Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Biên niên tiểu sử
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 17 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số; gửi điện cho Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn; ra Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương; ký các sắc lệnh số: 221, 223, 224
Thời gian: 27-11-1946
Nội dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương(1). Người nêu lên bốn điều lợi của nghĩa thương là:

“1. Để dành thì mình khỏi lo đói;

2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi;

3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào;

4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói”.

Chiều, Người tiếp 17 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số: Bình Lương, Châu Lạc Thủy, Chi Nê (Hòa Bình). Sau khi thăm hỏi tình hình đời sống của nhân dân địa phương, Người căn dặn đồng bào phải “sống cho đúng đặng là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Cùng ngày, Hồ Chí Minh gửi điện cho Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn, yêu cầu chấm dứt ngay những cuộc đụng độ ở Bắc Kỳ(2).

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 221, bổ nhiệm Đổng lý sự vụ Bộ Cứu tế xã hội.

- Sắc lệnh số 223, ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng.

- Sắc lệnh số 224, đổi tên Nha, Sở, Ty Thông tin tuyên truyền thành Nha, Sở, Ty Thông tin.

------------------------------------------

1) Một loại quỹ do nông dân tự nguyện tham gia đóng góp bằng thóc, dùng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn.

2) Theo Philippe Dellivers, bức điện không đề ngày tháng, Sài Gòn chuyển cho Pari ngày 27-11-1946. Ngày 28-11-1946, Gioócgiơ Biđôn đã nhận được.

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Bản chụp Sắc lệnh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Báo Cứu quốc, số 418, ngày 27-11-1946; số 419, ngày 28-11-1946.

-  Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Gallimard/Julliard, Paris, 1988, p.254.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.514.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Gioócgiơ Biđôn, Lời kêu gọi, tiếp, gửi, điện, ký, Sắc lệnh, hình phạt, đại biểu, dân tộc, thiểu số
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu Ái (Vân Canh Hoài Đức, Hà Nội), ký Sắc lệnh số 220
Thời gian: 26-11-1946
Nội dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu Ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 220, ấn định tổ chức của Bộ Kinh tế và quyền hạn của Bộ đối với các cơ sở kinh tế các kỳ, nha chuyên môn trực thuộc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Bản chụp Sắc lệnh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây: Bác Hồ với Hà Tây.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, làng Hậu Ái, làm việc, ký, Sắc lệnh, Bộ Kinh tế, quyền hạn
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội; thăm làng Phú Gia
Thời gian: 24-11-1946
Nội dung

Buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.

Người còn chỉ rõ: “Nhi đồng Việt Nam đã tiến bộ nhiều về văn hóa... Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Người đến trụ sở Ủy ban Hành chính hỏi về tình hình Bình dân học vụ, đời sống mới và hài lòng với những cố gắng của Phú Gia. Sau đó, Người trò chuyện với các cụ phụ lão và toàn thể nhân dân địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 417, ngày 26-11-1946.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.513.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, làng Phú Gia, văn hóa, dự, thăm, khai mạc, Bình dân học vụ, trò chuyện
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng qua Đài tiếng nói Việt Nam; tiếp và mời cơm ông Đờ La Sarie; báo Cứu quốc, số 414 có đăng bức thư ngỏ “Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới” và “Lời khuyên sinh viên trường Quân y” của Người
Thời gian: 23-11-1946
Nội dung

Bức thư ngỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới đăng trên báo Cứu quốc, số 414. Sau khi phân tích trách nhiệm của người Pháp trong những cuộc xung đột Pháp - Việt ở Nam Bộ, Hải Phòng, Lạng Sơn sau Tạm ước 14-9, Người kêu gọi đồng bào cả nước sẵn sàng làm theo lệnh của Chính phủ, kêu gọi người Pháp chấm dứt những hành động khiêu khích, thành thật, bình đẳng cộng tác với Việt Nam. “Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam. Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:

Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.

Người Việt và người Pháp có thể và cần phải dắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.

Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho”.

12 giờ, qua Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng. Người kêu gọi các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam “phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt”, kêu gọi “toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều” và tuyên bố “Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước”.

Trong ngày, bài viết Lời khuyên sinh viên trường Quân y của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc. Người khuyên sinh viên “Phải chăm lo học hành và gắng thực hiện 5 điều: HĂNG HÁI, HY SINH, BÁC ÁI, ĐOÀN KẾT, KỶ LUẬT”.

Cùng ngày, Người tiếp và mời cơm ông Đờ La Sarie, để bàn về vấn đề lập các Ủy ban đã quy định trong Tạm ước 14-9.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Báo Cứu quốc, số 414, ngày 23-11-1946; số 415, ngày 24-11-1946.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.509-512.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Chính phủ, Lời kêu gọi, Việt, Pháp, đồng bào, sinh viên, khuyên, xung đột, Tạm ước, thư, đăng, tiếp, mời cơm, báo, Cứu quốc, kêu gọi
Sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các cán bộ và công nhân đường sắt; báo Cứu quốc, số 413 có đăng bài viết “Bắc Cực: Một địa điểm quan trọng cho chiến lược quân sự sau này” của Người; ký các Sắc lệnh số: 217, 218
Thời gian: 22-11-1946
Nội dung

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các cán bộ và công nhân đường sắt đã phục vụ chuyến tầu ngày 21-10-1946, đưa Người và đoàn công tác từ Hải Phòng về Hà Nội an toàn, nhanh chóng.

Cùng ngày, bài Bắc Cực: Một địa điểm quan trọng cho chiến lược quân sự sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 413.

Sau khi đánh giá tiềm năng và vị trí địa lý của Bắc Cực, điểm qua những mối quan hệ giữa các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Canađa từ sau chiến tranh xung quanh vấn đề Bắc Cực, tác giả cho rằng Bắc Cực có thể trở thành nơi “phồn hoa, đô hội của thế giới” theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng sẽ trở thành “vị trí quân sự quan trọng nhất” khi theo dõi những hoạt động quân sự chuẩn bị chiến tranh ở khu vực này của Mỹ và Canađa. Tác giả đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bắc Cực sẽ là nơi hoạt động của nhân loại hay là nơi phá hoại văn minh của nhân loại, chúng ta chưa thể đoán định được (...). Dù sao mặc lòng, sau bao năm đau khổ vì chiến tranh, nếu lại chuẩn bị chiến tranh, nhất định dân chúng thế giới sẽ phản đối”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:

- Sắc lệnh số 217, ban hành quy chế hành nghề luật sư.

- Sắc lệnh số 218, cho phép ông Đổng lý Văn phòng Bộ Canh nông được từ chức.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn trích:

-  Bản chụp Sắc lệnh lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

-  Báo Cứu quốc, số 413, ngày 22-11-1946.

-  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.506-508.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Bắc Cực, Mỹ, Liên Xô, Canađa, gửi, thư, cảm ơn, đường sắt, bài viết, đăng, báo, Cứu quốc, bút danh, Q.T., ký, Sắc lệnh
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi