Ngày 11/6 vừa qua, ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên trong nhóm 8 cận vệ “Trường/ Kỳ /Kháng /Chiến /Nhất/ Định /Thắng/ Lợi” qua đời (hưởng thọ 98 tuổi), khép lại một thế hệ cận vệ gồm 8 người từng mang trong mình nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giai thoại về 8 con người được “khai sinh” lại đến nay vẫn được nhắc lại nhiều, phần vì sự đặc biệt từ ý nghĩa của 8 cái tên ghép lại, phần vì sự cao cả và trách nhiệm lớn lao của họ khi được tin tưởng giao nhiệm vụ ở bên cạnh Bác Hồ.
Hồi ức từ những tháng ngày đầy thăng trầm của đất nước
Vào những ngày gần cuối cuộc đời, ông Nguyễn Hữu Văn, người được Bác Hồ đặt tên là Chiến vẫn còn nhớ rất sâu đậm về ký ức một thời đất nước gian nguy. Thời khắc được là một trong số những người đi theo Bác lên Chiến khu Việt Bắc, ông cảm thấy đã mang trong mình trách nhiệm to lớn, dẫu có khó khăn gian khổ, được làm việc cùng Bác Hồ là một trong những điều may mắn và hạnh phúc.
Bức tranh vẽ ông Tạ Quang Chiến phụ việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang năm 1949.
Vào tháng 12/1946, sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… đã phải rời Hà Nội để lên Chiến khu Việt Bắc. Những ngày đầu kháng chiến, theo chỉ thị của Trung ương, Tổ Cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh hành quân trở lại Chiến khu Việt Bắc. Đi với Bác là bộ phận gọn nhẹ có 8 cận vệ gồm các đồng chí: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn.
Nói là cận vệ của Bác nhưng thực tế Tổ Cận vệ làm tất cả các công việc Bác giao như cảnh vệ, công tác văn phòng, liên lạc, hậu cần… Phương châm đặt ra là một người thạo nhiều việc, song bảo vệ Bác vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Đến khoảng thời gian đầu tháng 3 năm 1947, Bác Hồ và mọi người đến được xã Cổ Tiểt, Tam Nông, Phú Thọ, tạm thời dừng chân tại đây. Sáng ngày 06/3/1947, lúc ấy, Bác gọi tám người anh em đi theo Bác lại bàn bạc. Bác rất hiểu tình hình và hoàn cảnh, dẫu khó khăn nhưng Bác vẫn mong mỏi mọi người phải hết sức cố gắng. Sau khi căn dặn công chuyện, phân công việc làm và nhắc nhở mọi người phải giữ thông tin tuyệt mật, lúc này Bác mới đưa ra ý tưởng đặt tên cho tám anh em.
Bác có nói, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Bác chỉ vào từng người đang quây quần bên Bác, đặt tên cho từng đồng chí theo thứ tự vòng tròn lúc đó.
Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác từ Đèo Khế, Thái Nguyên sang Tuyên Quang năm 1947 (đồng chí Hoàng Hữu Kháng - 1 trong 8 cận vệ ngồi thứ 4 từ trái sang).
“Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” - như một lời khẳng định, quyết tâm hết sức vì thời cuộc từ Bác, cũng là một cách trấn an tinh thần, gây dựng một lòng vững chãi từ tám người chiến sĩ tin tưởng đi theo phục vụ Bác mà không hề nao núng. Sau này, bất kỳ vị trí của người nào thay đổi người tiếp theo vẫn tiếp tục kế thừa cái tên mà Bác đã đặt cho. Mọi người dường như được khai sinh lần nữa, và lần này mang trong mình một lòng tự hào vì được giao phó nhiệm vụ góp sức cùng người cha của dân tốc, đồng hành trên quãng đường tiến tới giải phóng non sông.
Những người đi bên Bác đến thắng lợi dân tộc
Mỗi khi có một trong tám người chuyển công tác, đều có người khác thay, vì vậy có 3 người kế tiếp nhau tên là Trường, 2 người tên là Nhất và 2 người tên là Thắng.
Ba người kế tiếp nhau tên Trường: Người đầu tiên (Võ Trường) tên thật là Võ Chương, gốc Huế. Trước Cách mạng tháng Tám dạy học tại Thanh Hóa, sau chuyển về Hà Nội vừa dạy học vừa hoạt động cách mạng. Sau đó, được tuyển vào Đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu. Tháng 10.1945 được đồng chí Nguyễn Lương Bằng bổ sung vào đội cận vệ của Bác. Khi lên tới Chiến khu Việt Bắc, ông chuyển sang làm công tác khác và lâm bệnh mất năm 1949.
Người thứ hai mang tên Trường là ông Hoàng Văn Phức, tức Văn Lâm. Là người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng. Trước năm 1945, là tự vệ của căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, từ tháng 5.1945 được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác với tên Nhất. Sau khi ông Võ Chương nhận nhiệm vụ khác, ông Hoàng Văn Phức thay thế ông Trường và được gọi là Hồ Văn Trường. Về sau ông được giao nhiệm vụ coi giữ kho tài sản của Ngân hàng Nhà nước và từng là cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông mất năm 1994.
Người thứ ba mang tên Trường tên thật là Phạm Văn Nền, quê ở Hà Nội. Về sau làm lái xe cho Bác cho đến khi Bác mất. Ông Nền mất năm 1996.
Người mang tên Kỳ (Vũ Kỳ), tên thật là Vũ Long Chuẩn, tức Nguyễn Cần, quê ở Hà Đông, tham gia Cách mạng từ năm 1941, bị địch bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội; năm 1945 vượt ngục, tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 tại Hà Nội. Ông làm Thư ký giúp việc Bác Hồ từ 8/1945 đến năm 1949 và từ năm 1957 đến khi Bác mất. Trước khi nghỉ hưu, ông là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông mất năm 2005.
Người mang tên Kháng (Hoàng Hữu Kháng), quê ở Thái Bình, tên thật là Nguyễn Văn Cao, tức Lý. Ông hoạt động Cách mạng trước năm 1945, từng bị địch bắt giam tại nhà tù Sơn La từ năm 1941, sau đó chuyển về nhà tù Chợ Chu, Thái Nguyên. Ông vượt ngục và tham gia xây dựng căn cứ địa ở Chiến khu Việt Bắc, làm Hiệu phó Trường quân chính kháng Nhật. Sau này, ông là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Ông mất năm 1994.
Người thứ tư tên Chiến (Tạ Quang Chiến), tên thật là Nguyễn Hữu Văn, tham gia cách mạng năm 1943, sau Cách mạng Tháng 8/1945 được phục vụ Bác Hồ, đến năm 1957 chuyển công tác khác. Ông từng là Bí thư Trung ương Đoàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Xã hội của Quốc hội khóa VII, đã qua đời vì tuổi già tháng 6/2022, là người cận vệ cuối cùng của Bác ra đi.
Hai người mang tên Nhất gồm người đầu tiên (Hồ Văn Nhất) dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, tên thật là Hoàng Văn Phúc, bí danh Văn Lâm, bảo vệ Bác từ tháng 5/1945 khi Bác về Tân Trào, Tuyên Quang. Sau khi ông Võ Trường chuyển sang làm công tác khác, ông Hồ Văn Nhất thay thế ông Trường và được gọi là Hồ Văn Trường. Như vậy ông vừa có tên là Nhất vừa có tên là Trường. Sau này ông là cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, mất năm 1994.
Người thứ hai mang tên Nhất thay ông Hồ Văn Nhất là ông Long Văn Nhất, bí danh là Tiên Phong, nguyên là cận vệ của đồng chí Võ Nguyên Giáp được điều sang phục vụ Bác Hồ. Ông mất năm 1967.
Người thứ sáu tên Định (Võ Viết Định), tên thật là Chu Phương Vương, tức Ngọc Hà, là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quê ở Cao Bằng, bảo vệ Bác từ tháng 8/1945. Tới tháng 5/1952 chuyển công tác. Sau này, có thời gian ông là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Công ty Xây lắp cơ khí thuộc Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên. Ông đã mất.
Hai người được mang tên Thắng. Người đầu tiên là ông Nguyễn Quang Chí, tức Nguyễn Văn Huy. Bảy tháng sau ngày được Bác Hồ đặt tên, ông chuyển công tác khác. Người thứ hai mang tên Thắng (Triệu Hồng Thắng) tên thật là Triệu Văn Cắt, tức Triệu Tiến Thọ, dân tộc Dao, quê ở Thái Nguyên. Sau năm 1954, ông Triệu Hồng Thắng là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ông mất năm 1975.
Người thứ tám được Bác Hồ đặt tên Lợi (Trần Lợi), tên thật là Trần Đình, dân tộc Nùng, quê ở Cao Bằng, nguyên là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bảo vệ Bác từ năm 1945 đến năm 1950 thì chuyển về địa phương. Ông đã mất trong kháng chiến chống Pháp.
Họ đều là những người đã đi vào lịch sử của dân tộc, ai cũng đã đặt một vết son đỏ vào bản hùng ca chiến thắng của dân tộc. Được Bác tín nhiệm và đặt tên, mỗi người đều rất tự hào vì chính họ như là minh chứng của một khẩu hiệu sống, hiển hiện và nhiệt huyết. Tám người “cận vệ” được Bác Hồ khai sinh nay đều đã rời cõi tạm, nhưng giai thoại về những anh hùng ấy hẳn vẫn còn mãi, vẫn được khắc ghi theo dòng lịch sử non sông./.
Đinh Thị Trách (Tổng hợp)
Theo https://www.bqllang.gov.vn