Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Biên niên tiểu sử
Sự kiện: Bài viết Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4477.
Thời gian: 10-7-1966
Nội dung
Tháng 7, ngày 10
Bài viết Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4477.
Bài báo nêu rõ, việc đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng là một hành động “leo thang” chiến tranh rất điên cuồng và chúng đã bị trừng trị đích đáng. Người chỉ rõ chúng đang “lăm le” tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt công tác phòng không, trong đó sơ tán là một việc làm cần thiết. Người nhắc nhở phải có những hình thức thích hợp như sơ tán riêng lẻ, sơ tán tập thể. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phải quan tâm chặt chẽ đến việc sơ tán. Đồng bào sơ tán và đồng bào địa phương phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phải thực hiện câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”.

 

Nguồn trích:
-  Báo Nhân Dân, số 4477, ngày 10-7-1966.
-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.128-129.
Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bài viết, Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán, Chiến Sĩ, Nhân dân
Sự kiện: Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Trung Quốc lại đi dọc tuyến đường mà Người đã đi năm 1940
Thời gian: 2-1945
Nội dung

Tháng 2, cuối tháng        

Với giấy phép đi lại do tướng Trương Phát Khuê cấp, Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Trung Quốc, có hai người(1) cùng đi, lại đi dọc tuyến đường mà Người đã đi năm 1940(2).      

Người dừng lại ở Nghi Lương khoảng một tuần lễ. Ở đây, Người giảng giải cho bà con Việt kiều về tình hình cách mạng Việt Nam và kêu gọi họ trở về tham gia đấu tranh.

---------------

1) Đồng chí Phùng Thế Tài làm công tác bảo vệ và đồng chí Đinh Đại Toàn (tức Minh) phục vụ sinh hoạt (B.T).

2) Người muốn gặp lại các đồng chí ở Vân Nam và nhất là có ý định gặp các cơ quan của Mỹ đóng ở Côn Minh nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam. Lúc bấy giờ tại Côn Minh, Mỹ có trụ sở của Không đoàn thứ 14 dưới sự chỉ huy của tướng Sênôn (Claire L. Chennault), Cơ quan phục vụ chiến lược (The Office of Strategic Service - OSS) và Cơ quan cứu trợ không quân (Air Ground Aid Service - AGAS) (B.T).

 

 

 

 

Nguồn trích:

- Hoàng Quang Bình: “Ở Vân Nam”, in trong: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr.134-138.

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.90.

 

Từ khóa: Tướng Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh, Trung Quốc, Nghi Lương, Việt kiều, cách mạng Việt Nam
Sự kiện: Hồ Chí Minh lên đường đi Côn Minh
Thời gian: 2-1945
Nội dung

Tháng 2, trong tháng

Hồ Chí Minh lên đường đi Côn Minh. Trung úy phi công Mỹ Sao được phép đi theo Người để trở về Bộ Tổng tư lệnh không quân Mỹ ở đó.

Sau năm ngày đi đường trên đất Trung Quốc, hai người chia tay nhau. Hồ Chí Minh tiếp tục đi bộ, còn Sao đi ngựa theo một hướng khác.

 

Nguồn trích:

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.91-92.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, phi công Mỹ, Sao, Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc
Sự kiện: Sách Phép dùng binh của ông Tôn Tử do Hồ Chí Minh biên dịch được Việt Minh xuất bản
Thời gian: 2-1945
Nội dung

Tháng 2, trong tháng

Sách Phép dùng binh của ông Tôn Tử do Hồ Chí Minh biên dịch được Việt Minh xuất bản. Mở đầu sách, Người giới thiệu “Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2.000 năm trước...” và chỉ rõ “Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”, cần thiết cho công tác quân sự và chính trị của cán bộ. Sách gồm 13 chương:

Chương I- Kế hoạch: nêu những điều cần chú ý để “xét rõ tình hình ta với địch”, phải tranh thủ lòng dân, “kế hoạch khéo, lúc thực hành lại cần phải biết tùy cơ ứng biến”.

Chương II- Phép chiến tranh: chỉ cách sử dụng “Năm lời dặn của ông Tôn Tử” để giành thắng lợi nhanh, “dùng binh chóng là khôn”, phải biết “lấy lương thực của địch mà dùng”.

Chương III- Đánh bằng mưu: khẳng định: “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu”, cho nên “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì một thắng một bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua”.

Chương IV- Quân hình: nhằm giúp cho tướng thấy được kẻ địch. “Người tướng giỏi thì luôn luôn giữ đạo đức, và luôn luôn chuẩn bị. Cho nên họ có thể định sự thắng, bại”.

Chương V- Thế của binh: chỉ rõ cách sử dụng phối hợp giữa chính binh (đánh trực tiếp) với kỳ binh (đánh gián tiếp) để giành thắng lợi.

Chương VI- Chỗ mạnh và chỗ yếu: là “chủ động đánh vào chỗ yếu và tránh chỗ mạnh của địch, thì thắng”.

Chương VII- Quân tranh: là cách khéo léo trong đánh địch mà ít hao tổn, như phép “trị tâm”, phép “trị lực”, phép “trị biến” (trấn tĩnh chờ địch xôn xao mới đánh, chờ địch mệt nhọc, đói khát mới đánh, không chủ quan coi thường địch).

Chương VIII- Chín sự biến: chỉ những điều cần tránh khi đóng quân, đánh địch.

Chương IX- Phép hành quân: nêu cách chọn địa hình, địa thế tốt, thuận lợi, tránh những chỗ nguy hiểm, bất lợi để giành thắng lợi, không rơi vào âm mưu, quỷ kế của chúng. “Cho nên binh không cần nhiều lắm nếu biết hợp sức đồng lòng và xét rõ tình hình của địch, thì cũng thắng được”.

Chương X- Địa hình: để “Biết sức ta, biết sức địch, là phải biết dùng thiên thời địa lợi, thì mới thắng”.

Chương XI- Chín thứ đất: phải biết sử dụng mới thắng được.

 Chương XII- Phép đánh bằng lửa: giới thiệu cách đánh bằng hỏa công để tiêu diệt địch, song “dùng lửa phải theo thiên thời và địa lý”.       

Chương XIII- Dùng trinh thám: để “do thám cho rõ tình hình của địch”.   

                               

 

Nguồn trích:

- Sách lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.  1945

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.555-588.     

 

Từ khóa: Sách, Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Hồ Chí Minh, Việt Minh xuất bản
Sự kiện: Hồ Chí Minh tiếp Sao (Shaw) - viên trung úy phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát
Thời gian: 1945
Nội dung

Đầu năm(1)

Hồ Chí Minh tiếp Sao (Shaw) - viên trung úy phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát(2).

---------------

1) Có tài liệu nói là cuối năm, nói theo âm lịch (cuối năm Giáp Thân) (B.T).

2) Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên bầu trời Cao Bằng bị hỏng máy. Viên trung úy phi công nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ. Được tin, thực dân Pháp liền cho bao vây khu rừng, tháo máy và tìm viên phi công. Quân Nhật cũng đến ngay, chiếm lấy chiếc máy bay, buộc tội Pháp để viên phi công trốn thoát và buộc phải tìm giao nộp.

Trung úy Sao đã được Việt Minh cứu thoát, dẫn đường trốn trong một cái hang và hôm sau vượt qua những trạm gác nghiêm ngặt của Pháp. Sao đã vượt qua một quãng đường dài 60km trong ngót một tháng trời để đến biên giới Việt - Trung (B.T).

 

 

 

Nguồn trích:

- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 90-92.

 

Từ khóa: Hồ Chí Minh, tiếp khách, Sao, Shaw, phi công Mỹ, Việt Minh
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi