Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Giới thiệu chung về trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 11:58 04/08/2018
Lượt xem: 104.470
Nằm trên mảnh đất Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay), Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng với Lăng và khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hoá tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam" như tổ chức UNESCO đã tôn vinh. Bảo tàng Hồ Chí Minh là món quà của nhân dân Liên Xô tặng nhân dân Việt Nam và cũng là tấm lòng của cả dân tộc Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 31/8/1985 và khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19/5/1990.
Bảo tàng Hồ Chí Minh được thiết kế mang biểu tượng bông sen màu trắng, cao gần 20 m tượng trưng cho cuộc đời giản dị, thanh tao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Người đã vạch ra. 
Nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của nhiều nhà sử học, kiến trúc, mỹ thuật của Việt Nam về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong thời đại Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động. Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình học tập kinh nghiệm của các bảo tàng ở Việt Nam và một số bảo tàng nước ngoài, chủ yếu là các bảo tàng lưu niệm danh nhân.
Phương châm xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc ngôi nhà Bảo tàng với cảnh quan xung quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, bảo đảm tính hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị, trong đó các tài liệu, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật được kết hợp thống nhất tạo thành một hệ thống tác động đến tư tưởng nghệ thuật của người xem, giúp cho họ cảm nhận được cuộc sống sinh động mà Hồ Chí Minh đã trải qua.
Nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh được thể hiện ngay từ gian mở đầu (còn gọi là gian long trọng) với diện tích 360 m2. Các tác phẩm nghệ thuật ở gian này khái quát nội dung trưng bày của Bảo tàng về cuộc đời của Hồ Chủ tịch - con người gắn cuộc đời mình với dân tộc Việt Nam và nhân loại. 
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại gian Mở đầu
Từ gian mở đầu nhìn về hai phía cánh của gian có hai tác phẩm nghệ thuật khái quát truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hình tượng tiêu biểu là “bọc trăm trứng” với “Rồng vàng”, “Thánh Gióng” và “Rùa vàng dâng gươm”. 
 
Hình tượng “Bọc trăm trứng và Rồng vàng” Biểu tượng truyền thống dựng nước của dân tộc Việt Nam
Phần Trưng bày của Bảo tàng gồm ba nội dung gắn bó chặt chẽ với nhau:
1. Phần trưng bày tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu, quá trình hoạt động cách mạng đến khi Người qua đời và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người.
2. Cuộc sống, chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam thực hiện đường lối giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập.
3. Một số sự kiện chính trong lịch sử thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến nay ảnh hưởng đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quá trình cách mạng Việt Nam.
Ba nội dung trên đây là một tổng thể không tách rời nhau nhằm thể hiện Bảo tàng như một trung tâm thông tin và tuyên truyền về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc,  Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - gắn với dân tộc, đất nước và thời đại.
A. Phần trưng bày tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người
Phần này là nội dung chính và cũng là hành trình tham quan chính của Bảo tàng. Trên hành trình tham quan này, những tài liệu, hiện vật liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh được giới thiệu theo nguyên tắc “Biên niên-Vấn đề” - nghĩa là các chủ đề được nghiên cứu và giới thiệu trên cơ sở tiểu sử của Người, từ đó lại phân ra thành các cụm và các vấn đề cụ thể. Các sự kiện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong mối liên hệ với lịch sử cách mạng Việt Nam và bối cảnh thế giới. Về cơ bản, mỗi vấn đề và mỗi cụm vấn đề các tài liệu, hiện vật được thể hiện theo ba lớp:
Lớp 1: Trưng bày những tấm ảnh 1m x 1m hoặc những minh họa bằng mỹ thuật về từng giai đoạn lịch sử phù hợp với nội dung về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, gây ấn tượng với người xem. Đây có thể hiểu như là lớp “phông” cho các tài liệu trưng bày của hai lớp trưng bày sau.
Lớp 2: Lớp trọng tâm của phần tiểu sử. Các tài liệu, hiện vật đưa ra trưng bày được chọn lọc gồm: ảnh, bút tích và hiện vật thể khối về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó cũng là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với cuộc đời của Người mà còn ghi dấu về những bước phát triển quan trọng trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Lớp 3: Hệ thống các quyển sách mở (tuốc-ni-kê). Lớp này bổ sung trực tiếp cho lớp hai trọng tâm. Các tài liệu trưng bày trong các quyển sách mở được phân theo các nội dung phù hợp với từng nội dung trưng bày của phần trọng tâm và đó là phần rất quan trọng hỗ trợ cho việc nghiên cứu các vấn đề đưa ra trưng bày.
Toàn bộ phần tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm tám chủ đề được trưng bày một cách hệ thống, giữa các chủ đề được phân biệt với nhau bằng các giải pháp mỹ thuật trưng bày khác nhau. Tám chủ đề gồm:
Chủ đề thứ nhất: Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng (1890 - 1911).
Chủ đề thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lênin, chân lý của thời đại (1911 - 1920).
Chủ đề thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (1920-1924).
Chủ đề thứ tư: Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1924-1930).
Chủ đề thứ năm: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc và Cách mạng tháng Tám. Sáng lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á (1930-1945).
Chủ đề thứ sáu: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945-1954).
Chủ đề thứ bảy: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1954-1969).
Chủ đề thứ tám: Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bổ trợ cho việc nghiên cứu tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ thống tám màn video được bố trí trên trục tham quan chính. Đó là tám bộ phim tư liệu về các giai đoạn lịch sử đáng nhớ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam:
   Ra đi tìm đường cứu nước.
   Lần đầu tiên trên đất nước V.I. Lênin.
   Cách mạng Tháng Tám và ngày 2 tháng 9 ở Hà Nội.
   Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp (1946).
   Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc.
   Hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954-1960).
   Bác Hồ sống mãi.
   Toàn thắng.
Một phần trưng bày chủ đề VI: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945 – 1954)
 
Phần trưng bày: Những ngày cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một phần trưng bày chủ đề VIII: Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh
B. Phần trưng bày về mảnh đất Việt Nam, cuộc sống, cuộc chiến đấu và thắng lợi của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phần này được bố trí phía bên phải của hành trình tham quan chính. Đây là những nội dung bổ sung trực tiếp cho phần trưng bày tiểu sử, góp phần chứng minh tư tưởng của Hồ Chí Minh về đấu tranh giải phóng dân tộc qua thực tế cuộc chiến đấu và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong thời đại của Người.
Hình thức trưng bày ở phần này được thể hiện dưới dạng các tổ hợp mỹ thuật trong kịch bản trưng bày gọi là “các tổ hợp không gian hình tượng”. Mỗi tổ hợp có giải pháp riêng phù hợp với tính chất lịch sử của từng sự kiện, từng thời kỳ lịch sử của cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Mỗi tổ hợp không gian hình tượng được nối với phần trưng bày tiểu sử bằng một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc (trong kịch bản trưng bày gọi là điểm nhấn xúc cảm tư tưởng) miêu tả thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Điểm nhấn đó cùng với tổ hợp không gian hình tượng và trọng tâm của phần tiểu sử tạo thành một tổ hợp trưng bày sống động về sự gắn bó giữa Hồ Chí Minh với nhân dân để làm nên chiến thắng. Các tổ hợp không gian hình tượng đó là:
1. Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh.
3. Pác Bó cách mạng.
4. Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chiến thắng Điện Biên Phủ.
5. Bác Hồ viết Di chúc.
6. Gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
7. Kháng chiến chống Mỹ xâm lược và chiến thắng mùa xuân 1975.
 
Tổ hợp không gian hình tượng Quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổ hợp Pác Bó cách mạng
Gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
C. Phần trưng bày về các sự kiện lịch sử chính của lịch sử thế giới có ảnh hưởng tới cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam 
 Phần trưng bày chuyên đề này là một bộ phận không tách rời của trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh. Toàn bộ phần này gồm 8 gian, phần lớn đó là những sự kiện và những vấn đề lịch sử thế giới, về thời đại từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay. Gian thứ tám thể hiện về nước Việt Nam hiện tại. Thực chất đây là tám giảng đường nhỏ có thể nghiên cứu mở rộng nội dung trưng bày về những biến cố lịch sử thế giới tác động tới cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Phần trưng bày chuyên đề này mang tính chất khái quát những nội dung cần thiết và gây cảm xúc ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. Các chuyên đề đó gồm:
1. Tình hình thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
2. Cách mạng tháng Mười Nga và ảnh hưởng đối với phong trào cách mạng thế giới.
3. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
4. Tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2
 5. Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào giải phóng dân tộc.
6. Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
7. Bác Hồ với thế hệ trẻ.
8. Việt Nam ngày nay.
 
Phần trưng bày Tình hình thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
 
Phần trưng bày chuyên đề Bác Hồ với thế hệ trẻ
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi