Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Biên niên tiểu sử
Sự kiện: Hồ Chí Minh gặp tướng Sênôn, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam
Thời gian: 29-3-1945
Nội dung

Tháng 3, ngày 29

11 giờ, Hồ Chí Minh gặp tướng Sênôn, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam(1), có Sáclơ Phen và Bécna (Bernard) cùng dự.

Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn lòng cứu giúp những phi công Đồng minh rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh(2). Sau đó, Hồ Chí Minh đề nghị với tướng Sênôn: “Tôi muốn có một tấm ảnh của Ngài, kèm theo chữ ký”.

Sênôn đã tặng Người một tấm ảnh của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của ông, Claire L. Chennault”.

------------

1) Trần Dân Tiên miêu tả Sênôn là một chiến tướng già dặn, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng lại rất hòa nhã, thậm chí có thể nói là nhân từ (B.T).

2) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi về cuộc gặp gỡ này như sau:

“Bécna và tôi có bổn phận đón Hồ vào 10 giờ 30 phút ngày 29-3 cho cuộc gặp vào lúc 11 giờ (...), khi chúng tôi có mặt ở ngoài cơ quan của Sênôn thì chúng tôi được báo là tướng quân đang bận việc. Đúng lúc đó cô thư ký xuất hiện và quả quyết với chúng tôi là ngài còn bận chút xíu nữa thôi (...). Năm phút sau chúng tôi được dẫn vào phòng. Ở đó, Đôrên (Doreen) đã mang sẵn hai chiếc ghế, trong khi chính Sênôn ngồi trên chiếc ghế thứ ba (...). Một cảnh tượng kỳ dị: Sênôn trong bộ comlê trang nhã có đính huân chương, Bécna trong bộ soóc bằng vải kaki, còn tôi trong bộ quần áo bằng vải gabađin và chiếc mũ thủy quân lục chiến. Ông già mặc chiếc áo ngắn tay, dài tới đầu gối và đi xăngđan, Đôrên trong bộ quần áo kaki.

Sênôn nói với Hồ là ông ta rất biết ơn về việc cứu người phi công. Hồ nói ông sẽ rất vui lòng giúp đỡ người Mỹ, đặc biệt là tướng Sênôn - người mà ông rất ngưỡng mộ. Họ chuyện trò về những con hổ biết bay (chỉ các huyền thoại về đơn vị không quân 14 được mệnh danh là phi hổ dưới quyền Sênôn). Sênôn rất hài lòng về việc ông già biết chuyện đó. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện về việc cứu phi công sau này” (B.T).

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch chữ Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr.130.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh - A biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p.78-79.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.92.

- Tạp chí Lịch sử quân sự, số 164, tháng 8-2005, tr.90.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Sênôn, Claire L. Chennault, Tư lệnh, không đoàn số 14, Mỹ, Hoa Nam, Sáclơ Phen,Charles Fenn, Bécna, Bernard, Việt Minh
Sự kiện: Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam
Thời gian: 23-3-1945
Nội dung

Tháng 3, ngày 23

Tại một căn phòng thuê của một cửa hiệu(1) ở Côn Minh, Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam(2).

-------------------

1) Nhật ký của Sáclơ Phen miêu tả cửa hiệu này có “tầng dưới nham nhở với những ngọn đèn đỏ, trắng, vàng, với một chiếc thùng đang sôi sùng sục trên bếp lò ở phía sau” (B.T).

2) Ph. Tam là người Mỹ gốc Hoa sẽ cùng về nước với Hồ Chí Minh với trách nhiệm mà nhóm công tác của Sáclơ Phen giao cho. Bécna, người chỉ huy trực tiếp Ph. Tam, dặn anh ta chỉ mang những thứ cần thiết nhất gồm một điện đài, một khẩu súng lục và những tư trang gọn nhẹ (B.T).

 

 

 

Nguồn trích:

- Charles Fenn: Ho Chi Minh - A biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p.78.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Sáclơ Phen, Charles Fenn, Ph. Tam,Côn Minh, Quảng Tây, Trung Quốc
Sự kiện: Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai tại quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích
Thời gian: 20-3-1945
Nội dung

 Tháng 3, ngày 20

Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai(1) tại quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hai bên thỏa thuận về phương thức hợp tác. Phía Sáclơ Phen nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng. Phía Việt Minh đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động.

Theo yêu cầu của Người, Sáclơ Phen nhận lời sẽ thu xếp cuộc gặp gỡ với tướng Sênôn.

----------------------

1) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi lại cuộc gặp gỡ này như sau:

“Cuộc gặp với những người Việt Nam diễn ra trong quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hình như ông chủ quán cà phê này là bạn của họ. Chúng tôi ngồi trên lầu và uống cà phê theo kiểu Pháp rất đặc và rất ngon. Gian phòng còn vắng nhưng Hồ nói là khách có thể vào. Chúng tôi thỏa thuận: gọi người Trung Hoa là “bạn”, người Mỹ gọi là “anh em”, người Pháp gọi là “người trung lập”, người Nhật gọi là “bọn chiếm đóng”, người Việt Nam gọi là “người đồng hương”. Người của Hồ giống người Trung Quốc. Vì không có người Việt Nam sử dụng được vô tuyến điện nên tất nhiên phải chọn người Trung Quốc (...). Tiếp đó, chúng tôi bàn về sự trợ giúp. Fam đã nhắc lại “tiếng nổ lớn” mà Hall đã nói với anh ta. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là sau này chúng tôi có thể cung cấp thêm vũ khí phát sáng, thuốc men và điện đài khác. Người sử dụng máy móc riêng của chúng tôi có thể huấn luyện lại một số người của ông Hồ để sử dụng được các thứ đó. Hồ cũng muốn được gặp Sênôn. Tôi thỏa thuận sẽ thu xếp cuộc gặp đó nếu ông đồng ý không nói với Sênôn bất cứ điều gì về sự ủng hộ và những hứa hẹn giúp đỡ. Hồ đồng ý. Ông già mặc một chiếc quần bông kiểu Tàu và một chiếc áo xanh đã ngả vàng cài khuy đến tận cổ. Đôi dép của ông là dép da thường thấy ở Đông Dương. Bộ râu thưa đã bạc, lông mày màu nâu sáng đã chuyển sang màu xám ở phía trên, nhưng mái tóc hầu như vẫn còn đen tuy cũng đã bắt đầu ngả màu. Người thanh niên, Fam, mặc quần áo Tây, gò má cao, cằm bạnh. Cả hai người nói nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng mỉm cười. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi cư xử với nhau rất đẹp” (B.T).

 

 

Nguồn trích:

- Trần Dân Tiên: Hồ Chí Minh truyện. Bản dịch chữ Hán của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, tr.130.

- Charles Fenn: Ho Chi Minh - A biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p.77.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Sáclơ Phen, Charles Fenn, quán cà phê Đông Dương, Kim Bích, Sênôn
Sự kiện: Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), Trung úy Mỹ trong Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS)
Thời gian: 17-3-1945
Nội dung

Tháng 3, ngày 17

Buổi chiều, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), Trung úy Mỹ trong Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS)(1). Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp(2).

------------------

1) Viên trung úy này là người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng minh đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó (B.T).

2) Nhật ký của Sáclơ Phen ghi lại buổi gặp gỡ đó như sau:

“Hồ cùng đến với một thanh niên tên là Fam. Hồ không như tôi tưởng. Trước hết, ông chưa đến nỗi “già”, chòm râu không còn đen nữa (...) nhưng khuôn mặt khỏe mạnh và đôi mắt lấp lánh. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Tôi hỏi ông là ông muốn gì ở người Mỹ. Ông nói: Chỉ muốn họ công nhận tổ chức của ông. Tôi đã nghe phong phanh người này là cộng sản và tôi đã hỏi về điều đó. Hồ nói rằng người Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn độc lập đều là cộng sản. Tôi đã kể cho ông nghe về công việc của chúng ta và hỏi ông có muốn giúp chúng ta không. Hồ nói là họ có thể giúp được, nhưng không có người sử dụng điện đài và dĩ nhiên không có thiết bị gì cả. Chúng tôi thảo luận về việc tiếp nhận một điện đài, một máy phát và người sử dụng máy móc đó (...). Chúng tôi đã thảo luận về người Pháp, Hồ nhấn mạnh rằng Việt Minh chỉ muốn chống Nhật. Giọng nói của ông rõ ràng và dứt khoát, gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Fam ghi chép. Chúng tôi thỏa thuận còn phải gặp nhau nữa. Họ đã ghi tên của họ theo âm Trung Quốc Latinh là Fam Fuc Pao và Ho Tchih Ming” (B.T).

 

 

Nguồn trích:

Charles Fenn: Ho Chi Minh - A biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p.76.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Sáclơ Phen, Charles Fenn, Cơ quan phục vụ chiến lược, OSS
Sự kiện: Hồ Chí Minh đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (American of War Information - AOWI), đọc sách báo, thu thập thông tin
Thời gian: 3-1945
Nội dung

Tháng 3, khoảng đầu tháng

Trong khi chờ đợi tiếp xúc với tướng Sênôn (Claire L. Chennault), Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (American of War Information - AOWI), đọc sách báo, thu thập những thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới. Tại đây, Người đã đọc nhiều tài liệu khác nhau, từ tờ Times đến Bách khoa toàn thư Mỹ.

 

Nguồn trích:

- Charles Fenn: Ho Chi Minh - A biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p.76.

 

Từ khóa: Sênôn, Claire L. Chennault, Hồ Chí Minh, Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ, American of War Information - AOWI
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi