Ấp ủ 10 năm, bộ tranh cổ động về Bác Hồ đã được họa sĩ Lê Nhường hoàn thành với tâm huyết và tình cảm của người lính dành cho Bác Hồ kính yêu. Để sáng tác và hoàn thành bộ tranh này người họa sĩ ấy vẫn luôn ấp ủ những ý tưởng nghệ thuật của riêng mình. Đặc biệt, sau khi Bác Hồ qua đời, họa sĩ đã quyết tâm phải vẽ về Bác, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà chiến lược quân sự thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Họa sĩ Lê Nhường sinh năm 1943 tại Mê Linh, Hà Nội, Ông đã có thời gian làm công tác tuyên truyền triển lãm, phụ trách quảng cáo… Trải qua rất nhiều vị trí công tác và bản thân họa sĩ tuy không có thời gian sáng tác nhiều, nhưng tất cả những trở ngại ấy đã không làm giảm đi tình yêu của ông với hội họa, niềm đam mê sáng tác cùng với tình yêu của mình dành cho Bác, ông đã sáng tác bộ tranh cổ động về Bác Hồ gồm 5 bức tranh: Bác bảo thắng là thắng; Nấu bếp mà xuất sắc cũng là anh hùng, cũng rất vẻ vang; Thực túc binh cường, Bác Hồ - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang; “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công”.
Tranh cổ động “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công”.
Tranh cổ động “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công” họa sĩ Lê Nhường tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh
Họa sĩ Lê Nhường chia sẻ, bức tranh “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công” là một trong 5 bức tranh khắc hoạ một phần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dạy lực lượng vũ trang nhân dân. Họa sĩ sáng tác bức tranh này lấy cảm hứng từ khổ thơ thứ hai trong bài thơ “Học đánh cờ” - bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” mà Bác Hồ đã sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch Trung Quốc bắt giam từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 10 năm 1943.
“Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tiến công
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công”
Trong bối cảnh tối tăm, cực khổ của chế độ lao tù, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian, tâm huyết để suy ngẫm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tinh thần và tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có vấn đề tư tưởng quân sự được Người giãi bày “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công”, đó chính là lời dạy của Bác dành cho những người làm tướng, những người cầm quân, chỉ huy trong quân đội. Lời của Bác đã chỉnh huấn lực lượng, đồng thời là bài học lớn và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức tranh này đã được trưng bày giới thiệu trong triển lãm của ngành Mỹ thuật tổ chức ở Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1980).
Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 - 2011) được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 10/5/2019, họa sỹ Lê Nhường đã trân trọng tặng bức tranh “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và bảo quản lâu dài.
Tranh cổ động “Bác bảo thắng là thắng”
Họa sĩ Lê Nhường sáng tác bức tranh “Bác bảo thắng là thắng” khi tham gia triển lãm tranh do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện “Di chúc” Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tranh cổ động “Bác bảo thắng là thắng”
Họa sĩ Lê Nhường. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tên bức tranh được họa sĩ lấy cảm hứng từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi bước vào trận quyết chiến cuối cùng với thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nói: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng…”. Toàn bộ bức tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang điện đàm chỉ đạo chiến dịch từ xa với nét mặt cương nghị, thể hiện ý chí và sự quyết tâm cũng như niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của chiến dịch. Hình ảnh bên dưới bức tranh thể hiện chiến thắng lừng lẫy của quân dân ta trong chiến dịch này. Những đường vân trắng nổi lên trên bề mặt tranh tượng trưng đường truyền sóng điện thoại lời chỉ đạo của vị chỉ huy tối cao tới trận tuyến và tin thắng trận từ mặt trận báo về. Bức tranh đã được trao giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo tàng Hồ Chí Minh