Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với những đổi mới góp phần phát huy quyền tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 10:34 21/08/2020
Lượt xem: 3.278

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hoá Huế như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế... Đặc biệt, Thừa Thiên Huế còn là nơi lưu giữ nhiều di tích văn hóa gắn liền với những kỷ niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người.                      

Sắc lệnh số 65-SL ngày 23-11-1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ học viện. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 112.

1. Bảo tàng và hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Qua thống kê khảo sát bước đầu, Thừa Thiên Huế có gần 20 di tích, địa điểm di tích lưu niệm liên quan đến Người và gia đình trong hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ năm 1895 đến năm 1901 và giai đoạn thứ hai từ năm 1906 đến năm 1909. Mỗi di tích đều có nét đặc thù riêng và gắn với ký ức một thời, tạo nên một giá trị lịch sử văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có thể kể đến như:

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan, nơi đây Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và gia đình đã sống từ năm 1895 đến năm 1901. Đây là nơi đã lưu giữ nhiều kỷ niệm của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến cảnh miệt mài đèn sách của người cha mẫu mực, sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người mẹ hiền. Và cũng tại đây, bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) hạ sinh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin rồi bà Loan mất, sau đó không lâu em Xin cũng đi theo mẹ. Tất cả những kỷ niệm đó đã khắc sâu trong tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến lúc Người đi xa.

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy chữ Hán cho hai người con trai là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nơi đây gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đình làng Dương Nỗ là nơi Nguyễn Sinh Cung thường ra ngồi học, quan sát, tìm hiểu về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hóa của người dân trong làng; miếu Am Bà là nơi Người thường đến chơi và học bài; Bến Đá là nơi cụ Sắc và hai người con thường ra hóng mát và tắm giặt trong những buổi trưa hè. Tất cả đều in đậm trong ký ức tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của Người. Chính sự chân tình, mộc mạc của người dân quê đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình thành tình thương yêu vô bờ bến với người dân lao động.

 Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhiều di tích khác cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Ngôi nhà Dãy Trại (47 Mai Thúc Loan, thành phố Huế) - nơi in dấu cuộc sống làm quan của ông Nguyễn Sinh Sắc và sự vất vả của Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) khi phải tự lo cho nhau trong lần thứ hai trở lại kinh thành Huế (1906-1909); Di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, nơi ghi dấu Nguyễn Tất Thành học tập từ năm 1906-1908; trường Quốc học - Huế là nơi chứng kiến những năm tháng miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của Người trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, từ 1908-1909, Tòa Khâm sứ Trung kỳ là nơi Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế cùng với nhân dân Thừa Thiên Huế vào năm 1908. Cũng từ đây, tư duy yêu nước của Người chuyển thành hành động yêu nước, đó là một sự chuyển biến về chất dẫn đến quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành vào năm 1911. Ngoài ra, còn nhiều địa điểm di tích khác in đậm dấu ấn của những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Trường Thi, miếu Âm Hồn, Bộ Lễ, Quốc Tử Giám, chợ Xếp, cửa Đông Ba, bến Văn Lâu, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) sinh sống trong những năm 1924-1930, trên đường Đặng Thái Thân, thành phố Huế; đặc biệt là địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân, thành phố Huế.

Bên cạnh hệ thống di tích còn phải kể đến Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tọa lạc bên bờ sông Hương, được thành lập vào ngày 16/9/1980 theo tình cảm và nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế. Gần 15.000 tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật, đang được lưu giữ tại đây không chỉ góp phần tái hiện lại cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trong thời gian sống ở Huế; mà còn đưa những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, những dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trên quê hương Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa vô cùng quý giá. Trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là: Nhà số 112 Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ; trường Quốc học Huế và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là: Địa điểm di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba; di tích Bến Đá; di tích Am Bà; di tích tòa Khâm sứ Trung kỳ; di tích mai táng bà Hoàng Thị Loan.

Nhận thức được giá trị của di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế không ngừng đẩy mạnh đổi mới trưng bày nhằm phát huy tốt hơn giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay và nhằm đáp ứng một cách tốt nhất quyền tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

2. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với những đổi mới trong công tác đón tiếp khách tham quan, triểm lãm, tuyên truyền lưu động để đáp ứng quyền tiếp cận và thụ hưởng các giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Toàn cảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Ảnh: BTHCM Thừa Thiên Huế

Bảo đảm quyền văn hóa ở Việt Nam được thể hiện quan trọng nhất là ở khía cạnh chính trị và pháp lý. Một trong những dấu mốc thể hiện rõ điều đó là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những quan điểm, chủ trương mới từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII tiếp tục được Đảng ta phát triển trong nhiều văn kiện sau này. Cùng với đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân có đời sống văn hóa ngày càng tốt hơn, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã hiến định về quyền văn hóa là một trong những quyền cơ bản nhất của con người: “mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Ðiều 41, Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).

Từ thực tiễn những vấn đề trên, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tập trung phát huy mạnh một số hoạt động như:

Công tác đón tiếp khách tham quan: Công tác phục vụ và đón tiếp khách tham quan tại Bảo tàng và các di tích, địa điểm di tích luôn được Ban Giám đốc Bảo tàng quan tâm, với chủ trương không bán vé nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, đặc biệt vào dịp các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, Bảo tàng và các di tích đã đón tiếp trên 122.000 lượt khách trong nước, quốc tế, đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Tổ chức các hoạt động, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, cho các em sinh viên, học sinh các cấp; Tổ chức chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, Bảo tàng đã thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công tác di tích: Trong thời gian qua, hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế luôn được chú trọng đầu tư và nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Các cơ quan chức năng, cùng với các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm kiếm, khảo sát, xác minh những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, để từ đó có những phương án bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị di tích, đồng thời góp phần làm phong phú cho nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.

Công tác sưu tầm: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm khai thác các chủ đề mang tính đặc thù của đơn vị, đó là Bác Hồ với nhân dân Thừa Thiên Huế và Thừa Thiên Huế với Bác Hồ. Hàng năm, Bảo tàng phối hợp tổ chức các đợt sưu tầm những tư liệu, tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhân dân Thừa Thiên Huế lưu giữ, đặc biệt là những hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi ở huyện A Lưới. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, “muối cụ Hồ, áo cụ Hồ, cuốc, rựa cụ Hồ” đã trở thành biểu tượng cao đẹp về sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc huyện A Lưới nói riêng. Đặc biệt, huyện A Lưới cũng là nơi từng diễn ra một “hiện tượng lịch sử” thú vị. Năm 1969, khi chiến trường Trị Thiên - Huế đang ở giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình để tỏ lòng thương kính đối với Người, cũng như thể hiện tấm lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ, quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hàng ngàn hiện vật trong những đợt sưu tầm kể trên không chỉ góp phần làm phong phú kho hiện vật của Bảo tàng mà còn phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu của công chúng.

Đổi mới trong trưng bày, triển lãm và tuyên truyền lưu động: Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt các trưng bày giới thiệu đến công chúng những sưu tập hiện vật gốc của Bác Hồ tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế và tình yêu thương vô bờ bến của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ qua những sáng tác nghệ thuật như: âm nhạc, mỹ thuật, thơ... Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị bảo tàng khác và các nghệ nhân, họa sĩ thực hiện các triển lãm chuyên đề góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa của đơn vị như: “Nghệ nhân dân gian với Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nhân văn hóa”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Di sản văn hóa”; “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật”; “Đi qua cuộc chiến”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người bạn Châu Âu”; “Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng”...; hoặc tổ chức cuộc thi sáng tác mỹ thuật “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình Huế”... nhằm tôn vinh tự do sáng tạo văn hóa, nghệ thuật về cuộc đời Bác Hồ kính yêu. Đây cũng được xem là một quyền được thể hiện và thực hành văn hóa, hay nói cách khác các cá nhân và cộng đồng có quyền được bày tỏ, thể hiện những sáng tạo mang tính riêng, cá nhân của mình.

Triển lãm chuyên đề Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và nhân chứng. Ảnh: BTHCM Thừa Thiên Huế

Nhằm mục đích thực hiện đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng còn tổ chức các hoạt động tìm hiểu, khám phá, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn; Xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền mới, phong phú nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Bảo tàng luôn nhận thức rằng, không phải mọi công chúng đều có điều kiện đến tận di tích, nhà trưng bày để tham quan, nên hàng năm, Bảo tàng đều tổ chức những đợt triển lãm lưu động tới tận các địa phương vùng sâu, vùng xa với các chủ đề phong phú, đa dạng.

Từ những tư liệu, hiện vật được sưu tầm trong nhiều năm tại vùng miền Tây A Lưới, Bảo tàng đã xây dựng thành các nội dung trưng bày hình khối, với những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật gốc được chọn lọc, nhằm chuyển tải đến công chúng sức sống bền bỉ qua gian nan, thử thách của mảnh đất và con người miền tây Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phối hợp thực hiện các đợt tuyên truyền giáo dục tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường thành viên trong Đại học Huế, nhằm hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động giao lưu, sáng tác nghệ thuật như: Thi vẽ tranh “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng”; Tổ chức cuộc thi “Học sinh Huế với Bác Hồ” dưới hình thức Rung chuông vàng để tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bảo tàng còn xây dựng phim tư liệu “Theo chân Bác”, giới thiệu về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với gia đình sinh sống ở Huế để chiếu tại Bảo tàng, các di tích lưu niệm và một số địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Cuộc thi vẽ tranh: Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: BTHCM Thừa Thiên Huế

Bên cạnh các hoạt động trên, hưởng ứng Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/5/2005 và Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích xã hội hóa đối với một số hoạt động, Bảo tàng đã kêu gọi thực hiện xã hội hóa các di tích. Đây là một trong những điểm mới nhằm phát huy quyền tiếp cận, quyền tự do và quyền tham gia góp ý xây dựng di sản văn hóa của cộng đồng. Một mặt, cho phép người dân được tham gia vào đời sống văn hóa, mặt khác, chính họ cũng được hưởng lợi từ các sinh hoạt văn hóa ấy, qua đó các sinh hoạt văn hóa được bảo tồn và góp phần tuyên truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hàng năm, Bảo tàng còn tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử nhằm nâng cao kết quả nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời xem đây cũng là một hình thức tuyên truyền có hiệu quả đến công chúng, đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như: sách báo, internet, website của Bảo tàng, xuất bản ấn phẩm, hình thành những tour tuyến tham quan miễn phí trong hệ thống di tích và tại Bảo tàng, để qua đó đưa di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân một cách đầy đủ nhất.

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và từ di sản văn hóa dân tộc đã mở rộng biên độ thành di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh Người mãi mãi là tấm gương tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam, là điểm tựa vững chắc trong hành trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, con người có thể tiếp cận, thụ hưởng và sáng tạo giá trị văn hóa qua nhiều hình thức lựa chọn. Vì vậy, đòi hỏi sự đổi mới trong công tác trưng bày triển lãm và cách thức tuyên truyền, để con người có thể tiếp cận được. Đó cũng là một trong những quyền ngày càng được coi trọng nhằm mục đích phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.

ThS. Trương Tuấn Anh - ThS. Dương Minh Phương

 

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi