Những ngày tháng 7 thiêng liêng, mọi người dân từ khắp mọi miền đất nước đều hướng trái tim, tấm lòng của mình đến những gia đình thương binh liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng. Thấm nhuần đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và lời dạy của Bác Hồ: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.
Chi đoàn Khu di tích đến thăm và tặng quà gia đình Bác Nguyễn Trường Xuân thường binh hạng 4/4 xóm Hoàng Trù, xã kim Liên
Tham gia lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ
Trong những năm qua, tuổi trẻ Khu di tích Kim Liên luôn có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm tri ân các thương binh liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Tháng 7 năm nay, chi đoàn đã tham gia thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tại xã Kim Liên, Nam Giang, các liệt sĩ Xô Viết tại Hưng Nguyên, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hoà. Đại diện chi đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình hai bác Nguyễn Trường Xuân và Nguyễn Xuân Tư, là thương binh 4/4 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên. Chúng tôi có dịp được ngồi hỏi thăm trò chuyện cùng các bác, nghe các bác kể lại những tháng ngày hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của những chàng trai 18 đôi mươi, mang trong mình hoài bão lí tưởng cao cả: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để rồi, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến những chàng trai năm xưa không còn lành lặn, nhưng đối với họ được trở về quê hương đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Giờ đây, trong thời bình, những người lính anh dũng năm xưa đã qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn miệt mài với những công việc đời thường, động viên con, chăm sóc các cháu, tích cực tham gia xây dựng xóm làng, quê hương. Chúng tôi thấy thật ấm lòng khi nhìn thấy nụ cười của các bác luôn thường trực trên môi với niềm vui, hạnh phúc bên con cháu và tình làng nghĩa xóm sum vầy.
Chia tay các bác ra về, trong chúng tôi đều có nhiều cảm xúc. Các bác, các chú và biết bao thế hệ cha anh của chúng ta đã không tiếc hy sinh xương máu, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước. Không sao kể hết được bao nỗi mất mát đau thương, biết bao chàng trai, cô gái ra đi mãi mãi ở tuổi hai mươi, bao người mẹ, người vợ tiễn chồng, tiễn con ra đi và vĩnh viễn không bao giờ trở lại, những chiến sĩ sống sót trở về nhưng lại mang trên mình những thương tật, đớn đau mang theo suốt cả cuộc đời… Thế hệ trẻ hôm nay, không bao giờ quên và không được phép quên, những nỗi hi sinh mất mát mà thế hệ cha anh đi trước đã đánh đổi, để có được nền hòa bình quý giá hôm nay. Dẫu biết rằng không thể có sự bù đắp, đền đáp nào là xứng đáng với những sự hi sinh to lớn đó, nhưng nó cũng phần nào là ấm lòng, vơi bớt đi nỗi mất mát đau thương.
Là những thế hệ được sống và làm việc trên quê hương của Bác hôm nay, chúng tôi cảm thấy thật may mắn và tự hào, nguyện sống, làm việc và cống hiến hết mình để không hổ thẹn với những hi sinh to lớn của thế hệ cha anh …
Phạm Oanh
Khu di tích Kim Liên