Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Phát triển du lịch Pác Bó trong tình hình mới
Ngày đăng: 09:53 01/03/2019
Lượt xem: 5.865
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách Trung tâm TP. Cao Bằng 52 km về phía Bắc, là nơi có núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nơi đây đã trở thành một điểm đến quan trọng và hấp dẫn trong tuyến du lịch phía Bắc của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, là tuyến hành trình trở về cội nguồn cách mạng của du khách khi đến Cao Bằng.
 
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước qua mốc 108 biên giới Việt - Trung, đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam

Pác Bó - Khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng

Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hang động phong phú; hồ nước, sông suối, thác nước tự nhiên trong xanh, hùng vĩ và từng được biết đến với những địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó... 

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về nước và Người đã chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Những di tích như: suối Lênin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm… sẽ mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Đây là một điều vinh dự lớn đối với mảnh đất Cao Bằng, nơi được coi như quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
      
Di tích hang Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8/2/1941 đến cuối tháng 3/1941
 
Từ mùa Xuân năm 1941 đến tháng 5 năm 1945, Pác Bó đã chứng kiến và là nơi diễn ra những quyết sách lịch sử quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cho vận mệnh tương lai của cả dân tộc Việt Nam:

- Triệu tập và chủ trì Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám;
- Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh;

- Chỉ đạo thành lập Báo Việt Nam độc lập;

- Chỉ đạo mở các tuyến xung phong Nam tiến;

- Mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ cách mạng;

- Chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa do Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chuẩn bị phát động và chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân;

- Quyết định chuyển cơ quan đầu não kháng chiến từ Pác Bó, Cao Bằng sang Tân Trào, Tuyên Quang để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
 
Bàn đá bên suối Lê-nin, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi làm việc và dịch cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Bôn sê vích Liên Xô

Ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Khu di tích Pác Bó được đầu tư tôn tạo và mở cửa đón khách tham quan. Tháng 2/1971, nhà trưng bày Pác Bó được khánh thành. Ngày 21/2/1975, Khu di tích Pác Bó được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 29/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1146/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó. Ngày 10/5/2012, Khu di tích Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Từ đó đến nay, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng mang lại sự đổi thay cho di tích Pác Bó, cùng với đó là lượng khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu ngày càng tăng.
 

Suối Lê-nin nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
 
Nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý để phát triển du lịch

Pác Bó không chỉ là một bảo tàng sống động về không gian và thời gian, lưu trữ những tư liệu, hiện vật gắn với giai đoạn non trẻ của cách mạng Việt Nam và sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là nơi tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Người đối với dân tộc, với bạn bè quốc tế thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với Người. Đây cũng chính là một địa điểm có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc. Ngoài ra, khi đến đây du khách còn được thưởng ngoạn không gian môi trường sinh thái trong lành tại Pác Bó. Với tổng diện tích hơn 500 ha được quy hoạch trong vùng phát triển du lịch, Pác Bó có khí hậu ôn hoà, mát quanh năm cộng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, có thể nói, du lịch sinh thái là sản phẩm đặc sắc để phát triển trong hiện tại và tương lai.

Theo quan điểm của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lúc thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, với mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác. Hòa chung với mục tiêu của cả nước, tỉnh Cao Bằng đã có những thay đổi kịp thời trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh để thu hút du khách, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương.
 

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi câu cá sau những buổi làm việc
 
Căn cứ vào giá trị tiêu biểu, độc đáo về mặt lịch sử, văn hóa và thực trạng công tác tổ chức quản lý tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, thời gian qua Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đã có những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý để thu hút du lịch nhằm phát huy tối ưu nhất các giá trị vốn có của di tích Pác Bó trong giai đoạn hiện nay.

Một là, chiến lược thu hút nhân tài, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động, trong đó đặc biệt chú ý tới đội ngũ hướng dẫn viên, chú trọng về phương pháp, nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm trong công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan tới nghiên cứu, học tập tại di tích.

Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong di tích, khuôn viên cảnh quan, trong đó chú trọng đến hạ tầng công nghệ phục vụ các hoạt động quản lý và nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho các công trình dịch vụ du lịch tiện ích, đặc biệt chú ý đến cải tạo hệ thống kiốt bán hàng lưu niệm và sản vật địa phương; phát triển chương trình số hóa góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý, tuyên truyền quảng bá di tích.

Ba là, đề cao vai trò trách nhiệm, quyền lợi của cộng đồng cư dân sinh sống trong không gian di tích, đặc biệt vận động các hộ gia đình tham gia vào việc cải tạo chuyển đổi diện tích đất trồng nông nghiệp trong di tích thành các không gian cây xanh, vườn hoa, vườn nông sản địa phương để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Định hướng nhân dân phát triển du lịch cộng đồng, vận động tuyên truyền người dân dựng nhà sàn truyền thống để đón khách du lịch nghỉ lưu trú, giao lưu ẩm thực, giao lưu văn hóa góp phần phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang kinh tế du lịch dịch vụ, nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng và lân cận.

Bốn là, đẩy mạnh chương trình tuyên truyền, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, đặc san, xây dựng website, các trang mạng xã hội facebook, zalo... đăng tải thông tin, hình ảnh, hoạt động du lịch tại Pác Bó. Xuất bản sách, ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Pác Bó đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Năm là, chú trọng công tác phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch dịch vụ trong và ngoài tỉnh cùng đầu tư và kêu gọi đầu tư phát huy tối đa các giá trị tại di tích Pác Bó gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm. Ngày 3/10/2017, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đã tổ chức lễ khánh thành nhà trưng bày và khai trương tuyến xe điện phục vụ khách du lịch, đây là điểm nhấn trong công tác quản lý, bảo vệ tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Việc đưa xe điện vào hoạt động tại Pác Bó nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, tạo sự đón tiếp chu đáo, trọng thị và để lại những hình ảnh đẹp trong lòng khách du lịch.

Bên cạnh những nỗ lực của đơn vị, hàng năm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý trực tiếp nhằm nâng cao công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Pác Bó gắn với việc quảng bá phát triển du lịch, đầu tư nhiều hạng mục công trình phát triển một cách đồng bộ kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương cũng như thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Pác Bó.

Kết quả thu được là, những năm gần đây lượng khách du lịch tới Pác Bó, Cao Bằng gia tăng một cách nhanh chóng, thu hút được nhiều đoàn khách là các ban, ngành, đoàn thể trong nước và quốc tế. Cụ thể, năm 2013, Pác Bó đón được trên 54 ngàn lượt khách, đến năm 2017 là trên 140 ngàn lượt khách và năm 2018 là 165 ngàn lượt khách.
 

Khu di tích Pác Bó phấn đấu trong năm 2019 đón trên 200 ngàn lượt khách tham quan và đến năm 2020 cơ bản trở thành điểm du lịch quốc gia 
 
Từ những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, Khu di tích Pác Bó tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và trong thời gian tới, Khu di tích Pác Bó đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm thu hút khách tham quan như:

 - Tổ chức tốt công tác thường trực, đón tiếp hướng dẫn khách tham quan du lịch và nghiên cứu tại di tích.

 - Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phát triển du lịch.

  - Kết nối các khu du lịch trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa tại các khu, điểm du lịch như tổ chức lễ hội thác Bản Giốc, lễ hội xuân Pác Bó...

 - Tiếp tục chỉnh trang khuôn viên hoa, cây cảnh tại khuôn viên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sân trung tâm, cột mốc Km0 điểm đầu đường Hồ Chí Minh, Khuôn viên ngã ba Khuổi Nặm, dọc hai bên bờ suối Lênin…

 - Tham gia kết hợp Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Cao Bằng và tuyên truyền tốt chương trình lễ công bố công viên địa chất non nước Cao Bằng, di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950 gắn với du lịch qua những miền di sản Việt Bắc.

 - Tiếp tục liên kết, kêu gọi đầu tư của các công ty Cổ phần điện tử tin học Viễn Thông, tập đoàn Sun Group vào lĩnh vực du lịch sinh thái; ưu tiên, ưu đãi các công ty du lịch mở các tour kết nối các trung tâm thành phố lớn với Pác Bó.

 - Tiếp tục đẩy nhanh công tác tuyên truyền, quảng bá phát huy tối đa các sản phẩm du lịch tại Pác Bó.

Khu di tích Pác Bó phấn đấu trong năm 2019 đón trên 200 ngàn lượt khách tham quan và đến năm 2020 Khu di tích Pác Bó cơ bản trở thành điểm du lịch quốc gia góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Đào Văn Mùi, Giám đốc Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng
(Đặc san thông tin tư liệu, số 57, tháng 12/2018)
 
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi