Sáng ngày 27/7/2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” với sự tham dự, chủ trì và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lĩnh vực di sản văn hóa từ nhiều thập niên trở lại đây, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham dự Hội nghị còn có Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, một số nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, cùng đông đảo phóng viên báo chí…
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Di sản văn hóa ở Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện - hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Trong Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã nêu rõ những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh di sản tiêu biểu ở trong nước và quốc tế; tu bổ, tôn tạo di tích; khai thác, phát huy giá trị di tích; bảo vệ và phát huy giá trị cổ vật; phát triển hệ thống bảo tàng; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu; kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ; tới các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh những thành tựu nổi bật, vẫn còn những hạn chế, bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: nhận thức về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện; nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được xử lý hài hòa; quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa còn chồng chéo, bất cập; việc tuyên truyền quảng bá di sản còn thiếu hiệu quả; nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; tình trạng phong tặng nhiều loại hình danh hiệu khác nhau khi chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Di sản không chỉ chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Trên quan điểm đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ba điểm chính. Một là, việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trước hết có giá trị to lớn trong giáo dục, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên và qua đó góp phần hình thành nhân cách con người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh. Hai là, hệ thống di sản mang trong mình những dữ liệu, thông tin cho thấy lịch sử phát triển của dân tộc, có giá trị lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự trường tồn của dân tộc. Ba là, hệ thống di sản là nguồn tài sản vô cùng quý giá của quốc gia và thực sự là nguồn nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả ngành văn hóa đã đạt được: Hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không ngừng được hoàn thiện và nâng cao giá trị pháp lý; Công tác bảo tồn di sản được quan tâm đầu tư, với nhiều nguồn lực khác nhau do Chính phủ hỗ trợ và do các địa phương và nguồn xã hội hóa; Hệ thống di sản được kiểm kê, xếp hạng, ghi danh và quản lý tốt hơn, nổi bật là 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 12 Di sản văn hóa phi vật thể và 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh… Số lượng khách tới thăm quan các khu di sản tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều khu di sản đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương sở hữu di sản.
Nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước khắc phục các hạn chế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng yếu:
1. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật di sản văn hóa.
2. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
3. Nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm.
4. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân vừa được trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.
5. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường.
6. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò của các chuyên gia, vai trò của nghệ nhân, người giữ hồn để truyền tải các giá trị tinh thần của di sản trong đời sống xã hội.
7. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bế mạc Hội nghị.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian sắp tới bằng những công việc cụ thể, bảo đảm hiệu quả và bền vững.
Tiếp nối chương trình Hội nghị, chiều ngày 27/7, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức Tọa đàm về công tác triển khai Nghị định số 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, với sự chủ trì của Thứ trướng Đặng Thị Bích Liên, tham dự có đại diện các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới, lãnh đạo các địa phương có di sản…./.
Viết Cường
Theo Cục Di sản Văn hóa