Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Hành trình Người đi tìm hình của Nước và những bài học cho thế hệ trẻ Việt Nam
Ngày đăng: 12:10 31/07/2021
Lượt xem: 47.186
“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”
                                   (Người đi tìm hình của Nước – Chế Lan Viên)
Hành trình tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cách đây 110 năm (5/6/1911-5/6/2021) là sự kiện đặc biệt quan trọng trong cuộc đời Người, đồng thời, là một ngày có ý nghĩa trọng đại đối với nghiệp sự cách mạng của dân tộc, tiền đề dẫn đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam về sau. Từ hành trình ấy, Người đã để lại những bài học quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.

1. Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Nguyễn Sinh Cung- Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến; Nhân dân nô lệ, đói khổ lầm than. Bối cảnh đất nước đã có tác động lớn đến sự hình thành nhận thức của Nguyễn Tất Thành, giúp Người sớm thấu hiểu nỗi khổ của một đất nước mất tự do. Mặt khác, thực tiễn thất bại của các phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã đặt ra nhiều câu hỏi tác động đến trí hướng của Người.
Nghệ An- mảnh đất nơi Người sinh ra là một vùng quê giàu truyền thống hiếu học, là quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt. Mảnh đất đó đã hun đúc nên ở Người lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Năm 1905, Nguyễn Tất Thành được cha cho theo học ở trường Tiểu học Pháp bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên, Người được tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”. Điều này đã thôi thúc Người tìm hiểu những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy. Đặc biệt, thời gian 10 năm sống ở Kinh đô Huế - Trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước khi đó, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây càng thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Chính tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và trí tuệ của bản thân là cơ sở vững chắc nuôi ý chí, hoài bão để Người có quyết định chính xác và táo bạo: Vượt trùng dương tìm đường cứu nước.
 

 
Ngày 5/6/1911, lấy tên Văn Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Khi quyết định xuất dương, anh có rủ một người bạn đi cùng. Bạn hỏi: “lấy tiền đâu để đi?”. Anh Ba giơ hai bàn tay ra, nói: “Đây tiền đây, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, Người đã trải qua bao khó khăn, thử thách với khoảng gần 20 nghề khác nhau để kiếm sống như: quét tuyết, đốt lò, in phóng ảnh, phụ bếp,… Sau mỗi giờ làm việc vất vả, Người vẫn dành thời gian tự học, tự trau dồi tri thức và ngoại ngữ. Khó khăn gian khổ không làm Nguyễn Tất Thành chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc thêm lòng yêu nước kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc. Đồng thời, hành trình khảo sát thế giới đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động chính là ở sự áp, bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp. Sau này, Người rút ra kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(1)  .
Trên hành trình tìm đường cứu nước, với tư duy độc lập, sáng tạo, tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo, số ra ngày 16/7 và 17/7/1920. Luận cương đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc thấy ánh sáng của con đường cứu nước: Con đường cách mạng vô sản mà Người tìm kiếm suốt 10 năm qua. Người vô cùng sung sướng vì đường lối này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta; phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử:
“Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
                                                                                 (Người đi tìm hình của Nước – Chế Lan Viên)
Từ đây, Người hoàn toàn tin theo Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Mác- Lênin về với Việt Nam.Trong vai trò của người chiến sĩ cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc kiên trì đấu tranh, bảo vệ, vận dụng sáng tạo đường lối Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về nước dưới nhiều hình thức. Đầu năm 1930, tại Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử quan trọng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người. Trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài (1930-1938), Nguyễn Ái Quốc gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị cảnh sát Anh tại Hồng Kông bắt giữ và giam tại Nhà ngục Victoria trong 2 năm. Dù vậy, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi, kiên định con đường đã chọn đã lựa chọn, giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản chân chính.
 

Trưng bày online "Người đi tìm hình của Nước" do Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện

 
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. 
Tháng 5/1941, tại lán Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị đã xác định đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Những tư tưởng, đường lối  đúng đắn, sáng tạo của Người là nhân tố quyết định thành công của cuộc vận động giải phóng dân tộc trong những năm 1941-1945, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, sự trở về của Người đã mang tới mùa xuân cho dân tộc. Hành trình 30 năm cứu nước, giải phóng dân tộc của Người từ năm 1911 tới đây chính thức đơm hoa kết trái.
Trên cương vị là người đứng đầu, với những sách lược mềm dẻo, khôn khéo “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh: chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ, củng cố giữ vững được chính quyền cách mạng. Lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sự lãnh đạo tài tình của Người đã trở thành niềm tin tất thắng cho nhân dân Việt Nam. Sau khi Người qua đời, niềm tin ấy tiếp tục là động lực để quân và dân ta giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, quyết tâm đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó chính là thành quả từ việc hiện thực hóa lý luận về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Đây là tiền đề, cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 (2021): “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Những bài học cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Hành trình tìm đường cứu nước của Người đã để lại nhiều bài học quý báu cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những bài học ấy, không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho thanh niên mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với thanh niên trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những bài học đó là:

Thứ nhất, bài học về lòng yêu nước thương dân.

Lòng yêu nước, thương dân quyết tâm giải phóng dân tộc của Người là bài học soi đường cho mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Học tập và làm theo Bác, các thế hệ thanh niên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, bài học đó ngày càng trở nên thiết thực. Yêu nước, thương dân của thanh niên được biểu hiện bằng những hành động cụ thể: đó là sự kiên định lý tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là sự nỗ lực, tiên phong trong chính những công việc rất cụ thể, hằng ngày, trong học tập, lao động, công tác, chiến đấu…góp phần hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.

Thứ hai, bài học về rèn luyện nghị lực kiên cường vượt qua khó khăn thử thách; Tinh thần tự học tập không ngừng.

Năm 1911, từ bến cảng Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước với hành trang là lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc. Nhờ nghị lực kiên cường đã giúp Người vượt qua mọi khó khăn thử thách trên hành trình tìm đường cứu nước. Đây là bài học mà thế thệ trẻ luôn tự hào và noi theo. Học Bác, thanh niên phải không ngừng rèn luyện nghị lực, tránh tư tưởng ngại khó, ngại khổ, thích hưởng thụ, tích cực học tập biến những thách thức thành cơ hội. Hành trình tìm đường cứu nước của Người chính là những chỉ dẫn quý báu về tinh thần tự học. Đối với Người, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên tri thức, làm nên sự thành công của mỗi cá nhân. Thanh niên nên coi tự học là nhu cầu, thói quen hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị tự thân cần đạt được. Thông qua đó, thể hiện sức trẻ, năng lực tự thích ứng với những biến đổi của thực tiễn nếu không muốn mình tụt lại phía sau.

Thứ ba, bài học về lòng nhân ái.

Hành trình khảo sát thế giới, trải qua các châu lục: Âu, Á, Phi, Mỹ hòa mình vào cuộc sống thực tiễn nơi đây, đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động và có sự đồng cảm sâu sắc. Tấm lòng nhân ái, yêu thương con người ở Hồ Chí Minh là bài học thiết thực với thế hệ trẻ chúng ta. Học và làm theo Bác, thế hệ thanh niên luôn phát huy tốt truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” với nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp. Đó là câu chuyện xúc động về những thanh niên tình nguyện đi khắp nẻo đường thực hiện những chuyến thiện nguyện giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; sẵn sàng tình nguyện vào nơi tâm dịch chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid- 19,…Trong cuộc sống hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, chắn chắn đâu đó còn có những toan tính, vị kỷ nhưng lòng nhân ái vẫn còn tiếp nối như một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc; là bài học quý báu cho mỗi thế hệ trẻ vững thêm niềm tin vào cuộc sống, hun đúc ý chí trở thành người hữu dụng.
 

Thanh niên tình nguyện tham gia vào đội hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Báo Thanh niên

Thứ tư, bài học về tư duy độc lập, sáng tạo, kiên định với mục tiêu đề ra.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, với tư duy độc lập, sáng tạo đã giúp Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho nhân dân Việt Nam, lãnh đạo đất nước giành nhiều thắng lợi. Tư duy độc lập sáng tạo của Người là bài học thiết thực cho mỗi thanh niên áp dụng vào các hoạt động thực tiễn cũng như công việc chuyên môn của mình. Theo đó, thanh niên phải luôn có tinh thần sáng tạo, chủ động đề xuất các sáng kiến, ý tưởng mang hiệu quả cao và kiên định với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, sáng tạo phải xuất phát từ những điều kiện thực tế cụ thể của đất nước, của cơ quan, đơn vị mình công tác. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập, tự làm giàu cho bản thân về tri thức; rèn luyện, nâng cao nghị lực, khát vọng vươn tới những tầm cao, kiên định lý tưởng và không bao giờ thỏa mãn với những gì đã đạt được, để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ năm, bài học về giữ vững bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Sự kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại và giữ vững bản sắc dân tộc ở Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trên hành trình tìm đường cứu nước và quá trình lãnh đạo đất nước. Trong khi chủ trương “dựa vào sức mình là chính”,  Người vẫn kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới- nhân tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đây là bài học quý báu tiếp tục truyền cảm hứng cho thanh niên. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp thanh niên có điều kiện thuận lợi để được giao lưu, tiếp thu những giá trị tiến bộ, tinh hoa của nhân loại và các trào lưu tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải có chọn lọc, trên nền tảng các giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc, để làm giàu thêm bản sắc dân tộc “hòa nhập mà không hòa tan”. Điều đó, đặt ra yêu cầu với mỗi thanh niên phải tự mình nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; tích cực nâng cao năng lực ngoại ngữ; năng lực số trở thành những công dân toàn cầu, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho các bước phát triển nhảy vọt của đất nước.
Kỷ niệm 110 năm ngày Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là dịp để mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ nhìn lại những cống hiến to lớn, hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ của Người đối với dân tộc. Những bài học rút ra từ hành trình tìm đường cứu nước của Người sẽ luôn có ý nghĩa thiết thực, tỏa sáng với thời gian, là hành trang quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Nhớ ơn và học tập Bác, mỗi bạn trẻ cần xác định được mục đích, lý tưởng của mình, nỗ lực hơn trong học tập, tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo để thực hiện sứ mệnh cao cả xây dựng đất nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Đó cũng là cách để thế hệ trẻ Việt Nam bày tỏ lòng biến ơn đến Người./.
--------
(1) Hồ chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t1, tr287.
 

Nguyễn Thị Kim Thanh

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi