Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

“Người trước, súng sau” - Phương châm xây dựng Quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 02:47 22/12/2022
Lượt xem: 697

Lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nếu các đối thủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có quân đội “nhà nghề”, được trang bị những vũ khí hiện đại thì Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng quân đội cách mạng trong điều kiện bí mật và thiếu thốn về khí tài, vật dụng chiến tranh. Với phương châm “Người trước, súng sau”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí để từng bước nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu của Quân đội cách mạng.

Sức mạnh của một quân đội luôn phụ thuộc vào 2 nhân tố cơ bản là con người và vũ khí, nhưng nếu con người biết làm ra vũ khí, biết lấy vũ khí của địch để đánh địch, biết cách phát huy cao độ công dụng của các loại vũ khí có trong tay thì vũ khí, dù có sức công phá đến mấy, vẫn chỉ là vật “vô tri, vô giác” do con người chế tạo, sử dụng.

Cho nên, con người phải là nhân tố quyết định, vũ khí là nhân tố quan trọng. Thiếu vũ khí, đặc biệt là vũ khí hiện đại, là đặc điểm của mọi phong trào kháng chiến ở Việt Nam. Vì thế, phát huy nhân tố con người là phương châm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xây dựng, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, ngày 9/11/1964. Ảnh: Tư liệu

Chú trọng việc đào tạo cán bộ quân sự, từ khi hoạt động ở Trung Quốc (1925-1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một số thanh niên xuất sắc trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên theo học ở Trường Quân sự Hoàng Phố. Nhiều người trong số họ sau này đã trở thành những vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Sơn…

Năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 quyết định sẽ giành chính quyền bằng con đường khởi nghĩa vũ trang nhưng một số cán bộ vẫn băn khoăn: Sẽ lấy ở đâu vũ khí để khởi nghĩa? Người kiên trì giải thích: “Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”; việc khẩn cấp bây giờ là phải xây dựng lực lượng vũ trang, đào luyện con người, mở rộng căn cứ địa. Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, 34 người chiến sĩ đầu tiên được trang bị bằng “2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng tàu chế tạo, 14 khẩu súng kíp” (Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H, 2012, tr.144). Vũ khí không đồng nhất và rất thiếu thốn nên trong 10 lời thề danh dự của đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có lời thề “hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù”. Trong hoàn cảnh thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí, phát huy sức mạnh tinh thần, ý chí sáng tạo của người lính cách mạng là sự lựa chọn duy nhất đúng.  

Nói đến quân đội, trước hết là nói đến những người lính trực tiếp chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đào tạo những thế hệ cầm súng có lý tưởng cách mạng, dám “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vì cho rằng, nếu không có động lực tinh thần thì “đại bác chỉ là một cục sắt”. Người yêu cầu các chiến sĩ “phải luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung”. Những người lính phải dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, biết sử dụng thành thạo, linh hoạt các vũ khí có trong tay nên họ cần chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng tác chiến.

Chú trọng nhân tố con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao vai trò của đội ngũ tướng lĩnh và kiên trì đào luyện cho họ những phẩm chất “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Người yêu cầu họ phải thương yêu, chăm sóc chiến sĩ theo tinh thần: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Về mặt tình cảm, chính trị viên đối với chiến sĩ “phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Có như vậy, chiến sĩ mới kính trọng và tuân lệnh của chỉ huy, trên - dưới mới một lòng hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc rèn luyện cho đội ngũ quân nhân tinh thần chịu đựng gian khổ. Đây là điểm khác biệt lớn giữa quân đội đế quốc, quân đội đánh thuê và Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Lính Mỹ được trang bị rất đầy đủ, chúng có cả kẹo cao su để nhai cho ngọt miệng. Nhưng chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần”. Trong khi đó, những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam “chỉ cần nắm rau, bát cơm, tí muối là đánh được cả ngày”, chỉ cần “một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”. Chú trọng yếu tố tinh thần, coi trọng việc xây dựng nhân cách quân nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cho quân đội ta sức mạnh kỳ diệu như khả năng vô tận của con người.   

Mặt khác, với tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phủ nhận vai trò của vũ khí và các phương tiện hiện đại để phục vụ chiến tranh. Thực tế cho thấy, chỉ khi sức mạnh tinh thần kết hợp với sức mạnh vật chất thì quân đội mới làm nên thắng lợi. Ngược lại, nếu không tìm cách tăng cường sức mạnh vật chất thì sức mạnh tinh thần dù lớn đến mấy, cũng dần kiệt quệ.

Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách để quân đội có vũ khí. Trước hết, Người kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu phát động nhân dân đóng góp cho “Quỹ độc lập” để mua vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Pháp và trang bị cho những đội quân Nam tiến. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, trong hoàn cảnh thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.

Với tinh thần tự lực cánh sinh, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ dẫn việc tổ chức sản xuất và mua sắm vũ khí cho quân đội. Người đưa kỹ sư Phạm Quang Lễ, tức Trần Đại Nghĩa (1913-1997) từ Pháp về nước để đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quân giới Việt Nam. Việc ngành quân giới non trẻ Việt Nam đã chế tạo thành công đạn Bazooka để bắn xe tăng, súng SKZ, ĐKZ có khả năng tấn công lô cốt đã làm quân Pháp sững sờ, kinh ngạc.

Sau này, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng các tuyến đường 559 và 759 để chuyên chở vũ khí vào Nam. Tóm lại, buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh không cân sức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết vấn đề vũ khí một cách rất linh hoạt theo nguyên tắc “có gì đánh nấy, tìm nguồn trang bị ngoài tiền tuyến, lấy vũ khí giặc diệt giặc, ra sức tự sản xuất lấy, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em”. Sự sáng tạo, linh hoạt của quân và dân ta khi kết hợp tự lực và viện trợ, giữa vũ khí truyền thống và vũ khí hiện đại… đã từng bước hóa giải khó khăn về vũ khí để Quân đội nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, càng đánh thắng.

Thắng lợi của Quân đội ta trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với vũ khí, máy móc. Những kỳ tích mà Quân đội nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là thiên anh hùng ca về sức mạnh vô địch của con người. Phương châm “Người trước, súng sau”, phát huy động lực con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra không chỉ đắc dụng trong quá khứ mà vẫn là phương hướng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và một số đơn vị tiến thẳng lên hiện đại.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo Qdnd.vn

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi