Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bảo tàng Hồ Chí Minh công trình của tình hữu nghị Việt - Xô
Ngày đăng: 09:12 07/11/2020
Lượt xem: 1.661

Quá trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh gắn liền với những dấu mốc hết sức quan trọng: Nghị quyết số 206-NQ/TW ngày 25/11/1970 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/9/1977 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh; Nghị định số 375/ CP ngày 15/10/1979 của Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh; Quyết định số 368/TTG ngày 19/11/1979 của Thủ tướng Chính phủ Phê chuẩn địa điểm xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; Quyết định số 14-NQ/TW ngày 30/12/1982 của Bộ Chính trị về việc xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh…

Các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia Việt Nam và Liên Xô xem mô hình tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: BTHCM

 

Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh khởi công ngày 31/8/1985 và khánh thành vào ngày 19/5/1990, kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.
Bảo tàng Hồ Chí Minh mang biểu tượng một bông sen trắng, nằm trong tổng thể với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và các công trình lưu niệm khác trong khu vực. Đến thời điểm khánh thành, đó là công trình bảo tàng có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, cả về kiến trúc, xây dựng và trưng bày, là công trình đạt chất lượng cao về xây dựng năm 1990. Đây chính là biểu tượng của lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô cho Việt Nam, là một trong những biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt - Xô, thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
30 năm đã trôi qua, tình hình thế giới và trong nước diễn ra nhiều biến động sâu sắc. Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh vững chắc, lồng lộng vươn cao giữa bầu trời Ba Đình lịch sử, nơi vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định niềm tin của nhân dân ta đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.
Hàng ngày, nhìn Bảo tàng Hồ Chí Minh, với hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm, chúng ta không thể quên những năm tháng xây dựng Bảo tàng, nhớ về những người đã tham gia xây dựng Bảo tàng, nhớ về các chuyên gia và công nhân Liên Xô.
Việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, thì khó có khả năng thực hiện được đúng tiến độ.
Ngày 5/6/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi thư tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề nghị cho phép Bảo tàng Trung ương V.I Lênin giúp Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh về kinh nghiệm Bảo tàng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Tháng 9/1976, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra Nghị quyết về việc giúp Việt Nam xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó đánh giá rất cao về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 10/8/978, gần một năm sau ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04/ NQ-TW ngày 12/9/1977 về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ; Hội đồng Chính phủ Việt Nam đã gửi Công hàm tới Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đề nghị Chính phủ Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày 1/11/1978, trong Công hàm trả lời, Chính phủ Liên Xô thông báo quyết định chính thức giúp Việt Nam xây dựng không hoàn lại công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Ngày 2/2/1979, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Chính phủ Liên Xô đã giao nhiệm vụ thiết kế công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh cho Viện Thiết kế của Bộ Văn hóa Liên Xô. Tháng 8/1982, sau khi đánh giá tình hình, kết quả công việc và trách nhiệm của mỗi bên, theo đề nghị của Việt Nam, Chính phủ Liên Xô đã thay đổi cơ quan thiết kế, giao việc thiết kế công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh cho Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế mẫu các công trình biểu diễn và thể dục, thể thao B.X Mêdenxép Mátxcơva. Ngày 17/11/1983, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi thư tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề nghị giao Bảo tàng Trung ương V.I Lênin cố vấn cho Bảo tàng Hồ Chí Minh về công tác trưng bày Bảo tàng. Ngày 11/3/1984, Chính phủ Việt Nam gửi Công hàm tới Chính phủ Liên Xô, đề nghị bổ sung Hiệp định đã ký vào tháng 2/1979 về việc Liên Xô giúp cả về nội thất Bảo tàng, đá hoa cương, đá cẩm thạch, ốp lát…
Trên cơ sở chủ trương thống nhất giữa hai Đảng và hai Nhà nước; nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan của Liên Xô, theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham gia xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bảo tàng Trung ương V.I Lênin ở Mátxcơva, các chi nhánh Bảo tàng Trung ương V.I Lênin ở các nước cộng hòa, Viện Thiết kế B.X Mêdenxép Mátxcơva, Bộ Công nghiệp Hàng không Liên Xô, Công ty Mỹ thuật Mátxcơva, Techoexport Liên Xô…
Gắn liền với các tập thể đó là những tên tuổi rất thân quen: Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Gladiunốp; Giám đốc Bảo tàng Trung ương V.I Lênin O.Crêvôsêinna; các Phó Giám đốc Bảo tàng Trung ương V.I Lênin Bôcharốp, Đeviatốp, A.D Nheverơcôvích; các cán bộ khoa học Bảo tàng Trung ương V.I Lênin: M.Kitasôva, V.A Ophixerốp… ; các tác giả Kịch bản trưng bày V.Đờvinski, V.Épphêmốp; trưởng Đoàn chuyên gia Liên Xô M.I Borơdức; đại diện Techorxport Liên Xô tại Việt Nam P.V Gơriucốp; kiến trúc sư trưởng, tác giả thiết kế kiến trúc công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh G.G. Ixacôvích; các họa sĩ thiết kế mỹ thuật trưng bày, gồm họa sĩ trưởng V.V Nadiôđin, họa sĩ Aderơnhicốp, nữ họa sĩ Khuđiacôva; trưởng Đoàn chuyên gia Bộ công nghiệp Hàng không Liên Xô V.A Mariucốp; kỹ sư trưởng công trình V.V Bungacốp; kỹ sư trưởng kết cấu Đ.L Vôlốp; các cán bộ Công ty Mỹ thuật Mátxcơva Cucuskin, Malicôva…
Các bạn Liên Xô coi việc tham gia xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự to lớn. Dù ở cương vị nào, nhiệm vụ cụ thể là gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều xác định công việc của Việt Nam như công việc của chính mình, luôn cùng nhân dân Việt Nam khắc phục khó khăn, chung lưng đấu cật, chia ngọt, sẻ bùi, vì mục tiêu chung là hoàn thành công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất về mọi mặt.
Trong sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô vào việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, vai trò của Bảo tàng Trung ương V.I Lênin và các chi nhánh của Bảo tàng, đứng đầu là Giám đốc O.Crêvôsêinna vô cùng to lớn và quan trọng. Sự hợp tác, giúp đỡ của Bảo tàng Trung ương V.I Lênin diễn ra trong nhiều năm, tích cực và hiệu quả về nhiều mặt: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chuyển giao kinh nghiệm về chuyên môn bảo tàng; trực tiếp cùng cán bộ khoa học Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng nội dung trưng bày và làm việc với các tác giả thiết kế mỹ thuật trưng bày; giúp sưu tầm, khai thác các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các kho lưu trữ ở Liên Xô…
Trên cơ sở hợp tác giữa hai bảo tàng, theo sự thỏa thuận giữa hai Đảng và hai Nhà nước, Bảo tàng Trung ương V.I Lênin đã tạo điều kiện cho hàng chục đoàn cán bộ, với hàng trăm người của Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh được sang Liên Xô tham quan, nghiên cứu, học tập về bảo tàng; cử nhiều đoàn cán bộ sang Việt Nam tư vấn về trưng bày; trích ngân sách của Bảo tàng và cử cán bộ khoa học sưu tầm, khai thác, tu sửa các tài liệu phục vụ cho trưng bày… Mối quan hệ giữa 2 bảo tàng rất thân tình và gắn bó.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh, là một trong những người vinh dự nhiều năm được trực tiếp tham gia xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi có đôi dòng hồi ức để nhớ về những người bạn Xôviết đã cùng chúng ta xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những năm tháng vô cùng gian khổ nhưng hết sức vẻ vang, dù các bạn còn sống hay đã qua đời, đang làm gì và ở đâu. Mỗi viên đá, mỗi mét vuông, mỗi tác phẩm… trong Bảo tàng vẫn còn ghi dấu ấn của các bạn./.
 

PGS. TS Đỗ Văn Trụ

Phó Chủ tịch Thường trực, 

Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, 

Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thời kỳ 1991 - 1998

 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi