kể từ khi viết “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới”, vào năm 1958, Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Cho đến cuối đời, vào năm 1969, Người viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và “Di chúc”. Lại một lần nữa, Người đặt lên hàng đầu đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, phải ra sức quét sạch “giặc nội xâm” là chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm nhất, ẩn nấp trong lòng mỗi người.
 
Người không dừng lại ở những điểm chung, những điều tổng quất về cán bộ và tiêu chuẩn cán bộ mà còn đi sâu, cụ thể hóa tiêu chuẩn và yêu cầu đối với từng loại cán bộ, từng lĩnh vực công tác, rõ nhất là trong tác phẩm “Đời sống mới”, năm 1947, với bút danh “Tân Sinh”. Nói tới “Đời sống mới”, Người gắn chặt xây dựng đời sống mới với thực hành đạo đức mới, qua đó gián tiếp nói tới tiêu chuẩn cán bộ. Đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa là sự phê phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những khuyết điểm mà cán bộ thường mắc phải. Những khuyết điểm đó phải được vạch ra, “phê bình và sửa chữa” vì nó trái với tiêu chuẩn Đức - Tài của cán bộ, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947. Đó là những chứng bệnh nguy hiểm gồm: bệnh chủ quan, thuộc về nhận thức, do kém lý luận lại mắc vào thói “coi khinh lý luận”, không chịu học tập, nghiên cứu mà sinh ra.
 
Bệnh thứ hai, là bệnh hẹp hòi, thuộc về cách dùng người, trong các mối quan hệ. Nó biểu hiện ở chỗ, không chịu dùng người giỏi, người tốt, thẳng thắn, cương trực, chỉ thích dùng người kém hơn mình để dễ sai khiến họ, chỉ thích dùng những người cùng cánh hẩu với nhau, họ hàng, bạn bè, thân quen, dùng những kẻ hay tâng bốc, nịnh hót mình. Đây là một chứng bệnh rất nguy hiểm, tổn hại cho sự nghiệp cách mạng, ngăn cản sự đoàn kết trong Đảng, trong Dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trích gay gắt, vạch rõ mọi chứng bệnh này đều do chủ nghĩa cá nhân - bệnh gốc, “bệnh mẹ”, sinh ra trăm ngàn thói hư tật xấu khác, phải kiên quyết đấu tranh, “tẩy sạch” chủ nghĩa cá nhân.
 
Bệnh thứ ba là bệnh ba hoa, bệnh về cách nói, cách viết, nói nhiều làm ít, lời nói việc làm không đi đôi với nhau, bệnh sính chữ, thói đại ngôn, phù phiếm khoa trương… Tất cả đều xa lạ với tiêu chuẩn của người cán bộ, dẫn tới mất lòng dân, không được dân tín nhiệm, tin cậy(6). Trong tác phẩm “Đời sống mới”, nói về cán bộ ở công sở (có thể hiểu là cán bộ đảng viên công chức trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ chủ tịch chính phủ đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy(7)… “Những người trong các công sở đều có ít nhiều quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(8). Giải thích bốn đức cần, kiệm, liêm, chính, Người nói rõ: “Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”(9)… “Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”(10). “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với chính phủ, với đồng bào, chớ lên mặt quan cách mệnh”(11).
 
Cũng trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đời sống mới nhưng thực chất sâu xa là nói về rèn luyện đạo đức, lối sống, cư xử, tức là nói tới tiêu chuẩn của “một người quốc dân Việt Nam”, ai ai cũng có thể thực hiện. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tiêu chuẩn cán bộ phải từ “mặt bằng” chung ấy mà nâng cao như thế nào?
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người theo đời sống mới (cũng tức là theo tiêu chuẩn, yêu cầu “làm người” và “ở đời”) thì về mặt tinh thần, phải sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì có lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh. Phải sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm(12).
 
Về lối sống, cư xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những lời khuyên, những yêu cầu thấm thía, sâu sắc, nêu cao đạo đức, khí tiết, nhân phẩm, lòng tự trọng và danh dự, liêm sỉ.
“Mình hơn người thì chớ kiêu căng
Người hơn mình, thì chớ nịnh hót
Thấy của người thì chớ tham lam
Đối của mình thì chớ bủn xỉn”(13).
 
Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối(14).
 
Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ(15).
 
Những điều trình bày thiết thực, giản dị nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về đạo đức, nhân cách, tiêu chuẩn cán bộ. Tất cả đều xoay quanh chuẩn mực Đức - Tài và quan hệ máu thịt với Dân, với Đảng, với Nước. Kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách trong bản văn Di chúc 1000 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói việc trước hết là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đoạn văn quan trọng này về Đảng cầm quyền đã làm sáng tỏ một tầm nhìn chiến lược về Đảng cách mạng chân chính đang giữ trọng trách lãnh đạo và cầm quyền. Những điều Người căn dặn về Đảng cũng mang ý nghĩa về xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, về yêu cầu phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, bổn phận của cán bộ đảng viên với nhân dân. Đó là điểm mấu chốt thuộc về tiêu chuẩn cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
 
Trong bản Di chúc lịch sử, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(16). “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(17). “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(18).
 
Bốn chữ “Thật” được nhấn mạnh trong đoạn văn nói về Đảng cầm quyền, về cán bộ đảng viên của Đảng đã tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt của Người đối với đạo đức trong Đảng, đối với phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên. Đây là điều hệ trọng nhất đối với Đảng, với nhân cách đảng viên, cán bộ đang trở nên đòi hỏi có tính nghiêm ngặt và bức xúc nhất hiện nay.
 
Trước những yêu cầu mới đặt ra trong tình hình mới hiện nay, Đảng ta đã ra những Nghị quyết quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ sự cần thiết phải ra sức đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phải phòng ngừa và đấu tranh chống lại những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đặc biệt, gần đây, Đảng ta ban hành chỉ thị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện thật nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ thị nào trên chính là thực hiện tốt tiêu chuẩn cán bộ mà mục đích cao nhất là làm cho Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân.
 
Cán bộ, đảng viên hơn lúc nào hết phải là những chiến sĩ tiên phong, “thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán, thật sự là người đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân”./.
 
-------------------
 
Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 7, tr.120.
2. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 15, tr.626 (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 09/9/1969).
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập, CTQG, H.2011, Tập 2, tr.280-281.
4. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.498-499.
5. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 14, tr.435.
6. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.273-279; 339-346.
7. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.122.
8. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.122.
9. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.122.
10. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.123.
11. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.123.
12. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.117.
13. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.117.
14. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.117.
15. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.117.
16. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 15, tr.622.
17. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 15, tr.622.
18. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 15, tr.622.
 

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

 Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo  Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi