Ngày 11/10, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học 75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: https://hcma.vn/
Cách đây 75 năm, ngày 15/10/1949, bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Sự thật với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm gồm 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Trong đó, Người chỉ rõ mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; Quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; Trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; Phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết làm rõ hơn những giá trị của tác phẩm khi vận dụng vào thực tiễn đời sống trên quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà khoa học đã đi sâu phân tích nội dung tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm thực hiện công tác dân vận. Xuyên suốt tác phẩm đều thể hiện rõ vai trò của Nhân dân. Tác phẩm đã nêu lên quan niệm tổng quát về “dân chủ”, thể hiện tính chất, bản chất của chế độ nhà nước ta - nhà nước dân chủ, chế độ chính trị dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Các báo cáo tham luận cũng tập trung phân tích những nội dung phong phú, sinh động về công tác dân vận, về những phẩm chất cần có ở đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân vận. Đặc biệt, Hội thảo chỉ rõ những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận trong tình hình mới, theo phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” phải thật thà, gương mẫu “nói đi đôi với làm” ; đồng thời nhấn mạnh “dân vận khéo” thì việc gì cũng xong…
BBT