Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên phát huy giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 09:15 22/02/2019
Lượt xem: 13.578
Khu di tích Kim Liên nằm trên địa bàn các xã Kim Liên, Nam Giang thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 15 km theo quốc lộ 49 (nay là quốc lộ 46), là một trong những di tích có giá trị đặc biệt liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất. Nơi đây lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Bác về thăm quê. 
 
Ngôi nhà quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Các cụm di tích do Khu di tích Kim Liên quản lý, bảo quản và phát huy tác dụng 
 
1. Cụm Di tích làng Hoàng Trù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ (1890-1895), nơi được đón Người về thăm ngày 9/12/1961 và ba hộ láng giềng xung quanh nhà ông bà Ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, được phục dựng nhằm tái hiện một phần không gian văn hóa của làng Hoàng Trù thế kỷ XIX gắn với tuổi thơ và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
2. Cụm di tích Làng Sen, gồm: 
 
- Di tích Ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống 5 năm thời niên thiếu (1901-1906), cũng là nơi được đón Người về thăm quê 2 lần vào ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961; 
 
- Di tích nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 
 
- Di tích nhà thờ đại tôn Họ Nguyễn Sinh; 
 
- Di tích nhà cụ Vương Thúc Quý, thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 
 
- Di tích giếng Cốc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra lấy nước khi ở làng Sen; 
 
- Di tích lò rèn Cố Điền, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sang chơi khi còn ở làng Sen; 
 
- Di tích cây đa, sân vận động làng Sen, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân trong 2 lần về thăm quê và 3 hộ láng giềng xung quanh nhà ông Nguyễn Sinh Sắc, cụm di tích phản ánh không gian văn hóa làng Sen của thế kỷ XIX gắn với tuổi thơ và gia đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 
3. Một số di tích khác: 
 
- Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh; 
 
- Di tích Núi Chung, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lên chơi thời niên thiếu; 
 
- Đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài (đền Thánh Cả), nơi đây khi còn niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường cùng cha đến thắp hương tưởng nhớ, tri ân Tướng quân.
 
Ngôi nhà 3 gian nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ (1890-1895)
tại làng Hoàng Trù,quê ngoại của Bác
 
Nơi lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước xác định rõ những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, năm 1956, Đảng ta đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người. Khu Di tích Kim Liên được thành lập với tên gọi “Ban xây dựng quê hương”.
 
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh để tuyên truyền giáo dục cho toàn dân về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh chiến tranh, trên cơ sở các di tích lưu niệm đã có, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Bảo tàng Kim Liên - một Bảo tàng về Hồ Chí Minh đầu tiên trong cả nước, do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo và Bộ Chính trị phê duyệt nội dung trưng bày. Bảo tàng Kim Liên trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đến năm 1979, được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ t­ướng Chính phủ ban hành quyết định số 548/QĐ-TTg, theo đó Khu Di tích Kim Liên được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, Khu di tích Kim Liên đã ngày càng được hoàn thiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị đư­ợc giao hàng năm.
 

Toàn cảnh Khu trưng bày về chủ đề Quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh
về thăm quê hương

Hiện nay, lượng khách có nhu cầu tới tham quan, dâng hương tại Khu Di tích Kim Liên có xu hướng ngày càng tăng. Hằng năm, Khu di tích đón từ 1,5 đến 2 triệu l­ượt khách, có những năm đạt hơn 2 triệu l­ượt khách, mở cửa phục vụ 365/365 ngày trong năm, buổi trư­a mở cửa thông tầm, Nhà tưởng niệm mở cửa thêm một tiếng buổi chiều phục vụ du khách ở xa về thắp hư­ơng cho Người.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức bảo vệ, bảo quản và gìn giữ di sản lịch sử, văn hoá quý giá này, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, sự cộng tác giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các cơ quan hữu quan, Khu Di tích Kim Liên đã nỗ lực cố gắng bảo vệ, bảo quản, giữ gìn tốt các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, góp phần phục vụ đông đảo công chúng đến tham quan nghiên cứu và học tập về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê.
 
Hằng năm, Khu di tích Kim Liên đón tiếp từ 1,5 đến 2 triệu l­ượt khách tham quan
 
Coi trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Kim Liên
 
Khu Di tích Kim Liên là di tích còn tương đối nguyên gốc bao gồm các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích hết sức lớn và nặng nề. Để làm tốt công tác này, Khu Di tích Kim Liên đã chú trọng và không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng duy trì tốt công tác bảo quản thông thường, kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công tác bảo quản di tích, đồng thời thực hiện tốt các chế độ bảo quản định kỳ (ngắn hạn, dài hạn) và tu bổ chống xuống cấp di tích. Trong những năm qua, Khu Di tích Kim Liên đã thực hiện công tác tu bổ được nhiều hạng mục công trình như: Lợp lại mái tranh các di tích theo định kỳ; tu bổ sân, nền, đường di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện bảo vệ; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tu bổ tôn tạo nâng cấp vườn cây trong di tích và trong khuôn viên Bảo tàng, nhà tưởng niệm….
 
Song song với công tác bảo quản, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những công tác góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích. Khu di tích Kim Liên thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học, nghiên cứu đề tài khoa học, toạ đàm khoa học, xuất bản sách, ảnh… phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc biên tập, phối hợp xuất bản các ấn phẩm văn hóa, trang Website của Khu di tích Kim Liên cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy tác dụng tốt.
 
Với những nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ trong việc nghiên cứu, chỉnh lý nội dung trưng bày, trưng bày bổ sung, nâng cao chất lượng các khâu công tác, Khu Di tích Kim Liên đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền ngày càng đầy đủ tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời từng bước đưa Khu Di tích Kim Liên trở thành một điểm nhấn của thương hiệu du lịch Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.                                                                   
Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu Di tích Kim Liên
(Đặc san thông tin tư liệu, số 57, tháng 12/2018)

 
 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi