Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

“Các cô là phụ nữ, phải biết nấu ăn”
Ngày đăng: 04:26 19/05/2021
Lượt xem: 2.345

Đó là câu chuyện bà Lưu Thị Liên hiện sống ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội thường kể cho các con, cháu nghe vào mỗi dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu tháng 5 năm 2021, khi tình hình Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, chúng tôi may mắn được bà cho phép đến thăm và kể cho nghe một số mẩu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm Cơ quan Phụ nữ Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Câu chuyện diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn vô cùng ý nghĩa. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 131 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu đến bạn đọc.

Bà Lưu Thị Liên. Ảnh: BTHCM

 
Bà Lưu Thị Liên (tức Hiền- tên hồi nhỏ) sinh năm 1933, tại xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ phải bán Liên đi ở đợ kiếm cơm qua ngày... Sau Cách mạng Tháng Tám, cô bé Liên được đưa vào trại trẻ mồ côi ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối năm 1947, trại trẻ mồ côi giải tán, Liên may mắn được đồng chí Thanh Thủy- Ủy viên Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương đón về nuôi dưỡng, làm giao thông liên lạc, đánh máy chữ và kiêm cần vụ.
Thời gian sống ở Chiến khu Việt Bắc từ đầu năm 1947- 1954, Lưu Thị Liên được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc chuyển công văn, giấy tờ của cơ quan Phụ nữ đến các cơ quan Trung ương. Ngoài ra, bà còn chịu trách nhiệm đưa, đón các đồng chí lãnh đạo mỗi khi dự các Hội nghị Trung ương, hội nghị tổng kết…Vì vậy, bà nhiều lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác là một câu chuyện thật cảm động, đến nay bà mãi không quên sự quan tâm ấy của Người.
Bà bộc bạch: Hôm đó là một ngày rất đặc biệt - khoảng 15 giờ ngày 19/5/1950, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Cơ quan Phụ nữ Trung ương đi dự lễ mừng Ngày sinh nhật Bác, ở nhà chỉ còn ba chị em là: chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chị Tâm Trung (cán bộ Hội) và tôi. 
 

Bà Lưu Thị Liên chụp ảnh cùng gia đình. Ảnh: BTHCM

 

Bà Lưu Thị Liên hồi tưởng và dần đưa chúng tôi trở lại những tháng ngày làm công tác giao liên ở “Thủ đô gió ngàn”. Như bao ngày, bà khoác chiếc bị cói đựng công văn, vừa đến đầu dốc đồi cọ Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên), thì bất ngờ bà nhìn thấy Bác Hồ và đồng chí bảo vệ đang đi tới, bà vội chạy đến chào Bác rồi dẫn Người về cơ quan. 
Bà kể tiếp: Để Bác nghỉ chân cạnh gốc đa cổ thụ, tôi chạy đến các phòng rồi  gọi lớn:
- Các chị ơi! Bác đến! Bác đến.
Mấy chị em cùng chạy ùa ra đón Bác. Thấy mấy gian nhà vắng vẻ, Người hỏi ngay:
- Các cô đi đâu hết cả?
Chị Thanh Hương thưa Bác: 
- Dạ! Các đồng chí lãnh đạo và chị em cơ quan cháu vào Nhà khách Trung ương dự họp chưa về ạ!
Bác hiền từ nhìn 3 chị em, rồi ân cần Bác bảo: 
- Bác đi dự Hội nghị gần đây, nhân tiện đường về, Bác ghé thăm các cô!
Lúc này trời đã gần tối lại lất phất mưa, chị Thanh Hương liền thưa: 
- Thưa Bác, chúng cháu nấu cơm, mời Bác và đồng chí bảo vệ ở lại ăn cơm.
Sau một lát suy nghĩ và trao đổi với đồng chí Kháng đi cùng, Bác đã nhận lời. Kể đến đây, bà Liên trầm ngâm giây lát, bà nói: Được các chị phân công nấu cơm, nhưng rồi tôi sực nhớ, chị quản lý kho đi họp cầm chìa khóa nên đành phải “bí mật” trèo qua tấm liếp nứa. Vào kho, tôi lấy được gạo, cùng hộp măng tây là chiến lợi phẩm của tiểu đoàn em nuôi tặng. Lát sau, một mâm cơm “thịnh soạn” được dọn ra, có: bát canh măng tây, bát muối rang với mỡ và ớt, mấy quả trứng gà luộc. 
Vì nghĩ mình chỉ là giao liên nên bà Lưu Thị Liên không dám ngồi ăn cùng, Bác liền bảo bà Thanh Hương: “Gọi cô bé cấp dưỡng đến ăn cơm cùng Bác cho vui”. Đến nay, dù hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về lần được gặp và ăn cơm cùng Bác đối với bà Liên là một kỷ niệm quá đỗi thiêng liêng, vô cùng xúc động!
Bà Liên kể tiếp: Trong bữa cơm, nhìn vào bát măng, Bác hỏi: Măng tây, các cô nấu thế nào?
Liên thưa với Bác: Thưa Bác, măng tây cháu tước ra, đun nước sôi cháu đổ măng vào, gần được cháu thêm tí mỡ, tí muối ạ!
Bác cười bảo: Đây là măng tây đóng hộp của Pháp, khi nấu cháu phải cắt ra từng khúc, rửa sạch rồi mới bỏ vào nấu. Các cô là phụ nữ, phải chịu khó học văn hóa, học chính trị, học nữ công gia chánh và nhất là phải biết nấu ăn ngon!
Ghi nhớ những lời dạy của Bác, suốt cuộc đời mình bà Lưu Thị Liên đều luôn cố gắng học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ đoàn thể giao, đồng thời bà cũng luôn chăm lo tốt nhất cho các thành viên trong gia đình, là một người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà.
Giờ đây, khi kể lại câu chuyện được gặp và ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, bao ký ức trong bà lại ùa về, chợt tôi thấy khóe mắt bà cay cay. Những lời dạy bảo chân tình, sâu sắc và bổ ích ngày ấy của Bác mãi sẽ là hành trang để bà thêm quyết tâm rèn luyện, học tập và làm theo những lời Người căn dặn.

ThS. Phí Thị Hồng Vân

Bảo tàng Hồ Chí Minh

 
 

Các bài viết khác

Xuân về nhớ thơ Bác
11/02/2024
77 lượt xem
Mùa Xuân nghĩ về Đảng
08/02/2024
53 lượt xem
"Chỉ sợ lòng dân không yên"
16/03/2023
925 lượt xem
Nơi yên nghỉ của Bà Nội Bác Hồ
25/09/2022
3.265 lượt xem
Quê hương vọng mãi lời Người
14/06/2022
1.074 lượt xem
Bác Hồ với quê hương Nam Đàn
03/09/2021
3.326 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi