Đăng ký tham quan

Các bạn có thể đăng ký tham quan trực tuyến bằng cách điền vào các thông tin sau và gửi cho chúng tôi:

Tính năng này Bảo tàng đang triển khai và hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Để mua vé tham quan Bảo tàng, Quý khách vui lòng liên hệ đến số điện thoại:
024.38463757/

Trân trọng cảm ơn

Những ngày ở Tân Trào
Ngày đăng: 04:38 07/04/2020
Lượt xem: 1.787
Cuối tháng 4-1945, sau khi khu giải phóng Tân Trào được thành lập, Trường quân chính kháng Nhật liền được xây dựng.
 
Chúng tôi - những người Giải phóng quân được đoàn thể lựa chọn về học, đang gấp rút làm doanh trại, ai cũng mong chóng tới ngày khai mạc.
 
Giữa lúc ấy, vào một buổi sáng, chúng tôi đang tập trung để phân công làm việc thì đồng chí Văn tới.
 
Tôi đoán chắc sẽ có việc quan trọng xảy ra.
 
Đúng vậy, sau khi nói chuyện về tình hình đấu tranh chống Nhật ở các nơi và nhắc nhở chúng tôi nhiệm vụ học tập xây dựng trường, đồng chí nói:
 
- Đoàn thể cần một số đồng chí đi công tác, các đồng chí cần nhận rõ học tập hay đi công tác đều là trách nhiệm của đoàn thể giao cho, chúng ta đều phải cố gắng làm tròn.
 
Chúng tôi ai cũng tha thiết muốn được học, nhưng khi nhắc đến công tác cần thì ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
 
Nhận chỉ thị của đồng chí Văn, đồng chí Khang liền tuyển lựa một đội mươi người và một tổ ba người. Đội mười người được trang bị vũ khí mới để đi xa ngay. Còn tổ ba người, trong đó có tôi, thì có đồng chí Khang giao nhiệm vụ tới làng Tân Trào tìm liên lạc với đồng chí Đường để nhận công tác.
 
Đồng chí Đường là một đồng chí công tác lâu năm và đã ra nước ngoài học tập. Từ khi vào Giải phóng quân, tôi được đồng chí đi sát chỉ đạo mọi mặt. Vừa lúc ấy một đồng chí ở cơ quan đón chúng tôi. Đồng chí Đường giới thiệu đó là đồng chí Hồng Thái. Tuy chưa biết nhau nhưng sẵn tình đồng chí, chúng tôi mến nhau ngay.
 
Trước khi chúng tôi đi, đồng chí Đường căn dặn:
 
- Đoàn thể rất tin cậy các đồng chí mới giao trách nhiệm này, các đồng chí phải cố làm tròn, ở nơi công tác mới các đồng chí có nhiều điều kiện để học đấy.
 
Đồng chí Đường còn theo tiễn chúng tôi một quãng và lại dặn riêng tôi:
 
- Ba ngày một lần đồng chí về gặp tôi, để tôi giúp đỡ học tập.
 
Tôi rất cảm động trước những lời dặn dò của đồng chí Đường và đã hứa xin làm đúng.
 
Trên đường tới cơ quan, vừa đi vừa nghĩ đến sự tín nhiệm của đồng chí Khang và sự săn sóc của đồng chí Đường đối với tôi, tôi cảm thấy công tác của tổ chúng tôi lần này sẽ có tầm quan trọng hơn công tác trước đây nhiều. Đồng chí Hồng Thái đưa chúng tôi đi về phía bắc đình Tân Trào một quãng xa, rồi tạt xuống lội ngược dòng suối tới nơi có một bụi rậm thì rẽ quặt lên đồi, chúng tôi men theo sườn núi đi mãi cho tới khi qua một vọng gác thì tới đỉnh núi. Cơ quan đóng ở ngay trên đỉnh núi này. Đứng ở đấy, chúng tôi có thể quan sát khắp cánh đồng Tân Trào, dòng sông Đáy, đèo Re, v.v...
 
Cơ quan là một lán dài ngăn đôi,  bên nửa rộng có nhiều người ở, vũ khí để ở đầu chỗ nằm, toàn cácbin và tiểu liên ' "tômsơn". Còn bên nửa hẹp thì đặt  điện đài và có một số đồng chí đang làm việc. Cách lán đâu chừng ba mươi thước có một lán nho nhỏ nữa.
 
Thấy kiểu súng của các đồng chí ở cơ quan, tôi mừng lắm. Ở Giải phóng được thấy đồng chí Quang Trung mang khẩu cácbin và một số đồng chí cán bộ trong trung đội có tiểu liên, tôi rất thèm. Tôi thường ước ao sẽ có ngày được giao sử dụng những vũ khí ấy. Bây giờ đến cơ quan này, tôi hy vọng mình cũng sẽ được trang bị súng tốt như các đồng chí khác... Khi nhìn thấy điện đài, tôi cũng mừng. Tôi nghĩ thầm lực lượng cách mạng của ta đã lớn mạnh nên phải dùng phương thức khoa học để chỉ huy đi xa, chứ không bó hẹp riêng trong Khu Giải phóng nữa.
Chợt, tôi nghe có tiếng ho từ phía lán nhỏ, rồi một ông cụ gầy, tay chống gậy đi lại. Cụ mặc áo ngắn kiểu người Nùng (hàng cúc giữa bằng vải, cổ cao). Quần và áo đều màu chàm đã bạc. Đầu ông cụ đội chiếc mũ vải kiểu các cụ già người Nùng. Cụ đi thẳng tới chỗ chúng tôi. Thấy cụ đi tới mọi người đều đứng nghiêm chỉnh, và khi cụ tới gần ai người ấy đều né ra để nhường bước.
 
Thấy chúng tôi, ông cụ vui vẻ hỏi:
 
- Các đồng chí mới đến phải không?
 
Tôi vội trả lời:
 
- Báo cáo đồng chí, chúng tôi mới đến.
 
Ông cụ gật đầu bảo:
 
- Tốt, đồng chí Hồng Thái cần giao nhiệm vụ và giúp đỡ các đồng chí ấy công tác.
 
Nói xong, ông cụ đi xuống phía nhà bếp.
 
Có lẽ ông cụ tuổi khoảng gần sáu mươi, mái tóc đã đốm bạc, người cụ tuy gầy gò nhưng cặp mắt rất sáng, nghiêm nghị, vầng trán cao, giọng nói rõ ràng, ấm áp, tôi vừa gặp lần đầu đã cảm thấy thấy gần gũi ngay được.
 
Ông cụ đi khỏi, một đồng chí cũ nói như giới thiệu với tôi:
 
- Đấy! Ông Cụ đấy!
 
Giới thiệu như vậy chỉ làm tôi càng thêm bỡ ngỡ vì tôi đã biết ông cụ là ai đâu!
 
Đêm ấy, sau khi được đồng chí Hồng Thái giao nhiệm vụ cụ thể, lại được sinh họat cùng tiểu đội cảnh vệ, chúng tôi mới rõ cơ quan ở đây là rất quan trọng, ông Cụ là cán bộ thượng cấp, ở đây có điện đài và hai lớp học: lớp học điện đài và lớp chính trị, cả hai lớp đều do ông Cụ hướng dẫn. Trách nhiệm của đội cảnh vệ là phải bảo vệ cơ quan cho nghiêm mật. Càng nghĩ tôi càng lạ, không rõ ông Cụ là ai mà thoáng qua đã thấy khác người.
 
Trong suy nghĩ, bỗng nhiên tôi nhớ tới một hôm trước đó mấy ngày, đội Giải phóng quân của chúng tôi vừa về tới Tân Trào thì đồng chí Quang Trung hỏi tôi:
 
- Đồng chí quê ở Chợ Đồn à?
 
- Vâng - Tôi trả lời.
 
- Đồng chí có thuộc các đường về đây không?
 
- Thuộc chứ!
 
- Đi đón ông Cụ nhé! Đi cả tiểu đội của đồng chí!
 
Nghe đồng chí Quang Trung nói, tôi nghĩ bụng: ông Cụ là ai lại phải mang cả tiểu đội đi đón. Tuy vậy, tôi không dám hỏi kỹ. Đồng chí Quang Trung lại nói:
 
- Chờ liên lạc sẽ đi, việc này tuyệt đối bí mật đấy!
 
Thấy việc quan trọng nên tôi nói thêm:
 
- Từ Chợ Đồn về đây có hai đường: đường Chợ Đồn đi Chợ Chu (tức là đường đồng chí Văn Nam tiến) thì tôi không được rõ. Còn đường Chợ Đồn qua Tông Quận (đường đồng chí Khang Nam tiến) thì tôi thuộc.
 
Đồng chí Quang Trung suy nghĩ rồi bảo tôi:
 
- Nếu đi đường đồng chí Khang thì đồng chí sẽ đi đón.
 
Tôi vâng lời, nhưng sau đấy không thấy đồng chí Quang Trung bảo gì nữa.
 
Giờ đây cơ quan lại có ông Cụ này, có lẽ chính là ông Cụ mà mình suýt được cử đi đón đây! Chắc Cụ là người đứng đầu Việt Minh đấy!
 
Ở gần ông Cụ được vài ngày, tôi nhận thấy ông Cụ sao mà làm việc nhiều thế. Suốt ngày, Cụ đọc sách và viết tài liệu, viết báo, dạy chính trị, v.v.. Ngoài ra, bất kể ngày đêm, cán bộ các nơi còn về xin chỉ thị. Cả anh Văn, anh Khang cũng thường tới cơ quan xin ý kiến Cụ. Bận như vậy nhưng ông Cụ rất chú trọng chăm sóc chúng tôi. Ngoài việc giáo dục chính trị, ông Cụ còn dạy bảo rất tỉ mỉ về cuộc sống tập thể, như bày cho cách đặt chương trình học tập và làm việc hàng ngày, hàng tuần, cách sắp xếp trật tự trong lán, nhất là cách giữ gìn súng đạn. Cụ thường dạy không nên ngồi chơi rỏi, phải lấy sách báo ra độc hoặc vá quần áo, v.v.. Hồi đó giữa xuân, nước suối từ trong khe chảy ra còn lạnh, ông Cụ thường dặn chúng tôi không tắm lâu dễ bị cảm. Khi tập thể đục, có những đồng chí thường tập chiếu lệ. Cụ ra xem, sửa lại từng động tác và còn làm động tác mẫu và bảo: "Các đồng chí tập theo tôi, tập thế này mới được". Những buổi đi lấy rau rừng, ông Cụ còn hướng dẫn chúng tôi cả cách lấy rau, cách chọn rau ngon.
 
Hàng ngày, ông Cụ thường xuống suối tắm rửa hoặc giặt lấy quần áo.
 
Có điểm trái ngược là bọn thanh niên chúng tôi mỗi khi lên núi thường hay ngã, còn ông Cụ tay chống gậy, vai vác ống nước, vai vắt quần áo vừa giặt, mà chẳng bao giờ bị ngã cả. Thấy anh em ngã nhiều, Cụ bảo:
 
- Các đồng chí cứ làm theo tôi không ngã.
 
Chúng tôi hay ngã vì sợ đi giữa đường lội, cứ đi tránh sang hai bên, như vậy làm cho đường ngày một to ra và sườn núi dốc trơn. Còn Cụ cứ giữa đường đã đánh bậc sẵn Cụ đi, tuy lội một chút nhưng khi về tới lán, sẵn ống nước xách lên, ông Cụ dùng một nửa rửa chân, còn một nữa để rửa tay trước và sau khi ăn cơm.
 
Từ khi anh em học ông Cụ cách xuống suối, lên núi thì không ai bị ngã nữa.
 
Đúng quy định của đồng chí Đường, sau ba ngày, tôi ra báo cáo công việc và nghe đồng chí áy hướng dẫn công tác. Buổi báo cáo đầu, sau khi nghe tôi nói sơ về công việc, đồng chí Đường hỏi tôi:
 
- Ông Cụ có khỏe không?
 
- Khỏe.
 
- Ở gần ông Cụ, đồng chí thấy thế nào?
 
- Ở với bố đã mười tám năm rồi, bố cũng dạy mọi điều. Nhưng mới gần ông Cụ có ba ngày mà tưởng như ông Cụ dạy cho còn nhiều hơn .
 
- Đồng chí có văn hoá, nên đóng một quyển sổ nhỏ, mỗi khi ông Cụ nói câu gì mà đồng chí thích thì đồng chí ghi vào sổ, sau này sẽ có một quyển sách quý lắm đấy!
 
Tôi tuy chưa hiểu nhưng cũng vâng lời.
 
Công tác được một tuần lễ, có lẽ đồng chí Đường đề nghị, tôi được ông Cụ lấy vào học cùng với anh em học sinh chính trị. Tôi biết anh em đều là cán bộ hoạt động từ lâu về đây học cấp tốc rồi đi công tác ngay. Tôi được đưa vào học có lẽ nhờ sự chiếu cố riêng.
 
Buổi học đầu của tôi đúng vào bài nói về Mặt trận Việt Minh, ông Cụ đưa chúng tôi quyển sách nhỏ in thạch bản, trong đó nói về chương trình và điều lệ của Mặt trận.
 
Tôi vào Giải phóng quân giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao, các đội Giải phóng quân vừa phát triển mạnh nên chưa được huấn luyện kỹ. Tôi chỉ được học đồng chí Khang, đồng chí Quang Trung thiết thực ngay trong mỗi công tác. Có lúc đồng chí Khang hướng dẫn cả bài nói chuyện cho tôi, rồi tôi nhẩm kỹ cho thuộc để khi ra nói chuyện sẽ nói bằng tiếng Tày cho khỏi vấp váp. Các buổi đó thường nói nhiều về chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh, chủ trương đoàn kết các dân tộc, cách thành lập chính quyền, đoàn thể. Cho nên, đây là lần đầu tiên tôi được học về tôn chỉ, mục đích, cương lĩnh, điều lệ của Mặt trận Việt Minh có cả Đảng Cộng sản tham gia, tôi bỡ ngỡ không hiểu và cứ tự hỏi thầm: trong Mặt trận Việt Minh mà lại có cả Đảng Cộng sản tham gia là thế nào.
 
Vừa may, ông Cụ bảo phát biểu những điều chưa hiểu, tôi bèn giơ tay. Được ông Cụ chỉ định, tôi mạnh dạn nói:
 
- Thưa Cụ, tại sao trong Mặt trận của ta lại có Đảng Cộng sản?
 
Tôi vừa dứt lời thì trong lớp đã có nhiều tiếng xì xào. Thấy thế tôi đâm lo ngại. Ông Cụ ra hiệu cho mọi người giữ trật tự rồi lại hỏi:
 
- Đồng chí hiểu về Đảng Cộng sản như thế nào?
 
- Thưa Cụ, cháu chưa hiểu, nhưng nghe người ta nói Đảng Cộng sản không tốt. Họ chủ trương cái gì cũng làm của chung cả, ai theo họ thì họ cho vào Đảng, ai không theo họ thì họ giết, như vậy có khác gì phátxít Nhật và đế quốc Pháp?
 
Nghe tôi trả lời, các đồng chí trong lớp học đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Riêng ông Cụ vẻ mặt thoáng nét cười, hỏi thêm:
 
-        Đồng chí nghe ai nói vậy?
 
-        Thưa Cụ nhiều người nói...
 
Ông Cụ lại hỏi:
 
-        Những người ấy là thế nào với Tây?
 
-        Họ là những người... là những người làm việc với Tây ạ!
 
Trả lời câu hỏi xong, tôi tự nhiên cảm thấy tất cả những ý nghĩ của mình về cộng sản từ trước tới nay có lẽ là bị tiêm nọc độc. Nhưng cộng sản là thế nào thì thực tình tôi vẫn chưa hiểu.
 
Thấy vẻ băn khoăn của tôi, ông Cụ liền đặt câu hỏi khác:
 
- Đồng chí thấy Pháp, Nhật nói về Việt Minh ta thế nào?
 
- Dạ, nó nói là giặc cỏ, là ăn cướp, giết người ạ.
Ông Cụ lúc ấy mới chỉ một học viên khác bảo trả lời câu hỏi ban đầu của tôi.
 
Đồng chí ấy bèn đứng dậy nói:
 
- Đế quốc Pháp, phátxít Nhật ghét cộng sản cũng như ghét Việt Minh cho nên chúng dùng mọi điều để nói xấu cộng sản và Việt Minh ta. Những người cộng sản là những người kiên quyết đánh Pháp, đuổi Nhật trong Mặt trận Việt Minh, do đó họ là nòng cốt, là cơ quan tham mưu của Mặt trận ta.
 
Các học viên khác đồng ý.
 
Ông Cụ lại hỏi tôi:
 
- Đồng chí đã hiểu chưa?
 
Tôi trả lời:
 
-        Thưa Cụ, cháu đã hơi hiểu.
 
Lúc ấy, ông Cụ mới dịu dàng giải thích thêm. Mỗi lời ông Cụ nói về cộng sản, về những người cộng sản cứ như những ngọn đèn thắp sáng lên trong óc tôi khi đó.
 
Sau khi giải thích kỹ càng rồi, ông Cụ lại hỏi thêm:
 
-        Đồng chí đã thấy người cộng sản chưa?
 
-        Dạ, chưa ạ!
 
-        Nếu đồng chí Văn, đồng chí Khang là những người cộng sản thì đồng chí có thích không?
 
-        Dạ thích ạ!
 
Nghe tôi nói vậy, các đồng chí trong lớp đều cười một cách vui vẻ.
 
Ông Cụ chuyển sang giảng bài học khác. Sau buổi học, tôi suy nghĩ mãi về bài học vừa qua, về Đảng Cộng sản và cố đoán xem trong Giải phóng quân ai là đảng viên cộng sản? Cộng sản với Việt Minh khác nhau những gì?
 
Chiều hôm ấy, chúng tôi đi làm lán. Đồng chí Quang Việt - một học viên trong lớp chính trị ' thân mật bảo tôi:
 
- Này Việt Dũng, cậu đi chẻ lạt với tớ.
 
Vốn mến đồng chí Quang Việt, tôi bèn theo đồng chí ấy ra một gốc cây, cùng nhau chẻ lạt. Làm được một lát, đồng chí Việt bảo tôi:
 
- Cậu ở nhà trước làm gì?
 
Tôi thành thực kể cho đồng chí Quang Việt nghe về gia đình tôi, một gia đình nông dân thuộc loại trung bình. Làng tôi ở sát ngay hồ Ba Bể, tôi được học tới lớp 'ất và được đưa đi học y tá ở nhà thương Hải Dương. Tôi nói tiếng Kinh thạo, biết chút ít tiếng Pháp, hiểu biết về miền xuôi khá nhiều. Ngày 9-3-1945, Pháp bị Nhật đảo chính, trường y tá tan, tôi và người anh con ông bác về quê thì vừa dịp đồng chí Khang mang một đơn vị Giải phóng quân tới xây dựng chính quyền cách mạng tại địa phương. Hai anh em tôi được giác ngộ và tham gia Giải phóng quân. Chính cái tên Việt Dũng của tôi và anh tôi là Việt Cường đều do đồng chí Khang đặt cho cả.
 
Nghe tôi kể xong đồng chí Quang Việt cũng kể chuyện gia đình và hoàn cảnh tham gia cách mạng của đồng chí ấy cho tôi nghe. Sau đó, đồng chí nói cho tôi nghe sơ lược về lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, về những gương anh dũng của các đồng chí tiêu biểu, nhất là gương hy sinh anh dũng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
 
Câu chuyện của đòng chí Việt đã bổ sung thêm cho tôi những hiểu biết về Đảng sau buổi học, gây cho tôi niềm tự tin và nâng cao thêm ý chí chiến đấu cách mạng của tôi. Một câu hỏi nổi lên trong tôi lúc ấy: đồng chí Hoàng Văn Thụ sao tài giỏi, anh hùng như vậy? Mình phải làm gì để xứng đáng với tấm gương ấy? Tôi liền hỏi đồng chí Việt:
 
- Tôi có thể trở thành người cộng sản được không?
- Sao lại không, nếu cậu chịu khó tu dưỡng và kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng lao khổ!
 
Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt.
 
Ra về, vừa đi vừa nghĩ: "Có lẽ ông Cụ bảo đồng chí Việt tới nói thêm để cho tôi hiểu thấu đây. Ông Cụ có lẽ trông thấy lòng mình...".
 
Công tác và học tập được ít bữa thì một buổi trưa tôi bỗng thấy người mệt. Không thể cùng anh em vào rừng kiếm củi được, tôi liền xin phép đồng chí Hồng Thái ở lại và nằm nghỉ. Vừa đặt mình xuống, cơn sốt đã kéo đến. Tôi quấn chặt hai chiếc chăn mà người vẫn run lên bần bật, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Lúc đó, tôi chỉ ước ao có ai đè lên người giữ hộ, hoặc có lò than ở bên cạnh thì mới ghim cơn rét lại được.
 
Lát sau, cơn rét lui, cơn sốt lại đến. Người tôi như lò than, đầu nhức buốt. Tôi nghĩ vẩn vơ: "Giá mình ở nhà thế nào bà mẹ, cô em gái lúc này cũng đã đánh cảm và nấu nước xông cho mình rồi. Từ dạo bắt đầu vào Việt Minh, mẹ tôi ở nhà không có ai giúp đỡ liền lấy cho tôi một cô vợ, vừa lấy buổi sớm thì buổi chiều tôi đã đi. Chẳng biết cô ta bây giờ thế nào? Giá ở nhà, thế nào cô ta cũng nấu cho tôi bát cháo gà để sau cơn sốt dậy ăn cho tỉnh người. Nghĩ hết chuyện nhà lại nhớ tới hiện tại: "Ở đây tình đồng chí thì thật cao nhưng mọi thứ thiếu thốn quá!".  Suy nghĩ như vậy tôi mới thấy nhớ nhà  da diết. Nhưng hình ảnh ông Cụ và gương anh dũng của đồng chí Hoàng Văn Thụ lại động viên tôi chống chọi với bệnh tật, gian khổ. Tôi đang miên man suy nghĩ thì chợt có người đi nhè nhẹ đến bên rồi ngồi xuống giường. Tưởng đồng chí nào trong đại đội gác về, tôi cứ trùm chăn tiếp theo dòng suy nghĩ của mình. Một bàn tay mát dịu sờ vào trán tôi, tiếp đó là tiếng  hỏi thân thuộc:
 
- Đồng chí nào mệt đây?
 
Tôi giật mình nhận ra tiếng ông Cụ, vội bỏ chăn ra.
 
Ông Cụ vẫn đặt tay lên trán tôi, đôi mắt nhìn như muốn hỏi: "Đồng chí sao thế? Có mệt lắm không?".
 
Cảm động quá, tôi vội thưa:
 
- Thưa Cụ cháu bị sốt rét, bây giờ đỡ rồi.
 
Ông Cụ gật đầu bảo:
 
- Đồng chí cố ngồi dậy dựa vào vách cho để mệt. Tôi đi lấy thuốc cho đồng chí uống.
Nghe tiếng "thuốc" tôi tỉnh cả người, vì mỗi viên thuốc trong hoàn cảnh lúc bấy giờ rất quý giá, song thấy ông Cụ phải bận mình, tôi lại thấy ngài ngại. Tôi toan thưa lại thì ông Cụ đã đi rồi. Nhìn theo mái tóc đốm bạc, đôi vai gầy của ông lòng tôi nao nao. Tôi biết giờ này là giờ đọc sách của Cụ. Nhưng sao Cụ lại tới lán của chúng tôi. Có lẽ trong lúc sốt rét run làm động sàn nứa nên ông Cụ biết. Tôi đã học y tá mà tôi chưa giúp gì cho anh em trong đội, bây giờ chính tôi được ông Cụ săn sóc.
 
Đang nghĩ, ông Cụ đã trở lại. Tôi tưởng như cơn sốt giảm hẳn, liền ngồi dậy, sẵn sàng nhận thuốc uống.
 
Thấy vậy, ông Cụ cười bảo:
 
-        Đồng chí cố gắng như vậy là tốt, giờ đồng chí uống một viên, còn chiều uống viên nữa.
 
Nói xong, ông Cụ dốc trong chiếc lọ con ra hai viên ký ninh trắng. Thoáng nhìn, tôi thấy trong lọ còn chừng hơn chục viên nữa. Tôi đoán đó là thuốc riêng của Cụ.
 
Sau khi tôi uống thuốc, Cụ dặn thêm:
 
- Hễ đỡ, đồng chí phải dậy đi lại mới được, nằm nhiều là dễ bị con ma ốm nó quật đấy! Bây giờ tôi về làm việc.
 
Ông Cụ đi, tôi lặng nhìn theo, không biết nói gì. Còn lại một viên thuốc, tôi đặt giữa lòng bàn tay, hết nhìn viên thuốc, tôi lại nhìn về phía lán ông Cụ ở. Viên thuốc lúc này sao mà quý vậy! Ông Cụ là thượng cấp, vừa là thầy dạy học, vừa là thầy thuốc của mình! Hình ảnh này in sâu vào trí nhớ tôi cũng như ngọn núi Cứu quốc trên quê hương đã in vào trí là tôi từ thuở nhỏ, không bao giờ có thể quên được.
 
Tôi khỏi bệnh thì ngày 1-5 đã đến. Hôm ấy, chúng tôi cố gắng động viên nhau làm cho xong nhà để có thành tích kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Tôi mới mệt nên được phân công vá quần áo cho anh em. Tôi đang vá, chợt đồng chí liên lạc lên, mang theo một số báo và tài liệu, ngoài ra còn có một hộp gì màu đỏ rất đẹp. Tôi đòi xem nhưng đồng chí liên lạc bảo:
 
- Không được, đây là quà ở xa gửi biếu ông Cụ!
 
Sau khi đồng chí liên lạc về, ông Cụ mang cái hộp ấy xuống bếp. Giữa lúc đó, tôi cũng có việc xuống đấy. Tôi thấy ông Cụ đang bảo đồng chí Trần Định (một đồng chí cũ lúc ấy vừa bảo vệ Bác vừa làm cấp dưỡng).
 
- Đồng chí đổ một nồi nước đủ cho mỗi anh em một bát, có ít gạo nếp ta đem nấu, khi nhừ gạo, đồng chí cho hộp mật này vào.
 
Đồng chí Định ngần ngừ nói:
 
- Thưa Bác, cái này để Bác dùng (trong chúng tôi lúc ấy chỉ có đồng chí Định gọi ông Cụ là Bác) vì sức khoẻ Bác chưa được tốt.
 
Ông Cụ bảo:
 
-        Tôi mệt thì anh em cũng mệt. Hôm nay là ngày 1-5 tôi được quà từ ngoài gửi biếu, anh em cũng phải có phần.
 
Nghe ông Cụ nói, đồng chí Định tỏ vẻ miễn cưỡng vâng lời.
Chờ ông Cụ đi khỏi, tôi vào xem chiếc hộp. Đó là hộp mật ong khô, rất quý. Có lẽ hộp mật đó làm ở một nước nào đó có kỹ nghệ thực phẩm gửi tới, nhãn hiệu không phải chữ Pháp nên tôi không biết. Tôi bàn với đồng chí Định nấu một nửa, còn dành lại cho ông Cụ một nửa. Đồng chí Định cười bảo rằng:
 
-        Tính Bác vậy, Bác đã bảo là phải làm lúng, nếu bớt lại, Bác bắt nấu lần nữa thì lại mất công.
 
Trưa 1-5 năm đó, chúng tôi được thưởng thức một bữa chè mật ong đặc biệt. Hương vị thơm ngon của bát chè tưởng như bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
 
Đầu tháng 7-1945, lớp học chính trị đã hết, các học viên đã đi công tác, cơ quan vắng một số người. Sáng hôm ấy, chúng tôi vừa rửa mặt xong, chợt có tin báo: một toán thổ phỉ và đặc vụ của Tưởng, mượn cớ chống Nhật (thực ra có liên hệ với Nhật) đang tiến vào đèo Re để dò la căn cứ địa của ta. Một bộ phận Giải phóng quân đã mai phục đón đánh chúng. Vì trận địa gần cơ quan quá, các đồng chí có  trách nhiệm bảo vệ bèn đề nghị ông Cụ tạm lánh. Được ông Cụ đồng ý, đơn vị chúng tôi để lại già nửa bảo vệ cơ quan, nếu phỉ tràn qua sẽ đánh, còn một tổ năm đồng chí do tôi chỉ huy, bảo vệ ông Cụ và tài liệu tạm tránh đi nơi khác.
 
Trước lúc ra đi, ông Cụ kiểm tra lại việc gói buộc tài liệu, việc bố trí hành quân, chuẩn bị súng đạn của chúng tôi một cách tỉ mỉ, kiểm tra xong ông Cụ dặn:
 
- Các đồng chí đi phải giữ bí mật, khi được gõ vào cây nứa gây tiếng động, không được phát đường bẻ lá. Đồng chí đi sau cùng phải xoá dấu vết của anh em đi trước. Các đồng chí rõ chưa.
 
Chúng tôi trả lời:
 
- Dạ, rõ rồi ạ.
 
Ông Cụ gật dầu nói:
 
- Được, chúng ta đi.
 
Chúng tôi lên đường, nhằm đỉnh núi cao nhất leo lên. Đường đi dốc đứng, lại không được phát dây leo, cành lá ngáng đường nên càng khó khăn. Chúng tôi đi chầm chậm để giữ sức cho ông Cụ, vì lúc đó ông Cụ không được khỏe lắm. Trong lúc đi đường, chúng tôi xin đeo hộ ông Cụ chiếc túi dết, nhưng ông Cụ không đồng ý.
 
Lên đến gần mỏm núi, nơi có một gốc cây to sạch sẽ và có chỗ ngồi bằng phẳng, chúng tôi dừng lại tạm nghỉ. Chúng tôi toan chặt lá để ông Cụ ngồi nhưng ông Cụ không cho. Ông Cụ liền giải thích cho chúng tôi rõ, phải giữ bí mật như vậy để nếu kẻ địch có tiến tới lán, chúng cũng không biết chúng tôi đi về phía nào để truy tìm.
 
Giải thích xong, ông Cụ đặt câu hỏi:
 
- Nếu địch tới đây thì ta đối phó thế nào?
 
Một đồng chí trả lời:
 
- Thưa Cụ, phải kiên quyết chiến đấu để diệt chúng ạ.
 
Cụ chỉ bó tài liệu hỏi:
 
- Nếu trong lúc chiến đấu, ta vì lực lượng yếu phải rút đi nữa thì số tài liệu này sẽ làm thế nào?
 
Chúng tôi mỗi người mỗi ý trả lời:
 
-        Dạ, ta phải đốt đi ạ!
 
-        Không được, tài liệu rất quý. Ta biết phải cất giấu vào rừng hoặc chôn giấu đi, để khi chiến đấu không lo mất, có phải rút lui cũng không ngại. Sau đó ta sẽ quay lại lấy.
Ông Cụ nghe xong liền kết luận:
- Các đồng chí đều nói đúng. Nếu giặc tới chúng ta phải kiên quyết chiến đấu, tài liệu cũng như sinh mệnh của ta, phải bảo vệ đến cùng. Vậy ta nên tìm cách tạm cất giấy tờ đi để khi xảy ra chiến đấu, ta loạt động được dễ dàng.
 
Chúng tôi đào một hố sâu, bỏ hòm tài liệu xuống, lấy lá khô ngụy trang. Ông Cụ lại lại bảo:
 
- Đừng 1ấp đất vội, cứ chuẩn bị sẵn, khi nào cần sẽ hay. Bây giờ, các đồng chí nên nghiên cứu cách đánh khi địch tới đây.
 
Trong lúc chúng tôi để một đồng chí cảnh giới rồi tụm lại bàn bạc cách đánh, ông Cụ lấy sách ra đọc. Khi thấy chúng lai bàn bạc xong, ông Cụ ngừng đọc, bảo tôi báo cáo lại kết quả. Nghe xong, ông cụ bảo:
 
- Được, các đồng chí chuẩn bị như vậy là tốt. Ta nhân việc này mà tập dượt cho quen, có giặc tới ta sẽ đán!
 
Khoảng gần chín giờ sáng, từ xa vọng lại một tràng tiểu liên rồi súng trường, lựu đạn liên tiếp nổ. Từ đèo đến chỗ chúng tôi, đường chim bay chỉ khoảng hơn một cây số, chúng tôi lại ở trên núi cao nên nghe rất gần.
 
Một đồng chí gác chạy tới báo với ông Cụ. Ông Cụ bảo:
 
- Tôi cũng nghe thấy rồi.
 
Nói xong, ông Cụ lại tiếp tục đọc sách.
 
Ngồi nghe súng nổ, tôi rất sốt ruột. Tôi phấp phỏng nghĩ không biết chúng có đông không, ta có thắng không? Nếu chúng tràn vào được, nhân dân ta sẽ thế nào?
 
Súng nổ dồn dập một chập rồi thưa dần, sau đó im bặt. Ông Cụ đặt sách, vẻ vui mừng hiện trên nét mặt. Chúng tôi thầm thì phán đoán. Như biết được ý nghĩ của chúng tôi, ông Cụ bảo:
 
- Chắc là thắng rồi, vì những tiếng súng về sau mỗi lúc một xa. Vả lại, trận này ta nắm rõ địch, ta lại chủ động từ đầu.
 
Đúng vậy, đến quá mười một giờ, có tiếng hú từ dưới cơ quan vọng lên. Đó là mật hiệu liên lạc. Lát sau một đồng chí lên báo cáo là quân ta đã đánh tan cánh phỉ đó và thu được nhiều vũ khí.
 
Ông Cụ chỉ thị cho chúng tôi trở về, trong lúc về vẫn phải xoá dấu vết để giữ bí mật.
 
Hôm ấy, chỉ trong mấy giờ buổi sáng mà chúng tôi đã học được ở Cụ nhiều điều về chuẩn bị hành quân, công tác bí mật trong lúc hành quân, cách phán đoán, xử trí tình hình và dân chủ trong công tác quân sự. Ông Cụ đã dạy cho chúng tôi những bài học thực tế sâu sắc.
 
Chiều hôm ấy, tôi xuống làng để nghe ông chí Đường hướng dẫn học tài liệu như thường lệ. Tới nơi, một tin làm tôi sửng sốt: đồng chí Đường đã hy sinh trong trận diệt phỉ vừa rồi. Đau xót quá tôi chạy thẳng về cơ quan và không sao nén nổi cảm xúc. Tôi bỏ bữa cơm chiều nằm dài trong lán.
 
Gần tối, đồng chí Định tới thăm, bảo tôi:
 
- Ông Cụ bảo mình tới kể cho đồng chí nghe về gương chiến đấu của đồng chí Đường đây.
 
Tôi vội ngồi dậy, lắng nghe, đồng chí Trần Định nói:
 
-        Ông Cụ dặn đồng chí là: thương đồng chí mình thì phải noi gương chiến đấu của đồng chí ấy. Đồng chí là một người cộng sản tốt đấy!
 
Tôi hứa với đồng chí Định là sẽ học tập, theo gương đồng chí Đường.
 
Đồng chí Định cũng cho tôi biết là đồng chí sẽ thay đồng chí Đường giúp đỡ tôi về các mặt công tác và học tập. Biết là đoàn thể đã phân công đồng chí Định dìu dắt tôi thay đồng chí Đường, tôi chân thành nhận sự dìu dắt ấy.
 
Thật không ngờ, mãi tới khi Chính phủ lâm thời thành lập, tôi mới được biết ông Cụ là Hồ Chủ tịch, là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
 

Theo sách Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (tập I), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2015

Các bài viết khác

Xuân về nhớ thơ Bác
11/02/2024
81 lượt xem
Mùa Xuân nghĩ về Đảng
08/02/2024
54 lượt xem
"Chỉ sợ lòng dân không yên"
16/03/2023
929 lượt xem
Nơi yên nghỉ của Bà Nội Bác Hồ
25/09/2022
3.300 lượt xem
Quê hương vọng mãi lời Người
14/06/2022
1.076 lượt xem
Bác Hồ với quê hương Nam Đàn
03/09/2021
3.338 lượt xem
Mua vé trực tuyến
Đặt vé ngay
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin

Gửi