Tối 12/4 cầu truyền hình trực tiếp “Nguồn sáng dẫn đường” diễn ra tại điểm cầu Khu di tích Kim Liên, Nghệ An và điểm cầu Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng khó quên đối với nhân dân tỉnh Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân cả nước Việt Nam nói chung. Đây là chương trình đặc biệt để kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).
Hoạt cảnh "Nguồn sáng dẫn đường". Ảnh: Mỹ Nga
Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương là khách mời tham gia giao lưu tại cầu truyền hình trực tiếp đã khẳng định: Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh được tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một công trình lý luận về xây dựng đảng cầm quyền, xây dựng XHCN ở Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình có nhiều vị khách mời đặc biệt thuộc nhiều thế hệ, lĩnh vực khác nhau cho người xem một cái nhìn tổng quát về con người, sự phát triển của đất nước Việt Nam trong hơn 50 năm qua.
Các đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: Mỹ Nga
Đó là câu chuyện của người thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất kể lại kỷ niệm được Bác Hồ tặng chiếc áo trấn thủ, chiếc áo nay được trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của hai anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Chí Thi, Hồ Vai. Những thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác, đam mê khoa học, sáng tạo với rất nhiều dự án khởi nghiệp thành công như: anh Thiên Vũ - Đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành công ty MIMOZA TEK; Lê Yên Thanh - Thành viên nhóm thiết kế ứng dụng Busmap trên điện thoại di động và các thiết bị thông minh nhằm phục vụ mục đích theo dõi các tuyến xe buýt, giúp việc đi lại của người dân; Anh Hồ Xuân Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu có sản phẩm xuất khẩu sang 7 quốc gia.
Chương trình có sự xuất hiện của nghệ sĩ ưu tú Song Thao - người vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ và người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng: “Trông cây lại nhớ đến Người”.
Tại điểm cầu Nghệ An, khán giả được lắng nghe NSƯT Song Thao - một người con
xứ Nghệ thể hiện ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”. Nữ nghệ sỹ cũng là
người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Ảnh: Mỹ Nga
Tại điểm cầu Nghệ An khán giả được gặp gỡ hai vị khách mời là cán bộ cách mạng lão thành ông Trương Công Anh - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An và nhà nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh để hiểu sâu sắc hơn về công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng trong bản di chúc lịch sử của Bác Hồ.
Đặc biệt khán giả được gặp Trung tá Nguyễn Như Xuân - Nhà quay phim của xưởng phim quân đội nhân dân Việt Nam - người đã ghi lại những thước phim tư liệu trong giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là những thước phim vô giá đối với nền điện ảnh và truyền hình nước nhà.
TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trao tặng bức tranh kỷ niệm
cho Trung tá Nguyễn Thanh Xuân - nhà quay phim thuộc Xưởng phim Quân đội nhân dân
Việt Nam, người đã ghi lại những thước phim tư liệu trong giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga
Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng Người còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Những lời căn dặn thiêng liêng cùng tấm gương cao đẹp của Người như huyết mạch chảy suốt làm nên sức sống mãnh liệt của Đảng, là nguồn sáng soi đường cho mỗi người dân Việt Nam.
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp chỉ diễn ra trong hơn hai giờ đồng hồ nhưng đã cho người xem thấy được bức tranh toàn cảnh về giá trị của bản di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; thấy được tình cảm đặc biệt, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhân dân Việt Nam qua các thế hệ nhằm góp phần thực hiện mong muốn của Bác Hồ: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Lê Bích Thủy
Theo Khu Di tích Kim Liên