Quê hương Nam Đàn nằm ở hạ lưu Sông Lam của xứ Nghệ, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ êm đềm với những ước mơ cao đẹp. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, tàn phá do giặc giã, thiên tai, nhưng trong khổ đau vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường, trong đói nghèo vẫn “đói sạch, rách thơm”.
Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: BTHCM
Năm 1906, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu) theo cha rời quê hương vào Huế. Từ đây, người đã di chuyển vào phía Nam, vừa học tiểu học, vừa trau dồi vốn chữ Hán, vừa học thêm tiếng Pháp, rồi tham gia dạy học và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba đã xuống tàu buôn Latouche-Tréville làm đầu bếp và xuất dương sang Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, bôn ba hải ngoại suốt 30 năm, Người trở về nước năm 1941, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nên mãi tới năm 1957, Người mới có dịp về thăm quê lần thứ nhất. Đến cuối năm 1961, trở về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng quê hương được đón Bác.
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Quê hương – Hai tiếng thân thương luôn khắc sâu trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tình cảm ấy không những được thể hiện qua 2 lần Người về thăm, mà những nỗi nhớ, niềm thương và kỳ vọng thiết tha của Người đã gửi gắm qua những bức thư, bức điện, bài viết gửi về quê nhà. Đã có 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện, 1 bài báo Bác viết và gửi cho quê hương Nam Đàn, quê hương Kim Liên.
Ngày 17 tháng 2 năm 1949, Bác có thư gửi Đội lão quân huyện Nam Đàn ngay sau khi biết tin Đội lão quân vừa được thành lập, Bác viết: Tôi rất vui lòng thay mặt chính phủ chúc mừng đội lão quân đã thành lập … Bác đề nghị đội lão quân của huyện đôn đốc "ba điểm chính" là quân sự, kinh tế, văn hoá. Bác viết "Nói tóm lại: nhiệm vụ chính của Đội lão quân là làm cho phong trào thi đua ái quốc sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, bền bỉ để làm cho giai đoạn cầm cự mau thắng lợi và để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tổng phản công".
Khi chưa thể về thăm quê, Bác gửi bức thư cho 2 ông Hoàng Phan Kính (là Cậu) và Trần Lê Hữu (là Dượng) của Bác vào tháng 4 năm 1949. Mở đầu bức thư là những dòng cảm động, chân tình: "Tôi rất cảm ơn Cậu và Dượng đã gửi thư cho tôi, tôi chưa về được, không phải vì tôi vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mỗi người dân Việt Nam là "vì nước quên nhà, vì công quên tư". Cuối thư Người viết "Tôi rất mong Cậu và Dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sỹ thường giúp đỡ tôi và Chính phủ bằng cách gửi những phê bình, sáng kiến và đề nghị. Tôi lại mong Cậu, Dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc". Bác nhờ “Cậu và Dượng chuyển đến thân thích nội, ngoại, các cụ, các vị và đồng bào trong xã trong huyện lời chào thân ái và quyết thắng và cho các cháu nhi đồng nhiều cái hôn”.
Kim Liên vinh dự và tự hào khi nhận được 3 bức thư của Bác. Bức thứ đầu tiên, ngày 19 tháng 12 năm 1958, Bác gửi các cụ "phụ lão diệt dốt" khi biết tin xã nhà đã thanh toán nạn mù chữ và cảm ơn các cụ trong công tác bình dân học vụ.
Bức thư thứ 2, ngày 13 tháng 2 năm 1962, Bác gửi cho đồng bào, cán bộ xã Nam Liên phúc đáp Thư chúc Tết của xã. Trong thư, Bác biểu dương mấy nỗ lực và tiến bộ của xã: "Trồng trọt vượt diện tích, bỏ được thói cấy chay"..."Đảng viên và đoàn viên thanh niên làm gương mẫu tăng thêm ngày công lao động và năng suất lao động". Bác "nêu mấy điểm để đồng bào và cán bộ chú ý", bao gồm: "đoàn kết yêu thương như người trong một nhà ... Tư tưởng bảo thủ là những sợi dây cột chân, cột tay người ta, phải vứt nó đi. Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm".
Bức thứ 3, Bác gửi cho các cháu học sinh xã Nam Liên ngày 15 tháng 3 năm 1967, Bức thư không dài nhưng nó chứa chan bao tình cảm yêu thương giành cho thế hệ trẻ: "Bác đã nhận được thư của các cháu, Bác rất vui mừng. Các cháu học sinh đã cố gắng thi đua học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước. Bác hoan nghênh đồng bào, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu. Bác hôn các cháu! Bác Hồ".
Có một xã ở Nam Đàn vinh dự, tự hào được Bác Hồ gọi là "Xã kiểu mẫu" trong bài viết cùng tên đăng trên Báo Nhân Dân ngày 21 tháng 6 năm 1955. Đó là xã Nam Thượng. Thông tin về xã vùng núi khó khăn nhất của huyện Nam Đàn đến với Bác khá đầy đủ và chi tiết. Bác viết: "Sau trận lụt tháng 9 năm 1954, xã ấy thiệt hại rất nặng. Tiếp đến nạn đói. Song nhờ cán bộ làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, khéo lãnh đạo nhân dân, kiên quyết tổ chức sản xuất tự cứu và khuyến khích nhân dân giúp đỡ lẫn nhau". Tiếp đó, Bác nêu các việc tốt ở Nam Thượng: sửa chữa nhà cho đồng bào, nhân dân giúp nhau 11 tấn lương thực, trồng được 100 mẫu ngô, hơn 3500 loại bầu bí, cấy được 115 mẫu chiêm và nhiều hoa màu, tổ chức canh tuần ban đêm, tổ chức đào mương, tát nước chống hạn, chống sâu, chống được giặc đói lại giúp được xã bạn 2 tấn ngô, khoai, đỗ và giúp họ tăng gia sản xuất. Bác kết luận: "Đó là xã kiểu mẫu mà các xã khác nên bắt chước". Bác ký tên dưới bài báo là C.B.
Kim Liên chưa bao giờ vui như ngày ấy, ngày 16 tháng 6 năm 1957, Bác Hồ về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách. Có một điều rất đặc biệt là khi ấy Bác Hồ về thăm lại quê hương không phải với cương vị Chủ tịch nước, mà chỉ với tư cách là một người con đi vắng xa nhà rất lâu, nay thăm lại quê cha, đất mẹ, thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, thăm lại bạn bè, bà con lối xóm với tình cảm rất đỗi giản dị, thân thương, bồi hồi, xúc động. Người đã ân cần thăm hỏi bà con về sức khoẻ, về lao động sản xuất, về cuộc sống hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về giếng Cốc, lò rèn cố Điền nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi ấu thơ của Người. Mọi người vô cùng xúc động khi chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm gia đình cố Phương - một cố nông nghèo nhất làng khi Người còn sống tại Làng Sen.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh, dâng nén hương thơm tưởng nhớ các bậc tổ tiên. Sau đó Người ra sân vận động nói chuyện với nhân dân xã nhà. Bằng giọng ấm áp ân tình, Bác hỏi thăm về cải cách ruộng đất, về nạn trộm cắp rượu chè, về trạm y tế xã... Bác hỏi đồng bào có muốn xây dựng Nam Liên thành một xã gương mẫu không? Bác mong lần sau khi Bác về thăm quê thì đồng bào đã đạt thêm nhiều thành tích mới to lớn hơn. Thăm quê lần đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Cán bộ, nhân dân Kim Liên làm tốt Bác sẽ về thăm". Vô cùng xúc động trước tình cảm của Người, Đảng bộ, nhân dân Kim Liên đã ra sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh. Ngày 9 tháng 12 năm 1961, lần thứ hai cũng là lần cuối cùng quê hương được đón Bác về thăm. Nhớ lời căn dặn của Bác dành cho Xã nhà, Bác khen ngợi 3 điều:
"1. Lần trước Bác về," đèn nhà ai rạng nhà nấy", niêu nhà ai nhà ấy dùng, làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một thay đổi lớn.
2. Lần trước Bác về, chưa thấy có mấy trường này, mà nay đã có cho các cháu trong làng và các làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hoá. Thế là văn hoá tiến bộ.
3. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ hàng ngũ chỉnh tề ở đây cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ..."
Tiếp đó Bác căn dặn: "Phải củng cố hợp tác xã cho tốt", "Phải lao động nhiều", phải thực hành "kỹ thuật cánh tác mới"; Bác cũng thẳng thắn phê bình: "Xã viên thiếu tinh thần làm chủ", "Ban quản trị còn quan liêu". Bác yêu cầu làng, xã phải "xây dựng đời sống ngày càng no ấm lên, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội". Bác không quên lưu ý: "Hiện nay cả xã Nam Liên vẫn còn 33 người mù chữ", "các cháu đau mắt hột nhiều, có đúng không?". Bác căn dặn cán bộ, đảng viên: "Xã ta có hơn 230 đảng viên, đoàn viên, phải gương mẫu trong mọi công việc, trong tăng gia sản xuất, trong học tập. Nên như thế, mà phải như thế. Nếu đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên. Đoàn viên cũng thế. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ đồng bào tiến bộ". Bác nhấn mạnh: "Làm đúng những điều Bác dặn, là làm cho Nam Liên thành một xã gương mẫu, tức là các cô, các chú đã góp phần vào công việc xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội"...
Thực hiện lòng mong mỏi của Bác, giờ đây Xã Kim Liên, Nam Thượng nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung đã đổi thay mạnh mẽ.
Nam Đàn đang tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu; phấn đấu đến hết năm 2025 có 7/17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và các xã còn lại đạt NTM nâng cao; kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với vùng quy hoạch hơn 2.500 ha gắn với chuỗi chế biến, tiêu thụ … từng bước xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Là hình mẫu của tỉnh, phản ánh được chiều sâu về trầm tích văn hóa, tầm vóc quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,
Khắc ghi, trân trọng những tình cảm của Bác dành riêng cho quê hương Nam Đàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Đàn luôn nêu cao nhận thức trọng trách chính trị to lớn là “quê hương nghĩa trọng tình cao” của Bác Hồ kính yêu, để trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm xứng đáng với tìm cảm sâu thẳm, vô bờ bến của Bác Hồ. Đó cũng là ước vọng cháy bỏng của đồng bào nhân dân trên quê hương Bác kính yêu.
Bùi Bích Đảm
Khu di tích Kim Liên