Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nói về bài học từ sự kiện kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ngày đăng: 04:13 04/06/2021
Lượt xem: 1.213

Với 34 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có 8 năm đảm nhận cương vị Giám đốc, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thường xuyên được tiếp cận với những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021), TS Chu Đức Tính đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề này.

Bác dành tình yêu thương vô hạn cho dân tộc

Phóng viên (PV): Cảm nhận của đồng chí ra sao về thời khắc lịch sử Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước?

TS Chu Đức Tính: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, cách đây 110 năm thì dấu ấn nhiều người quan tâm nhất là lý do ra tìm đường cứu nước của Bác và tại sao lại Người lại chọn phương Tây mà không phải ở các châu lục khác.

Việc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là vì Người muốn tìm ra con đường độc lập, tự do cho dân tộc, bởi Người sinh ra và lớn lên trong cảnh “nước mất nhà tan”.

TS Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mặc dù bị thực dân Pháp xâm lược nhưng nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước đã liên tục đứng lên chống thực dân Pháp bằng rất nhiều cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước. Nguyễn Tất Thành lớn lên trong hoàn cảnh đó đã rất kính nể, khâm phục tấm gương của các bậc tiền bối. Nhưng qua xem xét, đánh giá bằng nhận thức, Nguyễn Tất Thành muốn tìm một con đường đi khác để đưa dân tộc thoát khỏi chế độ áp bức của thực dân mà không đi lại con đường của các bậc tiền bối đã đi.

Khi còn học trên ghế nhà trường của Pháp lúc chỉ mới 13-14 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã muốn tìm hiểu xem điều gì ẩn chứa đằng sau 3 từ rất bóng bẩy “Tự do, bình đẳng, bác ái”, thường có trên các bảng đen của trường hồi đó. Muốn vậy thì chỉ có cách đến đến tận nơi phát sinh ra tư tưởng này để mà nghiên cứu, học tập. Chính vì vậy, với hành trang duy nhất là tấm lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, Nguyễn Tất Thành đã mạnh dạn ra đi tìm đường cứu nước. Chỉ với hai bàn tay trắng, Nguyễn Tất Thành nghĩ ra cách xin làm thuê trên một con tàu để sang Pháp.

PV: Trong thời gian công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí ấn tượng nhất với những hiện vật nào liên quan đến thời điểm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước?

TS Chu Đức Tính: Bảo tàng có một số hiện vật tiêu biểu như trang sổ lương của Nguyễn Tất Thành ký khi nhận lương làm việc trên tàu; bức thư của Nguyễn Tất Thành viết gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp để xin học vào năm 1911. Đó là những hiện vật vô cùng quý giá về Người đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng (ảnh), Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bài học về tinh thần yêu nước

PV: Năm nay chúng ta kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Theo đồng chí, từ sự kiện này, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần rút ra những vấn đề gì căn bản nhất trong suy nghĩ và hành động?

TS Chu Đức Tính: Sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước để lại những bài học có giá trị cho đến tận ngày nay và mai sau. Khi mọi sự giao lưu, hội nhập quốc tế hiện giờ đã trở nên bình thường thì sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên giá trị, đó là thể hiện khát vọng, tình yêu đất nước mãnh liệt. Khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là để giải bài toán mất độc lập, tự do như thế nào.

Tôi cho rằng, từ sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cách đây 110 năm, thế hệ ngày nay cần nhìn lại những việc mình đã và đang làm. Học theo Bác là làm việc gì đều cần phải có sự nhiệt tình, quyết tâm, sự đổi mới để đạt được chứ không dựa vào cái gì khô cứng, giáo điều, cũ kỹ. Luôn tự đổi mới, luôn tự làm mới để tìm ra cái mới. Theo tôi, dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là để thế hệ ngày nay cần rút ra được giá trị đó và chúng ta cần truyền cảm hứng đó cho thế hệ trẻ.

PV: Để lan tỏa tinh thần yêu nước cho giới trẻ hiện nay nhiều hơn nữa thì theo đồng chí cần phải có những biện pháp gì?

TS Chu Đức Tính: Điều quan trọng nhất với giới trẻ hiện nay là tạo cho các em hoài bão, dám xả thân, có khát vọng tìm ra cái mới và quan trọng hơn, thế hệ ngày nay phải nghĩ đến giá trị phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chứ không chỉ nghĩ đơn thuần Tổ quốc đã cho mình cái gì. Với tuổi trẻ thì khi có khát vọng, hoài bão, có chí khí nhưng phải gắn với phục vụ dân tộc, nhân dân, chứ không phải chỉ có hưởng thụ, đó chính là điều quan trọng nhất.

Theo tôi phải đưa các bài học mang tính lịch sử vào các trường phổ thông, đưa lịch sử vào phổ cập rộng rãi trong thế hệ trẻ bằng nhiều con đường khác nhau. Đưa lịch sử vào cuộc sống thì mới lan tỏa sâu rộng tinh thần yêu nước của Bác Hồ.

Bến Nhà Rồng hôm nay. Ảnh: Hoàng Thành.

PV: Ông đánh giá thế nào về phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?

TS Chu Đức Tính: Tôi càng nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lại càng cảm thấy mình luôn thiếu kiến thức về Người. Trong dòng chảy của thời đại ngày nay, tôi thấy Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã lan tỏa thành phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, không phải bây giờ chúng ta mới học Bác mà phải học Bác từ khi Người truyền bá Chủ nghĩa Mác Lê-nin vào Việt Nam, rồi Bác trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam từ năm 1941 giành chính quyền năm 1945 và trực tiếp lãnh đạo hai miền từ năm 1954.

Tôi nghĩ mỗi người dân Việt Nam học Bác lâu rồi nhưng bây giờ mới là “chiến dịch” hoàn chỉnh, học cả về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thì tất cả người dân đều phải học tập. Tôi là người làm công tác nghiên cứu nên có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các phương diện: Lý luận, trí tuệ, tấm gương đạo đức và phong cách hết sức giản dị, thanh cao, trong sáng của Người.

Tôi cho rằng, càng học về Bác Hồ thì càng rút ra một điều, mọi việc làm đều phải rất giản dị, gắn với cuộc sống đời thường. Nếu chỉ có các nghiên cứu mang tính trí tuệ thì cũng chỉ đọng lại trong một bộ phận tầng lớp nhân dân. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc sống đời thường thông qua đạo đức, phong cách của Bác thì tính lan tỏa sẽ rất lớn, cần thiết hơn và mọi tầng lớp nhân dân, từ những người có điều kiện học hành bài bản đến những người bình dân, đều học Bác qua đạo đức và phong cách trong sáng, thanh cao.

PV: Ông đánh giá thế nào về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trước đây và trong giai đoạn hiện nay?

TS Chu Đức Tính: Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Cụ Hồ luôn được dân tin, dân yêu. Bộ đội trong thời chiến cũng như thời bình phải hy sinh nhiều, đương đầu với khó khăn, hiểm nguy cũng nhiều. Vì thế, tình cảm của nhân dân dành cho lực lượng này rất sâu nặng và được gọi rất thân thương: Bộ đội Cụ Hồ. Không phải lực lượng vũ trang của quốc gia nào cũng được nhân dân gọi với danh xưng yêu mến, gần gũi như Bộ đội Việt Nam.

Trong các cuộc kháng chiến thì hầu hết gia đình Việt Nam nào cũng có người hy sinh. Như vậy ngay từ chính gia đình mình, dòng họ mình, ai cũng cảm thấy yêu mến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

Khánh Huyền (thực hiện)

Theo qdnd.vn

 

Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi