LỜI GIỚI THIỆU TẬP 2
Tập 2 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, giới thiệu những tác phẩm do Nguyễn ái Quốc viết từ năm 1924 đến năm 1929, tính từ khi Người từ Liên Xô tới Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động đến trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như ở nước ta và đánh dấu những bước phát triển mới của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trên cương vị là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn ái Quốc đã tiến hành việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào châu á nói chung và Đông Dương nói riêng, theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc ở phương Đông. Những năm 1924 - 1929 cũng là thời gian Nguyễn ái Quốc trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tập 2 Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, công bố những tác phẩm chỉ rõ một trong những quan điểm rất quan trọng của Nguyễn ái Quốc là quan điểm về đoàn kết quốc tế mà trước hết là sự cần thiết phải liên minh các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp giải phóng của chính dân tộc mình. Nguyễn ái Quốc chỉ rõ rằng: “Bọn đế quốc cố nhiên là áp bức người An Nam, nhưng đồng thời chúng cũng áp bức cả người Trung Quốc... Chúng ta biết rằng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới hiện nay có Ai Cập, Marốc, Xyri, An Nam, Trung Quốc và rất nhiều nước khác. Cho nên, chúng ta cần phải liên hiệp lại, cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc” (tr. 231-232). Người cho rằng, phải “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” (tr. 134).
Cùng với quan điểm về sự cần thiết phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức, xây dựng khối liên minh chiến đấu của các dân tộc này trong cuộc đấu tranh giải phóng của mình là quan điểm của Nguyễn ái Quốc về sự cần thiết phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới, phải xây dựng khối liên minh chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở chính quốc với nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc. Bởi, theo Người, “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất” (tr. 139).
Theo Nguyễn ái Quốc, để hình thành khối liên minh chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, phải “Làm cho đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này”. Và, theo Người, “chỉ có sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng” (tr. 134).
Các tác phẩm của Nguyễn ái Quốc trong giai đoạn này còn cho thấy những nhận thức của Người về Cách mạng Tháng Mười Nga và V.I. Lênin. Nguyễn ái Quốc viết: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được” (tr. 147). Và Người khẳng định: “Khi còn sống, Lênin là người thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, Người là ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức... Lênin sống mãi trong lòng mọi người dân nô lệ ở các nước thuộc địa” (tr. 223-224).
Những quan điểm về đoàn kết quốc tế trên đây thể hiện tầm vóc và những cống hiến trên bình diện thế giới của Nguyễn ái Quốc đối với phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức nói riêng và phong trào cách mạng chống chủ nghĩa tư bản trên thế giới nói chung.
Những quan điểm của Nguyễn ái Quốc thông qua các tác phẩm ở giai đoạn này cũng như những hoạt động thực tiễn của Người đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của cách mạng Việt Nam lên một tầm cao mới, nhất là đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đưa tới sự ra đời của ba tổ chức cộng sản, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan điểm của Người không chỉ đặt cơ sở cho việc hình thành đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, là ngọn đèn pha soi sáng cho cách mạng Việt Nam mà còn là vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng tư tưởng cải lương, dân tộc hẹp hòi, thỏa hiệp... góp phần xác lập địa vị lãnh đạo vững chắc của giai cấp vô sản và chính đảng của nó đối với cách mạng Việt Nam.
Toàn bộ những tác phẩm của Nguyễn ái Quốc trong tập 2 cũng phản ánh sự hoạt động của Người trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng đầy sáng tạo, không chỉ trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam mà còn là của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, phát triển và làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản nói chung.
Những hoạt động phong phú về lý luận và thực tiễn của Nguyễn ái Quốc trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1929 được phản ánh trong tập 2 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, là nhờ kết quả sưu tầm, xác minh của nhiều cơ quan lưu trữ, bảo tàng..., của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội trong và ngoài nước. Các tài liệu mới được xác minh theo những nguyên tắc của văn bản học: tài liệu có ghi tên Nguyễn ái Quốc, hoặc các bí danh, bút danh khác nhau đã được xác minh cũng như các tài liệu có trong hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản trao cho Trung ương Đảng ta đã được khẳng định... Một số tài liệu chưa đủ cơ sở để xác định chắc chắn là của Nguyễn ái Quốc được xếp ở phần Phụ lục để tiếp tục nghiên cứu, xác minh thêm.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này vẫn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.
HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA