Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Mấy suy nghĩ về đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống bảo tàng Việt Nam trong giai đoạn mới
Ngày đăng: 02:30 29/07/2020
Lượt xem: 1.714

Phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam là một công việc và nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của ngành, vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, có kế hoạch.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để hệ thông bảo tàng Việt Nam tồn tại và phát triển trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Ảnh BTHCM

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam

Theo đánh giá một cách khách quan, có thể nhận thấy, hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng thiếu đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu. Thừa về các bảo tàng loại hình lịch sử xã hội với nội dung và hình thức trùng lặp, na ná nhau. Thiếu về các bảo tàng có tính chuyên ngành, chuyên sâu… Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chậm đổi mới, chậm tiếp cận với xu thế bảo tàng hiện đại thế giới, giải pháp trưng bày cũ kỹ, thiếu tính sáng tạo, đơn điệu, thiếu hấp dẫn công chúng…

Khi bàn về hệ thống bảo tàng Việt Nam, cần phải xem xét về mối quan hệ tổng thể trong sự kết hợp của cả 3 yếu tố: vai trò, vị thế của hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay; thực trạng của hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay; tương lai của hệ thống bảo tàng Việt Nam trong những năm tới, với những yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Trong các yếu tố nói trên thì yếu tố nguồn nhân lực là vấn đề không chỉ có tầm quan trọng trước mắt, mà còn mang ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Nguồn nhân lực hay nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố hợp thành nguồn lực, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị. Nguồn nhân lực của ngành di sản văn hóa Việt Nam nói chung và hệ thống bảo tàng Việt Nam nói riêng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

Nguồn nhân lực của hệ thống bảo tàng Việt Nam là toàn bộ vốn con người trong toàn bộ hệ thống, gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp của mỗi cá nhân, tạo thành sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống.

Phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam chính là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực về các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ cơ cấu nguồn nhân lực. Nói một cách khác, phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện của con người trong hệ thống, vì sự tiến bộ của hệ thống, từng thành viên trong hệ thống và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người trong hệ thống.

Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống bảo tàng Việt Nam là nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức thông qua việc giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn về nghề nghiệp của mình và thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình một cách tự giác hơn với thái độ tốt hơn, cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ với các công việc trong tương lai. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để hệ thống bảo tàng Việt Nam tồn tại và phát triển trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2).

Không thể ngẫu nhiên mà có được đội ngũ cán bộ tốt và cũng không thể nói đội ngũ cán bộ chung chung, mà phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, từ đánh giá hiện trạng, đào tạo, đào tạo lại, bố trí sử dụng đến đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể. Vì vậy, một công việc hết sức quan trọng mang tính định hướng là phải xây dựng được Chiến lược hay Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam trong thời gian tương đối dài, có sự phân đoạn với những mục tiêu và yêu cầu cụ thể. Việc xây dựng Chiến lược hay Quy hoạch nguồn nhân lực phải xuất phát từ Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23-6-2005 và phải căn cứ vào Chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở Chiến lược hay Quy hoạch chung của cả hệ thống, từng thành viên trong hệ thống cần phải xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho bảo tàng mình.

Cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo tàng

Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã đi gần hết chặng đường, trong đó có một nội dung rất quan trọng là kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực của ngành bảo tàng: “Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về hoạt động bảo tàng giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Hình thành bộ máy tổ chức thống nhất cho hệ thống bảo tàng toàn quốc về cơ cấu tổ chức bảo tàng, định biên, cơ chế quản lý, chỉ đạo và hợp tác; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại các cấp, các ngành và các địa phương; Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành bảo tàng. Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu và kỹ năng tác nghiệp giỏi. Chuyên môn hóa trong đào tạo. Phát huy vai trò của các bảo tàng đầu hệ với tư cách là cơ sở đào tạo thực hành. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành có liên quan để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo”.

Bảo quản hiện vật trong bảo tàng

Đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá toàn diện, cụ thể việc triển khai và kết quả thực hiện Quy hoạch, để khẳng định những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp cho những năm còn lại, chuẩn bị hướng cho những năm tiếp theo. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực bảo tàng Việt Nam, vì đội ngũ cán bộ luôn luôn gắn liền với tổ chức bộ máy, từ tổ chức sinh ra con người để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức...

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe nói rằng, hệ thống bảo tàng Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu, đội ngũ cán bộ bảo tàng Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu. Nhận xét đó, theo tôi, về khía cạnh nào đó có thể đúng, nhưng đây thực ra mới chỉ là sự cảm nhận, chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc với các số liệu và thông tin có độ tin cậy cao. Để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác và toàn diện đội ngũ cán bộ bảo tàng Việt Nam, cần phải tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng nguồn nhân lực bảo tàng hiện nay, với các tiêu chí khoa học và cụ thể. Việc làm này không chỉ tiến hành đối với các bảo tàng công lập, mà còn cả các bảo tàng ngoài công lập - một bộ phận hợp thành hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Từ chỗ không có đào tạo bậc đại học về bảo tàng, từ năm 1966, nước ta đã bắt đầu đào tạo bậc đại học bảo tàng. Những năm đầu, việc đào tạo này thuộc một chuyên ban của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với phương thức học cơ bản, cơ sở từ 2-3 năm như tất cả sinh viên Khoa Lịch sử, thời gian còn lại từ 1-1,5 năm học phân ban bảo tàng học và học chuyên môn về bảo tàng. Sau này, việc đào tạo bậc đại học về bảo tàng được chuyển về Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với tên gọi Khoa Bảo tàng. Sau khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, Khoa Bảo tàng được đổi tên thành Khoa Di sản văn hóa. Hiện nay, việc đào tạo bậc đại học bảo tàng được thực hiện chủ yếu ở Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Phải khẳng định rằng, đây là một thành tựu quan trọng trong sự nghiệp bảo tàng Việt Nam. Tuy nhiên, để góp phần quan trọng vào việc đánh giá và phát triển nguồn nhân lực hệ thống bảo tàng Việt Nam trong tương lai, cần phải đánh giá toàn diện về việc đào tạo cán bộ bảo tàng ở nước ta cả về chương trình, giáo trình, phương thức đào tạo, đầu vào, đầu ra, việc sử dụng nguồn nhân lực, mặt được và mặt chưa được trong đào tạo, những nội dung còn trống trong đào tạo, như: kiến trúc bảo tàng, mỹ thuật bảo tàng... Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp về cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Có thể nói, hiện nay hệ thống bảo tàng Việt Nam đang ở trong thời kỳ hụt hẫng nghiêm trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đến từng bảo tàng cụ thể. Tình trạng chắp vá, “đốt đuốc đi tìm ếch” đang hiện hữu trong ngành bảo tàng mỗi khi cán bộ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu. Đây là một “nguy cơ”, nguyên nhân là do chúng ta thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn xa và thiếu những giải pháp toàn diện, cụ thể. Thiết nghĩ, trong thời gian tới đây, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm để có những giải pháp thiết thực và phù hợp.

Vấn đề cuối cùng là cần đổi mới chế độ, chính sách đối với những người hoạt động trong ngành di sản văn hóa nói chung và ngành bảo tàng nói riêng để động viên, khích lệ họ yên tâm cống hiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết năm 2018, cả nước có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Trong 126 bảo tàng công lập có 04 bảo tàng quốc gia thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 07 bảo tàng chuyên ngành thuộc các Bộ, ngành và tương đương; 34 bảo tàng thuộc các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành và tương đương; 81 bảo tàng cấp tỉnh.

Nhìn vào số liệu này, có ý kiến cho rằng, so với chiều dài lịch sử, nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc hàng ngàn năm của dân tộc ta và so với nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực có hoàn cảnh tương đồng như nước ta, thì số lượng bảo tàng ấy là quá ít, không tương xứng với tiềm năng của đất nước. Một số ý kiến khác lại cho rằng số lượng bảo tàng ở nước ta hiện nay như vậy là quá nhiều, ở trong tình trạng “khủng hoảng thừa”…

-----------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 309.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 313.

                                                               PGS.TS. Đỗ Văn Trụ

Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

 

 

 

 

Các bài viết khác

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi