Bác Hồ với những cái Tết cổ truyền của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp (cả sau này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc) cho thấy một lãnh tụ vĩ đại, thiên tài, một nhân cách văn hóa lớn.
Thiệp - Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949. Ảnh tư liệu
Tết cổ truyền Canh Ngọ năm 1930, Bác sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 29 tháng Chạp (29 Tết âm lịch năm Canh Thìn - ngày 26-1-1941), Bác cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc) chuẩn bị về nước. Sáng hôm sau, Mùng 1 Tết Tân Tỵ (ngày 27-1-1941), Bác cùng các đồng chí trong cơ quan đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Đi thăm hỏi từng gia đình, theo phong tục người Nùng, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trên đó có dòng chữ Hán do chính tay Người viết “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ nhận được tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng. Ngày 28-1-1941 (Mồng 2 Tết) Người lên đường về nước.
Tết đầu tiên của chế độ Dân chủ Cộng hòa, Mùng 1 Tết Bính Tuất (2-2-1946), Thơ Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 155. Trong thơ, Người chúc đồng bào cả nước:
“Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc chóng thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi”.
10 giờ cùng ngày, Bác đến Nhà hát Thành phố Hà Nội chúc Tết đồng bào. Tại đấy, Người đọc lời Chúc mừng năm mới.
Mùng 2 Tết Bính Tuất, Bác thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại chùa Láng. Gặp gỡ đồng bào, Người nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”; kêu gọi nhân dân đoàn kết muôn người như một, thực hiện “tấc đất tấc vàng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ bộ đội.
Trước đó, tối 30 tháng Chạp Ất Dậu (1-2-1946), Bác đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa (nay là ngõ Lương Sử C); một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy. Gần giao thừa, Người cải trang đến thăm đền Ngọc Sơn, cùng bà con đón giao thừa.
Giao thừa Bính Tuất và Đinh Hợi, trong phòng Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đặt tại Chùa Trầm ở Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Bác đọc bài Thơ Chúc Tết đồng bào cả nước:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Thồng nhất độc lập, nhất định thành công!
Mùng 1 Tết Đinh Hợi (22-1-1947), Bác dậy sớm và làm việc như thường lệ. Người phân công từng người trong cơ quan đi chúc Tết các nhà lân cận. Người viết mấy chứ Hán “Cung hỷ tân xuân” (Chúc mừng năm mới) trên tờ giấy điều, kèm theo một quả cam, một quả quýt gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. Tối cùng ngày, Người tiếp các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến chúc Tết và cùng các vị họp ngay bên bếp lửa cho đến 1 giờ sáng hôm sau.
Chuẩn bị bước sang năm mới và đón Tết Mậu Tý 1948, Bác gửi Thơ Chúc Tết Mậu Tý tới đồng bào và chiến sĩ cả nước:
“Năm Hợi vừa đi qua
Năm Tý vừa bước tới.
Gửi lời chúc đồng bào,
Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng;
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công.
Trong Thư gửi Thứ trưởng Bộ Giao thông - Công chính Đặng Phúc Thông, Bác viết:
“Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi,
Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi.
Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.
Chú mang cho ấm, cũng như tôi”.
Ngày 28 tháng Chạp âm lịch (7-2-1948), Bác mời đại biểu Ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy… dự bữa cơm liên hoan tất niên và đón mừng năm mới. Người kể lại những mẩu chuyện trong đời hoạt động của mình. Bàn chuyện kháng chiến, Người nói: Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến.
Giao thừa Mậu Tý và Kỷ Sửu, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ và nhân viên Văn phòng Chính phủ. Bên đống lửa nổ như pháo, Bác chúc Tết mọi người và mừng tuổi mỗi người một quả cam, quà Tết của đồng bào tặng Bác.
Mùng 1 Tết Kỷ Sửu (29-1-1949), Bác tiếp cán bộ, nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch đến chúc Tết. Sau khi nói chuyện tình hình thế giới, trong nước, Bác đề xuất làm trọng tài cho mọi người chơi bóng chuyền và giao hẹn bên nào thắng sẽ thưởng cho mỗi người một điếu thuốc lá thơm. Trận đấu diễn ra sôi nổi. Kết thúc, bên thắng, bên thua và cả những người không tham gia đều nhận là thắng. Bác lắc đầu “chịu” mọi người và vui vẻ nói: Đúng! Năm nay là năm đại thắng lợi, không ai thua cả! Bác thưởng tất cả.
Từ ngày 2-1-1950 đến ngày 11-3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc và Liên Xô. Nhân dịp Tết Canh Dần, ngày 19-2-1950, Bác gửi Thơ Chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, đăng báo Sự thật, số 128. Toàn văn như sau:
“Kính chúc đồng bào năm mới,
Mọi người càng thêm phấn khởi,
Toàn dân xung phong thi đua,
Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,
Chuyển mau sang tổng phản công,
Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Những ngày đầu năm 1951, Bác Hồ tập trung cho công việc tổ chức Đại hội II của Đảng nhưng vẫn đặc biệt quan tâm đến Tết cổ truyền của dân tộc. Ngày 5-2-1951 (29 tháng Chạp Canh Dần -29 Tết), Thơ chúc Tết của Người đăng trên báo Cứu quốc, số 1748. Toàn văn như sau:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái môt lòng,
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.
Tối, Người gặp gỡ và dự bữa cơm tất niên với các thành viên trong Hội đồng Chính phủ.
Mùng 1 Tết Tân Mão (6-2-1951), Bác đến phòng các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Hội đồng Chính phủ chúc Tết từng người. 8 giờ, Người tiếp đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh - Liên Việt do ông Phạm Bá Trực và ông Phan Kế Toại dẫn đầu đến chúc Tết. Người cảm ơn Quốc hội, nhân dân, Chính phủ và chỉ ra rằng chúng ta mỗi năm mỗi tiến bộ nhưng sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa, do vậy phải chuẩn bị đối phó với những khó khăn và khắc phục khuyết điểm để có thắng lợi to lớn hơn. Sau đó, Người biếu mỗi người một quả cam với câu: “Khổ tận cam lai”, dặn ai có gia đình thì mang cam về.
Chiều, Người chủ tọa cuộc họp Tết Tân Mão của Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình thế giới, quân sự và ngoại giao.
Tối, Người dự liên hoan văn nghệ lửa trại với các thành viên trong Hội đồng Chính phủ. Cùng ngày, Người gửi Thư chúc mừng năm mới Tân Mão tới các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và toàn thể đồng bào vùng trung du.
Nhân dịp Tết Nhâm Thìn năm 1952 (24-1-1952), Người gửi Thơ Chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:
“Xuân này, Xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm
Chiến sĩ thi giết giặc
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta
Mấy lời thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”
Mùng 1 Tết Nhâm Thìn (27-1-1952), báo Nhân Dân, số 43 đăng bài viết của Người về tình hình trong nước và thế giới, chỉ ra nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 1952 để tiến bộ nữa và thắng lợi nhiều hơn nữa. Trong đó, Người đặc biệt nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, nạn lãng phí là những trở ngại của hoàn thành nhiệm vụ. Bài viết chỉ rõ “phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội”.
Năm 1953, cùng với Thơ Chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp đầu năm dương lịch (1-1), Người vẫn có Thơ Chúc Tết Xuân Qúy Tỵ tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Toàn văn bài thơ như sau;
“Mừng năm Thìn vừa qua,
Mừng Xuân Tỵ đã tới.
Mừng phát động nông dân,
Mừng hậu phương phấn khởi.
Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới.
Mừng toàn dân kết đoàn,
Mừng kháng chiến thắng lợi.
Mừng năm mới, nhiệm vụ mới,
Lực lượng mới, thành công mới.
Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào,
Mừng phe dân chủ và hòa bình thế giới”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ (năm 1954), Bác gửi ba bức thư và thơ chúc Tết. Đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất cùng một lúc Người gửi ba bức thư và thơ cho các đối tượng khác nhau. Chưa có nghiên cứu sâu về trường hợp đặc biệt nay, nhưng qua nội dung các bức thư, thơ, chúng ta có thể hiểu dự báo thiên tài của Người về mùa Xuân đại thắng.
Trong Thơ Chúc Tết quân và dân cả nước, Người chỉ rõ:
“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.
Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông,
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.
Trong Thư gửi các cán bộ và chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ, Người biểu dương chiến công của các chiến sĩ và mong mọi người “nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi”.
Trong Thư gửi cán bộ và chiến sĩ nam nữ vùng tạm bị chiếm, Người căn dặn, sang năm mới cuộc kháng chiến của ta sẽ gay go hơn, địch càng thất bại chúng càng điên cuồng, thủ đoạn hơn. Để phá tan âm mưu của giặc, cán bộ và chiến sĩ ta phải thi đua giết cho nhiều giặc, giữ nước, giữ làng”.
Ba bức thư và thơ khép lại bằng Đại thắng ở Điện Biên Phủ, một thiên sử vàng, rung động năm châu, chấn động địa cầu.
Bác Hồ với những cái Tết cổ truyền của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp (cả sau này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc) cho thấy một lãnh tụ vĩ đại, thiên tài, một nhân cách văn hóa lớn. Những bài thơ, thư chúc Tết và sự quan tâm, thăm hỏi ân cần, chu đáo của Người tỏ rõ một quyết tâm, đồng tâm, tín tâm, dự báo thiên tài, một đẹp văn hóa, một động lực, nguồn lực, sinh khí lớn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước để cuối cùng “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”; “Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn”./.
PGS. TS Bùi Đình Phong
Theo http://hochiminh.vn