Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân muốn được lưu giữ những kỷ vật của Người, cùng với việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã cho phép khôi phục các khu lưu niệm, xây dựng các nhà trưng bày bổ sung di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, một số địa phương có di tích lưu niệm về Người đã thành lập Ban phụ trách và tổ chức mở cửa đón khách tham quan như: Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng; Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; Di tích 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội và Khu Di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, việc nghiên cứu, sưu tầm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm đặc biệt. Nhiều di tích tiếp tục được khôi phục và giới thiệu tới công chúng như: Nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, Huế-nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống những năm đầu thế kỷ XX; Khu Di tích Trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học (1910); Khu Lưu niệm Nhà Rồng-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911); Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Đồng Tháp…
Ngày 12/9/1977, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04/NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiệm vụ quy hoạch Hệ thống các chi nhánh của Viện bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng và nghiệp vụ cho các nơi đó. Trên cơ sở đó, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng các bảo tàng chi nhánh, nhà trưng bày bổ sung về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Người.
Ngày 15/10/1979 Chính phủ ra Nghị định số 375/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện bảo tàng và các nơi lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng và về nghiệp vụ bảo tàng cho các nơi đó”.
Năm 1982, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định chuyển giao 8 di tích và nhà trưng bày sang Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh quản lý và chỉ đạo về nghiệp vụ. Đầu năm 1983, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ nhất cấp lãnh đạo các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã đánh dấu và đặt nền móng cho sự lớn mạnh không ngừng của Hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Trên cơ sở đó, cùng với việc tăng cường tài liệu, hiện vật trong các kho cơ sở, cải tạo và nâng cấp các nhà trưng bày và nhất là những thành tựu trong công tác phát huy tác dụng, các nhà trưng bày đã lần lượt được công nhận là đơn vị chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh là đơn vị đầu hệ, cùng với 14 đơn vị chi nhánh, gồm:
Gần 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các đơn vị trong Hệ thống đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình trong việc nghiên cứu, sưu tầm, giáo dục và tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sưu tầm, bảo quản hàng trăm ngàn đầu tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; đón tiếp và giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hàng chục triệu lượt khách tới tham quan và học tập (năm 2017, cả Hệ thống đã đón tiếp gần 9 triệu lượt khách trong và ngoài nước).
Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm cố định và lưu động tới các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo với các chủ đề phong phú, mang tính thời sự cao, được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và đón nhận (tính trung bình mỗi năm toàn Hệ thống đã tổ chức gần 100 cuộc triển lãm). Bên cạnh đó, với thế mạnh là những đơn vị chuyên sâu về nghiên cứu, phát huy giá trị di sản, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học; xuất bản hàng ngàn đầu sách, tạp chí…giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với những đóng góp và ý nghĩa to lớn của Hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền luôn quan tâm, có những chính sách đầu tư, bảo vệ, phát huy giá trị Hệ thống bảo tàng, di tích này. Các khu di tích như: Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng; Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An là những đơn vị đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
Từ bề dày lịch sử và truyền thống, cùng với sự phấn đấu nỗ lực không ngừng, Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, ngày càng làm tốt chức năng nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, tác phong và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Đảng, Nhà nước và các địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ người Việt Nam.