Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Ký ức về những lần gặp Bác Hồ của nhà văn Nguyễn Thị Bích Thuận (1)
Ngày đăng: 09:53 07/02/2020
Lượt xem: 2.303

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thuận sinh năm 1929 ở phố Hàng Tre, Hà Nội. Bà là cán bộ tiền khởi nghĩa năm 1945, đã được tặng huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lần vinh dự được gặp Bác. Bà được Bác đặc biệt quan tâm và tận tình chỉ bảo cách viết báo ngay từ những ngày đầu vào nghề.

Năm 2012, chúng tôi - những cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đến nhà bà Thuận ở phố Cảm Hội, Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tuy đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Điều đặc biệt hơn là ký ức về những lần được gặp Bác Hồ dường như vẫn đậm nét trong lời kể của bà:
“Năm 1950, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (2) . Trước khi ra về, Bác bảo: “Bác chúc các cô mạnh khỏe, ở địa phương chị em nào có thành tích thì các cô viết báo cáo gửi lên cho Bác”. Khi đó mới 21 tuổi, tôi đã viết về Đội nữ du kích Trưng Trắc (tiền thân của Đội nữ du kích Hoàng Ngân) bởi các chị ấy rất gan dạ, mưu trí. Thời điểm ban đầu còn khó khăn, thiếu thốn, vũ khí thô sơ, thậm chí các chị còn dùng cả đòn gánh đánh Tây. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đội nữ du kích Hoàng Ngân là lực lượng chiến đấu lập nhiều chiến công lẫy lừng, làm tốt nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch, nuôi dưỡng chăm sóc thương binh, tham gia cùng nhân dân tỉnh Hưng Yên đánh nhiều trận thắng lợi, làm cho địch phải nhiều phen khiếp vía, kinh hoàng...
Tháng 5-1950, nhân dịp đi dự sinh nhật Bác, tôi đã gửi những bài viết lên Người. Tưởng rằng viết và gửi lên Bác là xong, không ngờ một tháng sau, tôi nghe các chị trong cơ quan nói:
- Cô có thư Bác gửi đấy! Tha hồ mà sướng. 
Kèm theo thư của Bác Gởi Bích Thuận (3)  là một chiếc huy hiệu có in hình Người. Những đêm ở rừng sâu Việt Bắc, dưới ánh đèn dầu, tôi thường đặt chiếc huy hiệu trong lòng bàn tay mình để ngắm Bác được rõ hơn, tự nhủ làm việc tốt hơn, như lời Bác dặn trong thư: “khuyên cháu cố gắng để tiến bộ mãi”.
 

Tài liệu: Bản thảo Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Nguyễn Bích Thuận, ngày 10-6-1950 Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mùa đông năm 1951, một món quà bất ngờ nữa đến với tôi. Tối hôm ấy, chị Đinh Thị Cẩn - Ủy viên Đảng đoàn phụ nữ nói nhỏ: “Bác cho gọi Thuận ngày mai lên gặp Bác đấy!”. Đêm ấy, tôi thao thức mãi không ngủ được. Sáng hôm sau, tôi đi cùng với đồng chí Hoàng Hữu Kháng (4)  đến gặp Bác. Làm theo lời Bác dặn, đồng chí Kháng nhắc tôi ăn sáng và nắm thêm một nắm cơm ăn dọc đường. Vì mừng quá, tôi chỉ ăn qua quýt rồi vội theo đồng chí Kháng đi ngay. Hôm đó là một ngày chủ nhật, chúng tôi đi một mạch đến chiều thì tới nhà Bác.
Đến nơi, tôi chạy vội lại chào Bác mà hai mí mắt nóng ran lên. Bác cười thật tươi và hỏi:
- Cháu đi đường xa có mệt không? 
- Được đến thăm Bác, cháu mừng quá không thấy mệt ạ!
 Bác còn hỏi tôi chuyện gia đình, chuyện công tác... Tôi đã kể Bác nghe về những ngày tháng chúng tôi đi chiến dịch, chuyện của các bà mẹ, các chị em phục vụ chiến trường, các chiến sĩ bị thương... Nghe xong, Bác bảo: “Cô viết còn nhạt lắm!” Sau đó, Bác giao cho tôi đọc một số báo như: Báo Nhân đạo, báo Vì một nền hòa bình lâu dài, lấy ở đó những mẩu chuyện, những tin tức cần thiết, ví dụ chuyện phản đối chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, tố cáo chế độ tư bản đế quốc. Bác hỏi tôi về những bài viết của tác giả C.B đăng trên báo Nhân dân và bảo: “Bây giờ cô cũng viết như thế cho Bác xem”. Trong thời gian ba ngày, tôi lượm lặt tin tức và viết được năm bài báo ngắn gửi lên Bác.
Những bài viết của tôi năm ấy được Bác hồi âm, mỗi bài có đính kèm bản góp ý chung, nêu từng câu, từng ý, vì sao phải viết như thế…
Năm 1952, Bác đến thăm cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ ở Việt Bắc. Trong dịp này, tôi vinh dự được chụp ảnh kỷ niệm với Bác cùng các đại biểu (5) . 
 

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu của cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, năm 1952, tại Việt Bắc. (Nguyễn Thị Bích Thuận - người mặc áo trắng, đứng sát bên tay trái của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Sau này, cứ ngắm nhìn Bác trong ảnh thì những ngày sống bên Bác lại tái hiện như xưa, như Bác vẫn đang sống, như Bác vẫn đang ân cần dạy bảo “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, như Bác vẫn động viên, tiếp sức cho mình...
Năm 1954, hòa bình lập lại, tôi về Hà Nội làm báo. Tôi có cơ hội được gặp Bác nhiều lần nữa. Một lần, đoàn văn hóa nghệ thuật Anbani sang thăm Việt Nam, tôi được cử đi phiên dịch cho đoàn, được cùng với mọi người đón Bác. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân (năm 1961), tôi được nghe Bác nói chuyện cùng với anh em bộ đội. Trước khi ra về, Bác gọi tôi đến hỏi: 
- Cô vẫn làm báo chứ? 
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Cô có mấy con rồi? 
- Thưa Bác, cháu có hai con rồi ạ!
Bác mỉm cười, nói:
- Thế thì tốt. 
... Sự quan tâm của Bác cho đến bây giờ tôi không thể nào quên”.
Ký ức về những lần gặp Bác, được Bác bồi dưỡng chuyên môn như in sâu trong tâm trí của bà Nguyễn Thị Bích Thuận, là động lực khích lệ bà luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà văn Bích Thuận thực sự đã trưởng thành với sự nghiệp văn học nghệ thuật. Những tác phẩm của nhà văn gồm: Truyện ngắn (30 tập), tiểu thuyết Người con gái Hà Nội (2004), Truyện thiếu nhi Huyền thoại về người mẹ (1983), bút ký Nhạc sĩ Văn Cao - tài năng và nhân cách (2005)… Bà đã được tặng nhiều giải thưởng văn học của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thuận mất năm 2018. Câu chuyện trong ký ức về Bác của cố nhà văn thể hiện chân thực tình cảm cao đẹp và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các văn nghệ sĩ cách mạng - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Trong cuộc đời hoạt động chính trị bận rộn, gian khổ, lắm lúc nguy hiểm, với trăm nghìn công việc to lớn như vậy, nhưng Bác vẫn sắp xếp được thì giờ để viết văn, làm thơ và đặc biệt chú trọng dẫn dắt, đào tạo và rèn luyện các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng./. 
---------
(1) Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ.
(2) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 4, tr.342.
(3) Bà Nguyễn Thị Bích Thuận đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bản gốc năm 2012.
(4) Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
(5) Bà Nguyễn Thị Bích Thuận tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức ảnh gốc năm 2012.
 

Nguyễn Thu Huyền

Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Xuân về nhớ thơ Bác
11/02/2024
277 lượt xem
Mùa Xuân nghĩ về Đảng
08/02/2024
168 lượt xem
"Chỉ sợ lòng dân không yên"
16/03/2023
1.214 lượt xem
Nơi yên nghỉ của Bà Nội Bác Hồ
25/09/2022
5.198 lượt xem
Quê hương vọng mãi lời Người
14/06/2022
1.244 lượt xem
Bác Hồ với quê hương Nam Đàn
03/09/2021
3.788 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi