Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Tư tưởng ấy, ngay từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng.
Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 05/01/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
Lời dạy nhanh chóng được anh chị em họa sĩ cả nước đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng cô và trò Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/02/1960. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các em học sinh và giáo viên Trường Cấp I, II Móng Cái, ngày 19/02/1960. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Có thể nói, trong suốt cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo Người, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử.
Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu… Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biết chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Ngày 16/07/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
15 năm sau, ngày 14/05/2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, ngày 09/03/2018, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại Dương
Theo http://hochiminh.vn