Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Hội thảo "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn. 1969-2019"
Ngày đăng: 10:23 14/08/2019
Lượt xem: 6.511

Thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), sáng ngày 14/8/2019, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn. 1969-2019".

Toàn cảnh Hội thảo "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn, 1969-2019". Ảnh: BTHCM

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo gồm: TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; ThS Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: Trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta, Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế… của một Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Là một tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị trong khoảng thời gian tương đối dài, từ năm 1965 đến năm 1969, bản Di chúc chính là sự tổng kết những quan điểm tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư cũng như những mong mỏi, hy vọng của Người. TS Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh.

Với 103 tham luận được gửi đến và 9 tham luận được trình bày tại Hội thảo có thể thấy được những tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc từ thực tế lịch sử của cách mạng Việt Nam 50 năm qua. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Từ đó, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Tại hội thảo, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã tập trung tham luận và thảo luận xung quanh năm chủ đề lớn liên quan tới bản Di chúc lịch sử như:

1. Bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa, bổ sung vào bản Di chúc; quá trình công bố và xuất bản Di chúc;

2. Công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị của Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

3. Giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập đến trong Di chúc, như: về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về Đảng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người; về bồi dưỡng thế hệ trẻ, về xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, về đoàn kết quốc tế,…

4. Những thành tựu nhân dân Việt Nam đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng…

5. Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, đặc biệt là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 50 năm qua.

TS. Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội tham luận tại Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Tới dự và tham luận tại Hội thảo khoa học, TS. Phạm Quang Nghị, Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Năm nay, vừa tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Nhân dịp trọng thể này, các cấp, các ngành trong cả nước và mỗi một chúng ta sẽ đọc lại bản Di chúc lịch sử, thêm một lần nghiền ngẫm, nghĩ suy, ghi nhớ những lời căn dặn trước lúc Người đi xa. Và, điều quan trọng lớn lao, có ý nghĩa thiết thực hơn là đánh giá, kiểm điểm lại những gì đã làm được và những gì chưa làm”.

Nói về giá trị và ý nghĩa của bản Di chúc, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Toàn bộ bản Di chúc từ tinh thần đến lời văn đã kết tinh những lời căn dặn của Người với Đảng, với Nước, với Dân, với Dân tộc và quốc tế, với Đảng ta và phong trào cộng sản trên thế giới.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Di chúc ở tầm bảo vật quốc gia cũng đã kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, là giá trị cao quý, trường tồn Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Trong tư tưởng của Người, cần nhận rõ những kiến giải, trù tính của Người về chủ nghĩa xã hội, về đổi mới thể hiện trong Di chúc. Đó là những nét mới, đặc sắc tôn thêm tầm vóc lịch sử, giá trị, ý nghĩa và sức sống của bản Di chúc mà Người chuẩn bị công phu trước lúc ra đi, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta”.

Ông Đinh Hữu Long, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng – nơi bảo quản và giữ gìn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Di chúc là bản tổng kết thực tiễn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và phương hướng phát triển của dân tộc, đồng thời thể hiện cô đọng nhân cách của vị lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc Việt nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, trong đó mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra đều là kết quả của sự suy ngẫm, chắt lọc sâu sắc tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Người, là một chương trình hành động trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước sau khi nước nhà thống nhất”.

PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận tại Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Tìm hiểu phong cách đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Hiển hiện trong Di chúc không chỉ là tư tưởng ngời sáng của bậc “đại trí”, không chỉ là tình yêu con người của bậc hiền nhân mà còn là phong cách đặc sắc của một nhà văn hóa lỗi lạc. “Phong cách chính là người”, nói đến phong cách là nói đến những gì riêng biệt, độc đáo, không thể lẫn với ai khác của chủ thể hành động. Vì thế, cho dù trước và sau Hồ Chí Minh đã có vô vàn người viết di chúc, cho dù nhiều nhân vật lịch sử cũng để lại di nguyện cao quý, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức đặc biệt. Cùng với tư tưởng và đạo đức ngời sáng, sự độc đáo của phong cách đã góp phần làm nên sức sống bất hủ của tác phẩm, Di chúc không chỉ là “bảo vật quốc gia” mà còn là “biểu trưng” của văn hóa làm người“.

PGS. TS Ngô Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Trong đoạn cuối của Di chúc, Người viết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Và để tổng hợp các kết quả 50 năm thực hiện điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc PGS. TS Ngô Văn Thạo, Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: “Có thể khẳng định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã làm được nhiều việc: thắng chiến tranh, giành lấy hòa bình, củng cố nền hòa bình ngày càng vững chắc. Thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Giành và không ngừng gia tăng nền độc lập, tự chủ của dân tộc, quốc gia. Xây dựng cơ chế, pháp luật bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ của người dân. Đã đưa đất nước vượt qua tình trạng nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thực hiện mục tiêu đề ra trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" hiện nay là hoạt động thiết thực để tiến tới thực hiện đầy đủ hơn những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc”.

Phát biểu tại Hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Cần phải phát huy các kết quả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong thực tiễn hiện nay, gắn kết tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đời sống.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BTHCM

Kết luận Hội thảo khoa học, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Nửa thế kỷ qua, mỗi lần Hội thảo khoa học về Di chúc từ thực tiễn mới của đất nước, càng suy ngẫm chúng ta càng nhận ra những giá trị mới có tính thời sự mới trong tư tưởng và di nguyện của Người, ý nghĩa chỉ dẫn ngày càng thiết thực, càng nghĩ chúng ta lại càng thấy tầm vóc lớn lao, tầm nhìn xa trộng rộng vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa duy lý, vừa chan chứa tình người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền kết luận Hội thảo.

Ảnh: BTHCM

Những bài Hội thảo hôm nay chưa phải là tất cả suy nghĩ và tình cảm của các nhà khoa học và nhân dân, nhưng trong một khung cảnh hết sức nghiêm trang của Bảo tàng Hồ Chí Minh, cạnh nơi an nghỉ của Người, mọi người chúng ta vô cùng xúc động nghĩ về Bác, về công lao trời biển của Người, về tình cảm của người đối với đồng bào, đồng chí, các cháu thanh, thiếu niên và nhi đồng yêu quý. Suy nghĩ về tư tưởng vĩ đại của Người, những dặn dò, tiên lượng của Người, chúng ta càng ý thức rõ hơn, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, xứng đáng với nguyện ước của Bác về xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam. Di chúc mà Người để lại mãi mãi là di sản tinh thần quý giá cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc đổi mới hiện nay, nhằm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc đã được Người  trăn trở, suy nghĩ kỹ lưỡng, viết đi, viết lại, sửa chữa, bổ sung… vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ “việc riêng” cho đến việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc đã thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, với tầng lớp nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.

Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi