Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Khánh thành tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La
Ngày đăng: 09:20 08/05/2019
Lượt xem: 6.313

Tối 7/5, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959 - 7/5/2019) và khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc."

Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc tỉnh Tây Bắc” tại Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La

Tham dự Lễ kỷ niệm, có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Yên Bái; Lai Châu; Lào Cai; Ninh Bình; Hoà Bình; Điện Biên; Nam Định… Cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.

Đây là sự kiện chính trị đặc biệt, là dịp để cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc thể hiện lòng tưởng nhớ, thành kính, biết ơn vô hạn đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; khẳng định tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong bài diễn văn kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất nêu rõ: Cách đây tròn 60 năm, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1959, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và làm việc.

Tại Lễ đài sân vận động Thuận Châu, là trung tâm hành chính Khu tự trị Thái - Mèo lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật nói chuyện với đồng bào, bộ đội và cán bộ. Người thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi những thành tích của quân, dân Tây Bắc.

Trong những năm kháng chiến đã anh dũng bảo vệ bản mường, đại thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, góp phần giành lại độc lập cho Tổ quốc và từ ngày hòa bình lập lại đã ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống, giữ gìn trật tự an ninh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào, cán bộ, bộ đội toàn khu, nhiệm vụ thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc… Bác chúc đồng bào, cán bộ, chiến sỹ khu tự trị “Người người mạnh khỏe, đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua, thành công vui vẻ."

Lời dạy của Bác mộc mạc, cụ thể, thiết thực, mọi người ai cũng thấy ấm lòng, dễ hiểu. Những lời dạy ân tình, sâu sắc của Bác đã trở thành tư tưởng, là hành động cách mạng soi đường, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" tại Sơn La, để ghi dấu sự kiện lịch sử ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc tại Sơn La. Công trình đã được các tỉnh Tây Bắc nhất trí cao về mẫu phác thảo và tham gia trồng cây, hỗ trợ kinh phí; tỉnh Lào Cai đóng góp đồng đúc tượng Bác Hồ. Công trình hoàn thành là niềm cổ vũ to lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cùng lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Sơn La đã thực hiện nghi lễ Khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc".

Tượng đài Bác Hồ được đúc bằng đồng, cao 7,9 m, thể hiện được thần thái, trang phục của Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác về thăm, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La. Bệ tượng bằng bê tông cao 4,7 m, được ốp bằng đá xanh Thanh Hóa. Bức phù điêu bằng đá xanh Thanh Hóa, điểm cao nhất là 18 m, dài 54 m, mô phỏng theo hình tượng bông hoa Ban cách điệu có 5 cánh, loại hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc; mặt trước khắc họa một số hình ảnh đặc trưng của 6 tỉnh Tây Bắc; mặt sau thể hiện một số lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, kiến trúc, cảnh quan nổi bật của tỉnh Sơn La.

Tượng đài Bác là công trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện tình cảm của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tỉnh Sơn La phải thường xuyên chăm lo, bảo vệ, làm đẹp Tượng đài Bác, để nơi đây là công trình lịch sử, văn hóa rợp bóng cây xanh, đậm sắc các màu hoa của Tây Bắc; phối hợp với các tỉnh Tây Bắc phát huy giá trị của Tượng đài, tổ chức tốt hoạt động giáo dục truyền thống về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Bác với nhân dân Tây Bắc, nhất là thế hệ trẻ.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Để tưởng nhớ công ơn của Người, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Sơn La đã xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc đặt tại quảng trường Tây Bắc, TP. Sơn La - nơi cách đây 60 năm, ngày 7/5/1959, nhân kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 -1959) và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo (1955 - 1959), Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương đã về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Công trình là địa điểm sinh hoạt văn hóa lịch sử của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, nhân dân Sơn La nói riêng.


Phương Linh (t/h)

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi